Phụ huynh thường gặp nhiều khó khăn khi tự chăm sóc trẻ bị sốt
1. Cách nhận biết dấu hiệu khi trẻ bị sốt
Sốt thường là triệu chứng đầu tiên khi trẻ mắc bệnh. Đây cũng là cơ chế phòng vệ tự nhiên của cơ thể trước các tác nhân gây hại. Để nhận biết khi nào trẻ bị sốt, bố mẹ cần chú ý những dấu hiệu sau:
-
Toàn trạng: trẻ mệt mỏi, quấy khóc, chán ăn hoặc bỏ bú,…
-
Thân nhiệt: dùng nhiệt kế liên tục theo dõi thân nhiệt của trẻ. Nhiệt độ trên 37,5 - 38 độ C được coi là sốt nhẹ, nếu trên 38,5 độ C thì cần dùng thuốc hạ sốt.
-
Tiêu hóa: một số trẻ có biểu hiện buồn nôn, nôn, khó tiêu hoặc tiêu chảy,…
Sốt là triệu chứng phổ biến nhất trong hầu hết các bệnh lý ở trẻ nhỏ
2. Làm thế nào để chăm sóc trẻ khi bị sốt?
Mặc dù sốt là phản ứng có lợi, giúp kích thích chuyển hóa và ức chế sự phát triển của vi khuẩn bằng cách tăng cường hệ miễn dịch, bố mẹ vẫn cần kiểm soát thân nhiệt của trẻ để tránh biến chứng nguy hiểm. Dưới đây là một số biện pháp cần lưu ý:
Đảm bảo phòng ngủ thoáng khí và sạch sẽ
Phòng ngủ của trẻ cần thoáng mát, vệ sinh sạch sẽ. Tránh sử dụng điều hòa nhiệt độ, nến thơm, máy tạo mùi,... và không nên đặt quá nhiều cây xanh trong phòng. Tạo không gian yên tĩnh để trẻ nghỉ ngơi.
Lựa chọn trang phục phù hợp
Quần áo của trẻ cần làm từ chất liệu thoáng khí, thoải mái. Tránh mặc đồ quá dày hoặc bó sát. Khi trời lạnh, chỉ cần ủ ấm vừa đủ và tránh để gió lùa vào.
Bổ sung nhiều nước ấm
Thân nhiệt tăng khiến trẻ ra nhiều mồ hôi và mất nước qua da, chưa kể việc nôn ói khi sốt. Vì vậy, cần cho trẻ uống nhiều nước để bù lại lượng nước mất đi. Bố mẹ có thể cho trẻ uống sữa ấm, nước trái cây,... để vừa cung cấp nước vừa bổ sung dinh dưỡng.
Lau ấm toàn thân
Lau ấm là một phương pháp hiệu quả để hạ nhiệt khi trẻ nhỏ bị sốt. Nên dùng nước ấm thay vì nước mát, đặc biệt không dùng khăn lạnh đắp trán cho bé vì cơ thể đang tỏa nhiệt. Sử dụng nước ấm giúp tránh lạnh và hiện tượng co mạch ngoại biên. Chú ý lau ấm các vị trí như trán, nách, bẹn,...
Sử dụng nước ấm để lau người cho trẻ, tránh dùng nước lạnh
Chú trọng bổ sung dinh dưỡng
Trẻ bị sốt thường hay nôn ói, chán ăn, thậm chí không chịu ăn, gây khó khăn cho bố mẹ. Tuy nhiên, việc bổ sung dinh dưỡng rất quan trọng để tăng cường sức đề kháng giúp trẻ mau khỏi bệnh. Để giải quyết vấn đề này, bố mẹ có thể tham khảo một số gợi ý sau:
-
Chuẩn bị món ăn nhẹ: Nên cho trẻ dùng các món như cháo, súp, sinh tố,... có thể kết hợp nhiều thực phẩm dinh dưỡng, đảm bảo cung cấp đủ năng lượng. Nhớ bổ sung bốn nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày gồm protein, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
-
Chia nhỏ bữa ăn: Khi bị sốt, hệ tiêu hóa hoạt động kém hơn, nên chia nhỏ lượng thức ăn, mỗi lần cách nhau khoảng 2 tiếng để cơ thể hấp thụ tốt nhất.
-
Chọn thực phẩm trẻ thích: Kết hợp thực phẩm yêu thích của trẻ vào bữa ăn sẽ tăng sự hào hứng và khẩu vị. Tuy nhiên, không nên chiều theo sở thích quá mức.
Một số phương pháp dân gian
Bên cạnh việc dùng thuốc hạ sốt, bố mẹ có thể áp dụng một số bài thuốc dân gian giúp cải thiện tình trạng bệnh của trẻ ngay tại nhà một cách đơn giản và tiện lợi như sau:
-
Rau diếp cá: Sau khi sơ chế sạch, giã nhuyễn rau diếp cá và đun với nước sôi khoảng 15 phút. Lọc bỏ bã, pha thêm ít đường hoặc mật ong rồi cho trẻ uống.
-
Chanh: Cắt chanh thành lát mỏng, chà nhẹ lên trán và những vị trí nếp gấp tự nhiên như khuỷu tay/chân, nách, bẹn. Nếu da trẻ quá nhạy cảm, ép chanh lấy nước hòa với nước ấm, dùng nước này lau người để hạ sốt.
-
Bạc hà: Đây là vị thuốc mát, thanh nhiệt, giải độc tốt trong việc chữa cảm mạo, sốt,... Rửa sạch lá bạc hà, nấu với nước sạch khoảng 15 phút, chờ nguội và cho trẻ uống khi còn ấm. Để dễ uống hơn, có thể pha thêm ít đường hoặc mật ong.
Dinh dưỡng là yếu tố quan trọng giúp trẻ vượt qua cơn bệnh
3. Khi nào cần đưa trẻ đến bệnh viện?
Chăm sóc trẻ bị sốt cần sự kiên nhẫn, nhưng nếu các biện pháp tại nhà không hiệu quả, trẻ vẫn sốt cao không giảm, cần đưa trẻ đến bệnh viện gần nhất để được kiểm tra và điều trị, đặc biệt khi trẻ có các dấu hiệu sau:
-
Sốt cao trên 39°C có nguy cơ co giật.
-
Ngủ li bì, khó đánh thức.
-
Tay chân lạnh, da tái xanh, nhợt nhạt.
-
Thở nhanh hoặc khó thở (phập phồng cánh mũi, co kéo khoảng gian sườn, co kéo hõm ức, tiếng thở rên).
-
Nôn liên tục.
-
Xuất hiện phát ban trên da.
Sốt ở trẻ nhỏ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm