Nghe hiểu tiếng Anh là quá trình nghe và hiểu ý nghĩa thông tin. Một trong những khó khăn của việc nghe hiểu đối với người mới bắt đầu học chính là vấn đề phân tách từ vựng (word segmentation hay speech segmentation), khi người học không thể nhận diện được các từ vựng trong câu khi nghe. Vấn đề này cũng có thể làm khó người học khi làm bài thi IELTS Listening nếu họ không thể nhận diện và hiểu được từ vựng trong bài. Vậy nên, bài viết này sẽ giới thiệu hai phương pháp để người học cải thiện vấn đề này và cách nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe tiếng Anh hoặc làm phần IELTS Listening.
Key takeaways
Nguyên nhân của vấn đề phân tách từ vựng là do não bộ cần chia nhỏ một câu nói thành từng từ vựng riêng biệt để hiểu được ý nghĩa của từng từ khi nghe. Cơ chế này có thể được cải thiện khi người học nâng cao tần suất lắng nghe tiếng Anh, thông qua phương pháp lắng nghe thụ động, hoặc xem phim tiếng Anh với phụ đề.
Lắng nghe thụ động là khi người học lắng nghe tiếng Anh như âm thanh nền mà không cần hiểu hết nghĩa của những từ vựng được nói. Người học có thể lắng nghe thụ động khi làm việc nhà hoặc tập thể dục, nhưng cần tập trung vào nội dung nghe.
Xem phim tiếng Anh với phụ đề là khi người học xem phim tiếng Anh và bật phụ đề tiếng Anh, để tập nhận diện những từ vựng được nghe. Người học được khuyến khích xem phim hoạt hình và TV show, và dừng phim mỗi 2 đến 3 phút để nghe và lặp lại đoạn hội thoại.
Thách thức phân biệt từ vựng khi nghe
Giới thiệu vấn đề này
Nguyên nhân đằng sau vấn đề phân tách từ vựng khi nghe là do não bộ cần phân tách một câu thành từng từ vựng riêng biệt khi nghe một câu tiếng Anh (Saffran và cộng sự, 607). Vấn đề này chỉ xuất hiện trong quá trình nghe tiếng Anh chứ không xuất hiện trong quá trình đọc tiếng Anh.
Xét ví dụ sau:
Một câu trong bài đọc: “The cat goes meow meow.”
Bước 1: Não bộ tiếp nhận và nhận diện từ vựng: “the cat”, “goes”, “meow meow”
Bước 2: Não bộ xử lý ý nghĩa của từng từ vựng để hiểu câu
Một câu trong bài nghe: “The cat goes meow meow.”
Bước 1: Não bộ tiếp nhận: “Thecatgoesmeowmeow.”
Bước 2: Não bộ thêm dấu cách giữa các từ: “The_cat_goes_meow_meow.”
Bước 3: Não bộ nhận diện từ vựng: “the cat”, “goes”, “meow meow”
Bước 4: Não bộ xử lý ý nghĩa của từng từ vựng để hiểu câu
Thông qua ví dụ trên, có thể thấy rằng, vì ngôn ngữ nói không hề ngưng nghỉ giữa các từ vựng trong câu, não bộ cần thực hiện thêm một quá trình là thêm dấu cách giữa các từ để phân tách chúng ra, trước khi não bộ có thể xử lý ý nghĩa của câu. Chính vì quá trình này, người mới bắt đầu học tiếng Anh có thể gặp nhiều khó khăn trong quá trình nghe hiểu.
Cơ chế để nâng cao kỹ năng nhận biết từ vựng khi nghe
Để cải thiện vấn đề phân tách từ vựng, người học cần tăng tần suất lắng nghe tiếng Anh. Khi nghe tiếng Anh, não bộ sẽ nghe từng âm vị (phoneme) của một từ vựng trước, và sau đó mới ghép chúng lại thành một từ.
Ví dụ, khi nghe từ “cat”, não bộ sẽ nghe lần lượt ba âm vị là /k/, /æ/, /t/, (hay “c”, “a”, “t). Sau đó, não bộ mới ghép các âm vị lại với nhau để tạo nên từ “cat”.
Như vậy, khi người học lắng nghe tiếng Anh nhiều hơn, não bộ sẽ dần quen và nhận diện được những âm vị mà thường xuất hiện cùng nhau để tạo nên một từ trong câu (Saffran và cộng sự, 609). Vì vậy, khi gặp những âm vị này ở những lần nghe sau, người học có thể nhận diện được những từ vựng này dễ dàng và nhanh chóng hơn.
Phương pháp để tăng cường khả năng nhận diện từ vựng
Nghe và tiếp thu
Phương pháp lắng nghe thụ động là khi người học lắng nghe tiếng Anh như âm thanh nền mà không cần hiểu hết nghĩa của những từ vựng được nói. Mục đích của phương pháp này là để giúp cho người học làm quen với nhịp điệu và các âm thanh đặc trưng của tiếng Anh trong ngôn ngữ nói, để từ đó xây dựng một nền tảng các âm vị và từ vựng thường gặp trong ngôn ngữ này. Kiến thức này sẽ giúp người học phát triển kỹ năng nhận diện từ vựng sau này. Một nghiên cứu của Frank và cộng sự (3) đã cho thấy rằng, kể cả khi người học không có thông tin gì về ngôn ngữ được nghe như ngữ cảnh hay ngữ nghĩa của các từ vựng, họ vẫn có thể phân tách và nhận diện được từ vựng nếu lắng nghe đủ nhiều. Phương pháp lắng nghe thụ động sẽ phù hợp với những người mới bắt đầu học tiếng Anh và chưa có nhiều tiếp xúc với ngôn ngữ này (Kurkela và cộng sự, 2019).
Khi sử dụng phương pháp lắng nghe thụ động, người học có thể lắng nghe tiếng Anh khi đang những việc khác như làm việc nhà hay tập thể dục. Người học cũng có thể ghi chép xuống những từ vựng mà mình có thể nghe được nếu muốn. Điều quan trọng để sử dụng phương pháp này một cách hiệu quả là người học phải giữ một mức độ tập trung nhất định vào nội dung đang nghe, kể cả khi người học đang làm việc khác hoặc khi không hiểu hết nghĩa của từ vựng đang nghe (Toro và cộng sự, 32). Vì vậy, người học chỉ nên làm những hoạt động nhẹ nhàng và không đòi hỏi quá nhiều sự tập trung khi luyện nghe thụ động. Qua thời gian, người học sẽ dần làm quen được với âm điệu và cách phát âm của tiếng Anh, và từ đó, nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe.
Một số bài nghe mà người học có thể sử dụng để lắng nghe thụ động là:
Chương trình podcast của Listening Time
Truy cập: https://listening-time.simplecast.com/
Xem phim bằng tiếng Anh kèm phụ đề
Một phương pháp khác để người học có thể cải thiện vấn đề phân tách từ vựng là xem phim tiếng Anh với phụ đề tiếng Anh. Một nghiên cứu của Charles và cộng sự (16) đã chỉ ra rằng việc vừa nhìn thấy các từ vựng và vừa nghe được phát âm của từ sẽ giúp người học nâng cao khả năng nhận diện từ vựng khi nghe. Nghiên cứu này cũng chỉ ra rằng vừa nghe âm thanh của phim và vừa bật phụ đề thì hiệu quả hơn nhiều so với khi chỉ nghe tiếng phim hoặc khi chỉ bật phụ đề. Phương pháp này phù hợp với người học đã có tiếp xúc và hiểu một số từ vựng tiếng Anh cơ bản nhưng gặp khó khăn trong việc nhận diện từ vựng khi nghe.
Vì phụ đề tiếng Anh có thể khó theo dõi với người mới bắt đầu học tiếng Anh, người học sử dụng phương pháp này nên chọn những phim ngắn với nội dung đơn giản và sử dụng nhiều từ vựng thông dụng, hoặc dừng phim mỗi 2 đến 3 phút để nghe và hiểu được nội dung của đoạn phim. Người học cũng có thể xem trước phim với phụ đề tiếng Việt để hiểu nội dung phim và xem lại với phụ đề tiếng Anh để nghe và nhận diện các từ vựng được sử dụng trong câu. Trong khi xem phim, khi gặp từ vựng đã học, người học nên chú ý đến cách phát âm và ngữ cảnh mà từ vựng được sử dụng, vì khi hiểu và nhớ nghĩa của một từ thì người học có thể nhận diện được chúng tốt hơn ở những lần nghe sau. Người học cũng có thể dừng phim để lặp lại thoại của nhân vật để hiểu rõ hơn về âm thanh của từng từ vựng.
Một số bộ phim và kênh mà người học có thể sử dụng để xem là:
Phim hoạt hình hoặc chương trình truyền hình trên các nền tảng xem phim trực tuyến
ngữ cảnhNguồn hình ảnh: Android Authority
Một số bộ phim hoạt hình mà người học có thể xem bao gồm Kungfu Panda, Up, Despicable Me, Soul, hoặc Coco. Cũng như một số TV show thường được sử dụng để học tiếng Anh như Friends, How I met your mother, Brooklyn Nine-Nine, The Big Bang Theory. Người học có thể xem phim trên các nền tảng xem phim trực tuyến như Netflix, Amazon Prime, Disney+, FPT Play, nơi có sẵn phụ đề tiếng Anh. Tuy nhiên, một nhược điểm của phương pháp này là các nền tảng xem phim có phụ đề Anh-Việt thường yêu cầu đăng ký tài khoản.