Câu hỏi tu từ tiếng Anh (Rhetorical questions) – một dạng ngôn ngữ tượng hình. Ví dụ: “Is this supposed to be some kind of a joke?”. Người học có thể sẽ nhận ra rằng, câu trả lời cho các câu hỏi trên sẽ có điểm khác biệt bởi chúng không nhắm đến một thông tin cụ thể nào. Trong bài viết dưới đây, tác giả sẽ đưa ra thông tin tổng quan về dạng câu hỏi này thông qua định nghĩa, phân loại và công dụng trước khi gợi ý một số hướng vận dụng câu hỏi tu từ tiếng Anh vào hoạt động thuyết trình, diễn thuyết trong thực tế.
Tổng quan về câu hỏi tu từ trong tiếng Anh
Câu hỏi tu từ nghĩa là gì?
Theo Wikipedia, câu hỏi tu từ (rhetorical question) là dạng câu hỏi không nhằm mục đích nhận được câu trả lời về mặt thông tin. Trong đa phần các trường hợp, câu hỏi tu từ tiếng Anh không có câu trả lời chính xác, hoặc cũng có thể ngầm ám chỉ câu trả lời ngay trong chính câu hỏi vừa được đặt ra (tức câu trả lời đã rất rõ ràng). Đây là một dạng ngôn ngữ tượng hình.
Có nhiều ý kiến khác nhau về cách sử dụng dấu câu trong văn viết đối với câu hỏi tu từ tiếng Anh. Nhìn chung, thông thường câu hỏi tu từ tiếng Anh kết thúc bởi dấu chấm hỏi như mọi loại câu hỏi khác. Tuy nhiên, trong một số trường hợp cụ thể, dấu chấm hay dấu chấm than cũng có thể được sử dụng, cụ thể như sau:
Khi câu hỏi tu từ là một lời đề nghị, yêu cầu ngầm, người học có thể sử dụng dấu chấm. Ví dụ, cách viết “Will you please pay attention to the performance.” hay “Could you please wait in the line.” vẫn được chấp nhận.
Khi câu hỏi tu từ tiếng Anh là một lời cảm thán ngầm hay có ý bày tỏ cảm xúc, người học có thể sử dụng dấu chấm than. Ví dụ, cách viết “Were they ever surprised!” hay “Who could blame him!” vẫn được chấp nhận.
Phân loại
Có 3 dạng câu hỏi tu từ tiếng Anh thông dụng:
Anthypophora (hay Hypophora)
Thuật ngữ “Anthypophora” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa “against” + “allegation”.
Khi sử dụng loại câu hỏi này, người nói sẽ đặt ra một câu hỏi và lập tức tự mình cung cấp câu trả lời. “Hypophora” được xem là câu hỏi, trong khi đó “anthypophora” lại là lời phản hồi ngay sau đó. (Dictionary Of Rhetorical Terms, 2010).
Ví dụ về Anthypophora:
“When the enemy struck on that June day of 1950, what did America do? It did what it always has done in all its times of peril. It appealed to the heroism of its youth.”
Dwight Eisenhower
Erotesis
Thuật ngữ “Erotesis” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa khắc họa hành động “questioning”.
Dạng câu hỏi này được dùng khi người nói muốn truyền đạt một lời khẳng định hay chối bỏ mạnh mẽ.
Ví dụ về Erotesis:
“Another thing that disturbs me about the American church is that you have a white church and a Negro church. How can segregation exist in the true Body of Christ?”
Martin Luther King, Jr.
Epiplexis (hay Epitimesis)
Thuật ngữ “Erotesis” có nguồn gốc từ tiếng Hy Lạp với ý nghĩa khắc họa “a rebuke” hay hành động “strike at”.
Chức năng chính của dạng câu hỏi này là để khiển trách. Nó có thể được vận dụng trong các cuộc tranh luận, trong đó một bên chỉ trích quan điểm hay thậm chí hạ thấp bên còn lại.
Ví dụ về Epiplexis:
“Are we children of a lesser God? Is an Israeli teardrop worth more than a drop of Lebanese blood?”
Lebanese Prime Minister Fouad Siniora
Công dụng
Câu hỏi tu từ có thể được dùng trong cả văn nói giao tiếp và văn viết. Tuy nhiên, riêng trong văn viết học thuật, việc ứng dụng có phần bị hạn chế.
Về căn bản, việc đặt câu hỏi tu từ tiếng Anh giúp người nói giới thiệu chủ đề, ý tưởng và thu hút sự chú ý từ phía người nghe hiệu quả hơn.
Ví dụ: xét một câu dẫn nhập trong quảng cáo: “Do you hate doing the laundry? Then, I’ve got a solution for you!”. Câu hỏi tu từ tiếng Anh này gợi ra một trải nghiệm dễ đồng cảm từ phía người nghe và do đó, có thể kéo sự chú ý của người xem vào mẩu quảng cáo này tốt hơn.
Bên cạnh đó, câu hỏi tu từ còn có công dụng “thử thách” người nghe / đọc bởi nó bước đầu làm dấy lên các ý tưởng liên quan tới một vấn đề, “bắt buộc” người nghe/ đọc phải tự mình “động não” suy nghĩ thay vì chỉ bị động tiếp nhận thông tin từ đối phương. Do vậy, tính chủ động trong quá trình tham gia vào chủ đề giao tiếp của người nghe / đọc sẽ tăng lên đáng kể.
Không những vậy, câu hỏi tu từ tiếng Anh cũng là một công cụ hữu ích trong việc thể hiện cảm xúc.
Ví dụ: Câu hỏi “Are you serious?” khi nhận tin đối phương đã vượt qua một kỳ thi quan trọng sẽ giúp thể hiện sự bất ngờ, sửng sốt.
Trong một bài diễn thuyết về chủ đề biến đổi khí hậu, nếu người nói đặt câu hỏi tu từ tiếng Anh “What has the world come to?”, người nghe sẽ cảm nhận được sự bất bình, thái độ không bằng lòng với tình trạng thế giới hiện tại.
Hay, khi một người nhận được câu hỏi “Do you love me?” từ đối phương (không phải câu hỏi tu từ), nếu người được hỏi trả lời câu hỏi này bằng một câu hỏi tu từ tiếng Anh khác “Is the Pope Catholic?”, điều đó có nghĩa là người nói đã ngầm thể hiện được sự chắc chắn, rõ ràng rằng câu trả lời của mình là “Yes, I do”. Bởi vì “Is the Pope Catholic?” nghĩa là một Giáo hoàng thì có phải là theo đạo Công giáo không? Rõ ràng câu trả lời là chắc chắn, hiển nhiên, thì khi đó cũng có nghĩa là người nói cũng muốn nói chắc chắn khi nhận được câu hỏi Do you love me?
Vận dụng câu hỏi tu từ vào hoạt động thuyết trình, diễn thuyết
Bắt đầu bằng một câu hỏi tu từ được “cá nhân hóa”
Để giới thiệu chủ đề, ý tưởng và thu hút sự chú ý của người nghe, người nói có thể bắt đầu bài nói bằng câu hỏi tu từ tiếng Anh thay vì chỉ đưa ra một câu nhận định thông thường. Tuy nhiên, người nói cần chú ý đánh vào những trải nghiệm tương đồng mà người nghe có thể lập tức liên tưởng tới và cảm thông. Người nói cũng nên sử dụng “you” hay “your”, “we” hay “our” để “chạm” đến từng cá nhân tốt hơn.
Ví dụ:
Cách đặt câu hỏi tu từ tiếng Anh “We’ve all had really stressful days at work that we come home and don’t feel like doing anything, haven’t we?” sẽ hiệu quả hơn cách giới thiệu đơn thuần “People have all had really stressful days at work that they come home and don’t feel like doing anything.”
Hay: Nếu người nói bắt đầu bằng câu hỏi tu từ tiếng Anh “Have you ever thought about losing weight without feeling hungry?” có khả năng thu hút người nghe hơn cách nói “A lot of people want to lose weight without feeling hungry.”
Xa hơn nữa, sau câu hỏi tu từ tiếng Anh giới thiệu: “As a pet owner, you may question: What should I focus on to keep my cat healthy?”, người nói còn có thể kèm theo câu “hứa hẹn”: “In the next 15 minutes, let’s altogether explore the answer to this question.” để tạo cảm giác chờ đợi, mong ngóng từ người nghe.
Sử dụng câu hỏi tu từ tiếng Anh ngay sau ý tưởng quan trọng
Nhằm nhấn mạnh một ý tưởng quan trọng và “buộc” người nghe phải suy ngẫm về nó nhiều hơn, người nói có thể cân nhắc đặt câu hỏi tu từ tiếng Anh ngay sau ý tưởng đó.
Ví dụ:
“The amount of plastic in the ocean is rising at an alarming rate. How much damage will it take for you to help solve this serious problem?”
Sử dụng nhiều câu hỏi tu từ liên tiếp
Việc đặt liên tục nhiều câu hỏi tu từ tiếng Anh, trong đó câu sau cụ thể và có tác động mạnh mẽ hơn câu trước, cũng sẽ giúp ảnh hưởng lên người nghe tốt hơn bởi khi đó, người nghe sẽ phải không ngừng xâu chuỗi thông tin được đưa ra.
Ví dụ:
“What can we do to reduce the crime rate in Vietnam? Should we rehabilitate criminals? Should longer prison sentences be imposed? Or should we develop initiatives targeting at-risk children?”
Hay: “Which company has achieved over 80% in customer satisfaction in 3 consecutive years? Which company provides one of the best after-sales service programs in the whole region? Which company has successfully reduced the high rates of staff turnover? Our company does!”