Chọn một đề tài độc đáo và thiết thực, luyện tập chăm chỉ ở nhà như thật và tìm kiếm một câu chuyện mở đầu hấp dẫn sẽ giúp bạn thành công khi thuyết trình tại các hội thảo quốc tế.
Chị Minh Nguyệt (Moon Nguyen) là thủ khoa tốt nghiệp chương trình Thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Đại học Quốc gia Grand Valley, Michigan, vào năm 2019. Từng là diễn giả tại nhiều hội thảo về giảng dạy tiếng Anh tại Mỹ, chị chia sẻ ba kinh nghiệm thuyết trình của mình.
Chọn một đề tài thực tế
Vào năm 2018, khi tôi bước vào năm thứ hai của chương trình thạc sĩ Ngôn ngữ học ứng dụng tại Mỹ, giáo sư dạy của tôi giới thiệu về Hội thảo về Giảng dạy Tiếng Anh ở Michigan (MITESOL). Và sau đó, tôi đã viết một đề xuất thuyết trình về phương pháp giảng dạy phát âm mà tôi đã áp dụng tại MoonESL từ năm 2012 và nhờ giáo sư hướng dẫn xem xét.
Đề xuất được chấp nhận vì có yếu tố 'mới' so với phần lớn giáo viên tiếng Anh tại Mỹ. Phát âm thường là môn học ít được chú trọng hoặc được tích hợp cùng giao tiếp mà không đầy đủ.
Buổi thuyết trình của tôi thu hút khoảng 100 giáo viên và giáo sư tại Michigan, là một trong những buổi diễn thuyết đông người tham dự nhất trong các buổi đồng thời tại hội nghị.
Tương tự, vào năm 2019, tôi gửi một nghiên cứu khác về cách giáo viên người Việt Nam đánh giá giáo viên bản xứ và không bản xứ tới hội nghị International TESOL, sự kiện lớn nhất thế giới về giảng dạy tiếng Anh, được tổ chức tại Alanta, Georgia, và cũng đã được chấp thuận.
Năm 2022, khi tôi đã ở Việt Nam, tôi tự tin gửi một bài thuyết trình về 'Phương pháp dạy phát âm tiếng Anh trực tuyến' tới hội nghị MITESOL 2022, vì tôi nhận thấy rằng trong và sau đại dịch Covid-19, nhiều giáo viên sẽ gặp khó khăn trong việc dạy học trực tuyến. Bài thuyết trình của tôi đã gần như được chấp thuận ngay lập tức.
Theo chủ tịch của MITESOL 2022, Moon và giáo sư Quang là hai diễn giả duy nhất đến từ ngoại bang và cũng là trường hợp đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19. Bà này đánh giá cao nội dung thuyết trình, đồng thời mời họ tham dự hội nghị miễn phí.
Hấp dẫn ngay từ đầu
Khi thuyết trình, tôi thường bắt đầu bằng những câu chuyện liên quan đến đề tài, có thể lôi cuốn khán giả. Ví dụ, khi nói về cách giảng dạy phát âm, tôi đã chia sẻ câu chuyện cá nhân khi là một người học tiếng Anh đến Mỹ, trải qua thất bại trong công việc, và phát âm đã thay đổi cuộc đời tôi như thế nào.
Ngoài phần mở đầu, chúng ta cần hiểu rõ đối tượng khán giả để điều chỉnh phù hợp. Họ nghe thuyết trình của bạn vì lý do gì? Họ muốn học được điều gì từ nội dung của bạn?