Mỗi cá nhân trải qua một cuộc hành trình từ lúc nhỏ đến khi trưởng thành, gặp gỡ và tiễn đưa vô số người qua cuộc đời. Mỗi người đều mang đến cho chúng ta những bài học, giúp chúng ta trưởng thành. Nhưng sẽ đến một lúc chúng ta nhận ra không ai có thể đi cùng chúng ta mãi mãi. Bạn bè, gia đình đều vậy. Con người từ khi sinh ra đã là cá thể riêng biệt, và cảm giác cô đơn là điều không thể tránh khỏi.
Cô Đơn Là Gì?
Cô đơn là tâm trạng khi ta cảm thấy bị tách biệt, cô lập, thiếu sự kết nối xã hội và không có ai để chia sẻ cảm xúc. Đây là một trạng thái tâm lý tồn tại bên trong và có thể xảy ra trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, chẳng hạn khi ở trong một nhóm bạn mà cảm thấy không kết nối, không chia sẻ được.
Có Nhiều Lý Do Khiến Ta Cảm Thấy Cô Đơn:
Ban đầu, nguyên nhân chính là do ta tự mình suy nghĩ, tự đóng kín bản thân với thế giới xung quanh. Điều này bắt nguồn từ tâm lý của ta, có thể là vì một số lý do cụ thể khiến ta nghĩ nhiều hơn, cảm xúc mạnh hơn và cảm thấy không ai hiểu ta. Ví dụ, khi bạn và cha mẹ tranh cãi vì họ nghĩ rằng bạn chơi game quá nhiều không tốt cho sức khỏe và thị lực, nhưng bạn lại cảm thấy áp lực học tập nên mới chơi game một lúc và đã bị la mắng. Đa số các bạn trẻ ở độ tuổi thanh thiếu niên sẽ cảm thấy cha mẹ không hiểu mình, cảm thấy cô đơn ngay trong gia đình. Điều này dẫn đến việc chơi game nhiều hơn và mâu thuẫn gia đình càng lớn. Đôi khi ta tự mình suy nghĩ và phức tạp hóa những vấn đề đơn giản, tạo áp lực và buồn phiền cho bản thân.
Thứ hai, nguyên nhân nằm ở môi trường xung quanh bạn. Có thể bạn không giao tiếp nhiều với mọi người xung quanh, chỉ ở trong nhà hoặc vì có quá nhiều người vô tâm xung quanh bạn trong khi bạn là người nhạy cảm với mọi hành động của họ. Đây là yếu tố bên ngoài và có thể thay đổi hơn là yếu tố bên trong. Chúng ta có thể dễ dàng thay đổi môi trường nhưng để thay đổi suy nghĩ thì cần thời gian dài và cần tạo thói quen mới hoặc một biến cố gì đó. Mặc dù vậy, yếu tố này ảnh hưởng lớn đến cách chúng ta suy nghĩ.
Bạn có nghĩ cảm giác cô đơn là điều đáng sợ không?
Theo tôi, cảm giác cô đơn có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và tâm lý của chúng ta. Thậm chí, cô đơn có thể dẫn đến những hậu quả tiêu cực, khiến chúng ta cảm thấy căng thẳng, lo lắng, mất tự tin và trầm cảm. Khi bắt đầu cảm thấy cô đơn, điều đó có nghĩa là bạn đang có xu hướng tự tách biệt mình ra khỏi mọi người, dần dần sẽ dẫn đến trạng thái u uất và trầm cảm. Đặc biệt đối với những người thích giao lưu, quan tâm đến mối quan hệ, nếu họ cảm thấy cô đơn thì điều đó là dấu hiệu cảnh báo. Tuy nhiên, cô đơn không phải lúc nào cũng là điều xấu. Tôi không nhớ nơi nào đã đọc được nhưng có người nói rằng, cảm giác mất kết nối với những người xung quanh có thể là do bạn đang nâng tần suất của chính mình lên. Theo một khía cạnh nào đó, tôi cũng đồng ý với ý kiến đó, bởi vì đó là cơ hội để bạn tự nhận thức, khám phá bản thân và phát triển sự độc lập của mình.
Câu hỏi mà tôi đặt ra là “càng lớn thì càng cảm thấy cô đơn hơn phải không?”
Câu hỏi này mở ra nhiều khía cạnh và mỗi người có thể có câu trả lời khác nhau, nhưng với tôi, câu trả lời là khẳng định. Khi trưởng thành, chúng ta phải rời khỏi vùng an toàn, mở rộng mối quan hệ xã hội. Ví dụ, khi còn ở trường cấp 1 hoặc cấp 3, bạn thường chơi với những người cùng khu vực, nhưng khi bước vào đại học hoặc đi làm, bạn sẽ gặp gỡ nhiều người, từ miền Bắc đến miền Nam, thậm chí là từ nước ngoài. Nhiều người cho rằng gặp gỡ nhiều người như vậy sẽ không cảm thấy cô đơn. Nhưng với tôi, cô đơn là khi không có ai hiểu bạn, khi không có ai thân thiết như những người bạn thời thơ ấu. Ngoài việc phải gặp gỡ nhiều người, khi trưởng thành, bạn sẽ nhận ra rằng mối quan hệ với những người bạn cũ dần phai nhạt, và bạn phải chấp nhận sự thật rằng mọi người có cuộc sống riêng. Vậy nên, càng trưởng thành, càng cảm thấy cô đơn hơn, nhưng chúng ta là người lớn và có thể vượt qua được mọi thách thức. Thay vì chịu đựng cô đơn, chúng ta nên tìm cách để vượt qua nó.
Dưới đây là một số cách giúp bạn không cảm thấy cô đơn:
Đầu tiên, hãy làm bạn với chính mình. Mọi cảm xúc, suy nghĩ đều bắt nguồn từ bên trong bạn, vì vậy thay vì chìm đắm trong cô đơn, hãy dành thời gian để hiểu về bản thân, chữa lành tâm hồn và làm những điều bạn thích. Bạn có thể đọc sách, tập thể dục hoặc đơn giản là viết ra những suy nghĩ của mình.
Thứ hai, tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối xã hội. Bạn có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ gia đình, bạn bè hoặc tham gia vào cộng đồng. Ngoài việc chăm sóc bản thân, hãy tập trung vào việc xây dựng mối quan hệ xã hội và tìm kiếm sự cân bằng giữa thời gian một mình và thời gian giao tiếp với người khác. Điều này không chỉ giúp giảm cô đơn mà còn giúp bạn xây dựng một mạng lưới xã hội tốt hơn.
Thứ ba, hãy học cách thể hiện suy nghĩ của bạn. Ban đầu có thể khó khăn, nhưng đây là một kỹ năng quan trọng. Trong một mối quan hệ, nếu bạn không thể nói ra suy nghĩ của mình mà cứ giữ những uất ức và đau khổ, bạn sẽ không bao giờ cảm thấy nhẹ nhõm. Tôi thường nói rằng “nếu giữ lại những uất ức, bụng sẽ bự lên”. Mỗi người có suy nghĩ riêng, vì vậy nếu họ không biết suy nghĩ của bạn, họ sẽ không thể đoán được. Việc này sẽ khiến bạn mất hứng và cảm thấy khó chịu. Thay vào đó, hãy học cách thể hiện suy nghĩ của mình. Tôi tin rằng khi mở lòng, mọi thứ sẽ trở nên dễ dàng hơn.
Thứ tư, như đã đề cập ở trên, hãy thay đổi môi trường xung quanh. Nếu có người không đối xử tốt với bạn, đừng cố gắng để hòa nhập hoặc tổn thương bản thân chỉ để được chấp nhận. Quan trọng nhất là cảm nhận về bản thân của bạn, không phải những gì người khác nói. Hãy tập trung vào việc phát triển mạng lưới xã hội hoặc thưởng thức cuộc sống bên ngoài, tận hưởng vẻ đẹp của thiên nhiên hoặc tham gia các hoạt động xã hội.
Đừng bao giờ để cô đơn và lạc lõng làm bạn mất đi bản thân. Hãy luôn lạc quan, vì mọi vấn đề đều có hai mặt. Cô đơn không phải lúc nào cũng xấu xí, hãy cố gắng lên nhé!