Trong bối cảnh thị trường GPU vẫn đang chứng kiến cuộc đua giữa NVIDIA và AMD, sự xuất hiện của các đối thủ mới từ Trung Quốc liệu có mang lại những bất ngờ nào không?
Ngoài các tên tuổi lớn của ngành công nghiệp công nghệ ở Mỹ, việc các công ty sản xuất phần cứng Trung Quốc tham gia thị trường card đồ họa với các mẫu GPU nội địa tự sản xuất đang làm sôi động thị trường.
Mới đây, công ty Moore Threads đặt trụ sở tại Trung Quốc đã tung ra thị trường mẫu card đồ họa chơi game mang tên MTT S80. Đây được coi là mẫu card đồ họa chơi game nội địa đầu tiên của Trung Quốc.
MTT S80 hiện đang được bán với giá khoảng 250 USD tại thị trường Trung Quốc.
MTT S80 là phiên bản nâng cấp của mẫu MTT S60 ra mắt vào đầu năm nay. MTT S60 thuộc dòng card GPU phổ thông của Moore Threads, với hiệu năng xử lý 6 TFLOPs và bộ nhớ LPDDR4X 8GB. MTT S80, so với S60, điểm khác biệt nổi bật nhất là khả năng hỗ trợ các chuẩn APIs thông dụng như DirectX, Vulkan, OpenGL, OpenGL ES.
Theo thông tin từ Moore Threads, MTT S80 cũng là mẫu GPU đầu tiên và duy nhất của Trung Quốc hỗ trợ DirectX (bao gồm DirectX 9 và DirectX 11). Moore Threads cũng đang tiến hành hợp tác chặt chẽ với các nhà phát triển engine nổi tiếng như Unreal và Unity để tối ưu hóa cho S80 và các mẫu card GPU chơi game của công ty trong tương lai.
Mô-đun đồ họa của MTT S80 được phát triển dựa trên kiến trúc MUSA
Về các thông số kỹ thuật, MTT S80 được trang bị 4096 nhân streaming FP32 và hoạt động ở tốc độ xung nhịp 1,8GHz, cung cấp sức mạnh xử lý đồ họa lên đến 14,5 TFLOPs. Ngoài việc chơi game, MTT S80 cũng có thể được sử dụng trong các ứng dụng dựng hình 3D và xử lý trí tuệ nhân tạo.
Về chuẩn kết nối, MTT S80 hỗ trợ chuẩn PCIe 5.0 x16 mới nhất, mang lại băng thông tối đa lên đến 128GB/s. Card cũng được trang bị bộ nhớ GDDR6 16GB. Về các cổng xuất hình, MTT S80 có 3 cổng DisplayPort 1.4a và 1 cổng HDMI 2.1.
Tương tự như NVDIIA Control Panel hay AMD Radeon Software, Moore Threads cũng cung cấp một bộ phần mềm tiện ích và trình điều khiển thiết bị riêng cho các mẫu card GPU dòng MTT, bao gồm MTT S80. Gói phần mềm này có tên gọi là PES, viết tắt của Perfect Experience System, cho phép người dùng có thể tùy chỉnh các tính năng và thông số xung nhịp của card đồ họa, đồng thời có thể cập nhật trình điều khiển mới nhất.
Phiên bản tham chiếu của Moore Threads MTT S80 được trang bị hệ thống làm mát với 3 quạt, trong đó có 2 quạt có kích thước 80mm và 1 quạt 70mm 11 cánh. Hệ thống tản nhiệt bao gồm hai khối tản nhiệt nhôm lớn với bốn ống dẫn nhiệt đồng và một tấm đế tản nhiệt đồng nguyên chất được kết nối trực tiếp với GPU.
Khi lắp vào mainboard, MTT S80 chiếm khoảng 2 khe cắm trên bo mạch chính. S80 được cấp nguồn qua một đầu cắm 8 pin theo chuẩn EPS 12V 8 pin - giống như cổng 8 pin được sử dụng cho CPU - và có thể cung cấp tối đa 300W. Với mức tiêu thụ điện khoảng 255W, số lượng cổng cấp nguồn được đánh giá là đủ cho việc sử dụng của S80. Về phần mạch điện, S80 sử dụng kiểu thiết kế pha điện 6+2, với tổng cộng 6 con chip nhớ GDDR6 được bố trí xung quanh GPU.
Đầu cấp nguồn 8 pin theo chuẩn EPS 12V
Tổng quan, thiết kế của phiên bản tham chiếu của Moore Threads MTT S80 đạt tiêu chuẩn chấp nhận được, không gây ấn tượng mạnh mẽ hoặc sáng tạo đặc biệt cho người dùng. Tuy nhiên, điều mà nhiều người dùng công nghệ quan tâm nhất vẫn là hiệu suất chơi game của S80 so với các GPU từ AMD và Nvidia.
Tuy có thông số kỹ thuật phần cứng khá tốt, nhưng hiệu suất chơi game của MTT S80 không đáp ứng được tiềm năng của nó. Một nhược điểm lớn đến từ phần mềm, khi trình điều khiển của S80 vẫn đang được cải thiện liên tục. Hơn nữa, S80 hiện chỉ hỗ trợ khoảng 60 tựa game, chủ yếu từ Trung Quốc.
Hiệu suất của MTT S80 trong bài kiểm tra 3DMark 06 so với RTX 3060
Ngoài ra, S80 chỉ tương thích tốt với chuẩn DirectX 9.0 cũ, trong khi hỗ trợ của DirectX 11 vẫn chưa hoàn chỉnh. Điều này gây khó khăn cho việc đánh giá sức mạnh của S80 trong các bài kiểm tra.
Trong các bài kiểm tra có sẵn, như 3Dmark 2006 và Unigine Valley 1.0 với DirectX 9, hiệu suất của S80 tương tự như một GPU tầm trung từ vài năm trước. Ở Unigine Valley, MTT S80 tương đương với GeForce RTX 1060 6GB, GTX 970 hoặc Radeon RX 480. Để so sánh, RTX 3060 của NVIDIA (ra mắt năm 2021) nhanh hơn 145% so với MTT S80 ở độ phân giải mặc định và nhanh hơn 167% ở 4K.
Hiệu suất của MTT S80 trong bài kiểm tra Unigine Valley so với RTX 3060
Dù vậy, MTT S80 vẫn có khả năng chơi các tựa game Esports phổ biến tại Trung Quốc, với mức FPS vượt quá 100 ở độ phân giải 4K. Ví dụ, S80 có thể đạt 128 FPS / 4K với Liên Minh Huyền Thoại, 165 FPS / 4K với Đột Kích, hoặc 87 FPS / 4K với Street Fighter IV. Tuy nhiên, những tựa game này yêu cầu cấu hình rất thấp. Thực tế, các tựa game yêu cầu cao hơn có thể khiến S80 gặp khó khăn ngay cả khi chạy ở độ phân giải 1080p.
Tuy nhiên, hiệu suất không phải là vấn đề duy nhất của MTT S80. Mức tiêu thụ điện của GPU này ở chế độ chờ là 114,6W, một con số không chấp nhận được cho bất kỳ GPU nào ra mắt trong năm 2022. Điều này làm cho S80 bị chỉ trích vì tiêu thụ điện năng quá cao. So với các đối thủ khác như Intel Arc A và các mẫu card đồ họa mới nhất của NVIDIA, S80 tiêu thụ nhiều điện năng hơn khi không hoạt động.
Hiện tại, MTT S80 có giá khoảng 250 USD (tương đương 6,2 triệu đồng). Xét về hiệu suất phần cứng và xử lý đồ họa, đây là một mức giá khá hợp lý. Tuy nhiên, S80 vẫn chưa thể cạnh tranh trên thị trường card đồ họa do phần mềm, trình điều khiển và hỗ trợ chơi game còn kém. Cần phải có thêm thời gian để các GPU từ Trung Quốc có thể cạnh tranh với Nvidia, AMD và Intel.
Tham khảo từ VideocardZ và Wccftech