Introduction
Tuy nhiên, việc học và nhớ từ vựng là một việc không đơn giản khi có nghiên cứu đã chỉ ra rằng, sau khi học từ 1-2 ngày, người học có thể quên từ 0 đến 73% lượng kiến thức (Will Thalheimer, 2010). Nói cách khác, việc bổ sung thêm từ vựng mới là quan trọng, nhưng việc lưu giữ lại các từ đó để sử dụng lại càng quan trọng trọng hơn.
Đã có rất nhiều bài viết tổng hợp các phương pháp ghi nhớ từ vựng khác nhau như Học từ vựng tiếng Anh bằng phương pháp truy hồi kiến thức của tác giả Trang Nguyễn hay Học từ vựng bằng phương pháp lặp lại ngắt quãng - Spaced Repetition của tác giả Chu Minh Thùy.
Tuy nhiên, các phương pháp này đều diễn ra SAU khi người học đã học qua từ vựng và muốn ghi nhớ chúng, mà không chú ý nhiều đến trải nghiệm lần đầu tiên của người học khi tiếp cận từ vựng mới. Để giải quyết hạn chế này, bài viết sau sẽ giới thiệu đến người đọc một vài phương pháp để ghi nhớ từ vựng tốt hơn tại thời điểm tiếp cận từ vựng đó, nhằm giúp quá trình học và lưu trữ từ vựng diễn ra một cách hiệu quả hơn.
Key takeaways |
---|
|
Các phương diện của việc học từ vựng
Kiến thúc về dạng từ (chính tả và phát âm)
Về nghĩa
Và về cách sử dụng (sử dụng khi nào và như thế nào)
Kiến thức về hình thức của từ (chính tả và phát âm)
Việc ghi nhớ các nội dung này là một việc làm khó, nó trở nên đặc biệt thử thách hơn nếu từ vựng đó có phát âm không giống với cách viết (genre, mature, …) hoặc có những từ vựng nhìn rất tương đồng nhưng lại khác nhau (experience/experiement, …), hoặc các từ vựng có cùng cách viết nhưng phát âm lại hoàn toàn khác nhau (ví dụ như chữ cái “au” trong từ aunt được phát âm là /ɑː/ hoặc /æ/, nhưng trong từ lauch lại được phát âm là /ɔː/).
Ý nghĩa, cách sử dụng
Ngoài ra, việc học từ vựng còn liên quan đến việc học thêm các từ đi kèm với chúng (collocation). Ví dụ trong tiếng Anh, việc TẬP thể dục sẽ là “do exercise”, hoặc LÀM bài tập về nhà cũng là “do homework”. “Fast food” nghe rất dễ hiểu nhưng “quick food” thì không.
Thậm chí, có những từ vựng có nghĩa rất đơn giản (corner = góc) nhưng khi được sử dụng với một vài từ khác cụ thể, chúng lại thay đổi nghĩa hoàn toàn (cut corners = cắt giảm), một ví dụ khác là make the bed là dọn dẹp giường ngủ, không phải tạo hay thiết kế một cái giường mới.
Các nội dung trên cho thấy việc học 1 từ mới hoàn toàn không đơn giản, người học sẽ phải chú ý đến rất nhiều khía cạnh khác nhau của từ vựng. Việc ghi nhớ từ vựng sẽ càng trở nên thử thách hơn nếu người học cố gắng tiếp cận quá nhiều từ vựng mới tại cùng một thời điểm. Vì vậy, người học không nên cố gắng bổ sung quá nhiều từ vựng trong 1 ngày, hay trong 1 bài đọc, mà chỉ nên tiếp cận số lượng từ vừa đủ và học nhiều khía cạnh khác nhau của từ vựng đó để có sự hiểu biết sâu sắc hơn về từ vựng đó.
Cũng vì lí do trên, nên khi lựa chọn các bài đọc hoặc nghe (2 nguồn chủ yếu để bổ sung từ vựng mới), người đọc không nên sử dụng các nội dung quá khó so với trình độ của mình, hay chứa quá nhiều từ vựng mới. Điều này sẽ khiến cho người học cảm thấy bị choáng ngộp, làm cho quá trình học từ vựng trở nên càng thử thách và khó khan hơn. Zwier & Boers (2022) đã chỉ ra rằng một bài đọc chỉ nên chứa tối đa 8% từ vựng mới để việc học từ vựng diễn ra một cách hiệu quả nhất.
Các phương pháp lưu trữ từ vựng
Kết nối với hình ảnh, các đối tượng, sự kiện, ngôn ngữ gốc
Những người học ngôn ngữ thường tự nhiên tạo ra các liên kết với các từ mới học ngoài sự tương ứng về hình thức và ý nghĩa cơ bản của chúng. Đây có thể là những liên tưởng với những thứ bên ngoài ngôn ngữ (hình ảnh, cảm xúc, kỉ niệm, …), chẳng hạn như khi người học liên tưởng đến hình ảnh đồ trang trí Halloween liên quan đến từ “pumpkin” (bí ngô).
Sự liên kết này còn có thể đến từ ngôn ngữ mẹ đẻ của người học. Hay nói cách khác, người học cũng có xu hướng liên kết các từ tiếng Anh mới học với những từ vựng trong tiếng Việt. Người học có thể hình thành sự liên kết này khi nhận ra từ có cùng một gốc từ.
Ví dụ như người học tiếng anh có thể nhận thấy từ “shoot” trong tiếng Anh gần tương đồng với từ “sút” trong tiếng Việt. Hoặc thậm chí khi các từ vựng này không có cùng một nghĩa, sự liên kết này vẫn được tạo ra. Ví dụ khi người học nhận ra khi từ “photo” (danh từ: bức ảnh) trong tiếng Anh không cùng nghĩa với từ “phô-tô-cô-pi” (động từ: sao chép tài liệu).
Kết nối với từ đã biết trước
Khi người học bổ sung thêm kiến thức trong ngôn ngữ thứ 2, sự liên kết còn có thể được tạo ra từ các từ vựng mà người học đã biết trong ngôn ngữ này. Ví dụ, người học có thể thiết lập mối liên hệ giữa danh từ “blind” (màn che cửa sổ) và tính từ “blind” (mù, không thể nhìn thấy), bởi vì việc đóng rèm ngăn cản mọi người nhìn qua cửa sổ.
Người học có thể nhận thấy ý nghĩa của động từ “shoulder” (chịu trách nhiệm, gánh vác một việc gì đó) và tự hỏi liệu điều này có liên quan đến việc sử dụng phổ biến hơn của từ vai để chỉ một bộ phận cơ thể (ví dụ như đặt một cái gì đó lên vai). Khi kiến thức về từ vựng trong ngôn ngữ thứ 2 của một người mở rộng, các liên kết cũng sẽ trở nên rõ ràng hơn trong các từ ghép.
Ví dụ, khi học về danh từ “homeowner” (người sở hữu nhà), người ta có thể nhận ra điều này bao gồm home (cái nhà) + owner (người sở hữu), và sau đó người ta có thể liên tưởng đến hình ảnh một người mà sở hữu một căn nhà.
Dù sự hiệu quả của mỗi sự liên kết như trên còn đang được tranh cãi, đã có nghiên cứu chứng minh tất cả những kiểu liên kết này có thể giúp người học ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả (Zwier & Boers; 2022). Vì vậy, ngược học được khuyến khích nên cố gắng tạo ra các sự liên kết như thế này thay vì chỉ học nghĩa của một từ mới.
Sau đây, bài viết sẽ giới thiệu một vài phương pháp được nêu ra trong sách “English L2 Vocabulary Learning and Teaching” (Zwier & Boers; 2022) có thể giúp người học hình thành sự kết nối giữa các từ vựng mới với các khía cạnh ngôn ngữ khác hoặc thậm chí bên ngoài ngôn ngữ, nhằm giúp việc lưu trữ từ vựng hiệu quả hơn.
Hình thành liên kết giữa tiếng Việt và tiếng Anh
Như đã nói ở trên, người học có xu hướng liên kết các nội dung mới học với ngôn ngữ mẹ đẻ của mình. Việc so sánh với cách diễn đạt trong tiếng Việt có thể giúp tăng cường sự nhận diện đối với cách diễn đạt trong tiếng Anh. Đôi khi, việc này có thể khiến người học nhận ra tiếng Việt thiếu từ để diễn đạt nội dung đó trong tiếng Anh.
Ví dụ, không có từ tiếng Việt có thể diễn đạt sát nghĩa của tính từ “efficient” trong tiếng Anh (hiệu quả và không lãng phí thời gian, tiền bạc, hoặc tài nguyên). Ngoài ra, việc so sánh Việt-Anh còn giúp người học nhận ra có một vài từ đồng âm nhưng cách sử dụng lại không tương đồng trong 2 ngôn ngữ. Ví dụ như từ “tuýp” trong tiếng Việt khác hoàn toàn so với từ ”type” trong tiếng Anh.
Các sự khác nhau về collocation (sự kết hợp từ) cũng có thể được tạo ra khi người học so sánh Việt-Anh. Ví dụ, trong tiếng Việt, người ta “ăn sáng”, nhưng lại là “have a breakfast” trong tiếng Anh. Hay thành ngữ “như nước với lửa” trong tiếng Việt sẽ được diễn đạt thành “like oil and water” trong tiếng Anh.
Việc tạo ra sự liên kết với tiếng Việt có thể giúp người học có thêm nhiều thông tin để ghi nhớ về từ vựng mới học. Kể cả đó là sự liên kết tương đồng (các từ sử dụng đồng nghĩa với nhau như film/phim, golf/gôn, …) hay khác biệt (các trường hợp kể trên), các sự liên kết này vẫn có thể hỗ trợ người học ghi nhớ thông tin một cách hiệu quả hơn.
Hình thành liên kết giữa các từ trong tiếng Anh
Từ mới và từ đã biết
Ngoài sự liên kết với ngôn ngữ mẹ đẻ, các từ vựng trong ngôn ngữ thứ 2 cũng có thể sử dụng để hình thành ra sự liên kết về từ vựng. Như có nói ở trên, khi vốn từ trong tiếng Anh của người học rộng hơn, việc so sánh từ vựng mới và cũ, đặc biệt là các từ vựng có sự tương đồng nhất định, là rất quan trọng.
Ví dụ khi học từ “furious”, người học sẽ có thể thấy nó mang sắc thái nghĩa cụ thể hơn nhiều so với từ “angry”. Tương tự, “drenched” cụ thể hơn so với “wet”, hay “astounded” biểu thị nhiều hơn so với chỉ “surprised”. Việc so sánh như vậy giúp người học nhận ra được hoàn cảnh sử dụng của cả 2 từ vựng.
Ví dụ, “tall” sẽ chỉ về chiều cao trong khi “big” nói về kích cỡ nói chung, hay “infant” là một đứa trẻ sơ sinh còn “child” thì chỉ một đứa trẻ, chưa thành người lớn. Ngoài ra, việc lựa chọn từ vựng căn cứ vào cảm xúc của người sử dụng cũng là một yếu tố nên được quan tâm. Ví dụ, sử dụng “frugal” để khen một người tiết kiệm nhưng sử dụng “stingy” để chê một người keo kiệt, hay sử dụng “passed away” là cách nói giảm nói tránh của “dead”.
Từ hiếm và phổ biến
Thông thường, một từ ít phổ biến hơn (infant) sẽ được sử dụng để so sánh với một từ thường dùng hơn (child) và có ý nghĩa rộng hơn. Tuy nhiên, việc so sánh cũng có thể diễn ra theo chiều ngược lại, có nghĩa là một từ vựng với nghĩa rộng hơn cũng có thể được so sánh với các từ nghĩa hẹp hơn. Ví dụ, từ vựng “amphibian” (động vật lưỡng cư) có thể được sử dụng để liên kết với từ chỉ động vật cụ thể hơn như “frogs” (con ếch) hay “salamanders” (kỳ nhông).
Cả 2 cách so sánh trên không chỉ giúp người học ghi nhớ được từ vựng mới vừa gặp, mà là còn một phương pháp sử dụng để ôn luyện lại các từ vựng đã học. Từ đó tạo ra hiệu quả tốt hơn cho quá trình học và lưu trữ từ vựng.
Xây dựng sự liên kết giữa các ý nghĩa của một từ
Từ đa nghĩa (Polysemy) là từ hoặc cụm từ có nhiều hơn một nghĩa và những ý nghĩa này có liên quan đến nhau trên một góc độ nào đó. Tuy nhiên, mức độ thông dụng của từng nghĩa cụ thể là khác nhau. Ví dụ, động từ “click” được thường xuyên sử dụng với nghĩa “bấm, nhấn” hơn rất nhiều so với nghĩa “bỗng nhiên trở nên rõ ràng và dễ hiểu”.
Vì lý do này, nếu gặp một từ mà thiếu thông tin về ngữ cảnh, chúng ta thường sẽ nghĩ đến nghĩa thông thường của nó hơn là các nghĩa ít gặp (ví dụ như khi gặp từ “shoot”, hầu hết mọi người sẽ nghĩ về “shoot a gun” (bắn súng) thay vì là “shoot a movie” (quay phim).
Vì vậy, việc bắt gặp một từ mới mà được sử dụng với một ý nghĩa ít gặp hơn là một cơ hội để người học có thể so sánh chúng với cách diễn đạt thông thường mà mình đã biết. Việc kết nối lại nghĩa mở rộng của một từ với nghĩa thông dụng của nó cũng tạo ra một khả năng hình ảnh nhất định cho nghĩa mở rộng, điều này làm cho nó dễ nhớ hơn
Nguyên gốc của từ
Có nghiên cứu chỉ ra rằng việc học nguồn gốc của một cách diễn đạt (về hoàn cảnh mà từ đó đã hoặc đang đước sử dụng) có thể cải thiện khả năng lưu trữ từ vựng. Việc này giúp người học có thể dễ dàng tìm kiếm thông tin liên quan về nguồn gốc của một số lượng lớn thành ngữ.
Ví dụ, thành ngữ “cost an arm and a leg” (tốn một bàn tay và một cái chân) được sử dụng để diễn đạt một việc gì đó mà tốn kém rất nhiều tiền. Thành ngữ này có nguồn gốc từ giữa thế kỷ 20 ở nước Mỹ, khi mà chi phí để vẽ chân dung toàn thân (bao gồm cả tay và chân) thì rất đắt đỏ.
Ngoài thành ngữ, việc xác định được nguồn gốc của một từ vựng cũng có thể giúp quá trình ghi nhớ từ vựng này trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như từ “kidnap” (bắt cóc) được hình thành bởi 2 từ “kid” (đứa trẻ) và nap (lấy đi). Cũng vì lí do này mà hiện tại có khá nhiều trang web cung cấp thông tin về nội dung này (phrases.org.uk), người học được khuyến khích nên tìm hiểu thêm về nguồn gốc của từ, đặc biệt là cách thành ngữ, để hỗ trợ cho quá trình lưu trữ từ vựng.
Kết hợp từ vựng
Việc học từ theo cụm là một trong những phương pháp hiệu quả để cải thiện từ vựng. Các cụm từ khi được kết hợp theo phép điệp âm để tạo ra thông điệp bắt tai hơn thường sẽ dễ ghi nhớ hơn. Ví dụ, “done deal” (điệp âm /d/) thường được sử dụng hơn “a completed deal”.
Vì lí do này, các bộ phim (Fast and Furious, Guardians of the Galaxy, ...) hay tên các nhân vật (Mickey Mouse, Donald Duck, ...) hoặc công ty (BestBuy, Amazon) thường sử dụng sự kết hợp bắt tai này để gia tăng mức độ ghi nhớ đối với đối tượng mà họ nhắm đến. Do đó, người học cũng có thể học từ mới thông qua các sự kết hợp này vì sự hài hòa về âm thanh giúp chúng trở nên dễ ghi nhớ hơn (e.g., Eyckmans & Lindstromberg, 2017).
Phát âm đặc biệt
Có khá nhiều từ vựng trong tiếng Anh có phát âm không giống với lại cách viết của chúng. Ví dụ với một vài từ có âm câm (có chữ cái không được phát âm) như chữ cái /k/ trong từ “know” hay âm /s/ trong “island”. Hay các âm bị “nuốt” mất khi phát âm, như âm thứ 2 của từ “history” hoặc “interesting”. Việc ghi chú lại các đặc điểm phát âm có thể tạo cho người học kí ức chi tiết hơn về từ vựng.
Một nội dung khác người học có thể lưu ý là so sánh cách phát âm của từ mới với một từ vựng có cách viết tương đồng. Có trường hợp cùng một cách viết nhưng các từ vựng đó lại có cách phát âm khác nhau, như -ough trong through, thought, though, và plough. Cũng có trường hợp mặc dù cách viết khác nhau nhưng phát âm lại gần tương đồng, như từ “comb” và “home”.
Sử dụng hình ảnh
Có một niềm tin phổ biến rằng học từ mới kết hợp với hình ảnh sẽ có lợi cho việc ghi nhớ—ít nhất là nếu hình ảnh được chọn phù hợp và rõ ràng. Việc này đặc biệt hiệu quả nếu như từ đó có ý nghĩa mơ hồ hoặc dài dòng. Ví dụ như từ “dilemma” (hoàn cảnh mà một người đối mặt với 2 sự lựa chọn khó khăn) có thể được miêu tả bằng một hình ảnh một người ở một ngã 3 đường với 2 ngã rẽ phía trước. Việc gắn từ mới với một hình ảnh tương ứng có thể tăng cường trí nhớ của người học đối với từ vựng đó.
Nguồn: https://images.app.goo.gl/iq2KEogctRpNqFtV7
Tuy nhiên, người học cần lưu ý phương pháp này có thể không hiệu quả hoặc gây nhầm lẫn. Ví dụ như hình ảnh đưa một bóng đèn màu xanh cho ai đó không thể thể hiện sát nghĩa cụm “give a green light” (cho phép/bật đèn xanh cho ai đó). Vì vậy, người học cần lưu ý cần kết hợp song song việc học từ vựng bằng hình ảnh với ý nghĩa của chúng.
Học theo cấu trúc của từ vựng
Một từ vựng có thể được cấu thành từ nhiều thành phần khác nhau, và việc hiểu từng phần của từ có thể giúp việc học từ vựng trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như các từ vựng được hình thành từ gốc từ multi- có thể sử dụng để chỉ các từ mang ý nghĩa đa dạng, nhiều (multiculture, multilingual, …). Người học có thể tham khảo thêm nội dung này ở đây: Học từ vựng thông qua gốc từ - Gốc từ Form
Kết luận
Tuy các phương pháp trên đã được chứng minh là có hiệu quả nhất định trong việc lưu trữ từ vựng, mức độ hiệu quả sẽ thay đổi tùy vào kiến thức nền (kiến thức xã hội, ngôn ngữ gốc, môi trường sống, …) của người học. Vì vậy, người học cần tránh việc áp đặt bản thân học theo một phương pháp cụ thể nào đó mà không mang lại kết quả, thay vào đó nên linh hoạt áp dụng các phương pháp trên vào các loại từ mà họ học để đảm bảo hiệu quả cao nhất.
Reference
Eyckmans, J., & Lindstromberg, S. (2017). The power of sound in L2 idiom learning. Lan[1]guage Teaching Research, 21 (3), 341–361. https://doi.org/10.1177/1362168816655831
Nation, I. S. P. (2013). Learning vocabulary in another language (2nd ed.). Cambridge University Press.
Thalheimer, W. (2010, April). How Much Do People Forget? Retrieved November 31, 2011, from http://www.work-learning.com/catalog.html
Zwier, L.J., & Boers, F. (2022). English L2 Vocabulary Learning and Teaching: Concepts, Principles, and Pedagogy (1st ed.). Routledge. https://doi.org/10.4324/9781003172994