Trong bài thi IELTS Speaking, để đạt được band điểm cao, ngoài việc trả lời đầy đủ ý, đúng ngữ pháp và đa dạng về từ vựng, thí sinh còn cần lưu ý đến độ tự nhiên trong câu trả lời của mình. Có thể nói đây là mấu chốt giúp tối ưu hoá điểm IELTS Speaking của thí sinh, đồng thời cải thiện kỹ năng nói tiếng Anh trong giao tiếp hàng ngày. Việc cải thiện tính tự nhiên giúp ích trong việc nâng band điểm bài thi IELTS bởi “tính tự nhiên được vận dụng hợp ngữ cảnh” là yếu tố được xét cho hai tiêu chí là Lexical Resource và Grammar range and Accuracy trong tiêu chí chấm điểm (Band Descriptor). Bài viết dưới đây tác giả sẽ đưa ra những lỗi thí sinh thường mắc phải khiến bài thi IELTS Speaking thiếu tự nhiên và đưa ra các giải pháp nhằm cải thiện những vấn đề đó để tăng độ tự nhiên trong bài thi.
Key takeaways
Tính tự nhiên trong bài thi IELTS là một trong những mấu chốt giúp thí sinh nâng band điểm IELTS Speaking được xét trong hai tiêu chí là Lexical Resource và Grammar range and Accuracy trong tiêu chí chấm điểm (Band Descriptor)
Những lỗi thường gặp khiến bài thi IELTS Speaking thiếu tự nhiên: học thuộc lòng câu trả lời; lạm dụng từ nối; sử dụng nhiều từ vựng nâng cao và hoa mỹ
Sử dụng ngôn ngữ chức năng (functional language) dưới dạng trình bày về trải nghiệm bản thân; đưa ra ý kiến cá nhân; suy đoán về tương lai; thể hiện sự đồng ý/không đồng ý; sử dụng câu hỏi tu từ với mục đích nêu rõ quan điểm của cá nhân trong câu trả lời; sử dụng collocation và discourse marker (từ nối) nhằm tăng tính tự nhiên trong bài nói
Điều chỉnh tốc độ nói phù hợp, thể hiện chuyển động cơ thể, chú ý đến ngữ điệu khi nói và luyện tập nhiều trước khi tham dự kỳ thi IELTS Speaking
Những sai lầm thường gặp khiến bài thi IELTS Speaking mất tính tự nhiên
Học nhớ lòng câu trả lời
Nhiều thí sinh thường hay chuẩn bị trước câu trả lời cho bài thi IELTS Speaking trước khi tham dự kỳ thi và học thuộc lòng các câu trả lời đó. Tuy nhiên trong thực tế, giám khảo chấm thi IELTS Speaking có đủ kinh nghiệm để nhận ra thí sinh có đang sử dụng những câu trả lời đã học thuộc lòng hay không (với các dấu hiệu như nói không tự nhiên, nói nhanh, giọng đều,...).
Vì vậy, đây là một trong những lỗi thường gặp của thí sinh gây mất điểm trong phần thi IELTS Speaking cũng như khiến câu trả lời thiếu tự nhiên.
Lạm dụng từ nối
Những từ nối hay liên từ (ví dụ: however; for example; on the other hand;...) nhằm chức năng liên kết giữa các câu trong đoạn hoặc mệnh đề thường được thí sinh đưa vào câu trả lời trong bài thi IELTS Speaking nhằm giúp câu trả lời tăng tính chặt chẽ và logic. Tuy nhiên, việc lạm dụng hay đưa các từ nối này vào câu trả lời với mật độ dày đặc sẽ khiến câu trả lời sẽ không còn tự nhiên, thậm chí còn gây mất điểm của bài thi vì hiện tượng lặp từ. Bên cạnh đó, có nhiều liên từ như: “furthermore”, “moreover” hay “in addition” mang tính chất trang trọng và thường được dùng trong văn viết thay vì văn nói, việc sử dụng những từ này trong câu trả lời của bài thi IELTS Speaking sẽ khiến phần trình bày kém tự nhiên.
Sử dụng quá nhiều từ vựng phức tạp và hoa mỹ
Đối với nhiều người học IELTS, có một quan điểm tương đối phổ biến là chỉ cần sử dụng những từ vựng nâng cao hoặc hoa mỹ sẽ khiến bài thi IELTS Speaking đạt điểm cao hơn. Bởi những từ ngữ này được hiểu là những từ ngữ phức tạp, ít người học biết đến và được cho rằng sẽ giúp câu trả lời thêm ấn tượng và hay hơn. Quan điểm này dẫn đến thực trạng nhiều thí sinh cố gắng học các từ vựng khó để gây ấn tượng với giám khảo. Tuy nhiên, việc sử dụng quá nhiều từ vựng nâng cao (Advanced vocabulary) hoặc từ vựng hoa mỹ sẽ khiến bài nói trở nên không tự nhiên, đôi khi sử dụng không đúng ngữ cảnh có thể khiến bài thi bị mất điểm, thậm chí khi cố gắng sử dụng những từ vựng nâng cao mà thí sinh không hiểu rõ nghĩa, điều này sẽ khiến thí sinh mắc lỗi và mất điểm trong bài thi.
Cách tăng tính tự nhiên trong phần thi IELTS Speaking
Sử dụng ngôn ngữ chức năng (functional language)
Ngôn ngữ chức năng là các từ/cụm từ được sử dụng để diễn đạt chức năng của ngôn ngữ, giúp thí sinh truyền đạt và sắp xếp các suy nghĩ, ý tưởng một cách cụ thể, giúp cho phần trình bày của thí sinh được tự nhiên, trôi chảy và mạch lạc trong bài thi nói IELTS. Việc sử dụng chính xác ngôn ngữ chức năng giúp thí sinh truyền đạt ý tưởng một cách rõ ràng và tự nhiên hơn, dẫn đến kết quả bài thi tốt hơn cũng như giúp câu trả lời thể hiện đầy đủ vốn từ vựng.
Ví dụ, người nói muốn thể hiện nỗi buồn hoặc một điều không may, có thể sử dụng trạng từ “unfortunately” (không may mắn) để bắt đầu câu, hoặc muốn bày tỏ quan điểm của bản thân, người nói có thể sử dụng cụm từ “I personally feel that…” (cá nhân tôi cảm thấy rằng…) để thể hiện ý kiến cá nhân sắp đưa ra. Một số những cụm từ trong ngôn ngữ chức năng người nói có thể sử dụng nhằm tăng tính tự nhiên trong bài nói như sau:
Trình bày về trải nghiệm cá nhân (personal experiences)
“I once…” (Tôi đã một lần…)
“I remember when…” (Tôi nhớ khi…)
“Back when I was…” (Trở lại khi tôi…)
“I don’t remember exactly when, but…” (Tôi không nhớ chính xác khi nào nhưng,...)
Bày tỏ ý kiến cá nhân
“I believe…” (Tôi tin rằng…)
“In my opinion…” (Theo ý kiến của tôi…)
“It seems to me that…” (Dường như với tôi rằng…)
“From my perspective…” (Từ quan điểm của tôi…)
“As I see it…” (Như tôi thấy…)
Dự đoán về tương lai
“I’d say…” (Tôi đoán…)
“I guess…” (Tôi đoán…)
“Perhaps /Maybe…” (Có lẽ…)
“It’s possible…” (Có thể…)
Đồng tình
“Yes, absolutely.” (Phải, chắc chắn rồi.)
“Absolutely, I wholeheartedly agree with that.” (Chắc chắn rồi, tôi hoàn toàn đồng ý với điều đó.)
“You’re absolutely right” (Bạn hoàn toàn đúng.).
“No doubt about it.” (Không có nghi ngờ gì về điều đó.)
“Exactly.” (Chính xác.)
Không đồng ý
“I’m afraid I disagree.” (Tôi e rằng tôi không đồng ý.)
“That’s not always the case.” (Điều đó không phải lúc nào cũng vậy.)
“That’s not always true.” (Điều đó không phải lúc nào cũng đúng.)
“I’m not so sure about that.” (Tôi không chắc về điều đó.)
“I don’t think so.” (Tôi không nghĩ như vậy.)
Thể hiện sự đồng ý và không đồng ý
“Well, I can see both sides.” (Chà, tôi có thể hiểu được lý lẽ của cả hai phía.)
“I'm not sure if I agree or disagree with this.” (Tôi không chắc là tôi đồng ý hoặc không đồng ý với điều này.)
“Both sides have advantages, but I think the advantages outweigh the disadvantages.” (Cả hai mặt đều có lợi, nhưng tôi nghĩ rằng những mặt lợi vượt trội hơn so với những mặt hại.)
Sử dụng câu hỏi nhấn mạnh (Rhetorical questions)
Câu hỏi tu từ được định nghĩa là dạng câu hỏi không nhằm mục đích nhận được câu trả lời, chúng thường được sử dụng trong trường hợp cần thu hút sự chú ý của người nghe. Việc sử dụng câu hỏi tu từ rất phổ biến trong những sự kiện diễn thuyết trước công chúng (public speaking events) hoặc trong những cuộc đối thoại thông thường vì đây là công cụ giúp thu hút sự chú ý của người nghe trong cuộc đối thoại và giúp phần hội thoại thêm tự nhiên.
Ví dụ, trong bài thi IELTS Speaking chủ đề Shopping, giám khảo có thể hỏi “Do you like shopping?” (Bạn có thích đi mua sắm không?),
Thí sinh có thể áp dụng câu hỏi tu từ vào câu trả lời như sau “Yes, definitely! Well, who doesn’t like shopping? I do believe that everyone loves shopping as it’s one of the ways to relieve stress, as for me, shopping is a quick fix for my loneliness.” (Có, tất nhiên rồi! Ai mà không thích đi mua sắm chứ? Tôi tin rằng mọi người đều yêu thích việc đi mua sắm như một cách để giải toả căng thẳng, đối với tôi, đi mua sắm là một giải pháp nhanh chóng giải quyết sự cô đơn của tôi.)
Trong câu trả lời trên, phần gạch chân là ví dụ cho câu hỏi tu từ - như một phần trong câu trả lời của thí sinh, nhưng không mang nghĩa tra hỏi giám khảo và mong muốn nhận câu trả lời từ họ. Câu hỏi tu từ trong trường hợp này nhằm “make a point” hoặc “make a statement” (diễn đạt một sự việc quan trọng hoặc nêu rõ quan điểm cá nhân về việc đó) - nghĩa là không có một ai ghét việc đi mua sắm và chúng ta đều thích việc này.
Vì vậy, việc sử dụng câu hỏi tu từ trong phần trình bày sẽ giúp thí sinh làm rõ quan điểm cá nhân, tuy nhiên thí sinh không nên lạm dụng quá nhiều câu hỏi tu từ trong câu trả lời, cũng như nên gắn liền câu hỏi tu từ với chủ đề giám khảo đưa ra.
Chú ý Điệu ngữ (Intonation)
Ngữ điệu trong khi nói nhằm mô tả sự thay đổi trong cao độ của giọng nói, cụ thể là cách lên hoặc xuống giọng khi nói. Việc tìm hiểu và thực hành đúng ngữ điệu trong tiếng Anh giúp người nói thể hiện phần trình bày một cách tự nhiên hơn, khiến người nghe dễ nắm được trọng tâm của câu nói (vì chúng ta thường nhấn mạnh hoặc lên giọng khi nói đến những từ khoá) và đây cũng là một trong các yếu tố nằm trong tiêu chí chấm điểm Pronunciation (Phát âm) trong IELTS Speaking. Có thể thấy rằng ngữ điệu là một trong các thành tố cấu tạo nên tiêu chí này, xuất hiện xuyên suốt các band điểm 6.0 - 9.0, cải thiện yếu tố này có thể giúp thí sinh đạt điểm 7.0 trở lên. Việc thiếu yếu tố này dẫn đến khó khăn trong việc truyền tải ý kiến và quan điểm hoặc gây ra lỗi diễn đạt (miscommunication). Vì vậy, thí sinh nên cải thiện và chú ý đến yếu tố Ngữ điệu (Intonation) là gì – Ứng dụng để giao tiếp tiếng Anh tự nhiên giúp phần trình bày được tự nhiên hơn.
Ví dụ, thí sinh nên xuống giọng ở âm tiết cuối (hạ thấp giọng so với giọng ban đầu) trong câu trần thuật khẳng định (ví dụ: Birds can fly), câu cảm thán (ví dụ: What a beautiful day!); lên giọng (nâng cao giọng so với giọng ban đầu) ở âm tiết cuối đối với câu nghi vấn (ví dụ: Do you love me?); hoặc ngữ điệu lên xuống (lên giọng ở một số từ và xuống giọng ở một số từ) trong câu yêu cầu sự lựa chọn (Which one do you prefer, tea or coffee?) hoặc câu liệt kê (ví dụ: My family has four member, my father, my mother and I.)
Sử dụng Cụm từ điển hợp (Collocation)
Collocation được định nghĩa là “một từ hoặc cụm từ thường được sử dụng với một từ hoặc cụm từ khác” (ví dụ: pay attention; make mistake;...), trở thành thói quen và được sử dụng một cách tự nhiên trong văn nói của người bản xứ. Trong bài thi IELTS Speaking, việc sử dụng các collocations một cách chính xác và linh hoạt giúp bài nói được trôi chảy và tự nhiên hơn, tăng tính hiệu quả trong việc truyền tải ý nghĩa của câu nói. Trong tiêu chí chấm điểm Lexical Resources band 7, thí sinh được yêu cầu “uses some less common and idiomatic vocabulary and shows some awareness of style and collocation”, nghĩa là ngoài việc sử dụng những từ vựng ít phổ biến, thí sinh nên chú ý đến ngữ cảnh và collocation. Do vậy, thí sinh nên học collocation theo ngữ cảnh nhằm hiểu được nghĩa của cụm từ cũng như ghi nhớ từ vựng trong ngữ cảnh cần kết hợp, tránh kết hợp sai từ này với từ khác. Thí sinh tham khảo thêm về các dạng collocation, cách học hiệu quả và cách ứng dụng collocation theo ngữ cảnh tại Collocation là gì – Cách học collocation hiệu quả và tài liệu nên dùng.
Sử dụng Biểu hiện ngôn ngữ (Discourse marker)
Discourse marker được hiểu là các từ hoặc cụm từ hoặc dùng để kết nối, sắp xếp các ý và các câu văn, chúng hoạt động giống như từ dẫn dắt người nghe để biết thông tin nào chuẩn bị diễn ra, giúp bài bài nói lưu loát và tự nhiên hơn. Chúng ta thường thấy người bản xứ sử dụng rất nhiều các discourse markers trong các TV show hoặc các bộ phim một cách thường xuyên và đa dạng. Trong tiêu chí chấm điểm IELTS Speaking (Band Descriptor), discourse marker được giải thích trong tiêu chí Fluency and Coherence (Độ trôi chảy và mạch lạc) từ band 4 đến band 8, để đạt band 7 trở lên, thí sinh cần sử dụng đa dạng và càng nhiều từ nối khác nhau một cách hợp lý và linh hoạt. Do đó, việc học và sử dụng các discourse marker là quan trọng nếu thí sinh muốn cải thiện band điểm cũng như giúp bài nói trở nên tự nhiên hơn.
Ví dụ, trong bài thi IELTS Speaking Part 1, giám khảo có thể hỏi “Do you like tea or coffee?” (Bạn thích trà hay cà phê?), thí sinh có thể trả lời “Well, I’m a tea lover, like milk tea and green tea. To tell the truth, I usually drink a cup of tea every night before studying to keep myself mentally alert. “ (À, tôi là một người thích uống trà, như là trà sữa và trà xanh. Nói thật, tôi thường uống một tách trà mỗi tối trước khi học để giữ tinh thần tỉnh táo.) Trong ví dụ trên, những từ gạch chân được hiểu là discourse marker nhằm mở đầu cuộc hội thoại, lời nói
Đối với bài thi IELTS Speaking, một số discourse markers và cách sử dụng phổ biến mà thí sinh nên sử dụng như sau: Discourse Markers là gì và cách sử dụng hiệu quả trong IELTS Speaking.
Hạn chế nói nhanh quá
Nhiều thí sinh nghĩ rằng nói nhanh sẽ khiến họ nói giống như người bản xứ, nhưng thực tế, nói quá nhanh sẽ làm cho họ khó tạo ra khoảng trống cho ngữ điệu, nhấn mạnh và có thể khiến giám khảo bỏ lỡ những từ vựng quan trọng mà thí sinh đề cập trong câu trả lời. Vì vậy, thí sinh cần điều chỉnh tốc độ phù hợp để có thể sử dụng ngữ điệu và nhấn mạnh vào những từ quan trọng để bài nói trở nên tự nhiên hơn.
Thể hiện sự Chuyển động của cơ thể
Mặc dù không phải là yếu tố được đánh giá trực tiếp trong band điểm IELTS Speaking, nhưng các chuyển động cơ thể như ánh mắt, cử chỉ tay sẽ làm cho bài nói của thí sinh trở nên tự nhiên hơn. Ví dụ, trong phần thi IELTS Speaking part 2, thí sinh nên vừa nhìn vào ghi chú vừa nhìn giám khảo khi nói, tránh việc chỉ nhìn vào ghi chú và đọc, điều này có thể khiến giám khảo nghĩ rằng bạn đang đọc thuộc.
Luyện tập nhiều nhất có thể
Cuối cùng, thí sinh cần luyện tập nhiều nếu muốn câu trả lời nghe tự nhiên hơn. Việc luyện tập là yếu tố quan trọng mà thí sinh cần chú ý trước khi bước vào kỳ thi IELTS vì luyện tập nhiều là con đường bền vững nhất giúp chúng ta đạt được kết quả tốt nhất trong bài thi. Khi thí sinh chuẩn bị tốt, việc nói trước ban giám khảo trong phòng thi sẽ trở nên ít căng thẳng và tự tin hơn.