1. Chỉ số bạch cầu bình thường
Bạch cầu đóng vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Đặc biệt là trong việc bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh như nhiễm khuẩn, nhiễm độc, hay ký sinh trùng.
Chỉ số bạch cầu bình thường thường dao động từ 4.000-10.000/mm3 máu. Sự biến đổi nhỏ trong chỉ số này có thể xảy ra trong một số trường hợp cụ thể hoặc do yếu tố như mang thai, tuổi tác. Tuy nhiên, nếu có sự tăng cao hoặc giảm đột ngột, đều là dấu hiệu cảnh báo về các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Chỉ số bạch cầu bình thường thường dao động từ 4.000-10.000/mm3 máu
2. Cách đánh giá chỉ số bạch cầu trong xét nghiệm bệnh
WBC là chỉ số tổng quát đánh giá số lượng bạch cầu trong một đơn vị thể tích máu. Tuy nhiên, để chẩn đoán bệnh chính xác, bác sĩ cần xem xét các chỉ số khác liên quan như:
NEUT (Neutrophil)
Đây là chỉ số bạch cầu trung tính. Chỉ số này tăng cảnh báo dấu hiệu nhiễm khuẩn cấp, nguy cơ nhồi máu cơ tim, ung thư, căng thẳng lâu ngày,… Giảm khi nhiễm virus, suy tủy, suy giảm miễn dịch, bệnh nhân trong quá trình xạ trị,…
Chỉ số LYM (Lymphocyte)
Chỉ số bạch cầu bình thường đối với yếu tố này là 19- 48% (0.9 – 5.2 G/L). Chỉ số LYM tăng thường là do nhiễm khuẩn mạn hay nhiễm một số loại virus, bị các bệnh như: lao, bệnh CLL, bệnh Hodgkin,… Chỉ số này giảm có thể chẩn đoán cơ bản khả năng bị suy giảm miễn dịch, nhiễm HIV/AIDS, hóa trị và một số nguyên nhân khác.
Chỉ số MONO (Monocyte)
Chỉ số bạch cầu Mono có giá trị trung bình là 3.4 – 9% (0.16 -1 G/L). Chỉ số này tăng có thể do cơ thể nhiễm virus, rối loạn sinh tủy, bệnh về bạch cầu. Giảm khi thiếu máu, ung thư,…
Chỉ số bạch cầu là một yếu tố quan trọng trong việc chẩn đoán các bệnh liên quan đến bạch cầu
Chỉ số EOS (Eosinophil)
Đây là chỉ số bạch cầu đa hạt ưa axit. Chỉ số bạch cầu bình thường đối với nhân tố này là 0- 7% (0- 0.8 G/L). Chỉ số này thường tăng trong trường hợp bệnh nhân nhiễm ký sinh trùng hoặc bị phản ứng, dị ứng,….
Chỉ số BASO (Basophil)
Đây là chỉ số bạch cầu đa hạt ưa kiềm có giá trị trung bình là 0 – 1.5% ( 0 – 0.2G/L). Chúng tăng trong các trường hợp bị bệnh về bạch cầu, suy giáp hoặc dị ứng.
Chỉ số LUC
Chỉ số này có giá trị trung bình là 0- 4% (0- 0.4G/L). Chỉ số LUC tăng trong những trường hợp như: bệnh nhân suy thận, nhiễm khuẩn, nhiễm virus, phản ứng sau phẫu thuật, bệnh nhân sốt rét,…
Xét nghiệm chỉ số bạch cầu rất quan trọng trong việc chẩn đoán bệnh
3. Khi nào chỉ số bạch cầu tăng?
Chỉ số bạch cầu chỉ tăng khi cơ thể bị nhiễm khuẩn hoặc mắc các bệnh lý. Cụ thể như sau:
Các mức độ tăng bạch cầu
-
Bạch cầu tăng cao: Khi chỉ số bạch cầu vượt quá mức bình thường và đạt đến dưới ngưỡng 20.000/ml. Đây là dấu hiệu cảnh báo các tình trạng viêm nhiễm nặng như viêm phổi, viêm gan, viêm ruột thừa,…
-
Bạch cầu tăng quá cao: Khi chỉ số bạch cầu vượt mức trên 100.000/ml. Trường hợp này thường xuất phát từ bệnh ung thư, đặc biệt là ung thư máu, còn được biết đến là bệnh máu trắng.
Triệu chứng khi tăng bạch cầu
Nếu chỉ số bạch cầu tăng không bình thường, có thể gây ra những triệu chứng như: mệt mỏi, khó chịu, giảm cân không rõ nguyên nhân, sốt cao khi bị nhiễm trùng, chảy máu cam, khó thở, vết thương không lành, chảy máu dưới da (thâm tím),…
Mức độ nguy hiểm của tăng bạch cầu
Các chỉ số bạch cầu bình thường là một trong những yếu tố đánh giá tình trạng sức khỏe của người bệnh. Khi bạch cầu tăng cao, có thể gây ra những vấn đề không mong muốn cho sức khỏe. Ví dụ, bạch cầu tăng quá mức có thể làm giảm sự phát triển của hồng cầu, gây ra tình trạng thiếu máu cục bộ. Điều này có thể đe dọa đến tính mạng của người bệnh.
Bạch cầu tăng là tình trạng nguy hiểm
4. Khi nào chỉ số bạch cầu giảm?
Ngoài tình trạng tăng bạch cầu thì chỉ số bạch cầu cũng có thể giảm trong nhiều trường hợp. Để hiểu rõ hơn, cần tìm hiểu về các vấn đề cơ bản sau:
Chỉ số bạch cầu nào giảm?
Ngoài chỉ số bạch cầu bình thường, trong xét nghiệm máu cần xác định các chỉ số cụ thể của bạch cầu. Trong số đó, có chỉ số bạch cầu trung tính. Đây là chỉ số thường giảm trong một số trường hợp nhất định. Chúng là những tế bào trắng do tủy xương sản xuất, có khả năng tiết ra các chất để ngăn ngừa nhiễm trùng, chống lại vi khuẩn. Ở người trưởng thành, chỉ số bạch cầu trung tính trung bình là 1500 trên 1 microlit máu. Số lượng bạch cầu trung tính cũng có thể giảm theo tuổi tác nhưng không quá nhiều so với chỉ số trung bình.
Những trường hợp khiến chỉ số bạch cầu giảm
Các trường hợp gây giảm chỉ số bạch cầu trung tính:
-
Bệnh nhân mắc bệnh lao.
-
Người bị nhiễm trùng hoặc sốt xuất huyết.
-
Bệnh nhân nhiễm một số loại virus hoặc bị viêm gan hoặc HIV.
-
Bạch cầu giảm do sử dụng thuốc hạ huyết áp, thuốc thần kinh,…
Dưới đây là một số thông tin cần biết về chỉ số bạch cầu bình thường, các bệnh liên quan đến tình trạng bạch cầu tăng, giảm. Bất kỳ trường hợp nào cho thấy số lượng bạch cầu tăng hoặc giảm không bình thường đều là dấu hiệu nguy hiểm không thể bỏ qua. Vì vậy, nếu có dấu hiệu không bình thường về sức khỏe, cần phải đi khám và xác định nguyên nhân để có phương pháp điều trị kịp thời.