1. Mô tả về cây huyết dụ
Huyết dụ đỏ, phát dụ hay long huyết là các tên gọi khác của cây huyết dụ. Đây là loài cây thuộc họ Măng tây, tên khoa học là Cordyline fruticosa.
Khác với cây ăn quả hay cây thân gỗ, cây huyết dụ mọc thấp sát mặt đất, với màu sắc bắt mắt, thường được trồng làm cảnh ở khuôn viên, công viên và xuất hiện khắp các tỉnh Việt Nam.
Loài cây này mọc thành khóm với đặc điểm nổi bật là lá màu đỏ tím và hình dáng dài. Có hai loại huyết dụ: loại thứ nhất có cả hai mặt lá đều màu đỏ, loại thứ hai có một mặt lá màu đỏ và mặt kia màu xanh. Sự khác biệt duy nhất giữa hai loại là màu sắc lá.
Cây huyết dụ có tên khoa học là Cordyline fruticosa.
Thân cây huyết dụ mảnh, nhỏ, ít phân nhánh và có nhiều đốt sẹo. Hoa cây mọc thành cụm trên ngọn, phân nhánh với nhiều hoa màu trắng ánh tím. Quả thuộc dạng mọng, hình cầu. Cây thường ra hoa và quả từ tháng 12 đến tháng 1 năm sau.
Thời điểm thu hoạch lá huyết dụ tốt nhất là khi lá đã trưởng thành, không dùng lá non. Lá huyết dụ thường được thu hái quanh năm, sử dụng tươi hoặc sấy khô.
2. Tác dụng dược lý của cây huyết dụ đối với sức khỏe con người
Theo Đông y, cây huyết dụ có tính mát, vị nhạt, không độc. Lá huyết dụ thường được dùng để làm thuốc cầm máu, chữa băng huyết, rong huyết. Do đó, không nên sử dụng trong thời gian trước sinh hoặc sau sinh nếu còn sót rau. Lá huyết dụ còn điều trị thổ huyết, xích bạch đới, tiểu ra máu, lỵ ra máu, sốt xuất huyết, ho ra máu, chảy máu cam, bệnh lậu, phong thấp, đau nhức xương khớp,... Đặc biệt, nó là vị thuốc rất tốt cho máu.
Liều dùng của cây huyết dụ phụ thuộc vào mục đích sử dụng và bài thuốc trị bệnh cụ thể. Không nên lạm dụng hoặc dùng huyết dụ với số lượng lớn dù nó có nhiều ích lợi.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia Đông y, chỉ nên dùng 6-8g huyết dụ khô hoặc 20-30g huyết dụ tươi mỗi ngày. Tốt nhất, nếu bạn muốn dùng cây huyết dụ để chữa bệnh, hãy tuân theo chỉ định và hướng dẫn của các bác sĩ Đông y.
3. Các bài thuốc làm từ lá huyết dụ
Lá huyết dụ thực sự phát huy tác dụng hiệu quả khi điều trị các bệnh lý sau:
-
Chữa rong kinh, băng huyết: rửa sạch và thái nhỏ các nguyên liệu sau: rễ cỏ gừng (8g), lá huyết dụ tươi (20g), rễ cỏ tranh (10g), đài hoa mướp (10g). Sắc cùng 300ml nước, khi nước cô đặc còn 100ml thì tắt bếp, chia làm 2 lần uống hết trong ngày.
-
Chữa chảy máu cam, ho ra máu: dùng cỏ nhọ nồi (20g), lá huyết dụ tươi (30g), trắc bá diệp đã sao cháy (20g). Sắc với nước, uống 2-3 lần trong ngày.
-
Chữa sốt xuất huyết: dùng cỏ nhọ nồi (20g), huyết dụ tươi (20g), trắc bá đã sao đen (20g). Sắc các nguyên liệu với nước, chia 2-3 lần uống hết trong ngày.
-
Chữa tiểu ra máu: lá huyết dụ (20g), lá lấu, rễ cây ráng, lá tiết dê, lá cây muối (mỗi vị 10g). Rửa sạch, giã nát rồi thêm nước, lọc bỏ bã lấy nước uống.
-
Chữa bệnh trĩ: chuẩn bị lá huyết dụ tươi (20g), rửa sạch, để ráo nước. Sắc với 200ml nước đến khi còn 100ml, uống hết trong ngày.
-
Chữa kiết lỵ: chuẩn bị rau má tươi (20g), lá huyết dụ tươi (20g), cỏ nhọ nồi (12g), rửa sạch, để ráo, thêm nước giã nát, lọc bã uống nước cốt, chia 2 lần/ngày.
-
Chữa thổ huyết, mất kinh, trị lao phổi: lá huyết dụ khô (30-60g, tương đương 60-100g lá tươi), đun sôi với nước uống hàng ngày.
Bạn có thể dùng bài thuốc 20g lá huyết dụ, 10g rễ cỏ tranh, 8g rễ cỏ gừng, 10g đài quả mướp, thái nhỏ, sắc với 400ml nước đun sôi đến khi cô đặc còn 100ml. Chia 2 lần uống trong ngày.
Theo Đông y, cây huyết dụ có tính mát, vị nhạt, không độc.
4. Lưu ý khi sử dụng cây huyết dụ để điều trị bệnh
Khi sử dụng lá huyết dụ, người bệnh cần chú ý đặc biệt đến những điều sau:
-
Cẩn thận khi sử dụng huyết dụ cho trẻ nhỏ và người cao tuổi, không nên dùng cho phụ nữ mang thai;
-
So với thuốc Tây y, hiệu quả và tác dụng của các bài thuốc từ cây huyết dụ có thể chậm hơn, do đó cần kiên trì điều trị;
-
Tùy vào cơ địa và tình trạng bệnh của từng người, kết quả điều trị có thể khác nhau. Nếu xuất hiện các dấu hiệu lạ trong quá trình sử dụng, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ;
-
Trước khi điều trị, cần tham vấn ý kiến bác sĩ và tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn y khoa, đồng thời không được tự ý ngừng thuốc Tây để chuyển sang thuốc Nam khi chưa có chỉ định của bác sĩ;
-
Trước khi sử dụng, cần rửa sạch nguyên liệu thuốc.
Cây huyết dụ thường được trồng làm cây cảnh.
Nhìn chung, cây huyết dụ được người dân ưa chuộng vì có tác dụng rất tốt đối với sức khỏe con người. Trong Đông y, đây là dược liệu quý được sử dụng trong các bài thuốc hỗ trợ điều trị các bệnh như đau nhức xương khớp, bệnh trĩ, chảy máu cam,... Đặc biệt hiệu quả với những người mắc các bệnh về máu. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng, bạn nên tham khảo ý kiến từ các chuyên gia Đông y và Tây y.