1. Sốt phát ban là gì? Nguyên nhân
Sốt phát ban là một loại bệnh nhiễm trùng do một số chủng của virus Herpes gây ra. Bệnh thường có các triệu chứng là cơn sốt và các nốt phát ban trên da. Bệnh này có hai loại, một là sốt kèm phát ban màu đỏ và một là sốt kèm phát ban màu đào. Những nốt ban có thể ẩn dưới da hoặc trên bề mặt da. Sốt phát ban thường lành tính và không gây nguy hiểm cho sức khỏe. Tuy nhiên, nếu có các triệu chứng nặng nề, đặc biệt là sốt cao, bệnh nhân có thể gặp nguy hiểm và các biến chứng sau này.
Sốt phát ban thường đặc trưng bởi cơn nóng sốt và việc xuất hiện các nốt ban trên da
Bệnh thường phổ biến ở trẻ nhỏ dưới 4 - 5 tuổi, hiếm gặp ở người lớn. Trẻ nhỏ có hệ miễn dịch chưa phát triển hoàn thiện nên dễ bị virus Herpes tấn công và gây ra bệnh. Bệnh ở trẻ em phần lớn là do lây nhiễm từ cộng đồng, chủ yếu là nhà trẻ và các khu vui chơi. Nhà trẻ là môi trường thuận lợi cho việc lây lan bệnh từ trẻ này sang trẻ khác, đặc biệt là các em nhỏ dưới 2 tuổi là đối tượng dễ mắc sốt phát ban nhất.
Ngoài ra, bệnh còn có thể do những nguyên nhân sau đây gây ra:
-
Do bị chấy rận cắn: chấy rận cắn có thể truyền các vi trùng gây ra sốt kèm phát ban ở trẻ.
-
Do bị chuột cắn: chuột là loài động vật chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm như Leptospira, virus Hanta,... Người bị chuột cắn có thể mắc các loại bệnh truyền nhiễm, trong đó có cả sốt phát ban.
-
Do tiếp xúc với mò mạt trong bụi rậm: mò mạt trong bụi rậm cũng có thể gây ra bệnh sốt kèm phát ban ở người. Vì vậy, cần phải cẩn thận khi làm việc hoặc chơi đùa tại những nơi có nhiều bụi rậm.
Bệnh cũng có thể do chấy rận gây ra
2. Dấu hiệu
Thời kỳ ủ bệnh của bệnh do virus Herpes gây ra thường kéo dài 1 - 2 tuần. Người bệnh thường phát bệnh vào tuần thứ 2 kể từ khi nhiễm virus. Bệnh thường biểu hiện qua những dấu hiệu như sau:
- Sốt: Sốt cao trên 39,4 độ là triệu chứng thường gặp ở bệnh nhân bị sốt phát ban. Dấu hiệu này thường kéo dài từ 3 - 5 ngày. Sốt thường kèm theo các triệu chứng của bệnh cảm cúm: ho, sổ mũi, viêm họng, nhức đầu,… Lúc này có thể nhận biết dấu hiệu viêm, sưng to các hạch bạch huyết, đặc biệt là hạch cổ và hạch dưới hàm.
- Phát ban: Các nốt phát ban thường xuất hiện sau cơn sốt. Người bệnh có thể thấy các đốm đỏ trên da, có thể nằm ẩn trong da hoặc nhô lên như bị côn trùng đốt. Phát ban thường lan rộng ở vùng ngực, bụng, lưng, cánh tay, cổ, thậm chí ở mặt. Sau vài giờ đến vài ngày, các nốt phát ban sẽ biến mất và không để lại vết tích nào trên da.
Ngoài ra, bệnh ở trẻ nhỏ có thể đi kèm với các triệu chứng như: trẻ tiêu chảy nhẹ, chán ăn, sưng mí mắt, quấy khóc nhiều,…
Sốt phát ban thường dễ bị nhầm lẫn với các triệu chứng ban đầu của bệnh thủy đậu, sởi, rubella,… Tuy nhiên, thủy đậu sẽ xuất hiện các nốt ban hình hạt đậu và thường để lại sẹo, còn sởi thì sau khi bệnh lành để lại các vết thâm trên da. Phát ban không nguy hiểm như các bệnh trên, nhưng trong một số trường hợp, nếu có các triệu chứng nặng, cần phải đưa đến bác sĩ càng sớm càng tốt:
-
Bệnh nhân có sốt cao trên 40 độ kéo dài và không phản ứng với việc sử dụng thuốc hạ sốt.
-
Phát ban kéo dài và không giảm đi sau 3 - 4 ngày.
-
Bệnh không có sự cải thiện sau một vài ngày hoặc có dấu hiệu nặng hơn.
-
Bệnh xảy ra ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi.
-
Xuất hiện một số triệu chứng nguy hiểm như co giật, tiêu chảy kéo dài, khó thở.
3. Phương pháp điều trị
Bệnh có thể tự khỏi sau vài ngày nếu các triệu chứng nhẹ và được chăm sóc đúng cách. Những điều cần thực hiện khi mắc sốt phát ban:
-
Hạ sốt: Sốt cao kéo dài thường dễ gây biến chứng thần kinh, tim mạch. Việc đầu tiên cần thực hiện khi mắc bệnh là hạ sốt đúng cách. Nên sử dụng paracetamol để hạ sốt với liều lượng 10 - 15 mg/kg thể trọng và uống 2 - 3 lần/ngày.
-
Sử dụng thuốc hoặc các biện pháp khác để giảm ho, thông mũi, giảm đau họng khi có các triệu chứng kèm theo.
-
Vệ sinh da thường xuyên bằng nước ấm sạch để tránh nhiễm khuẩn.
-
Bổ sung nhiều vitamin và các dưỡng chất cho người bệnh, sử dụng những thức ăn dễ tiêu hóa.
-
Bù nước, điện giải nếu người bệnh bị tiêu chảy mất nước.
-
Phát hiện sớm các triệu chứng bất thường để kịp thời đưa đến bác sĩ để có hướng xử trí tốt nhất, hạn chế nguy cơ để lại biến chứng nguy hiểm.
Chăm sóc đúng cách là một biện pháp giúp nhanh chóng phục hồi sức khỏe cho người bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ có sức đề kháng yếu. Bố mẹ cần chú ý đặc biệt khi trẻ có các triệu chứng xấu của bệnh sốt phát ban.
Cần thường xuyên theo dõi các triệu chứng để kịp thời đưa đến bác sĩ khi cần
4. Biện pháp phòng tránh
Hiện nay vẫn chưa có vacxin để phòng bệnh, do đó việc hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh và tuân thủ các biện pháp vệ sinh là cách tốt nhất để ngăn ngừa bệnh sốt phát ban.
Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn yếu nên bệnh có thể lây lan dễ dàng thông qua các tiếp xúc cộng đồng như ở nhà trẻ, sau đó bùng phát và có thể lây cho các thành viên khác trong gia đình. Để ngăn chặn bệnh, cần phát hiện sớm và cách ly trẻ em có dấu hiệu sốt, hoặc phát ban. Đồng thời, mọi người cần duy trì vệ sinh cá nhân để ngăn chặn virus từ việc dính vào tay và xâm nhập vào cơ thể.
Sốt phát ban là một bệnh ít gây nguy hiểm và thường không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là chúng ta có thể xem thường khi mắc bệnh, đặc biệt là ở trẻ nhỏ.