Ngải cứu | |
---|---|
Ngải cứu (Artemisia vulgaris) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Eudicots |
(không phân hạng) | Asterids |
Bộ (ordo) | Asterales |
Họ (familia) | Asteraceae |
Phân họ (subfamilia) | Asteroideae |
Tông (tribus) | Anthemideae |
Phân tông (subtribus) | Artemisiinae |
Chi (genus) | Artemisia |
Loài (species) | A. vulgaris |
Danh pháp hai phần | |
Artemisia vulgaris L., 1753 | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Danh sách |
Ngải cứu còn được biết đến với các tên gọi như thuốc cứu, nhả ngải (tiếng Tày), bắc ngải. Danh pháp khoa học: Artemisia vulgaris, là một loài thực vật thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Ngải cứu là loại cây thân thảo, sống lâu năm. Lá mọc so le, chẻ lông chim, phiến men theo cuống đến tận gốc, dính vào thân như có bẹ, các thùy hình mác hẹp, đầu nhọn. Mặt trên màu lục sậm, mặt dưới phủ đầy lông nhung màu trắng. Những lá ở ngọn có hoa không chẻ.
Cây ngải cứu thích ẩm, dễ trồng bằng cách giâm cành hoặc cây con.
Mô tả chi tiết
Cây cỏ, sống nhiều năm, cao từ 0,4 đến 1m; cành non có lông. Lá mọc so le, phiến lá xẻ lông chim, mặt trên màu xanh sậm, mặt dưới màu trắng xám, có lông. Vò nát có mùi thơm hắc. Cụm hoa hình đầu nhỏ, màu vàng lục nhạt, mọc tập trung thành từng chùm kép ở đầu cành. Quả bé nhỏ, không có túm lông.
Phân bố
Ngải cứu có nguồn gốc từ ôn đới đến cận nhiệt đới và nhiệt đới ở châu Âu, châu Á và Bắc Phi. Nó đã được du nhập vào Alaska, Bắc Mỹ, Trung Mỹ, đảo Anh và Nam Phi; một số vùng xem nó như là cây dại xâm lấn. Hiện nay, người ta công nhận 2 phân loài và 1 thứ như sau:
- Artemisia vulgaris subsp. inundata Darijma, 1992: Đặc hữu ở Mông Cổ.
- Artemisia vulgaris subsp. vulgaris: Nguyên chủng, phân bố rộng khắp vùng sinh sống.
- Artemisia vulgaris var. xizanensis Y.Ling & Y.R.Ling, 1980: Đặc hữu tại miền đông Tây Tạng.
Thành phần hóa học
Lá ngải cứu chứa tinh dầu, các flavonoid và các amino acid như adenin, cholin.
Tính năng và cách dùng trong y học
Theo y học cổ truyền, lá ngải cứu có chứa nhiều chất kháng khuẩn và tinh dầu giúp giảm đau rất hiệu quả. Ngoài ra, ngải cứu còn chứa các hoạt chất như cineol, dehydro matricaria este, tricosanol, tetradecatrilin,... giúp giảm cơn đau thần kinh hiệu quả. Ngải cứu có vị đắng, mùi thơm, tính ấm, được sử dụng lâu đời trong dân gian và trong Đông y để:
- Cầm máu: phụ nữ kinh nguyệt không đều, có thai ra huyết, thổ huyết, chảy máu cam, đái ra máu.
- Giảm đau nhức.
- Sát trùng, kháng khuẩn: ghẻ lở, trị viêm da, dị ứng, viêm gan, trừ giun nhờ tinh dầu có tính kháng khuẩn cao.
- Điều hòa khí huyết, đau kinh, ôn kinh, an thai.
- Đau bụng do lạnh, nôn mửa, kiết lỵ.
- Bạch đới, phong thấp, hàn thấp.
- Lợi tiểu.
Ngải cứu chứa các hoạt chất diệt và đuổi côn trùng.
Hướng dẫn sử dụng
Lá ngải cứu khi bị cháy hoặc sử dụng lá ngải cứu tươi giã nát, thêm 1/3 muỗng cà phê muối đắp lên vết thương để cầm máu nhanh.
Lưu ý khi sử dụng
- Đối với phụ nữ mang thai: Tránh ăn hoặc uống nước ngải cứu trong 3 tháng đầu thai kỳ để không ảnh hưởng đến sức khỏe thai nhi.
- Tinh dầu trong ngải cứu có thể gây hại cho gan, thận và có thể ảnh hưởng đến quá trình trao đổi chất khác.
- Người mắc rối loạn đường ruột nên tránh sử dụng ngải cứu vì nó có thể gây khó khăn trong việc điều trị liên quan đến đường ruột.