Crinum latifolium | |
---|---|
Phân loại khoa học | |
Giới (regnum) | Plantae |
(không phân hạng) | Angiospermae |
(không phân hạng) | Monocot |
Bộ (ordo) | Asparagales |
Họ (familia) | Amaryllidaceae |
Chi (genus) | Crinum |
Loài (species)
| C. latifolium |
Danh pháp hai phần | |
Crinum latifolium L. | |
Danh pháp đồng nghĩa | |
Danh sách |
Trinh nữ hoàng cung, còn được biết đến với các tên như náng lá rộng, tỏi lơi lá rộng, tây nam văn châu lan, tỏi Thái Lan, vạn châu lan, hay thập bát học sỹ (danh pháp khoa học: Crinum latifolium) là một loại thực vật thuộc họ Amaryllidaceae. Loài này được L. mô tả lần đầu vào năm 1753. Cây này trước đây được các Ngự y dùng để điều trị cho phụ nữ còn trinh nên mới có tên gọi như vậy.
Cây Trinh nữ hoàng cung có nguồn gốc từ Ấn Độ và hiện được trồng rộng rãi ở các quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan, Lào, Malaysia, Việt Nam, cũng như một số vùng phía Nam Trung Quốc.
Mô tả
Trinh nữ hoàng cung là một loại cỏ với thân hành dạng củ hành tây lớn, đường kính từ 10–15 cm, có bẹ lá xếp chồng lên nhau tạo thành một thân giả dài khoảng 10–15 cm. Cây có nhiều lá mỏng dài từ 80–100 cm, rộng từ 5–8 cm, với mép lá lượn sóng. Gân lá song song, mặt trên lá có rãnh lồi, mặt dưới lá có một sống lá nổi rõ ràng, và đầu bẹ lá gần mặt đất có màu đỏ tím.
Hoa phát triển thành chùm với 6-18 bông, trên một cuống dài từ 30 đến 60 cm. Cánh hoa màu trắng điểm xuyết sắc tím đỏ, từ củ gốc mọc ra nhiều củ con có thể được tách ra để trồng riêng.
Thành phần hóa học
Chứa các alcaloid như latisolin, aglycon latisodin, và trong giai đoạn ra hoa, cây có pratorimin và pratosin, hai alcaloid pirolophenanthrindon mới cùng với các chất đã biết như pratorinmin, ambelin và lycorin. Một số dẫn xuất alcaloid có khả năng chống ung thư như crinafolin và crinafolidin. Dịch ép từ cánh hoa cho ra hai alcaloid mới có nhân pyrrolophenanthridin là 2-epilycorin và 2-epipancrassidin.
Công dụng và liều dùng
Theo kinh nghiệm dân gian, lá cây trinh nữ hoàng cung được sử dụng để điều trị u xơ, ung thư tử cung, u xơ và ung thư tuyến tiền liệt như sau: mỗi ngày uống nước sắc từ ba lá trinh nữ hoàng cung hái tươi, cắt nhỏ khoảng 1–2 cm, sao khô đến màu vàng nhạt. Uống liên tục trong 7 ngày, sau đó nghỉ 7 ngày, tiếp tục uống thêm 7 ngày nữa, rồi nghỉ 7 ngày và uống tiếp 7 ngày. Tổng cộng 3 đợt uống, mỗi đợt 7 ngày, xen kẽ 2 đợt nghỉ, tổng cộng 63 lá.
Theo y học hiện đại, cây Trinh nữ hoàng cung Việt Nam chứa các hoạt chất sinh học có khả năng ức chế sự phát triển của tế bào u và kích thích hoạt động của tế bào lympho T. Đặc biệt, chỉ cây Trinh nữ hoàng cung Crinum latifolium L. có hoạt chất hỗ trợ điều trị chứng phì đại tuyến tiền liệt lành tính và u xơ tử cung, cùng với các hợp chất chống ung thư như Crinafolidine, Crinafoline, và Paratorimin.
Mặc dù có tới 12 giống cây Trinh nữ hoàng cung thuộc họ náng Crinum, nhưng tác dụng của chúng có sự khác biệt. Ví dụ, Trinh nữ hoàng cung Campuchia không chỉ có tác dụng tương tự như Trinh nữ hoàng cung Việt Nam mà còn có khả năng tránh thai.
Nghiên cứu dược lý cho thấy, cao methanol từ thân, rễ và cao chiết alkaloid toàn phần của cây Trinh nữ hoàng cung đều có tác dụng ức chế phân bào. Trong mô hình u báng sacom và ung thư đùi ở chuột, hợp chất này đã hạn chế sự phát triển của khối u và sự di căn của tế bào. Một số alkaloid như Lycorin có hoạt tính sinh học cao, ức chế protein và DNA của tế bào chuột, đồng thời hạn chế u báng cấy ở chuột. Thử nghiệm cho thấy Lycorin làm giảm khả năng sống của tế bào u và ngừng sự phát triển của virus bại liệt bằng cách ức chế các tiền chất cần thiết cho sự sinh trưởng của virus.
Hình ảnh
Chú thích
- Thông tin về Hoàng cung trinh nữ
- Nhà khoa học đưa cây trinh nữ hoàng cung vào nghiên cứu nổi bật
- Tư liệu về Crinum latifolium tại Wikimedia Commons
- Dữ liệu về Crinum latifolium trên Wikispecies
- Vườn thực vật hoàng gia Kew; Đại học Harvard; Australian Plant Name Index (biên tập). “Crinum latifolium”. International Plant Names Index.