Với việc số lượng xe điện bán ra tăng đột biến, ngành công nghiệp lốp xe đã phải nâng cấp sản phẩm của mình để phù hợp với yêu cầu của những chiếc ô tô tương đối nặng, hiệu quả và không gây tiếng ồn. Tuy nhiên, một thách thức mà ngành công nghiệp này đang phải đối mặt là ảnh hưởng tiêu cực của lốp xe đến môi trường.
Cuộc đua của ngành lốp xe để thích ứng với xe điện
Ảnh minh họa. Nguồn: DW
Theo DW (Đức), lốp xe là điểm tiếp xúc duy nhất của ô tô với mặt đường. Vì vậy, chúng cần có độ bám đường đủ mạnh để ô tô có thể tăng tốc, rẽ và phanh mà không trượt, đồng thời cũng cần giảm lực cản lăn để tiết kiệm nhiên liệu.
Đối với các nhà sản xuất lốp xe, việc tạo ra lốp hoàn hảo có thể cân bằng giữa hiệu suất và độ bền là một nhiệm vụ không dễ dàng. Trong những năm gần đây, công việc của họ càng trở nên phức tạp hơn với sự gia tăng của ô tô điện (EV). Với pin lớn, xe điện thường nặng hơn đáng kể so với xe động cơ đốt trong. Một ví dụ là chiếc e-Golf của Volkswagen (Đức) nặng hơn khoảng 400 kg so với Golf VII sử dụng xăng. Trọng lượng tăng này áp đặt thêm áp lực lên lốp xe, do đó xe điện cần các lốp chắc chắn hơn.
Các hãng sản xuất lốp hàng đầu đang nỗ lực cải tiến thiết kế và công thức hóa học của lốp để đáp ứng nhu cầu của xe điện. Một số đã ra mắt sản phẩm dành riêng cho xe điện, trong khi những hãng khác đã điều chỉnh tất cả các loại lốp của họ để hoạt động tốt trên cả xe điện và xe động cơ đốt trong.
Người phát ngôn của Continental cho biết: “Chúng tôi đã tối ưu hóa sản phẩm của mình trong thời gian dài, đặc biệt là về tuổi thọ, lực cản lăn và tiếng ồn - những yếu tố có lợi cho xe điện”.
Lốp xe gây ô nhiễm như thế nào?
Khi nói về tác động của ô tô lên môi trường, thường nghĩ ngay đến khí thải từ ống xả. Nhưng lốp xe cũng góp phần không nhỏ vào ô nhiễm.
Lốp xe bị mài mòn theo thời gian, mỗi vòng quay phát ra các hạt nhỏ. Những hạt này bay vào không khí hoặc rơi xuống đất.
Nick Molden, CEO của Emissions Analytics tại Anh, nói: “Sử dụng lốp xe có lẽ là vấn đề tồi tệ nhất đối với giao thông. Khác với các loại ô nhiễm khác, bạn không thể kiểm soát lốp xe”.
Emissions Analytics đã thử nghiệm lượng khí thải từ ống xả và lốp xe trên thực tế. Kết quả cho thấy ô nhiễm từ lốp xe còn nhiều hơn cả khí thải từ ống xả.
Một trạm sạc xe điện tại California, Mỹ. Ảnh: Getty Images
Theo báo cáo từ Emissions Analytics, trung bình mỗi chiếc xe mất đi 4 kg hạt lốp mỗi năm. Toàn cầu, con số này tương đương với 6 triệu tấn hạt lốp bị mất mỗi năm.
Ông Molden tuyên bố: “Hàng năm, lượng khí thải từ ống xả giảm, nhưng lượng khí thải từ lốp xe tăng do xe ngày càng nặng hơn'.
Ô nhiễm từ hạt lốp xe có hai tác động tiêu cực chính. Chúng lọt vào dòng nước, tạo thành một nguồn ô nhiễm lớn cho đại dương, và cũng chứa các hợp chất hữu cơ bay hơi (VOC) gây hại cho sức khỏe.
Một hóa chất lo ngại liên quan đến lốp xe là 6PPD, ngăn chặn cao su nứt. 6PPD có thể rửa trôi vào sông và đại dương, và thậm chí được tìm thấy trong nước tiểu của con người.
Bridgestone xác nhận: “Sứ mệnh của chúng tôi là mang lại hành trình an toàn và thoải mái, nên việc sử dụng 6PPD là không thể thiếu”.
Giải pháp cho vấn đề
Dần loại bỏ các phương tiện chạy bằng nhiên liệu hóa thạch là cần thiết để giảm biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc này đi kèm với lượng khí thải từ lốp xe ngày càng trở nên nghiêm trọng.
Khi được hỏi liệu giảm sử dụng ô tô có phải là giải pháp tốt nhất cho vấn đề ô nhiễm từ lốp xe hay không, ông Molden lập luận: “Đúng vậy, việc này sẽ giảm lượng khí thải từ lốp xe. Tuy nhiên, liệu điều này đáng để đánh đổi với hoạt động kinh tế không?”.
Do đó, ông Molden cho rằng tạo ra cơ chế thị trường để các công ty lốp xe có động lực đầu tư và phát triển công thức tốt nhất là lựa chọn tốt nhất. Ông cũng nói rằng có sự khác biệt đáng kể về độc hại VOC giữa các loại lốp.
Ở mức cá nhân, người lái xe cần tránh tăng tốc đột ngột và phanh gấp để giảm mòn lốp. Chủ xe cũng nên sử dụng lốp đến hết tuổi thọ vì lốp mới thường thải ra gấp đôi hạt trong vài nghìn km đầu tiên.