Tốc độ của đợt tuyệt chủng lớn thứ 6 trên Trái đất lại nhanh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là trong vài thập kỷ gần đây, theo nghiên cứu mới nhất được công bố trong tạp chí khoa học Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Tuyệt chủng là quá trình giảm sút đáng kể về đa dạng sinh học của các loài lớn. Điều này thường xảy ra khi tốc độ tuyệt chủng vượt xa tốc độ hình thành loài. Từ khi sự sống xuất hiện trên Trái đất, hành tinh của chúng ta đã trải qua 5 sự kiện tuyệt chủng hàng loạt, khiến khoảng 50% số loài động vật và thực vật biến mất.
Trong hầu hết các đợt tuyệt chủng, khoảng từ 70-95% các loài động vật, thực vật và vi sinh vật đã tồn tại trước đó đã biến mất. Đợt tuyệt chủng gần đây nhất xảy ra khoảng 66 triệu năm trước, khi một thiên thạch khổng lồ va vào Trái đất, khiến khoảng 75% sự sống trên hành tinh này bị tiêu diệt, bao gồm cả khủng long.
Đại tuyệt chủng lần 6 đang diễn ra nhanh hơn nhiều so với dự kiến
Trong nhiều năm qua, các nhà khoa học liên tục cảnh báo rằng chúng ta đang chứng kiến cuộc tuyệt chủng lớn thứ 6 của Trái đất. Điều lo ngại là, nguyên nhân của nó không phải là các sự kiện tự nhiên như trước đó, mà là do hoạt động của con người.
Điều đáng lo ngại hơn là tốc độ của đợt tuyệt chủng lớn thứ 6 trên Trái đất lại nhanh hơn nhiều so với dự báo, đặc biệt là trong vài thập kỷ gần đây, theo nghiên cứu mới nhất được công bố trong tạp chí khoa học Proceedings của Viện hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ (PNAS).
Giáo sư Gerardo Ceballos González, một trong các tác giả của nghiên cứu, tiết lộ rằng trong hơn một thập kỷ từ năm 2001 đến 2014, đã có khoảng 173 loài đã tuyệt chủng.
'173 loài đã tuyệt chủng. Tốc độ này nhanh hơn 25 lần so với tốc độ tiến hóa tự nhiên. Trong 100 năm qua, hơn 400 loài động vật có xương sống đã biến mất, chủ yếu do con người. Trong điều kiện bình thường, quá trình này phải kéo dài ít nhất 10.000 năm', giáo sư Gerardo nhấn mạnh.
'Chúng ta hoàn toàn chịu trách nhiệm về điều này', giáo sư Gerardo nhấn mạnh.
Đặc biệt, quá trình này diễn ra nhanh chóng và mạnh mẽ hơn trong bối cảnh các đại dương ngày càng nóng lên, rừng cây bị phá hủy và biến đổi khí hậu, khiến sự đa dạng sinh học bị ảnh hưởng nghiêm trọng và số lượng động vật giảm mạnh qua từng năm.
Theo ước tính của các nhà khoa học, 1 triệu trong tổng số 8 triệu loài động vật và thực vật trên thế giới đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng. Nguy cơ tuyệt chủng của nhiều loài hiện nay cao gấp nhiều lần so với trung bình của 10 triệu năm.
Kể từ khi các nền văn minh sơ khai hình thành cho đến nay, con người đã thay đổi môi trường sống trên Trái Đất đáng kể. Khoảng 75% diện tích đất liền và 66% hệ sinh thái biển trên Trái Đất đã bị biến đổi theo nhiều cách khác nhau. Chính con người cũng là nguyên nhân chính gây ra sự tàn phá cho hệ sinh thái tự nhiên, làm mất đi 600 loài thực vật trong vòng 250 năm qua. Do tác động của con người, tốc độ tuyệt chủng của một số loài thực vật nhanh gấp 500 lần.
Đáng lo ngại hơn, việc mất đi một số loài động vật và thực vật có thể tạo ra hiệu ứng lan truyền tuyệt chủng. Trong tự nhiên, tất cả các loài động vật đều có mối quan hệ mật thiết với nhau theo nhiều cách khác nhau. Theo ghi nhận từ nhóm nghiên cứu của PNAS, nhiều loài có nguy cơ tuyệt chủng chủ yếu tập trung ở các khu vực đang chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của con người. Việc mất mát thậm chí chỉ một loài cũng có thể phá vỡ chuỗi thức ăn, dẫn đến hậu quả là toàn bộ cộng đồng sinh học có thể sụp đổ theo.
Tham khảo trên Science Alert