1. Hướng dẫn phân loại bệnh đục thủy tinh thể
Thủy tinh thể là một loại thấu kính trong suốt có hai mắt lồi. Ánh sáng khi đi qua thủy tinh thể sẽ tập trung ở võng mạc. Nhờ vào sức hội tụ của thủy tinh thể, chúng ta có thể nhìn rõ những vật ở xa. Thêm vào đó, thủy tinh thể còn có khả năng điều chỉnh độ dày để chúng ta có thể nhìn rõ những vật ở gần.
Nếu không được chữa trị kịp thời, đục thủy tinh thể có thể gây mất khả năng nhìn
Khi thủy tinh thể trở nên không trong suốt, trở nên mờ đục, ánh sáng không thể đi qua thủy tinh thể gây suy giảm thị lực cho người bệnh. Hiện tượng này được gọi là đục thủy tinh thể. Bệnh còn được gọi là cườm đá hoặc cườm khô. Nếu không được chữa trị sớm, người bệnh có thể mắc phải mù lòa.
Bệnh đục thủy tinh thể có thể được phân loại như sau:
1.1. Phân loại theo hình dạng và vị trí
- Đục nhân hay còn được gọi là đục nhân thủy tinh thể: Trong các trường hợp này, nhân thủy tinh thể trở nên cứng xơ và chuyển màu sang màu vàng. Ban đầu, bệnh chỉ gây ra một số vấn đề về quang học khiến người bệnh nhìn mờ và triệu chứng này có thể chỉ xảy ra ở một mắt.
- Đục vỏ: Tình trạng đục vỏ có thể mở rộng từ bên ngoài tới bên trong và cuối cùng là toàn bộ vỏ trở nên mờ trắng. Hiện tượng này được gọi là đục hoàn toàn hoặc đục chín. Ở cả hai mắt, mức độ đục sẽ không hoàn toàn giống nhau.
- Đục bao: Là tình trạng xuất hiện những vết đục nhỏ trên bao.
1.2. Phân loại theo mức độ
Dựa vào mức độ đục thủy tinh thể, có thể phân loại bệnh như sau:
- Bắt đầu xuất hiện tình trạng đục thủy tinh thể.
- Tình trạng đục thủy tinh thể tiến triển.
- Đục gần như hoàn toàn thủy tinh thể.
- Nghiêm trọng nhất là tình trạng đục hoàn toàn thủy tinh thể.
Ngoài nguyên nhân chấn thương, phần lớn trường hợp bị đục thủy tinh thể là do sự biến đổi về cấu trúc và tỷ lệ phân tử protein dẫn đến việc hình thành những vùng thủy tinh thể trở nên mờ đục. Từ đó, ánh sáng khi chiếu tới võng mạc sẽ bị cản trở và ảnh hưởng đến tầm nhìn của người bệnh.
2. Biểu hiện của bệnh đục thủy tinh thể
Khi gặp phải bệnh đục thủy tinh thể, người bệnh có thể xuất hiện một số dấu hiệu như sau:
Mức độ giảm thị lực có thể khác nhau ở từng người
- Giảm thị lực: Đây là biểu hiện thường gặp và dễ nhận biết nhất. Người bệnh thường cảm nhận mờ mắt ở cả hai mắt. Ban đầu, họ chỉ gặp khó khăn khi nhìn xa. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng này có thể tiến triển và làm cho người bệnh không thể nhìn rõ những vật ở gần.
Tuy nhiên, mức độ giảm thị lực có thể khác nhau ở mỗi người, thường phụ thuộc vào sự tiến triển của bệnh. Ở giai đoạn đầu, người bệnh chỉ mất một phần mười thị lực. Nhưng khi bệnh tiến triển, thị lực sẽ giảm nghiêm trọng hơn, thậm chí đến mức chỉ cảm nhận được ánh sáng.
- Bệnh làm tăng khả năng hội tụ, vì thế một số người cao tuổi có thể đọc báo mà không cần đeo kính.
- Bệnh gây ra hiện tượng tán xạ tia sáng, làm cho nhiều người có triệu chứng thấy mờ mắt, nhìn thấy nhiều vật cùng một lúc, đôi khi nhìn thấy vật trong một không gian sương mù.
Người cao tuổi có nguy cơ mắc bệnh đục thủy tinh thể cao hơn so với người trẻ
- Nhìn kém ở ngoài sáng nhưng lại nhìn rõ khi trong bóng tối: Hiện tượng này được giải thích như sau:
+ Khi bệnh nhân ra ngoài ánh sáng, đồng tử co lại, khiến ánh sáng không thể đi qua vùng thủy tinh thể bị mờ đục, làm giảm tầm nhìn của người bệnh.
+ Khi bệnh nhân đứng trong bóng tối: Đồng tử mở ra và ánh sáng có thể đi qua vùng thủy tinh thể chưa bị đục, giúp người bệnh nhìn sự vật dễ dàng hơn. Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra với các trường hợp mới bị đục ở vùng ngoại vi.
- Mắt người bệnh thường thấy có chấm đen hoặc cảm giác như có ruồi bay trước mắt.
3. Có cần phải phẫu thuật khi bị đục thủy tinh thể không?
Thủy tinh thể tự nhiên rất quan trọng vì nó giúp chúng ta nhìn được cả những vật ở gần và ở xa. Do đó, nếu không cần thiết, người bệnh không cần phải phẫu thuật. Các bác sĩ sẽ đưa ra phương án điều trị phù hợp dựa vào từng trường hợp cụ thể:
- Những trường hợp ở giai đoạn đầu thường không cần phải phẫu thuật. Phương pháp thích hợp là bổ sung dinh dưỡng, đặc biệt là các loại vitamin như A, C, E,.. để cải thiện sức khỏe mắt và làm chậm quá trình đục thủy tinh thể. Nên tránh ăn đồ chiên xào, đồ ngọt và không hút thuốc lá.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tránh tiếp xúc với ánh sáng mặt trời, nên đeo kính râm và đội mũ nếu ra ngoài khi trời nắng. Đồng thời, hạn chế tiếp xúc với môi trường có nhiều khói bụi.
Ngoài ra, cần thực hiện lối sống lành mạnh như không lạm dụng các thiết bị điện tử như điện thoại, tivi,... Giữ thói quen ngủ đủ giấc, đúng giờ, tránh thức khuya, giảm căng thẳng trong công việc và cuộc sống.
Người bị suy giảm thị lực nghiêm trọng cần phẫu thuật đục thủy tinh thể sớm
- Khi thị lực giảm dưới mức 3/10 hoặc gặp chấn thương nghiêm trọng ở vùng mắt, việc phẫu thuật đục thủy tinh thể là cần thiết. Phương pháp phẫu thuật phổ biến hiện nay là phẫu thuật Phaco. Thủy tinh thể mờ đục sẽ được thay thế bằng thủy tinh thể nhân tạo. Phương pháp này đơn giản, an toàn và ít gây biến chứng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được băng bó trong một thời gian nhất định để bảo vệ mắt.