1. Vị trí và vai trò của răng thứ 7
Răng thứ 7 là chiếc răng hàm nằm trước răng khôn. Nó là một trong bộ 3 chiếc răng cối có kích thước lớn trong hàm răng (gồm răng 6, răng 7 và răng 8). Răng thứ 7 sẽ là chiếc răng nằm trong cùng (trong trường hợp bạn chưa mọc răng khôn).
Người trưởng thành sẽ có khoảng 28 cái răng vĩnh viễn, sau khi mọc đủ 4 chiếc răng khôn thì là 32 chiếc. Chúng ta sẽ có tổng cộng 4 chiếc răng thứ 7 nằm đối xứng ở 2 hàm trên và dưới. Răng thứ 7 có một điểm đặc biệt đó là nếu nằm ở hàm dưới thì chỉ có 2 chân, nhưng 2 răng ở hàm trên lại có tận 3 chân.
Răng thứ 7 cùng với răng thứ 6 đồng hành nhau trong nhiệm vụ nghiền nhai thức ăn, hỗ trợ quá trình tiêu hóa hiệu quả. Răng thứ 7 có vai trò quan trọng với hệ số đánh giá cao nhất là 5, nên bất kỳ vấn đề nào xảy ra cũng ảnh hưởng đến sự nhai nhắm của người đó, thậm chí còn ảnh hưởng đến răng thứ 7 đối diện và răng thứ 7 của hàm còn lại.
Vị trí của răng thứ 7
Vì là răng chính trong việc nhai, răng thứ 7 rất quan trọng. Do tiếp xúc thường xuyên với thức ăn, răng này dễ bám bẩn và phát triển các vấn đề bệnh lý. Trong trường hợp có vấn đề, bác sĩ thường ưu tiên giữ lại răng thứ 7, trừ khi không còn phương án bảo tồn.
Dưới đây là một số rủi ro khi mất răng thứ 7:
-
Khả năng nhai sẽ giảm đáng kể;
-
Dễ bị sự lệch lạc của các răng khác trên cung hàm: khi mất răng số 7, một khoảng trống sẽ hình thành, răng số 5, số 6 phải gánh vác phần công việc của răng số 7 và dần dần chúng sẽ chuyển sang vị trí của răng số 7 mất, ảnh hưởng đến vẻ đẹp tổng thể của hàm;
-
Nguy cơ tiêu xương ổ răng: xương ổ răng phát triển nhờ vào lực nhai liên tục. Khi răng mất, lực nhai không được phân tán đều, phần xương hàm tại vị trí răng mất sẽ dần phân hủy. Điều này gây mất sự nâng đỡ của hàm, thay đổi hình dạng khuôn mặt, làm da lão hóa và chảy xệ.
2. Có nên nhổ răng số 7 khi bị bệnh?
Răng số 7 thường mọc trong khoảng từ 11 - 13 tuổi, thường muộn hơn ở hàm trên so với hàm dưới. Đây là răng vĩnh viễn chỉ mọc một lần trong đời, do đó việc chăm sóc răng miệng rất quan trọng vì không có răng nào thay thế khi nó bị mất. Nhiều người nghĩ rằng răng số 7 là răng sữa nên không cần quan tâm, điều này khiến răng này dễ bị các vấn đề như sâu răng, viêm lợi, viêm tủy,...
Trong trường hợp răng số 7 bị tổn thương, bác sĩ sẽ tùy thuộc vào tình trạng của răng và mức độ bệnh để quyết định liệu pháp phù hợp, thường là ưu tiên điều trị bảo tồn. Tuy nhiên, nếu răng số 7 gặp những tình huống sau, việc nhổ răng là lựa chọn tốt nhất để tránh ảnh hưởng đến sức khỏe và các răng lân cận:
-
Răng hỏng, nứt, viêm nặng buồng răng;
-
Răng số 7 bị viêm chóp và nha chu nặng, thậm chí là viêm xương;
-
Răng bị viêm tủy, nứt nẻ chân răng, có dấu hiệu tiêu xương hàm.
Răng thứ 7 ở hàm trên có 2 chân, còn ở hàm dưới có tới 3 chân
Răng thứ 7 được đánh giá là khá 'lành' khi mọc, ít gây biến chứng như răng thứ 8 (hay còn gọi là răng khôn) nên cũng dễ nhổ hơn. Tuy nhiên cần lưu ý rằng đây là răng nhiều chân, tập hợp tổ chức nhiều dây thần kinh và cắm sâu trong ổ xương hàm, vì vậy trong quá trình nhổ cần thực hiện đúng kỹ thuật để giảm tổn thương mô. Đồng thời cần đảm bảo sử dụng dụng cụ y tế vô khuẩn, an toàn.
3. Các phương pháp điều trị răng thứ 7 bị hỏng
3.1. Điều trị bảo tồn
Trong trường hợp răng số 7 gặp vấn đề như sâu răng, mẻ răng, hoặc sứt do va đập, chấn thương, nhưng không cần phải nhổ răng, các biện pháp sau đây có thể được áp dụng để bảo tồn răng:
Nếu chỉ bị sâu hoặc chấn thương nhẹ, không ảnh hưởng đến tủy và mất mát mô răng không nhiều, bạn có thể chọn trám răng;
Trong trường hợp chấn thương hoặc sâu nặng, mất hơn 50% của thân răng và tủy bị ảnh hưởng, bạn có thể cân nhắc sử dụng phương pháp bọc răng sứ.
Khi mất răng số 7, liệu pháp điều trị sẽ được áp dụng như sau:
Nếu không thể bảo tồn được răng số 7 do chấn thương quá nghiêm trọng và cần phải nhổ răng, các phương pháp sau đây có thể được sử dụng để thay thế răng mới:
Cầu răng sứ: Phương pháp này sử dụng cầu sứ để nối 3 thân răng sứ với nhau. Hai răng sứ ở hai bên cạnh sẽ giúp nâng đỡ trụ cho cầu răng, trong khi răng ở giữa sẽ thay thế răng số 7 đã mất. Tuy nhiên, phương pháp này yêu cầu ít nhất hai răng bên cạnh phải khỏe mạnh. Hiện nay, cầu răng sứ ít được lựa chọn trong trường hợp mất răng vì:
Khi răng số 8 chưa mọc, răng số 7 sẽ đóng vai trò là răng cuối cùng, không đáp ứng được yêu cầu cầu nối với răng bên cạnh;
Việc làm mão răng đồng nghĩa với việc mài giảm răng số 6, trong khi cả răng số 6 và số 7 đều quan trọng trong việc nhai, do đó, việc làm cầu răng sứ sẽ ảnh hưởng đến chức năng nhai.
Hàm giả có thể tháo lắp: một bộ răng giả được thiết kế tương tự như răng thật. Người sử dụng có thể tháo lắp dễ dàng để vệ sinh hoặc khi ăn uống, nhưng thường thích hợp hơn cho người cao tuổi, mất nhiều răng ở cạnh hoặc mất toàn bộ răng. Tuy nhiên, phương pháp này không phù hợp thực sự cho việc thay thế răng số 7 vì không đảm bảo chức năng nhai tốt, trong khi răng số 7 lại đóng vai trò quan trọng trong việc nhai;
Trồng răng Implant: Đây được xem là phương pháp tốt nhất hiện nay. Cấu trúc của răng Implant rất giống với răng thật, có thể cắm sâu vào ổ xương răng, đảm bảo độ cứng cần thiết để thay thế răng số 7 đã mất. Đặc biệt, răng Implant có thể đứng độc lập mà không ảnh hưởng đến các răng khác, đồng thời giảm nguy cơ tiêu xương hàm.
Việc sử dụng cầu răng sứ không thực hiện được trong việc thay thế răng số 7 vì vị trí của nó thường ở cuối hàm.
Có thể nói rằng răng số 7 là một trong những răng quan trọng nhất, đảm nhận vai trò chính trong việc nhai, nhưng lại dễ bị các vấn đề về sức khỏe hơn so với các răng khác. Do đó, việc chăm sóc vệ sinh răng miệng thường xuyên là rất quan trọng.