Pinus latteri | |
---|---|
Tình trạng bảo tồn | |
Sắp bị đe dọa (IUCN 2.3) | |
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
Ngành (divisio) | Pinophyta |
Lớp (class) | Pinopsida
|
Bộ (ordo) | Pinales |
Họ (familia) | Pinaceae |
Chi (genus) | Pinus |
Phân chi (subgenus) | Pinus |
Loài (species) | P. latteri |
Danh pháp hai phần | |
Pinus latteri Mason, 1849Requires id and title parameters, 1849 |
Thông nhựa, còn được gọi là thông ta, thông hai lá hay thông Tenasserim (danh pháp khoa học: Pinus latteri). Loài cây này lần đầu tiên được Mason mô tả vào năm 1849. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu, như các nhà phân loại học ở Việt Nam, vẫn coi thông nhựa và thông Sumatra, có danh pháp Pinus merkusii, là một loài. Trong bài viết này, hai loài được phân biệt theo sách đỏ IUCN. Tên khoa học của loài này được đặt theo khu vực Tenasserim (nay là Tanintharyi) ở miền nam Myanmar trên eo đất Kra.
Phân loại
Thông nhựa (Pinus latteri) có mối quan hệ gần gũi với thông Sumatra (Pinus merkusii), loài sinh sống ở phía nam Đông Nam Á, trên đảo Sumatra và tại Philippines. Một số nhà thực vật học coi hai loài này là đồng loài (dưới tên P. merkusii), nhưng thông Sumatra có lá ngắn hơn (15–20 cm) và mảnh hơn (dày dưới 1 mm), quả nón nhỏ hơn với vảy mỏng hơn, nón mở ra ngay sau khi chín, và hạt nhẹ hơn khoảng một nửa so với hạt thông nhựa. Loài này cũng có họ hàng với nhóm thông ở khu vực Địa Trung Hải, như thông Aleppo và thông Thổ Nhĩ Kỳ, và chia sẻ nhiều đặc điểm với chúng.
Đặc điểm nhận diện
Thông nhựa có khả năng chịu đựng nhiệt độ cao, đất khô và khí hậu gần biển. Đây là một loài cây gỗ lớn, cao từ 25 đến 45 m, với tán cây hình trứng, cành phân bố thấp, vỏ cây có màu xám nâu ở phía dưới và đỏ cam ở phía trên, thường bị nứt dọc sâu ở gần gốc, trong khi phần trên của thân cây thường nhẵn và dễ bong ra. Đường kính thân cây có thể đạt đến 1,5 m. Cây chứa nhiều nhựa có mùi hắc. Lá của cây thông nhựa có hình kim, thường mọc thành đôi trên mỗi đoạn cành ngắn, dài từ 20 đến 25 cm, dày hơn 1 mm, và có màu xanh đậm. Cành ngắn chứa lá thường dài từ 1 đến 1,5 cm, gắn vòng xoắn ốc trên cành chính. Nón của cây đơn tính cùng gốc, nón cái thường chín sau hai năm. Nón thường có hình trứng đối xứng, với kích thước chiều cao từ 4 đến 5 cm, chiều rộng từ 3 đến 4 cm khi khép và từ 6 đến 8 cm khi mở, cuống nón thường thẳng và dài 1,5 cm. Lá bắc phát triển kém, lá noãn thường hóa gỗ khi chín. Mặt vảy có hình thoi với hai gờ ngang dọc nổi bật, và rốn vảy lõm. Mỗi vảy chứa hai hạt. Hạt dài từ 7 đến 8 mm, với cánh dài từ 20 đến 25 mm. Hạt được phát tán nhờ gió.
Công dụng
Thông nhựa chủ yếu được trồng để thu nhựa, ngoài ra còn có thể khai thác gỗ cho xây dựng và chế tạo đồ dùng gia đình. Đây có thể là loại cây tiên phong trong việc trồng rừng ở các khu vực đất khô. Nhựa thông được chế biến để thu tinh dầu thông, phần còn lại là colophan dùng để làm xà phòng và keo trong sản xuất giấy (keo nhựa thông) và ứng dụng trong ngành công nghiệp điện, làm chất đốt, v.v.
Vùng phân bố
Loài thông này có nguồn gốc từ khu vực Đông Nam Á, đặc biệt là miền núi ở đông nam Myanmar, miền bắc Thái Lan, Lào, Campuchia, Việt Nam và các tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, Hải Nam của Trung Quốc. Loài thông này chủ yếu sinh sống ở độ cao trung bình từ 400 đến 1.000 m, tuy nhiên đôi khi có thể xuất hiện ở độ cao thấp tới 100 m và cao tới 1.200 m.
Ở Việt Nam, thông nhựa phân bố chủ yếu tại các tỉnh miền trung và một số tỉnh phía đông Bắc Bộ. Đặc biệt, loài này được trồng nhiều ở Quảng Ninh, Hà Tĩnh, Nghệ An và Lâm Đồng (Đà Lạt). Thông nhựa có khả năng chịu lạnh tốt và thích hợp với độ cao từ 500 m.
Ghi chú
Tài liệu tham khảo
- Tài liệu liên quan đến Pinus latteri trên Wikimedia Commons
- Dữ liệu về Pinus latteri tại Wikispecies
- Vườn thực vật hoàng gia Kew; Đại học Harvard; Australian Plant Name Index (biên tập). “Pinus latteri”. International Plant Names Index.