1. Sỏi túi mật là gì?
Túi mật là một phần quan trọng của hệ tiêu hóa, có hình dáng giống quả lê nhỏ dài khoảng 8 đến 10cm, nằm ngay dưới gan. Túi mật chứa dịch mật giúp tiêu hóa chất béo và có thể chứa các viên sỏi nhỏ (sỏi túi mật) với kích thước từ nhỏ tới to bằng cả túi mật.
Thông thường, ⅔ sỏi túi mật được cấu tạo từ cholesterol và phần còn lại là sỏi sắc tố. Tỷ lệ và kích thước sỏi khác nhau tùy vào tình trạng sức khỏe của từng người. Trong một số trường hợp, số lượng và kích thước sỏi có thể lớn hơn bình thường. Ngoài ra, túi mật còn có thể chứa các loại sỏi hỗn hợp như sỏi phosphat, sỏi canxi, sỏi protein, sỏi cystin,...
Một số nguyên nhân chính được cho là gây ra sỏi túi mật bao gồm:
-
Thành phần trong túi mật, cụ thể là dịch mật bị ứ đọng, sản sinh không đều hoặc nhiễm khuẩn.
-
Hệ quả của một số bệnh như xơ gan, thiếu máu hồng cầu liềm,... làm tăng kết tụ bilirubin trong túi mật.
-
Thói quen ăn uống không lành mạnh cũng góp phần gia tăng sỏi túi mật.
-
Cơ địa cá nhân cũng có thể làm tăng nguy cơ tái phát sỏi túi mật sau điều trị.
2. Sỏi túi mật có nguy hiểm không? Những ai dễ mắc bệnh này?
Bất kỳ ai cũng có thể bị sỏi túi mật, nhưng các nghiên cứu cho thấy tỉ lệ mắc bệnh cao hơn ở các đối tượng sau:
-
Nữ giới: Sỏi cholesterol dễ phát triển hơn ở nữ giới do estrogen làm gan sản sinh nhiều cholesterol hơn.
-
Người béo phì có nguy cơ cao hơn vì nồng độ cholesterol trong túi mật tăng, thúc đẩy hình thành sỏi cholesterol.
-
Người bị xơ gan, thiếu máu, tiểu đường,... cũng dễ mắc sỏi túi mật.
-
Người sử dụng thuốc hạ mỡ máu, thuốc tránh thai, hoặc thường xuyên dùng kháng sinh mạnh cũng có thể bị biến chứng sỏi túi mật.
-
Người có thói quen ăn uống không khoa học như ăn nhiều dầu mỡ, thiếu chất xơ,... ít vận động và ngồi nhiều cũng gia tăng nguy cơ sỏi túi mật.
Sỏi túi mật là một bệnh lý nguy hiểm vì có thể phát triển âm thầm và gây biến chứng nhanh chóng đến các bộ phận khác. Mức độ nguy hiểm không chỉ dựa trên số lượng hay kích thước sỏi mà còn phụ thuộc vào thành phần sỏi và hoạt động của túi mật.
Dưới đây là những biến chứng mà người bị sỏi túi mật có thể gặp phải:
-
Tắc ống mật chủ: Sỏi túi mật có thể gây tắc nghẽn ống mật chủ, dẫn đến nhiễm trùng túi mật.
-
Viêm hoặc hoại tử túi mật: Sỏi mật phát triển quá nhiều có thể tắc tại cổ túi mật, gây viêm nhiễm và nếu không chữa trị kịp thời có thể dẫn đến hoại tử túi mật.
Sỏi túi mật có thể gây hoại tử túi mật.
-
Sỏi túi mật có thể gây tắc ống tụy, tắc ruột. Mặc dù sỏi mật nằm trong túi mật nhưng nếu sản sinh mất kiểm soát, sỏi có thể di chuyển qua đường dịch mật đến tụy hoặc ruột, gây tắc nghẽn và viêm nhiễm.
-
Khả năng ung thư túi mật tuy hiếm nhưng không phải không thể xảy ra. Vì vậy, việc phát hiện sớm và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
3. Có thể điều trị sỏi túi mật tại nhà không?
Sỏi túi mật tuy nguy hiểm nhưng có thể chữa trị. Khó khăn lớn nhất là phát hiện bệnh sớm. Các bệnh về túi mật thường biểu hiện bằng cơn đau bụng vùng dưới sườn phải.
Các cơn đau có thể xuất hiện thoáng qua hoặc dữ dội tùy vào mức độ tổn thương của túi mật. Đặc biệt, đau túi mật thường xuất hiện sau khi ăn uống, không giống như triệu chứng đau trước bữa ăn của bệnh dạ dày.
Ngoài triệu chứng đau bụng, người bệnh còn có thể gặp các triệu chứng khác như rối loạn tiêu hóa, vàng da hoặc sốt.
Khi phát hiện các triệu chứng có thể do sỏi túi mật, người bệnh nên đến cơ sở y tế uy tín để khám. Tuyệt đối không tự ý dùng thuốc giảm đau khi bị đau bụng, việc này không chỉ không chữa trị dứt điểm mà còn có thể gây biến chứng.
Không tự ý dùng thuốc kháng sinh để giảm đau khi bị đau bụng do sỏi túi mật nếu chưa có chỉ định của bác sĩ.