1. Ngôn ngữ
Mình đặt ngôn ngữ ở đầu vì mình tin rằng đây là yếu tố quan trọng nhất. Việc học tập ở một quốc gia nói ngôn ngữ khác tiếng Việt không chỉ dừng lại ở giao tiếp thông thường, mà còn là vấn đề tiếp thu kiến thức và hòa nhập với mọi người. Mình nhận thấy rằng các chứng chỉ tiếng Anh như IELTS, TOEFL chỉ là sự đánh giá về năng lực, còn việc sử dụng thực tế sẽ có những khác biệt riêng. Nhiều người có điểm cao vẫn gặp khó khăn trong giao tiếp.
Mình chỉ có IELTS 7.0 trước khi nhận học bổng vài tháng trước, nhưng trong thời gian chờ bay, mình đã tham gia rất nhiều câu lạc bộ tiếng Anh. Các câu lạc bộ không chỉ giúp mình mở rộng mối quan hệ, mà còn là môi trường lý tưởng để rèn luyện kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, việc hòa nhập, kết bạn và tiếp thu kiến thức cũng dễ dàng hơn nhiều.
2. Kiến thức
Khoảng thời gian từ khi biết kết quả trúng tuyển đến khi bắt đầu học là 5 tháng. Tuy nhiên, mình không mảy may nghiên cứu về chương trình học, một phần vì cảm giác hài lòng sau quá trình nộp đơn, một phần vì mình còn phải làm việc toàn thời gian và bán thời gian.
Kết quả là mình gặp khó khăn trước những bài giảng đầu vì lượng kiến thức truyền tải lớn, nhiều từ chuyên ngành mình không hiểu (đặc biệt là có những từ đồng nghĩa với những từ mình đã học nhưng lại khác chuyên môn). Giai đoạn đầu khiến mình khá căng thẳng (và đa số bạn cùng lớp mình cũng vậy haha), nên mình phải dành thời gian ôn lại bài tương đối lâu để bù lại kiến thức cần được củng cố trước kì học.
Lời khuyên của mình trong giai đoạn chờ đi học là nên tìm hiểu về khung chương trình, những môn học, lượng kiến thức cần nắm, và giới hạn ở các chủ đề nào. Từ đó, mọi người sẽ có cái nhìn rõ ràng hơn về những gì mình sẽ đạt được để chuẩn bị trước khi đi học. Tất nhiên, không nhất thiết phải đọc các bài báo nghiên cứu hoặc sách giáo trình vì nội dung học có thể khác nhau.
Ngoài ra, mình khuyên nên kết nối từ sớm với các sinh viên khóa trước, để có thể hỏi thông tin về chương trình học và xin trước tài liệu để thu hẹp phạm vi kiến thức cần chuẩn bị.
3
. Văn hóa
Mình đã sống tự lập được 7 năm kể từ khi bắt đầu Đại học, nhưng việc chuyển qua sống tại một quốc gia hoàn toàn mới vẫn khiến mình đôi khi gặp sốc văn hóa. Ví dụ, trong kỳ đầu tiên sống ở Phần Lan, dân số cả nước chỉ 5,5 triệu người (chỉ bằng 2/3 dân số Hà Nội), người Phần Lan cực kì hướng nội và ít nói, điều này khiến mình cảm thấy ngợp trước sự khác biệt quá lớn.