Để có thể thu hút được sự chú ý của người đọc, người viết cần có khả năng kiểm soát thông tin mà mình viết. Các thông tin này cần phải được trình bày một cách rõ ràng, trực tiếp và mạch lạc. Vì vậy, khả năng sắp đặt thông tin, hay cụ thể hơn là từ, cụm từ trong câu văn là một công cụ có thể áp dụng để việc truyền đạt thông tin diễn ra một cách mượt mà và hiệu quả. Tuy nhiên, việc lựa chọn này thường chưa được coi trọng trong các buổi học viết tiếng Anh thông thường. Người học thường chỉ tập trung vào các yếu tố như ngữ pháp hay từ vựng chứ chưa xem trọng mục đích giao tiếp của câu, đoạn văn. Ngoài ra, yếu tố nhấn mạnh cũng thường bị xem nhẹ, dẫn đến việc câu văn trở nên thiếu sự tổ chức và rõ ràng. Để giải quyết vấn đề trên, sau đây, bài viết sau sẽ trình bày mối quan hệ giữa ý nghĩa và trọng tâm của câu; bài viết cũng giới thiệu cho người học một vài phương pháp để sắp đặt các loại thông tin, dựa trên mức độ quan trọng của chúng. Qua đó, người học sẽ có thêm cơ sở để sắp xếp các thông tin cần thiết trong câu văn của minh, làm tăng độ hiệu quả khi giao tiếp.
Key takeways
1.Trọng tâm của câu nên được đặt ở cuối câu, vì vậy, người viết nên:
Kết thúc ngắn gọn
Đặt thông tin quan trọng ở cuối câu
Đặt thông tin ít quan trọng ở ở giữa câu (không phải đầu hoặc cuối)
Tách và cô lập ý chính
2.Trọng tâm của câu còn có thể được đặt ở đầu câu.
3.Thông tin được đặt đầu, hoặc cuối câu sẽ làm thay đổi trọng tâm của câu và cách người đọc tiếp nhận các thông tin trong câu.
Không phải ý tưởng nào ở trong đoạn văn cũng có vai trò như nhau. Như người học cũng đã quen thuộc, trong đoạn văn thường sẽ có câu chủ đề dùng để thể hiện ý tưởng chủ đạo của đoạn văn và các câu còn lại sẽ được dùng để phát triển ý tưởng đó. Như vậy, mức độ quan trọng của các câu trong đoạn văn là khác nhau. Tương tự như vậy, trong phạm vi một câu văn, các ý tưởng cũng sẽ có mức độ quan trọng khác nhau. Khi câu văn có nhiều ý tưởng, sẽ có ý tưởng mà tác giả muốn tập trung sự chú ý của người đọc, cũng có ý tưởng chỉ được sử dụng để hỗ trợ cho ý tưởng chính đó.
Vì vậy, tất cả các câu văn đều sẽ có trọng tâm, hay nói cách khác, đều sẽ có thông tin quan trọng mà người viết muốn truyền đạt đến người đọc. Một câu văn được truyền đạt hiệu quả là khi nó giúp cho người đọc có thể dễ dàng phân biệt được đâu là thông tin chính, đâu là thông tin bổ sung. Người viết sẽ đạt được điều này khi họ có thể xác định được ý chính mà mình muốn truyền tải, sau đó nhấn mạnh ý chính đó, từ đó tạo ra trọng tâm cho câu văn. Nhấn mạnh thông tin trong câu hoặc trong một bài luận không chỉ nhằm giúp người đọc dễ dàng tiếp nhận thông tin chính trong câu/trong bài luận mà còn thể hiện khả năng dẫn dắt, trình bày của người viết. Từ những thông tin được nhấn mạnh, người đọc sẽ nhận biết được đâu là quan điểm chính của tác giả (đồng tình, đồng tình một phần nào đó, phản đối, …), các luận điểm tác giả đưa ra có sức ảnh hưởng như thế nào tới vấn đề được bàn luận.
Đặt trọng tâm của câu ở đâu?
Câu có trọng tâm ở phần cuối
Khi người viết tạo ra một khoảng dừng (dấu chấm câu), họ tạo ra sự nhấn mạnh. Vì vậy, sẽ luôn có những điểm nhấn tự nhiên được tạo ra ở cuối câu vì có dấu chấm câu đi theo (Wilbers, 2014). Người viết có cơ hội, và trách nhiệm phải nhấn mạnh thông tin mà họ nghĩ rằng quan trọng. Vì vậy, họ nên sử dụng những điểm nhấn này để tạo hiệu ứng tốt cho câu văn. Ngoài ra, theo Williams (1990), sách Style: Toward Clarity and Grace, phần thông tin sẽ được nhấn mạnh là phần thông tin “mới”, nằm ở cuối đoạn văn. Ông gợi ý một vài nguyên tắc sau để đặt trọng tâm của câu đúng vị trí:
Shorten the conclusion (Rút ngắn phần kết)
Người viết nên loại bỏ bớt các thông tin không quan trọng ở cuối câu. Thay vào đó, nên đặt thông tin mà mình cần nhấn mạnh ở vị trí này.
Ví dụ: The reduction in the amount of forest available certainly put more pressure on the natural habitat, which is the home of thousands of species.
Trong ví dụ trên, phần thông tin mà người viết muốn nhấn mạnh là “the natural habitat”. Phần thông tin “which is the home of thousands of species” là định nghĩa của “natural habitat” (thông tin đã biết) nên có thể được lược bỏ đi.
Viết lại: The reduction in the amount of forest available certainly put more pressure on the natural habitat.
Move less crucial details towards the beginning (Di chuyển thông tin ít quan trọng hơn về phía đầu câu)
Vẫn theo nguyên tắc trên, các thông tin không quan trọng nên được đặt ở các vị trí khác, thay vì cuối câu.
Ví dụ: To increase family quality time, parents should spend more time with their children as a general rule.
Trong câu văn trên, người viết cần phải nhấn mạnh việc “parents should spend more time with their children” nên mệnh đề này nên được đặt ở cuối câu. Vì vậ y, cụm giới từ “as a general rule” nên được di chuyển ra đầu câu.
Viết lại: As a general rule, to increase family quality time, parents should spend more time with their children.
Reposition vital information towards the end (Di chuyển thông tin quan trọng về phía cuối câu)
Di chuyển thông tin quan trọng, cần được nhấn mạnh ra cuối câu là một cách khác để kiểm soát dòng chảy thông tin.
Ví dụ: Increasing the retirement age is a good way to mitigate the problem of aging population.
Trong ví dụ trên, người viết nên đặt trọng tâm của câu vào giải pháp của vấn đề là “increasing the retirement age”. Vì vậy, cụm từ này nên được di chuyển ra cuối câu.
Viết lại: A good way to mitigate the problems of aging population is increasing the retirement age.
Separate and single out (Tách riêng và đặt vào một bên)
Khi thông tin quan trọng được đặt ở giữa câu, trộn lẫn với các thông tin khác, nó sẽ không thể thể hiện mức độ quan trọng của nó. Một cách để ngăn ngừa việc này xảy ra là tách một câu dài dòng thành 2, có thể trước hoặc sau thông tin quan trọng đó. Sau đó, kiểm tra những câu mới có thể hiện được mức độ quan trọng của thông tin này hay không. Đây là quá trình mà người viết phải cô lập thông tin quan trọng để đặt nó vào một câu ngắn hơn.
Ví dụ: The government has introduced many methods to reduce the effects of aging population, such as creating more jobs for the elderly or encouraging people to have more children, however, they realize that increasing the retirement age is the best way to mitigate the problem of aging population.
Trong ví dụ trên, thông tin quan trọng nhất mà người viết muốn trình bày là phương pháp gia tăng tuổi nghỉ hưu là cách tốt nhất để giải quyết vấn đề già hóa dân số. Tuy nhiên, thông tin trên đã bị “nuốt chửng” bởi rất nhiều thông tin không quan trọng khác. Vì vậy, để câu văn trên có tính tập trung hơn, cần phải tách nó ra thành nhiều câu và đưa thông tin quan trọng nhất vào vị trí cuối.
Viết lại: The government has introduced many methods to reduce the effects of aging population. However, they realize that the best way to mitigate the problem of aging population finally is to increase the retirement age.
Trọng tâm xuất hiện ở phần đầu của câu
Tuy nhiên, việc xem câu văn chỉ có một điểm nhấn ở cuối câu là chưa đầy đủ. Theo Wilbers (2014), tác giả của cuốn sách Mastering the craft of writing: How to write with clarity, emphasis, & style, một điểm nhấn tự nhiên khác của câu văn nằm ở đầu câu. Ông nhận định rằng tất cả câu văn đều có 2 điểm nhấn là ở đầu và cuối câu, 2 vị trí này quan trọng hơn các vị trí còn lại (giữa câu). Mặc dù điểm nhấn ở đầu câu không mạnh bằng ở cuối câu và không phải lúc nào người viết cũng có thể nhấn mạnh ở đầu câu, mở đầu câu văn hợp lý cũng góp phần thể hiện khả năng truyền đạt thông tin.
Ví dụ: The government should lock the city down on thisoccasion only to prevent the spread of the virus and ensure the safety of its citizens.
Một thông tin quan trọng là cụm giới từ “on this occasion only” đang nằm ở giữa câu. Nếu muốn nhấn mạnh thông tin này, người viết có thể di chuyền thông tin này lên đầu câu để không làm nó bị khuất sau các thông tin khác.
Viết lại: On this occasion only, the government should lock the city down to prevent the spread of the virus and ensure the safety of its citizens.
Qua ví dụ trên, có thể thấy người viết nên tận dụng cơ hội để tối ưu hiệu quả của điểm nhấn tự nhiên khi bắt đầu câu văn. Qua đó, có một nguyên tắc rút ra là người viết không nên bắt đầu câu văn của mình bằng các cụm từ dài dòng như “in the event that” hoặc “in order to” vì nó làm chậm mạch văn của mình. Người viết có thể xem thêm về các cụm từ diễn đạt dài dòng tại chương 7 của sách Style: Toward Clarity and Grace.
Ví dụ: In order to improve your writing, you should continue to practice different kinds of writing genre.
Viết lại: To improve your writing, you should continue to practice different kinds of writing genre.
Tóm lại, người đọc có thể nhận thấy 2 vị trí quan trọng nhất của câu văn - đầu và cuối câu. Thông tin ở cuối câu sẽ nhận được nhiều sự quan tâm nhất từ người đọc và kế đến là thông tin ở đầu. Các thông tin còn lại sẽ không mang nhiều giá trị như ở 2 vị trí trên.
Như vậy, việc đặt điểm nhấn của câu ở vị trí nào (đầu hay cuối câu) sẽ là nhiệm vụ của người viết. Nói cách khác, người viết cần xem xét đến mức độ quan trọng của các thông tin mà mình viết để sắp đặt chúng hợp lý. Tuy nhiên, người viết không chỉ viết các câu văn của mình theo đúng 1 trình tự cố định. Williams nhận định rằng ngoài các yếu tố như mạch lạc, rõ ràng, người viết nên tự cảm nhận giọng văn của mình, từ các từ, câu mà mình viết để tạo ra một sự sắp đặt hợp lý nhất.
Tác động của trọng tâm câu đối với nội dung
Ví dụ:
In this stage of the process, the products are placed next to each other.
In this stage of the process, next to each other are placed the products.
Trong ví dụ đầu tiên, khoảng cách giữa 2 sản phẩm được nhấn mạnh. Trong ví dụ thứ 2, bản thân 2 sản phẩm đó được nhấn mạnh.
Ví dụ:
On Friday, the money was discovered missing. (nhấn động hành động mất và ngày mất)
The money was discovered missing on Friday. (nhấn mạnh chủ ngữ “tiền” và ngày mất)
On Friday, it was discovered there was missing money (nhấn mạnh tân ngữ “tiền bị mất” và ngày mất)
Discovered on Friday was that money was missing (nhấn mạnh hành động “tìm thấy” và sự việc mất tiền)
Người đọc có thể nhận thấy việc bắt đầu và kết thúc câu sẽ làm thay đổi trọng tâm của câu như thế nào qua ví dụ trên. Vì vậy, người học nên luyện tập thay đổi vị trí các từ trong câu làm sao để thể hiện rõ thông tin trọng tâm của câu văn.
Để minh họa cho mối quan hệ này rõ ràng hơn, bài viết sẽ sử dụng 2 cấu trúc Parataxis và Hypotaxis. Parataxis là cấu trúc câu bao gồm nhiều mệnh đề độc lập (independent clause) và được liên kết với nhau bằng bằng các liên từ đẳng lập như and, or hoặc but. Khi sử dụng cấu trúc này, mức độ quan trọng của các mệnh đề trong câu là như nhau, không có nhiều sự chênh lệch. Ở cấu trúc Hypotaxis, một câu sẽ có một mệnh đề độc lập và nhiều mệnh đề phụ thuộc (dependent clause) và chúng được liên kết với nhau bằng các liên từ phụ thuộc như although, despite, since, because, … Khi đó, mệnh đề chính ở trong câu sẽ được xem là quan trọng hơn các mệnh đề phụ, qua đó, là trọng tâm của câu. Người đọc hãy cùng xem xét 1 đoạn kết bài của một bài văn IELTS Writing Task 2 như sau:
Ví dụ 1: In conclusion, dangerous sports should be banned as they can lead to serious health problems and fatal accidents, but I am inclined to believe that we should respect other people’s choices and professional players are well-trained for difficult situations.
Trong ví dụ trên, người viết đang sử dụng kiểu câu Parataxis và xem cả 2 phía của vấn đề là có độ quan trọng bằng nhau. Vì vậy, khi người viết kết luận rằng họ nghiêng về 1 phía (we should respect other people’s choices), câu văn trở nên thiếu tính thuyết phục vì người đọc không cảm nhận được trọng tâm của câu.
Ví dụ 2: In conclusion, although I am inclined to believe that we should respect other people’s choices and professional players are well-trained for difficult situations, dangerous sports should be banned as they can lead to serious health problems and fatal accidents.
Trong ví dụ trên, người viết đã sử dụng liên từ “although” cho mệnh đề đầu tiên nên biến đây trở thành mệnh đề phụ thuộc. Tuy nhiên, đây cũng là phần thông tin mà người viết muốn nhấn mạnh (ý kiến của người viết). Điều này làm ý tưởng của người viết trở nên mơ hồ, khó hiểu với người đọc (vì không biết người viết đồng ý với phía nào của vấn đề). Vì vậy, việc sử dụng mệnh đề phụ thuộc cho phần thông tin muốn nhấn mạnh làm giảm hiệu quả truyền tải thông tin.
Ví dụ 3: In conclusion, although dangerous sports should be banned as they can lead to serious health problems and fatal accidents, I am inclined to believe that we should respect other people’s choices and professional players are well-trained for difficult situations.
Trong ví dụ trên, mặc dù liên từ “although” được đặt ở mệnh đề phụ thuộc đứng đầu câu, điều này không phải là thông tin mà người viết muốn nhấn mạnh. Do đó, người đọc sẽ tập trung vào mệnh đề chính đứng phía sau, giúp làm tăng hiệu quả truyền đạt vì người viết đã tạo điều kiện để người đọc chú ý đến ý kiến của mình.
Qua ví dụ trên, chúng ta có thể thấy rằng việc đặt trọng tâm chính xác cho phần mình muốn nhấn mạnh sẽ giúp tối ưu hóa hiệu quả giao tiếp, thu hút sự chú ý của người đọc vào thông tin quan trọng. Ngược lại, việc chọn sai vị trí cho trọng tâm sẽ làm cho người đọc khó hiểu, làm mất đi sự rõ ràng và mạch lạc của câu văn.
Tổng kết
Bài viết trên đã giúp người đọc hiểu rõ hơn về vấn đề trọng tâm của câu. Bài viết tiếp theo sẽ giới thiệu và hướng dẫn người đọc một số cách di chuyển từ, cụm từ có thể làm thay đổi trọng tâm của câu.