1. Kẽm tác động như thế nào đối với sức khỏe và cơ thể của trẻ
Trong cơ thể con người, kẽm là nguyên tố vi lượng quan trọng và chỉ chiếm một lượng nhỏ. Tuy nhiên, kẽm vẫn là yếu tố không thể thiếu cho sức khỏe của tất cả chúng ta. Vậy kẽm ảnh hưởng như thế nào đối với trẻ nhỏ? Các tác dụng mà kẽm mang lại cho cơ thể và sức khỏe của trẻ có thể kể đến là:
Khám phá tác dụng của kẽm sẽ giúp cha mẹ nhận biết sức ảnh hưởng lớn của kẽm đối với sự phát triển cơ thể của trẻ
- Ảnh hưởng đến sự phát triển cơ thể
+ Giúp trẻ cảm thấy thích thú hơn với việc ăn uống, từ đó tăng khả năng tổng hợp protein, tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng và phân chia tế bào. Thiếu kẽm có thể ảnh hưởng đến quá trình phân chia tế bào, gây ra rối loạn trong quá trình tăng trưởng của trẻ. Trẻ thiếu kẽm có thể gặp phải vấn đề về sự phát triển xương, tăng trưởng chậm, trễ dậy thì và suy giảm chức năng sinh dục.
+ Bảo vệ và duy trì chức năng của tế bào khứu giác và vị giác. Thiếu kẽm có thể làm giảm khả năng chuyển hóa tế bào vị giác, gây ra rối loạn về vị giác và làm trẻ trở nên biếng ăn kéo dài. Hậu quả của tình trạng này là trẻ có thể gặp vấn đề về dinh dưỡng, phát triển và tăng trưởng.
+ Ảnh hưởng đến sự tăng trưởng cân nặng và chiều cao của trẻ
- Tăng cường sức mạnh của hệ miễn dịch ở trẻ
Kẽm kích thích sự phát triển của tế bào lympho B và lympho T, giúp cơ thể phòng thủ chống lại các tác nhân gây bệnh, ngăn ngừa nhiễm trùng và nâng cao đề kháng.
Ngoài ra, tác dụng của kẽm còn gì khác không? Không chỉ giới hạn ở đó, kẽm còn hỗ trợ quá trình hấp thu và chuyển hóa các vi lượng như magiê, mangan, đồng,... trở nên hiệu quả hơn. Do đó, thiếu kẽm có thể gây ra rối loạn hoặc thiếu hụt chuyển hóa của nhiều vi lượng khác, gây suy giảm sức khỏe đáng kể.
2. Những điều cần lưu ý khi bổ sung kẽm cho trẻ
2.1. Khi nào cần bổ sung kẽm cho trẻ
Nếu đã biết kẽm có tác dụng gì đối với trẻ thì cha mẹ cũng chắc chắn quan tâm đến việc nào là thích hợp để bổ sung kẽm cho trẻ. Những dấu hiệu dưới đây nên khiến cha mẹ cân nhắc đưa trẻ đến bác sĩ để kiểm tra và xem xét việc bổ sung kẽm:
- Trẻ có các dấu hiệu suy giảm hệ miễn dịch như: tiêu chảy, dễ bị nhiễm trùng, mẩn đỏ,...
Dấu hiệu cảnh báo cho biết trẻ bị thiếu kẽm
- Trẻ bị tiêu chảy kéo dài, gặp rắc rối về tiêu hóa: đây là biến chứng nguy hiểm do thiếu kẽm gây ra. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ bị tiêu chảy cấp nên được bổ sung 20mg kẽm/ ngày trong 10 - 14 ngày để giảm độ nghiêm trọng và ngăn ngừa nguy cơ tái phát của bệnh.
- Trẻ gặp khó khăn khi ngủ, có vấn đề về giấc ngủ, thường khóc đêm: các tình trạng này thường xuất hiện ở trẻ suy dinh dưỡng và còi xương.
- Trẻ có các vết thương như: chàm da, viêm da, bong da, nám da, viêm lưỡi, viêm niêm mạc miệng, dị ứng, viêm mé móng,...
2.2. Liều lượng kẽm cần bổ sung cho trẻ như thế nào
Mặc dù tác dụng của kẽm đối với cơ thể trẻ không thể phủ nhận nhưng việc bổ sung kẽm phải đúng cách mới đem lại hiệu quả tốt nhất. Nếu bổ sung quá nhiều kẽm có thể gây quá tải cho cơ thể và dẫn đến các tác dụng phụ không mong muốn.
Nhu cầu kẽm cho cơ thể trẻ ở mỗi giai đoạn không giống nhau. Do đó, liều lượng kẽm cần bổ sung cũng khác nhau theo độ tuổi như sau:
- Trẻ từ 0 đến 6 tháng tuổi cần nhận 2mg hàng ngày.
- Trẻ từ 7 đến 11 tháng tuổi cần được cung cấp 3 mg mỗi ngày.
- Trẻ từ 1 đến 3 tuổi cần được cung cấp 3mg hàng ngày.
- Trẻ từ 4 đến 8 tuổi cần được cung cấp 5mg mỗi ngày.
- Trẻ từ 9 đến 13 tuổi cần được cung cấp 8mg hàng ngày.
- Trẻ từ 14 tuổi trở lên: đối với nam giới, nhu cầu hàng ngày là 11mg, đối với nữ giới là 9mg.
2.3. Thời điểm bổ sung kẽm và kết hợp với các dưỡng chất khác
Trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên có thể xem xét việc bổ sung kẽm. Để cơ thể trẻ hấp thu kẽm tốt nhất, cha mẹ nên cung cấp kẽm trước bữa ăn 30 phút hoặc sau bữa ăn 30 - 60 phút và duy trì trong khoảng 2 - 3 tháng trước khi ngưng. Hiệu quả hấp thụ kẽm sẽ cao hơn khi kết hợp bổ sung thêm vitamin C cho trẻ trong quá trình bổ sung kẽm.
Cha mẹ nên đưa trẻ đến thăm bác sĩ dinh dưỡng để được tư vấn về việc bổ sung kẽm cho trẻ một cách hiệu quả.
Sự kết hợp giữa vitamin C và kẽm không chỉ tăng cường hiệu quả hấp thu dưỡng chất mà còn thúc đẩy sự phát triển về thể chất cho trẻ. Đồng thời, nó còn giúp điều chỉnh quá trình oxi hóa khử để chống lại gốc tự do và tăng cường hệ miễn dịch cho trẻ.
Cha mẹ nên tránh bổ sung kẽm và canxi cùng một lúc mà nên tách nhau 2 tiếng vì canxi có thể ảnh hưởng đến việc hấp thu kẽm. Nếu trẻ cần phải bổ sung thêm sắt, cũng nên uống sắt và kẽm cách nhau ít nhất 2 tiếng, và tốt nhất là cho trẻ uống kẽm trước khi uống sắt vì việc hấp thụ kẽm có thể bị ảnh hưởng nếu uống sắt trước.
Mặc dù việc bổ sung kẽm là cần thiết khi trẻ có những dấu hiệu như đã nói ở trên, nhưng tốt nhất cha mẹ nên đưa trẻ đến trung tâm y tế để được thăm khám, đánh giá và nhận tư vấn về việc bổ sung hợp lý nhất. Bằng cách thăm khám và tiến hành kiểm tra (nếu cần), bác sĩ sẽ giúp cha mẹ hiểu rõ hơn về việc có cần bổ sung kẽm cho trẻ không, liều lượng cần thiết là bao nhiêu, thời gian bổ sung là bao lâu, v.v...