Câu điều kiện là gì?
Các ví dụ câu điều kiện:
If you drink much alcohol, your health suffers.(Nếu bạn uống nhiều rượu, sức khỏe của bạn sẽ giảm sút.)
If you study hard enough, you will pass the university entrance exam.(Nếu bạn học hành đủ chăm chỉ, bạn sẽ vượt qua kỳ thi đầu vào đại học.)
Các dạng câu điều kiện
Video tự học các loại câu điều kiện.
Như đã trình bày ở trên, câu điều kiện trong tiếng Anh có 4 loại: loại 0, loại 1, loại 2 và loại 3. Tùy thuộc vào các mục đích truyền đạt khác nhau, người nói/viết xem xét sử dụng loại câu điều kiện phù hợp. Dưới đây là công thức câu điều kiện loại 0,1,2,3,4:
Các loại câu điều kiện | Công thức | Cách dùng |
---|---|---|
Câu điều kiện loại 0 | If + S + V (thì hiện tại đơn), S + V (thì hiện tại đơn). | Diễn tả sự việc luôn đúng hoặc luôn xảy ra dựa trên một giả thiết. |
Câu điều kiện loại 1 | If + S + V (thì hiện tại đơn), S + V (thì tương lai đơn) | Diễn tả sự việc có nhiều khả năng sẽ xảy ra từ một giả thiết nào đó. |
Câu điều kiện loại 2 | If + S + V (thì quá khứ đơn), S + would/could + V(inf). | Diễn tả một giả thiết ít có khả năng xảy ra ở hiện tại, đưa đến một kết quả cũng ít có khả năng xảy ra. |
Câu điều kiện loại 3 | If + mệnh đề điều kiện (quá khứ hoàn thành), S + would/could + have + V3/V-ed. | Diễn tả một giả thiết hoàn toàn không có khả năng xảy ra và kết quả tương ứng từ giả thiết này. |
Câu điều kiện hỗn hợp - Giả thiết (điều kiện loại 3), kết quả (điều kiện loại 2) | If + S+ had + V3/Ved + …, S+ would/could/… + V(bare) +… | Diễn tả một điều kiện không có thật trong quá khứ, nhưng kết quả của nó là một sự việc không có thật ở hiện tại. |
Câu điều kiện hỗn hợp - Giả thiết (điều kiện loại 2), kết quả (điều kiện loại 3) | If + S+ V2/Ved +…, S+ would/could/… + have + V3/Ved + … | Diễn tả một điều kiện không có thật ở hiện tại, kết quả là một sự việc không có thật trong quá khứ. |
Bảng công thức câu điều kiện loại 0,1,2,3,4.
Câu điều kiện loại 0
Định nghĩa
Câu điều kiện loại 0 (Zero conditional) diễn tả sự việc luôn đúng hoặc luôn xảy ra dựa trên một giả thiết. Kết quả tất yếu xảy ra được diễn đạt ở mệnh đề kết quả, với động từ được chia ở thì hiện tại đơn. Giả thiết được diễn đạt ở mệnh đề điều kiện, và động từ ở mệnh đề này cũng được chia theo thì hiện tại đơn.
Cấu trúc câu điều kiện
If + S + V (thì hiện tại đơn), S + V (thì hiện tại đơn). |
---|
*Chú thích: S: chủ từ; V: động từ.
Ví dụ:
The mouse receives an electric shock if it presses the red button.(Con chuột nhận một luồng điện nếu nó ấn cái nút màu đỏ.)
If you heat up water to 100 degree Celcius, it changes into steam.(Nếu bạn đun nước đến 100 độ C, nó sẽ hóa hơi.)
Các ví dụ trên đều trình bày một kết quả tất yếu xảy ra từ một giả thiết: Con chuột LUÔN nhận một luồng điện; nước LUÔN hóa hơi.
Do sự việc ở mệnh đề kết quả luôn xảy ra khi có giả thiết trong câu điều kiện loại 0, người học có thể thay “If” bằng “When” trong câu điều kiện loại 0 mà vẫn giữ được mục đích truyền đạt ban đầu.
Ví dụ: The mouse receives an electric shock when it presses the red button.(Con chuột nhận một luồng điện khi nó ấn cái nút màu đỏ.)
Phương pháp sử dụng
Diễn tả các sự thật hiển nhiên hoặc mang tính khoa học, chân lý.
Dùng khi cần nhờ vả, giúp đỡ.
Dùng diễn tả thói quen, hành động xảy ra thường xuyên.
Dùng để diễn tả mệnh lệnh, lời khuyên hoặc lời cảnh báo.
Video hướng dẫn tự học
Câu điều kiện loại 1
Định nghĩa
Câu điều kiện loại 1 diễn tả sự việc có nhiều khả năng sẽ xảy ra từ một giả thiết nào đó. Trong câu điều kiện loại 1, mệnh đề điều kiện sử dụng thì hiện tại đơn, trong khi mệnh đề kết quả sử dụng thì tương lai đơn, hoặc sử dụng động từ khiếm khuyết biểu thị khả năng xảy ra (can/may/might).
Cấu trúc câu điều kiện
If + S + V (thì hiện tại đơn), S + will + V (thì tương lai đơn) |
---|
*Chú thích: S: chủ từ; V(inf): động từ thể nguyên mẫu.
Ví dụ: If the weather is good, we can go for a picnic.(Nếu thời tiết đẹp, chúng ta có thể đi dã ngoại.)
Như vậy, có thể thấy câu điều kiện loại 1, khác với câu điều kiện loại 0 - diễn tả kết quả tất yếu, diễn tả kết quả có nhiều khả năng xảy ra: “các loài vật có thể tuyệt chủng” hay “chúng ta có thể đi dã ngoại” không đảm bảo sẽ luôn xảy ra khi sự việc ở mệnh đề điều kiện được thỏa mãn.
Phương pháp sử dụng
Diễn đạt về một sự kiện có thể xảy ra trong tương lai nếu điều kiện được đề cập trở thành sự thật.
Diễn đạt về một hành động có khả năng xảy ra nếu một điều kiện nào đó đúng trong hiện tại.
Sử dụng "may" thay cho "will" để diễn đạt mức độ không chắc chắn hơn về kết quả.
Video hướng dẫn tự học
Câu điều kiện loại 2
Định nghĩa
Câu điều kiện loại 2 diễn tả một giả thiết ít có khả năng xảy ra ở hiện tại, đưa đến một kết quả cũng ít có khả năng xảy ra. Trong câu điều kiện loại 2, mệnh đề điều kiện sử dụng thì quá khứ đơn, mệnh đề kết quả sử dụng các động từ khiếm khuyết ở dạng quá khứ (could/would).
Cấu trúc của câu điều kiện
If + S + V (thì quá khứ đơn), S + would/could + V(inf) |
---|
*Chú thích: S: chủ từ; V(inf): động từ thể nguyên mẫu.
Ví dụ:
If I chose to study medicine, my family would be proud of me.(Nếu tôi chọn học y, gia đình tôi chắc sẽ hãnh diện lắm (Trên thực tế tôi ít có khả năng chọn học y.)
If it stopped rainning, we could go for a picnic (Nếu trời ngừng mưa, chúng ta có thể đi dã ngoại (Trên thực tế, trời đang mưa lớn và chưa có dấu hiệu sẽ ngừng lại.))
Câu điều kiện loại 2 cũng thường được sử dụng để đưa lời khuyên “Nếu tôi là bạn,…”
If I were you, I wouldn’t dare to cross him.(Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không dại chọc giận anh ấy.)
Lưu ý: Động từ to-be ở mệnh đề điều kiện trong điều kiện loại 2 luôn là “were”.
Phương pháp sử dụng
Đưa ra lời khuyên
Đưa ra câu hỏi giả định
Nói về một điều giả tưởng
Đưa ra một yêu cầu lịch sự
Từ chối một lời đề nghị
Video hướng dẫn tự học
Câu điều kiện loại 3
Định nghĩa
Câu điều kiện loại 3 diễn tả một giả thiết hoàn toàn không có khả năng xảy ra và kết quả tương ứng từ giả thiết này. Thông thường, câu điều kiện loại 3 được sử dụng để giả định một tình huống khác (không có thật) trong quá khứ. Trong câu điều kiện loại 3, mệnh đề điều kiện sử dụng thì quá khứ hoàn thành, mệnh đề kết quả sử dụng động từ khiếm khuyết ở dạng quá khứ (could would) cùng trợ động từ “have” và động từ chính ở dạng quá khứ phân từ (V3/V-ed).
Cấu trúc
If + mệnh đề điều kiện (quá khứ hoàn thành), S + would/could + have + V3/V-ed |
---|
*Chú thích: S – subject: chủ từ; V3: động từ ở thể quá khứ phân từ (động từ bất quy tắc cột 3).
Ví dụ:
If you had not helped me, I wouldn’t have been able to finish the work.(Nếu bạn mà đã không giúp tôi, tôi đã không thể hoàn tất được công việc này.) (Trên thực tế, bạn đã giúp tôi)
If the driver had not been drunk, the accident wouldn’t have occurred.(Nếu người lái xe đã không say rượu, tai nạn có lẽ đã không xảy ra.) (Trên thực tế, người lái xe đã say rượu và tai nạn đã xảy ra.)
Phương pháp sử dụng
Diễn tả một hành động đã không diễn ra trong quá khứ và giả định rằng kết quả sẽ khác đi nếu hành động đó đã xảy ra.
Sử dụng “could” khi diễn tả sự việc ở mệnh đề chính có thể đã xảy ra nếu điều kiện ở mệnh đề sau if được đáp ứng.
Sử dụng “might” diễn tả sự việc ở mệnh đề chính có thể đã xảy ra nhưng không chắc chắn.
Video hướng dẫn tự học
Câu điều kiện hỗn hợp (Mixed conditional)
Trong ngữ pháp tiếng Anh, đôi khi các điều kiện loại 2 và loại 3 có thể được kết hợp với nhau. Để sử dụng tốt câu điều kiện hỗn hợp, người học cần nhớ.
Điều kiện loại 2 dùng để diễn tả sự việc ít hoặc không có khả năng xảy ra ở hiện tại.
Điều kiện loại 3 dùng để diễn tả sự việc giả định (không có thật) trong quá khứ.
Từ đó, câu điều kiện hỗn hợp có các cách kết hợp sau:
Giả thiết (điều kiện loại 3), kết quả (điều kiện loại 2)
Câu điều kiện hỗn hợp với cách kết hợp này diễn tả một điều kiện không có thật trong quá khứ, nhưng kết quả của nó là một sự việc không có thật ở hiện tại.
Ví dụ:
Nếu tôi đã chọn học tiếng Anh ở đại học, giờ đây tôi có thể có nhiều cơ hội việc làm hơn rồi. (Trên thực tế trong quá khứ tôi đã không chọn học tiếng Anh, và hiện tại tôi không có nhiều cơ hội việc làm.)
Giả thiết (điều kiện loại 2), kết quả (điều kiện loại 3)
Câu điều kiện hỗn hợp với cách kết hợp này diễn tả một điều kiện không có thật ở hiện tại, kết quả là một sự việc không có thật trong quá khứ.
Ví dụ:
Nếu tôi lịch làm việc của tôi không bận đến vậy thì tôi đã có thể tham gia tiệc sinh nhật của cậu tuần trước. (Thực tế, lịch làm việc của tôi hiện tại rất bận và tuần trước tôi đã không tham gia tiệc sinh nhật.)
Mẹo nhớ công thức 3 câu điều kiện nhanh chóng
Để ý rõ cấu tạo của các dạng câu điều kiện, chúng ta thấy có sự lùi thì giữa chúng:
Câu điều kiện loại 1: If + S + V (thì hiện tại đơn), S + V (thì tương lai đơn)
Câu điều kiện loại 2: If + S + V (thì quá khứ đơn), S + would/could + V(inf)
Câu điều kiện loại 3: If + mệnh đề điều kiện (quá khứ hoàn thành), S + would/could + have + V3/V-ed
Sự lùi thì được biểu hiện qua:
Mệnh đề If - Động từ hiện tại đơn => Quá khứ đơn => Quá khứ hoàn thành.
Mệnh đề chính: will => would => would have.
Tóm lại, người học chỉ cần ghi nhớ công thứ của câu điều kiện loại 1, sau đó tiến hành lùi thì lần 1 sẽ được công thức của câu điều kiện loại 2 và tiếp tục lùi thì sẽ nhớ được công thức của câu điều kiện loại 3.
Sự đảo ngữ trong câu điều kiện
Sự đảo ngữ trong câu điều kiện loại 1
Khi đảo ngữ ở câu điều kiện loại 1, câu sẽ trở nên lịch sự, nhã nhặn hơn và thường phù hợp khi đưa ra lời nhờ vả:
Cấu trúc gốc câu điều kiện loại 1:
If + S1 + V (thì hiện tại đơn), S2 + V (thì tương lai đơn). hoặc: If + S1 + V (thì hiện tại đơn), S2 + can/may/might… + V(inf). |
---|
Cấu trúc đảo ngữ câu điều kiện loại 1:
Should + S1 + (not) + V(thì hiện tại đơn), S2 + can/may/might… + V(inf). |
---|
Ví dụ đảo ngữ ở câu điều kiện loại 1:
Câu gốc: If you see him at the class, please convince him to come back with me.
Đảo ngữ: Should you meet him at the class, please convince him to come back with me.
Sự đảo ngữ trong câu điều kiện loại 2
Khi đảo ngữ ở câu điều kiện loại 2, câu sẽ trở nên nhẹ nhàng, phù hợp trong hoàn cảnh đưa ra lời khuyên một cách chân tình, nhẹ nhàng, giảm sự áp đặt trong lời nói:
Cấu trúc gốc câu điều kiện loại 2:
If + S1 + V (thì quá khứ đơn), S2 + would/could + V(inf). |
---|
Cấu trúc đảo ngữ câu điều kiện loại 2:
Were + S1 + (not) + O, S2 + would/could + V(inf). |
---|
Ví dụ đảo ngữ ở câu điều kiện loại 1:
Câu gốc: If I were her, I would take the final exam to save my time in the long term.
Đảo ngữ: Were I her, I would take the final exam to save my time in the long term.
Sự đảo ngữ trong câu điều kiện loại 3
Trong ngữ cảnh trang trọng, người nói/viết có thể sử dụng đảo ngữ cho câu điều kiện loại 3. Trong trường hợp này, “had” sẽ được đặt ở đầu câu và thay thế “if”.
Cấu trúc đảo ngữ câu điều liệu loại 3:
Had + S + V3/V-ed, mệnh đề kết quả (điều kiện loại 3) |
---|
Ví dụ: Had you arrived a bit earlier, you would have been able to buy the ticket. (Nếu bạn đã đến sớm hơn, bạn đã có thể mua được vé rồi.)
Các loại câu điều kiện khác
Will/would
Các động từ khiếm khuyết will/would đôi khi được sử dụng ở mệnh đề điều kiện nhằm:
Nhấn mạnh ý “vui lòng, sẵn lòng, có ý”.
Ví dụ: If you will come over our place during your trip, we will prepare a nice meal for you.(Nếu bạn có ý ghé qua chỗ chúng tôi trong chuyến du lịch của mình, chúng tôi sẽ chuẩn bị một bữa ăn ngon cho bạn.)
Khi sự việc trong mệnh đề điều kiện xảy ra sau sự việc trong mệnh đề kết quả.
Người học có thể hình dung cách sử dụng này tương tự như cách nói “Nếu có kết quả A thì tôi mới làm B”.
Ví dụ: If these pills will help me sleep better, I will take some tonight.(Nếu những viên thuốc này mà giúp tôi ngủ ngon hơn, tôi sẽ uống vài viên tối nay.) (sự việc ‘thuốc giúp ngủ ngon’ xảy ra sau khi ‘uống thuốc’)
Các từ will/would trong mệnh đề điều kiện đôi khi được nhấn âm khi nói để thể hiện sự việc xảy ra sau (ở mệnh đề điều kiện) khó có khả năng xảy ra, và người nói có một thái độ ngờ vực nhất định.
Ví dụ: If these pills will help me sleep better, I will take some tonight.
(Trong ví dụ này, nếu người nói nhấn “will” mạnh hơn các từ khác, người nghe có thể hiểu rằng người nói đang ngờ vực, không tin vào việc các viên thuốc có thể giúp ngủ ngon.)
Tương tự ở ví dụ sau:
If it really would save the Earth, I’d start recycling tomorrow.(Nếu thực sự có thể bảo vệ được Trái Đất, tôi sẽ bắt đầu việc tái chế từ ngày mai.)
(Sự việc ‘bảo vệ Trái Đất xảy ra sau sự việc “tái chế”. Ngoài ra, nếu người nói nhấn vào ‘would’, câu nói sẽ mang sắc thái ngờ vực, thể hiện việc ‘bảo về được Trái Đất” rất khó xảy ra theo quan điểm người nói.)
Should
Động từ khiếm khuyết “should” có thể sử dụng ở mệnh đề điều kiện để diễn đạt giả thiết đưa ra không có nhiều khả năng xảy ra, hoặc xảy ra một cách tình cờ, ngẫu nhiên. Câu điều kiện sử dụng should thường là điều kiện loại 0 và 1, hiếm gặp hơn ở điều kiện loại 2, và không được sử dụng cho điều kiện loại 3. Câu điều kiện có chứa should là cách diễn đạt trang trọng, thường dùng trong văn viết (điều luật, quy định, văn bằng,…). Mệnh đề kết quả (mệnh đề chính) thường là câu mệnh lệnh (imperative sentences).
Ví dụ: If you should have further queries, please contact us via email (Nếu bạn còn thắc mắc mắc nào khác, vui lòng liên hệ chúng tôi qua email.)
(Cách hiểu: tôi không nghĩ bạn sẽ có nhiều thắc mắc, nhưng nếu có thì hãy liên hệ chúng tôi qua email.)
Lưu ý: Mệnh đề điều kiện sử dụng “should” thường xuất hiện đảo ngữ, trong đó “should” được đặt ở đầu câu và thay thế “if”, khi người nói muốn tăng tính trang trọng hơn nữa.
Cấu trúc:
Should + S + V(inf), mệnh đề kết quả. |
---|
Ví dụ: Should you have further queries, please contact us via email.
Were to
Cụm từ “were to” đôi khi được sử dụng trong mệnh đề điều kiện nhằm diễn đạt một giả thiết, tình huống giả định xấu, ít có khả năng xảy ra. Cụm từ này thường xuất hiện trong câu điều kiện loại 2 và được sử dụng trong ngữ cảnh trang trọng.
Cấu trúc:
If + S + were to + V(inf), mệnh đề kết quả (điều kiện loại 2). |
---|
Ví dụ: If there were to be another crop failure, people in the village would face starvation. (Nếu có thêm một vụ thất thoát mùa vụ, người trong làng sẽ đối mặt với nạn đói.)(Người nói/viết sử dụng “were to” để đưa giả định về một tình huống xấu – có thêm một vụ thất thoát mùa vụ.)
Lưu ý: Người nói/viết có thể sử dụng đảo ngữ cho các mệnh đề điều kiện sử dụng “were to” nhằm tăng mức độ trang trọng cho diễn đạt. Trong trường hợp này, “were” sẽ được đặt ở đầu câu và thay thế “if”.
Cấu trúc:
Were + S + to V(inf), mệnh đề kết quả (điều kiện loại 2) |
---|
Ví dụ: Were the COVID-19 pandemic to break out again, the economy would greatly suffer.
Unless (Trừ khi)
Mệnh đề điều kiện có thể bắt đầu với “Unless” thay vì “If”. Diễn đạt với “Unless” tương đồng với diễn đạt “If…not” - “Nếu…không”. Theo từ điển Oxford, “Unless” được dùng để diễn tả sự việc có khả năng xảy ra trong tương lai, vì vậy cấu trúc điều kiện với “Unless” chỉ được dùng cho điều kiện loại 1.
Ví dụ: The engine won’t start unless you press these two buttons at the same time.(Động cơ sẽ không khởi động nếu bạn không ấn hai cái nút này cùng lúc.)
As long as/so long as; Providing that/Provided that, etc.
“If” có thể được thay thế bằng các từ như: As long as/So long as; Providing that/provided that; Only if, On condition that,… khi người nói/viết muốn đưa ra giới hạn cho khả năng xảy ra của sự việc ở mệnh đề kết quả khi có giả thiết. Nói cách khác, các từ này diễn đạt ý “chỉ khi, miễn là”. Tùy vào mức độ trang trọng của ngữ cảnh, người nói/viết sẽ sử dụng từ khác nhau.
Ngữ cảnh trang trọng/Văn viết | Ngữ cảnh không trang trọng/Văn nói |
---|---|
So long as: miễn là. | As long as: miễn là. |
Provided that: với điều kiện. | Providing that: với điều kiện là. |
On condition that: với điều kiện. | Only if: chỉ khi. |
“Or”, “Otherwise” mang ý nghĩa điều kiện
Các từ “or”, “otherwise” mang nghĩa “nếu không, không thôi sẽ” có thể được dùng ở đầu mệnh đề kết quả. Câu điều kiện chứa các từ này, về cơ bản, tương đồng với “Unless”. Tuy nhiên, người học cần lưu ý trong khi “unless” bắt đầu mệnh đề điều kiện, “or” và “otherwise” bắt đầu mệnh đề kết quả.
Ví dụ:
We should get going now, or it’ll take ages to get home due to traffic congestion. (Chúng ta nên bắt đầu đi từ giờ, nếu không sẽ mất cả buổi mới về đến nhà do kẹt xe mất.)
You should hurry and finish your homework, otherwise you’ll miss your favorite TV show. (Con nên nhanh chóng hoàn tất bài tập về nhà của mình, không thôi sẽ bỏ lỡ chương trình TV ưa thích nhé.)
Lưu ý:“Or” và “Otherwise” là các các liên từ (từ dùng để liên kết hai mệnh đề độc lập), khác với “If” và “Unless” là trạng từ phụ thuộc (từ dùng để bắt đầu một mệnh đề phụ thuộc). Các câu sử dụng “Or” và “Otherwise” là các câu ghép, vì vậy các mệnh đề độc lập trong câu sẽ được nối với nhau qua dấu phẩy (,) cùng các liên từ này (xem bài Câu ghép).
Người học cũng lưu ý không sử dụng đồng thời trạng từ phụ thuộc và liên từ trong cùng một câu.
Ví dụ:
Unless we should get going now, or it’ll take ages to get home due to traffic congestion. (SAI)
We should get going now, or it’ll take ages to get home due to traffic congestion. (ĐÚNG)
Suppose, Supposing và What if
Các câu điều kiện có thể sử dụng “Suppose” hoặc “Supposing” thay cho “If”. Người nói/viết sử dụng các từ này khi họ muốn gợi ý cho người khác tưởng tượng đến một tình huống mà họ muốn. “What if” cũng có ý nghĩa tương tự nhưng thường chỉ sử dụng ở câu hỏi (không có mệnh đề kết quả), khi người nói/viết muốn khơi gợi ra tình huống để người khác đưa ra ý kiến, suy nghĩ.
Ví dụ:
Supposing you have graduated from medical school, you’ll then have to serve your internship at a hospital for at least a year before you can obtain your practice certificate. (Giá như cậu đã tốt nghiệp khỏi trường y, cậu rồi sẽ phải thực tập tiếp ở một bệnh viện ít nhất một năm trước khi có thể được cấp chứng chỉ hành nghề.)
A: “What if we couldn’t make it on time to the meeting this time?”(Không biết sẽ như thế nào nếu chúng ta không kịp đến buổi họp lần này nhỉ?)
B: “Well, given that we have arrived late at meetings twice in a row this month, we could lose our job at worst.”(Ừm, chúng ta đã trễ họp hai lần liên tiếp tháng này rồi, nên tôi nghĩ tình huống xấu nhất là chúng ta có thể mất việc.)
*Người học lưu ý các sự việc trong các câu nói của A và B được diễn đạt bằng động từ ở thể quá khứ, do đây là các tình huống và kết quả tưởng tượng ít có khả năng xảy ra. Trên thực tế, A không nghĩ bọn họ sẽ có thể trễ họp lần này.
Một số lưu ý về cách dùng câu điều kiện
Câu điều kiện loại 2 và câu điều kiện loại 3 thường được sử dụng trong cấu trúc câu wish và cấu trúc câu would rather để thể hiện sự tiếc nuối, ý trách móc ai đó đã hoặc không làm gì.
Ví dụ 1: If I had taken the examination, I would not have been punished by my father. (Nếu tôi nộp bài thi, tôi đã không bị bố tôi cấm túc).
=> I wish I had taken the examination. (Tôi ước rằng tôi đã nộp bài thi.)
=> I would rather I had taken the examination. (Giá như tôi đã nộp bài thi.)
Ví dụ 2: If I had planned carefully for the wedding, I could manage to solve the problem. (Nếu tôi đã lên kế hoạch cẩn thận cho đám cưới, tôi có thể xoay sở để giải quyết vấn đề.)
=> I wish I had planned carefully for the wedding. (Ước gì tôi đã lên kế hoạch cẩn thận cho đám cưới.)
=> I would rather I had planned carefully for the wedding. (Giá như tôi đã lên kế hoạch thật cẩn thận cho đám cưới.)
Trong câu điều kiện có mệnh đề If ở dạng phủ định thì có thể thay thế bằng “unless”.
Ví dụ 1: If you do not give me the money, I will call the police.
=> Unless you give me the money, I will call the police. (Nếu bạn không đưa tiền cho tôi, tôi sẽ gọi cảnh sát.)
Ví dụ 2: If the weather is not nice tomorrow, I will not able to go camping.
=> Unless the weather nice tomorrow, I will not able to go camping. (Nếu ngày mai thời tiết không đẹp, tôi sẽ không thể đi cắm trại.)
Ví dụ 3: If you do not read the password, the bodyguard will not let you in.
=> Unless you read the password, the bodyguard will not let you in. (Nếu bạn không đọc mật khẩu, bảo vệ sẽ không cho bạn vào cửa.)
Trong câu điều kiện loại 1, có thể thì tương lai đơn trong mệnh đề If nếu nó diễn ra sau khi mệnh đề chính xảy ra.
Ví dụ 1: If you will take me to school at 10 a.m, I will wake you up at 9 a.m. (Nếu bạn đưa tôi đến trường lúc 10 giờ sáng, tôi sẽ đánh thức bạn lúc 9 giờ sáng.
Ví dụ 2: If the drug will reduce my pain, I will take 2 pills tonight. (Nếu thuốc làm giảm cơn đau của tôi, tôi sẽ uống 2 viên tối nay.)
Ví dụ 3: If I will have class this morning, I will call my friend to take me to school. (Nếu sáng nay tôi có tiết học, tôi sẽ gọi bạn tôi đưa tôi đến trường).
Đối với câu điều kiện loại 2, có thể sử dụng “were” thay cho “was” cho bất cứ chủ ngũ số ít hay số nhiều.
Ví dụ 1: If I were you, I would choose to stay home. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ chọn ở nhà.)
Ví dụ 2: If I were you, I would study abroad to explore my potential. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ đi du học để khám phá tiềm năng của mình.)
Ví dụ 3: If I were you, I would not consider about the financial problem. (Nếu tôi là bạn, tôi sẽ không cân nhắc quá nhiều về vấn đề tài chính.)