TPO - Một phân tích di truyền đã mở ra cái nhìn mới về danh tính của một người săn bắn hái lượm thời Mesolithic đã qua đời cách đây 9.000 năm.
Một phần của triển lãm tại Bảo tàng Tiền sử Bang ở Halle (Saale) ở Đức về ngôi mộ kép. (Nguồn hình ảnh: LDA Sachsen-Anhalt, Juraj Lipták)
Năm 1934, công nhân ở Đức phát hiện ngôi mộ đôi của một người phụ nữ được đặt trong tư thế ngồi với một đứa trẻ sơ sinh ở giữa hai chân. Do quá nhiều đồ vật xung quanh hai người, các nhà khảo cổ kết luận rằng, người phụ nữ có thể là một pháp sư đã chết khoảng 9.000 năm trước, trong thời kỳ đồ đá mới. Tuy nhiên, danh tính thực sự và mối quan hệ của cô với đứa trẻ vẫn là một bí ẩn.
Giờ đây, nghiên cứu di truyền mới tiết lộ một manh mối mới: Pháp sư được chôn cất ở Bad Dürrenberg, một thị trấn ở miền đông nước Đức, không phải là mẹ của đứa trẻ mà là họ hàng cách nhau bốn đến năm thế hệ.
Đồng tác giả bài báo Wolfgang Haak, trưởng nhóm Khoa Di truyền học tại Viện Nhân chủng học Tiến hóa Max Planck ở Đức, cho biết: “Chúng tôi đã giải trình tự toàn bộ bộ gien của người phụ nữ sống khoảng 9.000 năm trước này. Người phụ nữ thời kỳ đồ đá mới này đến từ Bad Dürrenberg mang một đặc điểm di truyền đặc trưng của những người săn bắn hái lượm Tây Âu.
Một phân tích cho thấy, người phụ nữ này khoảng 30 đến 40 tuổi khi chết, có thân hình mảnh mai và cao khoảng 1,55 m.
Haak nói: “Cô ấy có mái tóc và màu da sẫm hơn so với người châu Âu thời hiện đại, và có thể có đôi mắt xanh nhạt hơn. Những đặc điểm này phổ biến ở những người săn bắn hái lượm Tây Âu”.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện rằng, người phụ nữ này mất cơ ở chi dưới và có mạch máu phát triển bất thường trong hộp sọ.
Đồng tác giả bài báo Jörg Orschiedt, giáo sư khảo cổ học tại Đại học Tự do Berlin, Đức, nói: “Xương cho thấy rất ít hoặc không có sự gắn kết cơ rõ rệt, không giống như nhiều hài cốt của con người từ thời kỳ đồ đá mới. Tuy nhiên, người phụ nữ này không bị khuyết tật hoặc hạn chế về mặt thể chất dưới bất kỳ hình thức nào'.
Các nhà nghiên cứu cũng nhận thấy một dị thường giải phẫu hiếm gặp ở đáy hộp sọ của người phụ nữ, có thể gây chèn ép động mạch đốt sống ở một vị trí nhất định. Điều này có thể gây ra rung giật nhãn cầu và có thể đã ảnh hưởng đến địa vị pháp sư của người phụ nữ này.
Phân tích di truyền cho thấy, đứa trẻ chôn cùng có quan hệ họ hàng với người phụ nữ, nhưng cách nhau vài thế hệ.
Haak nói: “Điều này có nghĩa là hai người không phải là mẹ con như giả thuyết. Có thể người phụ nữ là bà cố của cậu bé và cậu bé được chôn thêm vào mộ của tổ tiên nhiều thập kỷ sau đó. Cũng có thể cả hai có họ hàng xa (và cả hai đều có chung tổ tiên từ hai đến ba thế hệ trước)'.
Mặc dù phát hiện này được tìm thấy từ những năm 1930, nhưng nghiên cứu mới này cung cấp nhiều chi tiết mới về thời kỳ đồ đá mới và mô tả một hình ảnh chi tiết hơn về các nhóm săn bắn hái lượm cuối cùng ở châu Âu.