Mỗi người có thể chọn cho mình một cách sống, nhưng không thể chọn nơi mình sinh ra. Đó là nơi được gọi là 'quê hương'
'Quê hương nếu ai không nhớ
Sẽ không lớn nổi thành người'
Tôi cũng không phải là ngoại lệ.
Tôi: Lê Thị Nhung (sinh ngày: 01/5/1985).
Quê quán: Thạch Thành - Thanh Hoá
Bản thân: Cần cù, chịu khó, gọn gàng, tự lập...
Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo ở miền quê xứ Thanh (nghèo nhất nhì xã Thành Kim). Là chị cả của bốn anh chị em (dưới tôi là ba em trai).
Lớn lên trong hoàn cảnh khó khăn, tôi làm đủ mọi việc để phụ giúp gia đình (mò cua, bắt ốc, hái rau, cuốc đất, trồng rau, đi cấy...). Khi đó, tôi chỉ nghĩ rằng học là con đường duy nhất để thoát khỏi nghèo đói. Vì vậy, suốt 9 năm học, tôi luôn là học sinh tiên tiến. Cuối năm lớp 9, tôi được đi du lịch với giáo viên chủ nhiệm nhờ chương trình hỗ trợ học sinh nghèo học giỏi. Tôi chỉ biết học và học, luôn tự hỏi 'sao nhà mình nghèo thế'. Cuối năm đó, tôi và một người bạn trong nhóm đậu vào trường công lập với điểm dư 2.5.
Tôi là người ngoài cùng bên trái (ảnh thiếu Thúy và Hoà)
Khi vào cấp 3, gia đình mua cho tôi một chiếc xe đạp. Nhưng vì tiếc 27 nghìn tiền gửi xe mỗi kỳ, tôi đi bộ đến trường khoảng 4 cây số. Để kịp giờ vào lớp, tôi phải đi sớm hơn bạn bè. Nhờ sức trẻ và lòng nhiệt huyết, tôi được chọn vào lớp chuyên Văn của trường THPT Thạch Thành 1. Để có tiền mua sách và đóng học phí, tôi làm bưng bê ở quán ăn với lương tháng 300 nghìn. Khi nhận lương, tôi mua sách vở cho các em và tự làm nhãn vở để tiết kiệm. Cuối năm 12, tôi thi học sinh giỏi cấp tỉnh môn Giáo dục Công dân và đạt giải khuyến khích. Gia đình, dòng họ tự hào, và tôi cũng vui. Tôi định tặng ba mẹ cả bầu trời đại học, nhưng cuối cùng tôi đã lỗi hẹn.
Tôi thường nhịn đói đi học vì rất kén ăn, không ăn được cơm độn. Có một phần cơm trộn với hai phần khoai, sắn (loại sắn thường dùng cho lợn). Đôi khi, sắn nạo mà em út tôi gọi là 'cơm nếp' rồi khen ngon. Tết đến, ai ai cũng háo hức, nhất là trẻ con. Tôi cũng không ngoại lệ. Tôi chọn quần áo mới từ những đống đồ cũ bỏ đi của người khác. Đôi dép tổ ong vá víu so với những đôi xăng-đan mới tinh.
Năm 2007, trận lụt lịch sử nhấn chìm cả cánh đồng và những ngôi nhà ngói trong biển nước. Tôi là người duy nhất trong nhà không biết bơi. Gia đình chủ quan vì nghĩ móng nhà cao. Trong trận lụt, tôi lên gác, nước dâng cao. Tôi phải trèo lên mái nhà, trời lại mưa phùn, nằm cùng với chó trên mái nhà, cả cánh đồng lúa trắng xóa. Hai ngày không có gì ăn, phải luộc gà để ăn thay cơm. Tôi cũng không biết sao mình dũng cảm đến vậy, không còn sợ hãi gì nữa. Người yêu tôi khi đó, nay là chồng, phải đi gặt lúa trong nước thối, ngứa khắp chân.
Sau trận lụt, tôi vào Nam lập nghiệp với chỉ 900.000 đồng. Vợ chồng một người bạn tốt giúp đỡ tôi tiền ăn, chỗ ở, cho mượn tiền đóng ký quỹ, tìm việc giúp. Đó là ân tình lớn đối với cô bé mới ra thành phố. Giữa thành phố đông đúc, tôi xin thử việc ở công ty giày da Thanh Bình. Làm một thời gian không hợp, tôi nghỉ và lại thất nghiệp. Mỗi ngày ở thành phố mở mắt ra là mất tiền, trong khi ba em tôi đang tuổi ăn học, bố mẹ chỉ có thu nhập từ đồng áng. Bốn chị em tự lo cho nhau, đứa lớn lo cho đứa bé. Giờ đây, các em tôi đã có gia đình riêng, nhà, xe, công việc ổn định.
Cuối cùng, tôi tìm được việc làm tại trung tâm dịch vụ mạng viễn thông quân đội 198. Cuộc sống vô cùng khó khăn. Tôi phải học nghiệp vụ ở Phú Lâm, không biết đường nên vừa đi vừa hỏi, cuối cùng phải gọi bạn ra đón. Ở bất kỳ vị trí nào, tôi đều đạt kết quả cao, từ điện thoại viên line miễn phí, line tư vấn, line khách hàng thân thiết, hotline, rồi lên tổ trưởng quản lý 18 nhân viên. Để làm tốt nhiệm vụ, tôi thường xuyên đọc tin nóng, viết bài cho Viettel.
Niềm vui như nhân đôi khi hai thiên thần lần lượt chào đời, minh chứng cho tình yêu và gắn kết thêm bền chặt. Chúng tôi cần có nhau trên mọi bước đường đời.
Những gì đến sẽ đến, và thường đến lúc không ngờ nhất. Tôi phát hiện mình bị u não sao bào lan tỏa cấp độ hai, cần mổ gấp. Khi đó, tôi như suy sụp, không tin đó là sự thật.
Dù muốn hay không, ngày 5/8/2015 tôi chính thức lên bàn mổ. Phải ngừng cho con bú khi con gái mới 10 tháng tuổi. Đứa trẻ khát sữa khóc lóc, còn tôi thì phải vắt sữa bỏ đi. Thật là một nghịch cảnh đau lòng. Lòng tôi đau như ngàn vết kim châm, như khi sinh con, bạn bè gọi điện bảo rằng 'sinh con đau lắm, không gì đau bằng'.
Tôi trả lời không chút ngần ngại: 'Mày sinh được thì tao cũng sinh được'. Bằng chứng là cả hai lần sinh đều sinh thường. Nếu không có nghị lực, quyết tâm và chút háu thắng, liệu bạn có làm được không?
Chồng tôi đẩy tôi vào phòng mổ, lúc đó tôi chỉ nghĩ: 'Mình có bệnh thì phải đi bác sĩ, phải tin vào tay nghề của bác sĩ giỏi'. Thực ra, khi ấy tôi không hiểu 'ung thư' là gì, có đáng sợ không?
Niềm tin, hy vọng, sự lạc quan sẽ giúp ta chiến thắng bệnh tật. Tôi vẫn vô tư cười nói, không biết rằng ngày mai mình sẽ phải lên 'thớt'.
Anh vừa đi vừa nói: 'Phải cố gắng, dũng cảm lên, không có gì phải sợ'. Anh vẫn 'tiết kiệm' như ngày nào. Tôi đâu biết rằng: ẩn sau sự vô tư ấy là một nỗi buồn, một trái tim đang rỉ máu: 'mấy ai biết được mật đắng bên trong con người anh'.
Sau ca phẫu thuật, tôi được biết tỉ lệ thành công là 50:50, nếu không mổ thì dây thần kinh bị chèn ép. Mổ cũng sợ mà không mổ cũng sợ. Tôi vẫn quyết định mổ, tin rằng 'nếu mổ thì vẫn có cơ hội sống sót'. Ca mổ thành công nhưng tôi phải trải qua một ngã rẽ khác, là một trong bốn người thiếu oxy lên não, phải thở oxy 2 tiếng/ngày. Con lên thăm bảo:
Con: Mẹ ơi, sao mẹ cứ nằm đây mãi thế? Về nhà ngủ với tụi con đi, con sợ ma lắm.
Mẹ: Ừ, mẹ bị bệnh. Khi nào mẹ khỏe, mẹ sẽ về với tụi con. Con nhát quá, làm gì có ma.
Con: Mẹ bị gì mà cứ phải cắm cái ống đó vào mũi vậy?
Mẹ: Hai đứa ở nhà với ông nội ngoan, không được quậy. Mẹ khỏe rồi mẹ sẽ về.
Con: Vậy mẹ mau khỏe nhé mẹ. Mẹ nhanh khỏe về với tụi con.
Mẹ: Mẹ biết rồi.
Sự ngây thơ của con trẻ như tiếp thêm sức mạnh để tôi cố gắng nhanh khỏe hơn, “cố gắng vì chồng vì con”.
Sau đợt hồi sức, tôi được trở về nhà bên các con yêu. Các con thấy tôi về, tụi nó mừng rỡ reo lên: “A, mẹ đã về”.
Dù không làm được nhiều việc, tôi vẫn chuẩn bị đồ cho con đi nhà trẻ, cho con ăn phô-mai, bỏ đồ bẩn vào máy giặt...
Được về nhà vẫn vui, niềm vui này giúp tinh thần tôi khỏe hơn và quyết tâm hơn.
Sau ca mổ, tôi phải đối mặt với nghịch cảnh không mong đợi. Đến ngày rút chỉ, bệnh viện quá xa, y tá và dược sĩ không ai dám cắt chỉ. Cuối cùng, em tôi, một người không có tay nghề, không bằng cấp, đã cắt chỉ cho tôi. Khi đó, chỉ đã dính vào thịt. Nếu không có nghị lực, không có ý chí, bạn có làm được điều đó không?
Rồi tôi phải đối diện với khó thở, nhiệt miệng, táo bón, tụt lợi. Tôi không ăn uống được gì ngoài sữa nước Ensure và nước yến.
Có gì buồn bằng việc phải ngồi yên, không thể hoạt động? Mọi thứ đều phụ thuộc vào người khác. Chân không đi được, tay không cầm nắm, mắt không nhìn thấy rõ...
Thương ai đó đến nỗi “Tóc bạc phơ, da sạm màu”. “Một nơi, bốn phương”. Ngày lao động kiếm gạo để lo cho gia đình. Tối về nấu cơm, mang đến cho vợ (nếu ăn ngoài không đảm bảo chất lượng). Điều này cũng là lúc thăm vợ.
Tôi được anh ấy nói rằng con sẽ ở lại với ông bà. Mặc dù buồn, nhưng tôi nghĩ rằng đó cũng là điều tốt. Ít ra tại đó, không phải lo lắng về việc ai sẽ chăm sóc con.
Từ đó, tôi đi một mình. Khi chồng đi công tác, tôi đi mua cơm ngoài đường. Trở về căn phòng trống vắng, cảm giác rất lạ lùng. Buồn đến mức không thể tả nổi, không biết tại sao mà buồn. Một cảm giác buồn không thể chia sẻ với ai.
Buồn mà không thể khóc.
Nhớ mà không thể diễn tả.
Cảm thấy lẻ loi mà không có ai ở bên cạnh.
Khóc nhưng vẫn cố giả vờ cười.
Ngày qua ngày, tôi cảm thấy như đang rơi vào tuyệt vọng. Mọi thứ dường như không như ý muốn của tôi. Lời nói của tôi không còn được coi trọng, dù đúng hay sai. Mọi người đều xem thường tôi, coi tôi như một kẻ 'thần kinh'. Điều đáng buồn hơn là sự khinh thường đó lại đến từ những người thân trong gia đình. Từ đó, tôi nhận ra: mất đi lòng tự trọng là mất hết tất cả. Sống một mình không phải là cô đơn nhất, mà là sống bên cạnh những người không hiểu mình. Chúng ta đừng lạnh lùng trước nỗi đau của người khác, vì khi đó chúng ta chỉ nhận lại sự lạnh nhạt từ đời.
Tôi cảm thấy tổn thương và tự ti. Nhưng sau đó, anh đến và nhẹ nhàng nói: 'Người chiến thắng không phải là người đạt được đích đầu tiên, mà là người kiên nhẫn vượt qua từng chướng ngại. Cuộc sống không phải là con đường phẳng mà chỉ có những rào cản. Quan trọng là phải vượt qua những rào cản đó'. Nghe những lời động viên của anh, tôi như có thêm động lực, quyết tâm hơn rằng 'Tôi sẽ chiến thắng căn bệnh này'. Tôi như con ong chăm chỉ, tin rằng 'có cần mài sắt mới nên kim'.
Tiếp tục rèn luyện tích cực (leo tường)
Tư thế của con mèo
Tư thế thư giãn cơ thể
Khó khăn chồng chất, vất vả. Khi một mình, tôi phải tự lo cho bản thân như một bệnh nhân, một bác sĩ, và một đầu bếp... Tôi phải rèn luyện thêm (lo sợ cơ thể yếu đi), phải đổ mồ hôi, đổ máu, nhưng tôi vẫn không ngừng cố gắng, cố gắng để mau khỏe, có thể tự chăm sóc bản thân.
Ngã ngục vì lần tự mình rèn luyện
Vượt lên trên mọi khó khăn là sự nỗ lực, quyết tâm chứng minh rằng 'dù bị tổn thương nhưng không phế'. Tôi tự mình đứng lên và tiếp tục đi.
Để đạt được thành công, ngoài sự nỗ lực và ý chí, cần có niềm tin vào ngày mai tươi sáng, một tinh thần lạc quan chấp nhận rằng cuộc sống không luôn suôn sẻ. Và cũng có sự ủng hộ từ người bạn đời. Anh ấy không chỉ hỗ trợ về vật chất mà còn động viên tinh thần tôi.
Tôi muốn chia sẻ với mọi người rằng: ung thư không phải là bước ngoặt cuộc đời. Nếu phát hiện sớm và giữ tinh thần lạc quan, có sự đồng cảm từ gia đình... đó chính là liều thuốc mạnh nhất giúp chúng ta vượt qua bệnh tật. Hãy cố gắng, cố gắng cho đến hơi thở cuối cùng. Sống để đáng sống, đáng nhớ suốt đời. Hãy sống như thể đó là ngày cuối cùng của cuộc đời.
Người viết: Lê Thị Nhung