1. Đặc điểm sinh học của cây ngái
Cây ngái có nhiều đặc điểm tương tự cây sung nên còn được gọi là cây sung dại. Chiều cao trung bình của cây ngái là khoảng 5 - 7m. Đây là cây thân gỗ nhỏ, thân cây rỗng. Cành ngái non mềm và có lớp lông cứng, khi cành già thì trở nên nhẵn và khỏe.
Thân và quả của cây ngái
Lá của cây ngái có hình trái xoan hoặc bầu dục, mọc đối xứng, tròn ở gốc và nhọn dần về phía chóp. Mỗi lá đều có lông nhám ở cả hai mặt. So với lá sung, lá ngái to gấp ba lần và dài khoảng từ 15 đến 30cm.
Cây ngái thường ra hoa vào khoảng tháng 1 đến tháng 4. Hoa của loài cây này mọc thành cụm ở cành già và gốc thân. Đến khoảng từ tháng 5 đến tháng 10, hoa kết quả trên thân, gần sát với mặt đất. Từng chùm quả ngái dễ làm liên tưởng đến quả sung nhưng kích thước to hơn, có đốm trắng và lông nhám bám trên vỏ quả.
2. Cây ngái có thể dùng để chữa bệnh gì?
2.1. Các bộ phận của cây được sử dụng làm dược liệu
Theo y học cổ truyền, mọi phần của cây ngái đều có thể được sử dụng làm dược liệu:
- Lá cây ngái: có thể thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, sau đó rửa sạch và phơi hoặc sấy khô để bảo quản.
- Vỏ thân cây ngái: thường được thu hái vào mùa xuân vì đây là thời điểm thân cây chứa nhiều nhựa nhất. Sau khi thu hái, lớp vỏ sẽ được cạo sạch và ngâm trong nước vo gạo từ 1 đến 2 giờ, sau đó thái lát mỏng để phơi hoặc sấy khô.
- Rễ cây ngái: thường được thu hái vào mùa thu, sau đó rửa sạch đất cát và sấy hoặc phơi khô.
- Búp lá non của cây ngái: sau khi rửa sạch, có thể sử dụng ngay.
- Quả cây ngái: thường được thu hoạch vào mùa đông, khi đã chín. Quả có thể được sấy hoặc phơi khô để sử dụng làm thuốc hoặc đốt thành than để ngâm rượu.
2.2. Công dụng chữa bệnh của cây ngái
Thử nghiệm trên loài chuột nhắt trắng cho thấy rằng: sử dụng cành, thân và lá cây ngái đã phơi khô chiết 3 lần với cồn 50 độ để lấy dịch cô ở áp suất giảm 50 độ C cho đến khi khô, sau đó tiêm vào phúc mạc của loài này liều 250mg/kg thì thân nhiệt của chuột giảm đáng kể.
Cây ngái có thể được sử dụng để chữa đau lưng và nhức xương
Y học cổ truyền cho rằng cây ngái có tính mát, vị ngọt dịu, có tác dụng trừ thấp, làm mát, giảm nhiệt, giảm đờm, kích thích tiêu hóa. Quả và hạt của cây ngái có thể gây nôn mửa, kích thích ruột. Thân, vỏ, lá, quả xanh của cây ngái được sử dụng để chữa mụn nhọt, sốt rét, mất sữa, sốt, tiêu chảy, phù thũng, vàng da, tiêu hóa kém. Rễ cây ngái cũng có tác dụng giảm đau nhức xương khớp và điều trị tiểu tiện khó khăn.
Ngoài ra, cây ngái còn có nhiều tác dụng khác như: giải độc gan, chữa trĩ, giảm phù cho người mắc bệnh tích nước, tăng cường chức năng gan thận,... Liều dùng dược liệu từ cây ngái dạng sắc uống không nên vượt quá 15 - 30g mỗi ngày.
3. Công dụng của cây ngái trong bài thuốc
- Bài thuốc chữa sốt, sốt rét
Lá cây ngái sau khi rửa sạch và giã nát, sau đó thêm một ít nước và vắt lấy nước uống. Để phòng tránh sốt rét, bạn có thể dùng vỏ hoặc lá cây ngái sao vàng rồi nấu lấy nước uống hàng ngày.
- Bài thuốc trị phù thũng
Ngâm 50g vỏ thân cây ngái trong nước vo gạo khoảng 2 giờ rồi vớt ra, phơi khô sau đó thái nhỏ và sao vàng. Dùng phần dược liệu này kết hợp với 30g lá sung rụng dưới ao, 30g mã đề, 1 nhúm nhỏ bồ hóng, tất cả sắc cùng 400ml nước cho đến khi còn lại 100ml thì lọc nước ra, chia thành 2 lần uống.
- Bài thuốc trị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn
Dùng 20g rễ màng tang, 20g rễ cây sống rắn, 30g vỏ thân cây ngái đem thái nhỏ, sao vàng và sắc lấy nước uống.
- Bài thuốc trị đau nhức xương
Sắc vàng 1 phần thuốc bao gồm: 30g rễ si, 30g dây đau xương, 50g rễ cỏ xước, 50g rễ cây ngái sau đó sắc lấy nước để uống.
- Bài thuốc trị bí tiểu do nhiệt
Dùng 20g cỏ xước, 20g mã đề, 30g rễ cối xay, 50g thổ phục linh, 50g rễ ngái đem rửa sạch và sắc lấy nước dùng trong ngày.
- Bài thuốc chữa mụn nhọt
Lấy quả xanh hoặc lá non của cây ngái đem giã nhuyễn rồi đắp trực tiếp lên nốt mụn nhọt.
Khi sử dụng cây ngái cần cẩn trọng để tránh ngộ độc nhựa ngái
4. Dược liệu cây ngái có độc không?
Cây ngái là loài mọc hoang và có thể khai thác tất cả bộ phận để làm dược liệu. Tuy nhiên, cần lưu ý một số vấn đề liên quan đến độc tính của dược liệu này:
- Bản thân cây ngái không độc nhưng nếu sử dụng quả hoặc vỏ cây khi còn xanh thì có thể chứa độc tính gây nôn, tiêu chảy. Vì thế, nếu sử dụng phần này làm dược liệu thì cần ngâm trong nước vo gạo, để qua đêm cho loại bỏ nhựa độc rồi mới sử dụng.
- Không nhầm lẫn cây ngái với cây sung để sử dụng hiệu quả. Khi chín, quả cây ngái có màu vàng chứ không phải màu đỏ cam như quả sung; hình dáng của quả ngái dẹt và to về hai bên chứ không tròn như sung.
- Tránh sử dụng dược liệu của cây ngái cho phụ nữ mang thai và người đang cho con bú.
- Khi dùng cây ngái để điều trị cho trẻ em, chỉ nên sử dụng liều lượng bằng 1/2 so với người lớn.
- Trước khi áp dụng vào bất kỳ phương pháp nào, hãy ngâm rửa các bộ phận của cây ngái trong nước muối pha loãng để làm sạch.
Mặc dù cây ngái là một dược liệu tự nhiên đã được truyền thống từ lâu trong văn hóa dân gian với nhiều bài thuốc khác nhau; tuy nhiên, hiệu quả khi sử dụng ở mỗi người có thể khác nhau tùy thuộc vào cơ địa. Quá trình sử dụng dược liệu này để điều trị bệnh đòi hỏi thời gian và phải kết hợp với chế độ dinh dưỡng và sinh hoạt khoa học để đạt được hiệu quả.
Trước khi sử dụng cây ngái để điều trị bệnh, nên tham khảo ý kiến của bác sĩ đông y để biết cách sử dụng một cách an toàn và tránh được nguy cơ ngộ độc nhựa ngái.