“Nếu bạn thừa cân, bạn nên cảm thấy xấu hổ. Không phải việc cảm thấy xấu hổ sẽ giúp bạn có động lực giảm cân và trở nên khỏe mạnh hơn sao?”
Những người khác nói mạnh mẽ hơn. Họ hỏi những câu như “Bạn không nghĩ rằng sự xấu hổ có thể giúp rất nhiều trong cuộc chiến chống lại béo phì à?” hoặc “Đừng nói bạn đang khuyến khích cách sống không lành mạnh đấy nhé?”
Và câu trả lời của tôi đối với những câu hỏi ở trên là: Không.
Không có cơ sở nào chứng minh việc tự cảm thấy xấu hổ là biện pháp hiệu quả để duy trì cân nặng ở mức khỏe mạnh hoặc thúc đẩy quyết định sức khỏe đúng đắn. Thực tế, cảm giác xấu hổ thường khiến bạn muốn tránh xa xã hội để tự điều trị. Hoặc bạn có thể dùng thức ăn ngọt hoặc mặn làm dịu cơn buồn. Xấu hổ cũng làm bạn tránh xa các hoạt động gắn kết với mọi người. Điều này có thể đe dọa đến sức khỏe cả về thể chất lẫn tinh thần.
Một phụ nữ tôi phỏng vấn cho cuốn sách của mình, Beauty Sick, cho biết cảm giác ghét bỏ cơ thể béo phì đã ngăn cản cô ta tập thể dục. Cô ta nói, “Mọi người muốn bạn giảm cân, nghĩa là muốn bạn tập thể dục. Nhưng nếu bạn đi tập để giảm cân, bạn sẽ cảm thấy xấu hổ và không ai muốn giúp bạn. Thậm chí có người còn trêu chọc nhau trên Twitter. Điều đó khiến tôi không thoải mái.” Trải nghiệm của cô ấy đúng với nghiên cứu của tôi.
Thực tế, nghiên cứu cho thấy những người kỳ thị trọng lượng thường tránh việc tập thể dục. Họ tránh hoạt động vận động và không chỉ riêng người lớn, mà còn bao gồm cả học sinh từ lớp 5 đến lớp 8. Những đứa trẻ bị chỉ trích về cân nặng thường ít quan tâm đến hoạt động thể chất.
Khi bạn cảm thấy tồi tệ về cơ thể mình, bạn sẽ không có động lực lắng nghe nhu cầu thực sự của cơ thể để cung cấp những thứ cần thiết. Thay vào đó, cảm giác tủi hổ thường dẫn đến thói quen ăn uống không lành mạnh. Một phụ nữ khác tôi phỏng vấn cho Beauty Sick gọi cảm giác nhục nhã về cơ thể là “cách tồi tệ nhất để giảm cân.” Theo như cô ấy nói, “Khi bạn cảm thấy xấu hổ, bạn sẽ không thức dậy sớm, không đi dạo, không ăn bột yến mạch kèm việt quất. Bạn sẽ đến Dunkin’ Donuts vì cuộc sống không còn ý nghĩa nữa.”
Dù kích thước thực sự của họ ra sao, những người cảm thấy bị đối xử tồi tệ vì cân nặng thường ăn quá nhiều. Một lần nữa, nghiên cứu này không chỉ áp dụng cho người lớn. Một nghiên cứu trên hàng ngàn thanh thiếu niên ở Mỹ chỉ ra rằng những đứa trẻ thường bị trêu chọc về cân nặng thường ăn nhiều hơn theo thời gian.
Trong một thí nghiệm, phụ nữ thừa cân và béo phì xem video với nội dung trung tính hoặc chứa hình ảnh kỳ thị về cân nặng của họ. Sau đó, họ được yêu cầu làm bảng câu hỏi và ăn thức ăn có hàm lượng calo cao. Những phụ nữ thừa cân xem video kỳ thị tiêu thụ gấp ba lần calo so với những người xem video trung tính.
Những người ủng hộ việc tự cảm thấy xấu hổ về cơ thể ngoại cỡ thường tin rằng điều này sẽ làm cho việc tuân thủ chế độ giảm cân dễ dàng hơn và lâu dài hơn. Nhưng thực tế lại cho thấy những người này thường cảm thấy buồn về cơ thể của mình và ăn nhiều hơn.
Cảm giác xấu hổ gây khó khăn cho việc chăm sóc bản thân. Rất khó để bạn quan tâm đến điều bạn ghét. Nếu muốn thay đổi để chăm sóc cơ thể một cách lành mạnh, hãy coi đó là ngôi nhà của riêng bạn, không phải là kẻ thù. Hãy yêu thương cơ thể như bạn yêu thương những người thân yêu của mình: không hoàn hảo nhưng xứng đáng được đối xử tôn trọng nhất.
Theo Psychology Today
Kim (dịch)