Chỉ số BandWidth của Bollinger (BBW) là gì?
Chỉ số BandWidth của Bollinger (BBW) là một chỉ số được tạo ra từ chỉ số Bollinger Bands, còn được biết đến là phạm vi của dải Bollinger. Nó đo lường phần trăm khác biệt giữa dải trên và dải dưới, giảm khi hai dải thu hẹp lại và tăng khi hai dải mở rộng. Chỉ số này cho biết rằng độ biến động giảm khi Bollinger Bands co lại và tăng khi mở rộng.
Áp dụng chỉ số BandWidth của Bollinger trong phân tích kỹ thuật
Xác nhận điểm mua với biên độ hẹp
Giá trị BandWidth cần được so sánh với các giá trị BandWidth trước đó trong một khoảng thời gian cụ thể. Việc xác định một khoảng thời gian tham chiếu lịch sử tốt là quan trọng để xác định phạm vi BandWidth cho một ETF, chỉ số hoặc cổ phiếu cụ thể.
BandWidth được coi là hẹp khi nó tiếp cận mức thấp nhất trong phạm vi và rộng khi nó gần mức cao. Các vùng được chỉ ra bằng mũi tên thường có chỉ số BandWidth thấp trong một khoảng thời gian nhất định.
*Biểu đồ SSI giai đoạn năm 2021* Những điểm giảm của chỉ báo BBW thường tương ứng với việc co thắt trên Bollinger Bands truyền thống, mở ra cơ hội mua tại các nền giao dịch tích lũy, chờ đợi dòng tiền tham gia để phá vỡ xu hướng.
Xác nhận các điểm bùng nổ
Bollinger Bands có thể xác định các điểm breakout. Điều này xảy ra khi biến động giảm xuống mức thấp, thể hiện rõ trên Bollinger Bands với hai dải thu hẹp lại. Hai dải của Bollinger Bands, tính bằng độ lệch chuẩn, là thước đo của biến động. Khi biên độ của dải băng hẹp, giá thường đi ngang hoặc giao dịch trong một khoảng nhất định, và sau giai đoạn giao dịch trong biên độ hẹp, thường sẽ có sự biến động lớn tiếp theo.
Với dải Bollinger Bands hẹp, có thể dự báo sắp có xu hướng tăng hoặc giảm. Xu hướng tăng thường bắt đầu từ dải hẹp và tiến lên trên dải trên, trong khi xu hướng giảm thì ngược lại, từ dải hẹp sẽ đi xuống dải dưới.
Trên biểu đồ SSI, ta thấy SSI tích lũy trong dải hẹp, với chỉ số BandWidth chỉ ở mức 0.1 từ tháng 8/2021 đến tháng 10/2021, chuẩn bị cho một đợt breakout. Đúng như dự đoán, từ giữa tháng 10, cổ phiếu đã bắt đầu tăng từ 0.1 lên 0.4 vào cuối tháng 11. SSI cũng giao dịch trong dải hẹp từ tháng 2 đến 4/2022, trước khi giảm mạnh từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 6/2022.
Biểu đồ của HCM cũng cho thấy hai điểm breakout sau khi giao dịch ngang trong dải hẹp. Vào tháng 10/2021, Bollinger Bands có hai dải hẹp và chỉ số BandWidth ở mức thấp, dự báo cổ phiếu sẽ chuẩn bị cho giai đoạn giao dịch với biên độ lớn. Thật đúng như vậy, cổ phiếu đã có nhịp tăng mạnh vào tháng 11/2021. Điểm breakout thứ hai xảy ra khi cổ phiếu tích lũy từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 5/2022. Lần này cũng tương tự như tháng 10/2021, chỉ số Bollinger BandWidth thấp và dự báo giai đoạn giao dịch với biên độ lớn, trước khi có nhịp giảm mạnh.
Chúng ta cũng có thể áp dụng Bollinger Bands cùng với Bollinger BandWidth trên biểu đồ tuần hoặc các khung thời gian lớn hơn. Những biểu đồ này thường có biến động lớn hơn so với biểu đồ ngày. Ví dụ, trên biểu đồ tuần của cổ phiếu GEX, chúng ta thấy cổ phiếu tích lũy trong một thời gian với chỉ số Bollinger BandWidth thấp. Sau giai đoạn này vào giữa tháng 9/2021, cổ phiếu bắt đầu giai đoạn tăng mạnh.
Trên biểu đồ tuần của VNINDEX, chỉ số đã giao dịch ngang từ tháng 7/2021 đến tháng 2/2022 với chỉ số BandWidth đi ngang ở mức 0.1. Thay vì breakout lên, chỉ số đã đi xuống dưới dải band, giao dịch với biên độ lớn và chỉ số Bollinger BandWidth tăng lên mức 0.5.
Tóm lại, chỉ số Bollinger BandWidth được dùng để tìm tín hiệu chuẩn bị cho những biến động sắp tới. Để xác định xu hướng, chúng ta cần quan sát sự phá vỡ dải băng tiếp theo. Nếu sau giai đoạn tích lũy giá vượt qua dải trên, đó là xu hướng tăng; ngược lại, nếu giá xuống dưới dải dưới thì đó là xu hướng giảm. Tuy nhiên, cần cẩn thận khi sử dụng chỉ số này.
Đôi khi sự phá vỡ ban đầu không duy trì khi giá đảo chiều. Các đà tăng mạnh thường không đảo ngược ngay lập tức, vì vậy nếu có phá vỡ dải trên và sau đó giá giảm ngay lập tức, cần cẩn thận để tránh rủi ro.