Một trong những phần thi khó nhất mà thí sinh thi IELTS có thể gặp phải là câu hỏi phần 2 trong bài thi nói IELTS (IELTS speaking part 2). IELTS speaking part 2 là một trong ba phần thi nói bắt buộc của các bài thi IELTS và không ít người thi đã gặp rất nhiều khó khăn trong phần thi này. Có rất nhiều vấn đề khác nhau là nguyên nhân khiến cho học viên và thí sinh thi IELTS không thể đạt được điểm thi nói tốt, trong đó có không ít sự ảnh hưởng của phần chuẩn bị của thí sinh trong khoảng một phút xây dựng nội dung phần thi nói (preparation time). Bài viết này sẽ hướng dẫn những bước cơ bản thí sinh cần làm trong thời gian chuẩn bị trong IELTS Speaking Part 2 để có thể có được câu trả lời tốt.
Key takeaways:
Thí sinh sẽ nắm sơ lược thế nào là IELTS speaking part 2, những dạng đề chủ yếu và thế nào là thời gian chuẩn bị (preparation time).
Thí sinh sẽ tìm hiểu và luyện tập về những phương pháp cơ bản giúp thí sinh chuẩn bị tốt hơn trong khoảng thời gian một phút cho phần thi IELTS speaking part 2.
Giới thiệu sơ lược về IELTS speaking part 2
IELTS Speaking Part 2 là gì?
IELTS Speaking Part 2 là phần thi yêu cầu thí sinh phải nói trong khoảng thời gian dài hơn so với 2 phần còn lại. Giám khảo sẽ đưa thí sinh một thẻ câu hỏi (cue card) yêu cầu thí sinh nói về một chủ đề cụ thể, bao gồm chủ đề của phần nói và các câu hỏi nhỏ hướng dẫn thí sinh giải thích những khía cạnh cần được đề cập trong phần trả lời. Các thí sinh được chuẩn bị bài nói trong khoảng một phút (preparation time). Sau đó, người thi sẽ trả lời câu hỏi trong khoảng từ một đến là hai phút. Tổng thời gian cho IELTS speaking part 2 kéo dài khoảng từ ba đến bốn phút, bao gồm phần thời gian chuẩn bị.
Chủ đề trong IELTS speaking part 2
Những chủ đề được hỏi trong IELTS speaking part 2 phần lớn hỏi về trải nghiệm hoặc kinh nghiệm cá nhân của thí sinh về một vấn đề nào đó. Nhìn chung, có khoảng trên dưới năm mươi chủ đề được khai thác trong phần thi này, và được tổng hợp thành sáu dạng đề sau đây:
Describe a person: Dạng đề mô tả người
Describe a place/building: Dạng đề mô tả nơi chốn
Describe an object: Dạng đề mô tả vật thể
Describe a situation: Dạng đề mô tả tình huống
Describe your favourite: Dạng đề mô tả sở thích
Thời gian chuẩn bị (preparation time)
Như đã đề cập ở trên, preparation time là phần thời gian một phút mà thí sinh dùng để đọc đề và chuẩn bị cho phần nói sau đó. Thí sinh sẽ được cung cấp bút chì và giấy trắng để chuẩn bị trong khoảng thời gian này. Thí sinh có thể xác định chủ đề và nội dung của bài nói, sắp xếp ý tưởng, chuẩn bị từ vựng và ngữ pháp sẽ được sử dụng, hoặc giúp bản thân thí sinh cảm thấy thoải mái và tự tin hơn cho phần trả lời sau đó. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người thi chưa tận dụng tốt khoảng thời gian này, vì thế những bước được liệt kê dưới đây sẽ hướng dẫn thí sinh sử dụng tốt khoảng thời gian chuẩn bị này.
Thí sinh nên làm gì với thời gian chuẩn bị trong IELTS Speaking Part 2
Đọc và hiểu câu hỏi
Điều đầu tiên cần làm trong một phút chuẩn bị là phải đảm bảo bản thân thí sinh hiểu rõ câu hỏi. Đôi khi thí sinh không hiểu được một từ quan trọng nào đó trong đề mà cứ tiếp tục chuẩn bị và trả lời câu hỏi. Điều này rất có thể ảnh hưởng xấu đến phần thi bởi vì nếu thí sinh không hiểu rõ được nội dung của đề bài trong một phút chuẩn bị, phần nói sau đó có thể sẽ không trả lời đúng trọng tâm hoặc thậm chí có thể hoàn toàn bị lạc đề.
Ví dụ trong đề sau, khi không hiểu chữ “embarrassing” trong đề, thí sinh nên hỏi giám khảo về nghĩa của từ đó ngay từ đầu trong thời gian chuẩn bị.
Tell me about an embarrassing experience you’ve had with food.
- Where did the incident happen?
- What was the problem and what happened?
- How did you feel about the incident?
Nhận diện chủ đề chính và các từ khóa quan trọng trong câu hỏi
Đề mẫu ở trên nói riêng và hầu hết tất cả câu hỏi IELTS speaking part 2 nói chung đều có dạng như sau:
Dòng đầu tiên sẽ đề cập chủ để chính và những dòng còn lại đề cập những khía cạnh thí sinh cần khai thác trong phần trả lời. Vì thế, để có thể chuẩn bị tốt cho phần trả lời, thí sinh cần xác định chủ đề và các khía cạnh cần quan tâm bằng cách xác định từ khóa của đề. Những từ khóa này sẽ hướng dẫn người thi cần tập trung vào những gì trong phần lớn bài nói trong hai phút sau đó.
Chủ đề thường sẽ là một danh từ/ cụm danh từ trong câu đầu tiên. Ở những dòng dưới, thí sinh cần chú ý tất cả question words được đề cập bao gồm where, why, what, when, who, how long, how, v.v… cùng với hai hoặc ba từ khóa quan trọng khác trong câu.
Chúng ta có thể thấy ví dụ dưới đây đã được xác định chủ đề và từ khóa quan trọng.
Tell me about an embarrassing experience you’ve had with food.
- Where did the incident happen?
- What was the problem and what happened?
- How did you feel about the incident?
Xác định nội dung được sử dụng để trả lời câu hỏi
Sau khi đã xác định được chủ đề chính và khía cạnh cần khai thác, thí sinh cần xác định được nội dung sơ lược của bài nói. Thí sinh bắt đầu xây dựng câu chuyện dựa trên chủ đề chính và tất cả những từ khóa còn lại để phát triển và sắp xếp ý tưởng một cách mạch lạc. Thí sinh có thể thay đổi vị trí các ý tưởng trong bài tùy ý để phù hợp với trải nghiệm đã từng có của bản thân và từ đó giúp thí sinh cảm thấy tự tin hơn với phần chuẩn bị này. Người thi cũng có thể tự tạo hoặc thêm vào những chi tiết có liên quan với câu hỏi để khai triển ý tốt hơn và mạch lạc hơn với những cấu trúc từ vựng tốt hơn bởi vì giám khảo sẽ không quan tâm đến mức độ chính xác của câu chuyện. Tuy nhiên, cũng không vì thế mà thí sinh tự tạo nên một bài nói hoàn toàn không có thật bởi vì khi đó, sẽ rất khó khăn để triển khai bài nói một cách mạch lạc, tự nhiên và trôi chảy. Nếu người thi không thể hoàn toàn khai triển ý tưởng giống với yêu cầu trong đề, người thi nên thay đổi nội dung hay chủ đề bài nói một chút để có thể dễ dàng diễn đạt và có thể trình bày rõ với giám khảo về sự thay đổi trên ngay lúc bắt đầu phần trả lời nếu cần thiết.
Tell me about an embarrassing experience you’ve had with food.
- Where did the incident happen?
- What was the problem and what happened?
- How did you feel about the incident?
Với đề mẫu trên, nếu thí sinh chưa từng gặp phải tình huống nào như vậy trong quá khứ nhưng đã chứng kiến rất rõ sự việc của người khác như bạn bè hay anh em, thí sinh có thể chọn câu chuyện của người khác và thay đổi nội dung sao cho phù hợp với câu hỏi để có thể dễ dàng trả lời một cách mạch lạc và tự nhiên như thể đang kể lại trải nghiệm cá nhân của bản thân.
Ghi chú và tổ chức ý tưởng và từ vựng sẽ được sử dụng để trả lời câu hỏi
Sau khi đã xác định nội dung được sử dụng để trả lời câu hỏi, thí sinh cần ghi chú một vài từ quan trọng để chuẩn bị cho phần nói sắp tới. Khi ghi chú, thí sinh cần tập trung và tổ chức nội dung bài nói theo những question words và từ khóa đã được xác định trong câu hỏi. Với những ghi chú ngắn này, khi đang trả lời câu hỏi, thí sinh có thể dễ dàng lướt nhìn lại những ý tưởng đã được chuẩn bị trước đó để đảm bảo phần trả lời không bị lạc đề hay thiếu bất kỳ nội dung nào. Nhờ đó, người thi có thể cảm thấy tự tin hơn và ít căng thẳng hơn vì không cần phải cố gắng vừa suy nghĩ hay ghi nhớ ý tưởng vừa khai triển phần nói của bản thân trong hai phút trả lời. Trong khi ghi chú và sắp xếp nội dung, thí sinh cần chú ý:
Viết xuống những từ khóa quan trọng và súc tích (thường sẽ là danh từ hoặc tính từ chứa nội dung chính). Chỉ cần khoảng hai đến bốn từ cho mỗi question word mà đề yêu cầu
Nên viết bằng tiếng Anh vì thí sinh sẽ phải vừa dịch vừa trả lời nếu ghi chú bằng tiếng Việt
Cần sắp xếp những từ khóa theo thứ tự mà thí sinh muốn triển khai trong phần nói.
Nếu gặp phải những đề hỏi về nội dung trong quá khứ, thí sinh nên viết từ “Past” để tự nhắc bản thân cần sử dụng các thì quá khứ để trả lời
Nên viết xuống những ý tưởng cần nói càng chi tiết và rõ ràng càng tốt. Nhờ đó, thí sinh sẽ dễ dàng lướt nhìn nhanh lại những gì đã được ghi chép
Nếu vẫn còn thời gian, người thi có thể viết thêm một vài từ/cụm từ hiếm gặp như thành ngữ hoặc cụm động từ để có thể sử dụng trong phần trả lời để tăng cơ hội được nhận điểm cao hơn. Thí sinh có thể chuẩn bị một vài từ nối ý (linking words) như “and”, “but”, “because”, “therefore” để giúp bài nói trở nên mạch lạc và có sự liên kết hơn. Không nên sử dụng những từ nối quá học thuật hay chỉ được sử dụng trong văn viết.
Người thi có thể sử dụng những phương pháp khác như liệt kê, mind maps, hoặc ký hiệu để tổ chức nội dung sẽ được triển khai sau đó nếu người thi đã làm quen và luyện tập với những phương pháp này.
Luyện tập thời gian chuẩn bị trong IELTS Speaking Part 2
Sau khi học được các bước cần làm trong khoảng một phút chuẩn bị trong IELTS speaking part 2, hãy luyện tập chuẩn bị phần trả lời cho câu hỏi dưới đây.
Talk about a person you had to be friendly with but you didn’t really like.
Who was this person?
When did it happen?
Why you had to be friendly and why you don’t like him or her?
What did you think about it later?
Hướng dẫn luyện tập:
Đọc và hiểu câu hỏi
Bước đầu tiên, thí sinh cần đọc và hiểu câu hỏi của đề. Hãy xác định xem có từ nào quan trọng trong đề thí sinh không hiểu. Hãy hỏi giám khảo ngay nếu bản thân không hiểu được nghĩa của từ đó.
Nhận diện chủ đề chính và từ khóa quan trọng trong câu hỏi
Bước kế tiếp, cần xác định chủ đề chính và những khía cạnh cần được trả lời trong đề qua phương pháp xác định từ khóa quan trọng. Đầu tiên, hãy xác định chủ đề chính trong dòng đầu tiên và sau đó là những question words và từ khóa khác trong các dòng kế tiếp.
Talk about a person you had to be friendly with but you didn’t really like.
Who was this person?
When did it happen?
Why you had to be friendly and why you don’t like him or her?
What did you think about it later?
Đề mẫu ở trên đã được xác định chủ đề chính và các từ khóa quan trọng. Qua đó, chủ đề chính của bài luyện tập là mô tả con người. Những khía cạnh thí sinh cần khai triển bao gồm mô tả sơ lược về một người (có thể bao gồm tên, ngoại hình, tính cách, v.v…), lý do vì sao không thích người này và vì sao phải tỏ ra thân thiện, sự việc này xảy ra khi nào và thí sinh suy nghĩ gì về việc bản thân phải tỏ ra thân thiện với người này.
Xác định nội dung được sử dụng để trả lời câu hỏi
Sau khi xác định được chủ đề chính và khía cạnh cần tập trung vào, hãy xác định trải nghiệm nào thí sinh đã từng có liên quan đến câu hỏi để xây dựng ý tưởng cho bài nói. Thí sinh có thể sử dụng bất kỳ câu chuyện nào có liên quan như việc phải tỏ ra thân thiện với một giảng viên nghiêm khắc và không công bằng khi còn đang học đại học, hoặc tỏ ra thân thiết với đồng nghiệp nhiều chuyện và lười làm việc trong cơ quan, và nhiều nhiều câu chuyện khác. Tùy theo trải nghiệm đã từng có mà thí sinh hãy chọn, triển khai và bám thật sát vào những khía cạnh đề yêu cầu.
Bài viết này sẽ chọn câu chuyện kể về việc phải tỏ ra thân thiện với một giảng viên khi còn đang học đại học. Thái độ của người này thô lỗ, nghiêm khắc, bảo thủ và thường xuyên cho điểm thấp và không công bằng với sinh viên. Tác giả phải làm việc này vì muốn được thầy cho điểm tốt trong bài kiểm tra cuối kỳ để có thể đạt được học bổng.
Ghi chú và tổ chức ý tưởng và từ vựng sẽ được sử dụng để trả lời câu hỏi
Bước cuối cùng, thí sinh hãy dựa vào những gì đã tìm được ở các bước trên để ghi chú và tổ chức bài nói. Nên nhớ, ở bước này thí sinh cần viết xuống khoảng ba từ khóa quan trọng và súc tích bằng tiếng Anh một cách chi tiết và rõ ràng và sắp xếp theo thứ tự để có thể dễ dàng diễn đạt. Người thi cũng cần viết xuống từ “past” để nhắc nhở bản thân cần phải sử dụng các thì quá khứ. Nếu còn thời gian, hãy viết thêm một vài từ/cụm từ ít gặp và linking words để tăng tính mạch lạc, súc tích và khả năng nhận thêm điểm cho phần trả lời.
Tổng kết lại, sau đây sẽ là phần chuẩn bị ý của tác giả cho đề này:
Who and why don’t like:
Lecturer, Mr. Thach – short, bald, overweight
Conservative, rude, biased
Give unfair score, favor student
When happen:
3rd year, at university
Why friendly and what think later:
Reason: high score for scholarship
What happen: Be nice, come by office, compliment
Worth it, scholarship – important
Bên trên là một mẫu ghi chú chuẩn bị nội dung cho bài luyện tập. Mặc dù đề không yêu cầu thí sinh đề cập đến việc tỏ ra thân thiện hoặc các sự việc đã xảy ra ở đâu, thí sinh có thể đề cập thêm một số chi tiết liên quan như trên nếu thời gian cho phần chuẩn bị và câu trả lời sau đó còn đủ. Việc bổ sung một số chi tiết không chỉ giúp thí sinh tự tin hơn với việc chuẩn bị mà còn giúp trình bày nội dung một cách tự nhiên và mạch lạc hơn, đồng thời tạo cơ hội sử dụng từ vựng ít phổ biến mà thí sinh muốn sử dụng.
Tóm lại
Đọc và hiểu câu hỏi
Xác định chủ đề chính và từ khóa quan trọng trong câu hỏi
Xác định nội dung được sử dụng để trả lời câu hỏi
Ghi chú và tổ chức ý tưởng và từ vựng sẽ được sử dụng để trả lời câu hỏi
Bài viết tập trung vào các bước cơ bản cần thực hiện trong quá trình chuẩn bị thời gian cho IELTS Speaking Part 2 và chưa đi sâu vào các phương pháp chuẩn bị cho các dạng đề cụ thể cũng như sự khác biệt giữa từ nối ý được sử dụng trong văn nói và văn viết trong kỳ thi IELTS. Trong tương lai, cần có nhiều bài viết tập trung vào những chủ đề này để hỗ trợ học viên và thí sinh thi IELTS Speaking Part 2 đạt kết quả tốt hơn.