Cây vải được trồng từ năm 1076 thời Bắc Tống, vẫn cho ra hơn một tấn quả mỗi năm và được bảo tồn cấp quốc gia.

Cây vải hơn 900 năm tuổi cách cầu Yanshou không xa, quận Chengxiang, thành phố Bồ Điền, tỉnh Phúc Kiến. Nguyên được gọi là Yanshouhong, sau này đổi tên thành Trạng Nguyên Hồng với lý do được trồng bởi trạng nguyên Từ Đạc, một học giả văn học nổi tiếng thời Bắc Tống.
Mặc dù đã trải qua 940 năm, cây vẫn phát triển xanh tốt và cho ra trái đều đặn hàng năm. Cây cao 13 mét và chu vi thân khoảng 6 mét, có tán rộng tới hơn 600 m2. Mỗi năm, cây sản xuất được 1.200 kg vải thiều. Năm 2003, cây đã được chính phủ Trung Quốc công nhận là loại cây bảo vệ cấp quốc gia hàng đầu. Đây được coi là cây vải thiều lớn và lâu đời nhất tại Bồ Điền, nơi được biết đến với danh hiệu 'vua vải thiều' hoặc 'cây vải tổ'.
Thành phố Bồ Điền, còn được biết đến với cái tên Lệ Thành, tên gọi xuất phát từ từ 'lệ chi', nghĩa là 'quả vải'. Lệ Thành có một lịch sử lâu dài trồng vải thiều, nổi tiếng khắp Trung Quốc từ thời kỳ phong kiến. Tại đây, có 32 cây vải cổ thụ đã hơn 500 năm tuổi và 2.000 cây vải trên 100 năm tuổi.

Vải Bồ Điền thường được trồng ven suối, kênh rạch, bên bờ sông nên thường có câu 'vải thiều thích soi gương'. Mỗi mùa hè, khi vào mùa, hàng nghìn cây vải chín đỏ. Các gia đình thường dùng thang để hái vải, tạo nên khung cảnh đặc trưng của thành phố này.
Phụ nữ thời xưa thích ăn vải để tăng cường sức khỏe và làm đẹp từ bên trong. Theo sử sách ghi lại, vải là một trong những loại quả được Dương Quý Phi ưa thích, vì bà tin rằng việc ăn loại quả này sẽ làm cho gò bồng đảo của phụ nữ trở nên căng tròn và tràn đầy sức sống. Thậm chí, quả vải còn được gọi là 'nụ cười của Dương Phi'. Đường Huyền Tông thường xuyên bắt cống vải để chiều lòng ái phi, và sai quân phi ngựa hỏa tốc để vận chuyển quả vải. Quả vải thường được ướp mật hoặc muối để giữ tươi ngon trong suốt chặng đường dài.
Hà Nguyên (Theo 163, The Paper)