1. Những thông tin liên quan đến sốc phản vệ
Phản vệ là phản ứng dị ứng của cơ thể khi tiếp xúc với dị nguyên, có thể xuất hiện sau vài phút hoặc vài giờ. Trong trường hợp nghiêm trọng, sốc phản vệ là mức độ nặng nhất của phản ứng này.
Dị nguyên là những yếu tố khi tiếp xúc với cơ thể sẽ gây ra các triệu chứng phản vệ (dị ứng).
Sốc phản vệ là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể đe dọa tính mạng bệnh nhân
Do tính chất đặc biệt nguy hiểm, khi bệnh nhân bị sốc phản vệ cần được cấp cứu và điều trị ngay lập tức. Các triệu chứng có thể xuất hiện chỉ vài phút hoặc vài giờ sau khi tiếp xúc với dị nguyên, bao gồm:
-
Da và niêm mạc: các dấu hiệu dị ứng như ban đỏ, phù nề, ngứa, phù Quincke,… xuất hiện đột ngột sau khi tiếp xúc với dị nguyên, triệu chứng tăng dần theo mức độ phản ứng.
-
Hô hấp: khó thở, suy hô hấp, phù thanh hầu, khí quản,…
-
Tuần hoàn: huyết áp tụt, nhịp tim nhanh, mạch khó bắt hoặc rối loạn nhịp tim, giảm thể tích tuần hoàn, giảm áp lực động mạch.
-
Tiêu hóa: đau bụng, nôn, buồn nôn, mất kiểm soát đại tiểu tiện.
-
Ý thức: co giật, kích thích, vật vã, bất tỉnh, hôn mê.
-
Trong giai đoạn nghiêm trọng nhất, bệnh nhân có thể ngừng hô hấp, tuần hoàn và tử vong.
2. Nguyên nhân gây ra sốc phản vệ là gì?
Như đã đề cập, khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên mẫn cảm sẽ xuất hiện các triệu chứng kích ứng. Do đó, việc tìm hiểu các yếu tố dị nguyên chính là chìa khóa để xác định nguyên nhân gây ra sốc phản vệ.
Một số yếu tố dị nguyên thường gặp bao gồm:
Do thực phẩm gây ra
Sốc phản vệ có thể xảy ra khi bạn tiếp xúc với các thực phẩm gây dị ứng, bao gồm:
-
Hải sản: cá ngừ, tôm, cua, mực, bạch tuộc, sứa, hàu,… hoặc có trường hợp dị ứng với tất cả các loại hải sản.
-
Thịt: thịt bò, sữa bò, thịt gà,… những người bị dị ứng với thịt gà thường không ăn được trứng gà. Tuy nhiên, một vài trường hợp chỉ mẫn cảm với một trong hai loại. Ngoài ra, bạn cũng nên cẩn thận với các loại thuốc có sử dụng nguyên liệu từ động vật trong sản xuất.
-
Thực vật: đậu phộng, đậu nành, dưa leo, hạt dẻ, hạnh nhân, lúa mì,… là các loại thực phẩm thường gây kích ứng cho nhiều người.
Hải sản rất ngon, nhưng nếu bạn có tiền sử dị ứng thì tốt nhất nên tránh xa các món này.
Do nọc độc của một số loài động vật gây ra
Một số loài động vật như ong, kiến, rắn,… có nọc độc có thể gây ra phản ứng mẫn cảm trên cơ thể người. Nếu tiếp xúc với lượng lớn chất độc, người bệnh có thể rơi vào tình trạng nguy kịch nhanh chóng và cần được đưa đến cơ sở y tế ngay lập tức.
Do phản ứng với thuốc
Các trường hợp sốc phản vệ do dị ứng thuốc không phải hiếm gặp. Vì vậy, khi đi khám, bạn cần thông báo rõ ràng cho bác sĩ về tình trạng sức khỏe của mình. Đồng thời, nếu có dấu hiệu bất thường sau khi dùng thuốc, hãy báo ngay cho bác sĩ để tránh những hậu quả đáng tiếc.
Một số loại thuốc dễ gây sốc phản vệ gồm:
-
Kháng sinh: Chloramphenicol, Lincomycin, Cephalosporins, Penicillin, Tetracycline, Vancomycin, Streptomycin,…
-
Vaccine: các loại vaccine phòng bệnh dại, uốn ván, bạch hầu,…
-
Các hormone dùng trong điều trị: Insulin, Vasopressin, ACTH,…
-
Thuốc gây tê: Lidocaine, Procaine, Novocaine,…
Do thời tiết thay đổi
Sốc phản vệ liên quan đến thời tiết rất hiếm gặp. Tuy nhiên, bạn nên chú ý các dấu hiệu bất thường trên cơ thể khi thời tiết thay đổi đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ngược lại, đặc biệt là người có cơ địa yếu, trẻ nhỏ, người cao tuổi, hoặc người có bệnh lý nền.
Một số nguyên nhân gây sốc phản vệ: Hải sản - Các loại hạt - Nọc độc, vết cắn côn trùng - Cao su - Thuốc
3. Vậy làm sao để xử trí sốc phản vệ
Sốc phản vệ là tình trạng nguy hiểm, đe dọa tính mạng người bệnh. Cách tốt nhất để xử trí sốc phản vệ là đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp kịp thời. Ngoài ra, bạn có thể hỗ trợ bệnh nhân bằng một số biện pháp sau:
-
Ngừng tiếp xúc với dị nguyên như thực phẩm, thuốc,… Trong trường hợp sốc do nọc độc, đặc biệt là nọc rắn, không nên tự ý hút nọc. Chỉ nên rửa vết thương bằng nước sạch, xà phòng hoặc thuốc sát trùng, băng ép và nẹp bất động chi bị cắn.
-
Đảm bảo hô hấp: đặt người bệnh nằm nghỉ ngơi thoải mái, chân cao hơn đầu, nới lỏng trang phục. Thực hiện sơ cứu như ép tim ngoài lồng ngực và hà hơi thổi ngạt khi người bệnh ngưng thở.
-
Trò chuyện, an ủi và động viên bệnh nhân để họ không quá lo lắng, hoảng sợ trong khi chờ đợi cứu thương.
-
Nếu bệnh nhân nôn, hãy giúp họ nghiêng đầu sang một bên để tránh sặc.
-
Nhớ kỹ nguyên nhân gây sốc và báo lại cho bác sĩ khi đến bệnh viện.
Người bị sốc phản vệ cần được đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời