Để viết được một phần Overview đúng, đủ, hay thường không phải là điều dễ dàng. Thực tế cho thấy, có không ít người học IELTS tốn khá nhiều thời gian để viết Overview, dẫn tới sự phân bổ thời gian không đều cho những thành phần nội dung khác, ảnh hưởng tới chất lượng của cả bài viết IELTS Writing Task 1. Vì vậy, trong bài viết này, tác giả muốn giới thiệu với người học những chiến thuật, công thức có thể áp dụng cho phần Overview trong IELTS Writing Task 1 chất lượng.
Key takeaways |
---|
|
Tổng quan là gì?
Trong phần Overview, người viết thường dành 2-3 câu văn để tổng hợp lại thông tin khái quát, nổi bật nhất của biểu đồ, bản đồ hay quy trình.
Tầm quan trọng của Tổng quan trong Writing Task 1
Dưới góc nhìn của người viết, ý thức được tầm quan trọng của việc viết Overview buộc họ phải dành thời gian đọc, hiểu biểu đồ nhằm đảm bảo chất lượng và sự thống nhất xuyên suốt về nội dung trong bài viết của mình.
Nếu nhìn vào hệ thống chấm điểm của bài IELTS Writing Task 1, thí sinh cần có Overview rõ ràng, mạch lạc để bài viết có thể đạt được band 7 hoặc cao hơn. Cụ thể, về tiêu chí Task Achievement trong bài IELTS Writing Task 1:
Band 5: Thuật lại thông tin một cách máy móc mà không có Overview
Band 6: Cung cấp Overview với những thông tin phù hợp
Band 7: Trình bày Overview rõ ràng, mạch lạc qua những xu hướng chính, so sánh các điểm giống và khác nhau…
Như vậy, có thể khẳng định, một Overview tốt - thể hiện được khả năng chọn lọc và khái quát hóa thông tin có thể giúp thí sinh đạt được band điểm cao hơn trong bài thi IELTS Writing Task 1.
Cách viết Tổng quan Writing Task 1
Bước 1: Sử dụng những từ/cụm từ nối đơn giản để bắt đầu phần Tổng quan
Thông thường, các giám khảo sẽ đánh giá Overview của thí sinh dựa trên nội dung, tức sự thể hiện khả năng đọc hiểu bảng-biểu. Vì vậy, thay vì cố gắng phô diễn khả năng ngôn từ, người viết thường lựa chọn những cụm từ dễ hiểu, đơn giản để giám khảo dễ dàng nhận ra phần Overview. Một số cụm thông dụng để bắt đầu phần Overview có thể kể đến như:
Overall, it is obvious/apparent/clear that… (Nhìn chung, rõ ràng là…)
It can easily be noticed/seen from the graph/table that… (Có thể dễ dàng nhận thấy/nhìn thấy từ biểu đồ, bảng rằng…)
As is shown/illustrated by the graph…(Như được trình bày trong biểu đồ…)
In brief,.. (Một cách ngắn gọn,...)
Bước 2: Trình bày xu hướng tổng quát, bức tranh tổng thể được thể hiện trong biểu đồ, bản đồ, quá trình
Trong bước này, một kiến thức ngữ pháp thường được áp dụng là Câu phức. Sử dụng câu phức hợp lý, chính xác cũng là một cách để cải thiện điểm Grammatical Range (Vốn ngữ pháp) của bài viết cũng như đảm bảo sự mạch lạc, súc tích. Khi phân tích số liệu trên biểu đồ hay các đối tượng trên bản đồ, người viết thường sử dụng Câu phức để thể hiện sự so sánh. Để chỉ ra điểm khác biệt, mệnh đề chính - phụ thường được sử dụng cùng các liên từ phụ thuộc mang nghĩa đối lập như Although, Whereas, While, Even though…
Cùng tham khảo cách sử dụng câu phức qua đề bài sau:
Task 1: The charts show the percentage of people working in different sectors in town A and B in two years 1960 and 2010. Summarise the information by selecting and reporting the main features and make comparisons where relevant.
Qua biểu đồ tròn trên, ta có thể nhận thấy, đến năm 2010, nếu đa phần người lao động tại Town A làm việc trong ngành Services, thì ở Town B ngành Manufacturing lại chiếm phần lớn số lao động. Hay xét riêng Town B, dù có xuất hiện sự giảm xuống về thành phần người lao động ở ngành Manufacturing, ngành này vẫn là ngành có phần trăm người lao động lớn nhất.
Áp dụng kiến thức về câu phức, ta có thể thành lập các câu văn như sau:
It is clear that in 2010, while Services was the dominant job sector in Town A, Manufacturing, despite experiencing a decrease of percentage, still attracted the highest proportion of Town B’s labor force.
(Dịch: Rõ ràng vào năm 2010, trong khi Services là ngành chiếm ưu thế về phần trăm lao động ở Town A, Manufacturing vẫn là ngành thu hút phần lớn lực lượng lao động ở Town B dù có sự giảm xuống về phần trăm.)
Khi viết phần Overview theo hai bước trên, thí sinh cũng cần lưu ý một số điểm sau:
Thứ nhất, không nên dành quá nhiều thời gian để viết Overview, cũng như không nên dành dung lượng lớn của bài viết cho phần này. Theo thầy Simon, cựu giám khảo chấm thi IELTS, hãy luôn cố gắng thể hiện phần Overview trong 2 câu văn.
Thứ hai, không đưa bất kỳ con số, dữ liệu cụ thể nào vào Overview, hãy dành chúng cho phần phân tích sâu hơn ở phía dưới bài viết.
Thứ ba, tránh để đại từ nhân xưng xuất hiện trong phần Overview, hãy thay thế cụm “We can see from the table…” bằng cấu trúc câu bị động “It can be seen…”
Cách viết Tổng quan cho từng loại bài IELTS Writing Task 1
Sau đây, hãy cùng tìm hiểu với từng dạng đề, làm cách nào để người viết có thể chọn lọc những thông tin khái quát nhất đưa vào phần Overview.
Loại biểu đồ động (Dynamic Chart)
Đối với dạng biểu đồ này, hãy tự đặt ra những câu hỏi để thu thập thông tin:
Dữ liệu thay đổi như thế nào từ đầu đến cuối chu kỳ thời gian?
Nhìn chung, số liệu tăng, giảm hay dao động? Có sự khác biệt rõ ràng nào với xu hướng chung hay không?
Chú ý xem liệu số liệu nào có xuất hiện sự tăng, giảm đáng kể qua thời gian?
Dữ liệu, số liệu cao nhất, thấp nhất trong biểu đồ? (Lưu ý: Giả dụ với bài Line Graph, đừng quá tập trung vào đỉnh/đáy của từng đường, mà hãy đề cập trong khoảng thời gian đó, số liệu của đường nào cao nhất.)
Cùng áp dụng vào ví dụ dưới đây:
Task 1: The line chart below gives information about the percentage of female members of parliament in European countries (2000 – 2012)
(Nguồn: IeltsTrainingonline.com)
Bằng việc trả lời các câu hỏi ở trên, người học có thể lựa chọn 2-3 thông tin tổng quan như sau:
Trong biểu đồ, dữ liệu của các đường hầu hết có xu hướng tăng lên từ năm 2000 đến 2012.
Trong đó, qua 12 năm, số liệu của Italy là cao nhất.
Bên cạnh đó, ta có thể nhận thấy sự tăng lên về số liệu của UK là lớn nhất, đáng chú ý nhất.
Từ đó, người học có thể viết Overview cho đề bài trên như sau:
Overall, all five countries experienced a positive trend over the period, with Italy being the country with the highest percentage of female parliament members in 2012.
(Dịch: Nhìn chung, số liệu của cả 5 nước đều có xu hướng tăng lên qua thời gian, trong đó Italy là nước có phần trăm nữ đại biểu quốc hội cao nhất vào năm 2012.)
Loại biểu đồ tĩnh (Static Chart)
Với dạng biểu đồ không có sự thay đổi qua thời gian, người viết cần tập trung vào so sánh số liệu, tìm ra điểm chung cũng như sự khác biệt. Một số thông tin cần tìm có thể kể đến:
Giá trị cao nhất, thấp nhất?
Có sự khác biệt nào rõ rệt giữa các đối tượng, số liệu hay không?
Các số liệu, đối tượng có những điểm chung nào?
Cùng xét ví dụ sau đây:
Task 1: The bar chart shows the types of media that people of different age groups used to get daily news in one country in 2011. Summarize the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant.
(Đề thi IELTS Writing Task 1 ngày 17/04/2021)
Người học cũng tìm kiếm thông tin cho phần Overview theo định hướng từ những câu hỏi trên như sau:
Điểm chung: Với mọi độ tuổi, Micro blogging luôn là phương thức tiếp nhận thông tin ít phổ biến nhất
Điểm khác biệt rõ ràng: Với độ tuổi 10-17, social networks là phương thức được sử dụng nhiều nhất; trong khi đó, với các nhóm tuổi còn lại, phương thức phổ biến nhất lại là Radio.
Xu hướng chung: (Có thể xem xét) Độ tuổi càng lớn, phần trăm người dùng Social networks để tiếp cận thông tin càng giảm.
Với những thông tin trên, người học có thể dễ dàng xây dựng được Overview như sau:
Generally, across all age groups, Micro blogging was the least popular of the three types of media. It is also noticeable that while social networking platforms were the most preferred by youngsters from 10 to 17 years old, radio was chosen by most people from the other age brackets as a means of accessing daily news.
(Dịch: Nói chung, trong tất cả các nhóm tuổi, Micro Blogging là phương thức ít phổ biến nhất trong 3 loại phương tiện truyền thông. Cũng dễ dàng nhận thấy nếu social networking platforms là phương thức được người trẻ từ 10-17 tuổi ưa chuộng nhất, thì radio lại là phương thức tiếp cận tin tức hằng ngày của phần lớn người ở các nhóm tuổi còn lại.)
Loại bản đồ (Map)
Để xử lý tốt phần Overview cho dạng đề Bản đồ yêu cầu người viết phải quan sát kĩ để nhận ra sự thay đổi rõ rệt qua thời gian. Cần chỉ rõ:
Số lượng những sự thay đổi lớn? Các sự thay đổi rõ rệt nhất
Tính chất của sự thay đổi: Về vị trí, số lượng, quy mô…
Đối tượng nào được thêm vào, đối tượng nào bị bỏ đi…
Có cải tiến nào về cơ sở hạ tầng được thể hiện rõ nét hay không?
Muốn làm tốt dạng bài Maps, người học cần không ngừng luyện tập, va chạm với nhiều dạng bản đồ để tăng khả năng quan sát, giúp bản thân phát hiện thay những thay đổi nhanh-nhạy hơn.
Cùng phân tích bản đồ trong đề bài sau đây:
Task 1: The map below shows the changes that have taken place at the waterfront area of a town called Darwin between 2009 and 2014. Summarise the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant.
Sau khi thực hiện phân tích bản đồ bằng cách trả lời những câu hỏi trên, chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy sự thay đổi rõ rệt: Sau 5 năm, các khu dân cư, trường học, khu giải trí… đã thay thế hoàn toàn các khu công nghiệp. Bên cạnh đó, còn có sự cải thiện về cơ sở hạ tầng giao thông khi đường bộ và cảng được xây dựng thêm.
Từ đó, Overview cho đề bài này có thể là:
As is shown clearly by the map, the waterfront area has been transformed thanks to the demolition of industrial areas for residential and recreational purposes. Besides, there was also improvement in transport infrastructure with the harbor being constructed.
(Dịch: Như đã được thể hiện rõ ràng trong bản đồ, khu vực này đã được thay đổi sau khi các khu công nghiệp bị dỡ bỏ để xây dựng các khu dân cư và khu giải trí. Bên cạnh đó, cảng được xây dựng đã nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông tại khu vực.)
Loại dạng quy trình (Process)
Để có được phần Overview tốt cho dạng bài Process, trước hết người viết cần phải dành một lượng thời gian nhất định để hiểu sơ đồ, quy trình. Khi phân tích sơ lược, người viết có thể áp dụng một số câu hỏi như sau:
Quy trình trải qua bao nhiêu bước?
Điểm bắt đầu, điểm kết thúc của quá trình là gì? Diễn ra ở đâu, như thế nào?
Cùng tìm hiểu cách làm cụ thể qua ví dụ sau đây:
Task 1: The diagram gives information about the process of making carbonated drinks. Summarise the information by selecting and reporting the main features, and make comparisons where relevant.
(Đề thi IELTS Writing Task 1 ngày 05/09/2020)
Số bước của quá trình: 5 bước, trong đó
Bước đầu tiên: Xử lý, làm sạch nước tại nhà máy
Bước cuối cùng: Chai nước, lon nước được đóng gói, phân phối đi sử dụng
Tham khảo Overview mẫu sau đây:
Overall, the production of carbonated drinks goes through five distinct stages, beginning with water being cleaned then carbonated, mixed with other ingredients, and packaged. Finally, the distribution of water bottles and cans marks the end of the process.
(Dịch: Tổng quan mà nói, quá trình sản xuất nước uống có ga trải qua 5 bước khác nhau, bắt đầu bằng việc nước được làm sạch, sau đó được thêm muối các-bo-nat cùng những nguyên liệu khác rồi được đóng gói. Cuối cùng, quá trình này kết thúc khi các chai và lon nước được phân phối tới tay người tiêu dùng.)
Loại dạng hỗn hợp
Với dạng bài có 2 biểu đồ, hãy dành cho mỗi biểu đồ một câu văn tóm lược. Nếu số lượng biểu đồ lớn hơn 2, các biểu đồ thường sẽ có sự liên kết, hoặc những điểm tương đồng với nhau. Tìm được sự kết nối ấy giúp chúng ta xử lý thông tin dễ dàng, tạo nên một Overview mạch lạc, dễ hiểu hơn.
Task 1: The given charts give information about the number of students at university in the UK from 1991 to 2001, government spending and the types of family economic background they came from in 1991.
(Đề thi IELTS Writing Task 1 ngày 26/08/2017)
Overview Sample:
In brief, in 1991 the majority of undergraduates came from middle-income families. Contrary to the increased number of university students, government spending fell substantially during the decade.
(Dịch: Tóm lại, trong năm 1991, phần lớn số sinh viên có xuất thân từ các gia đình trung lưu. Trái với số lượng sinh viên ngày càng tăng, chi tiêu chính phủ cho mỗi sinh viên lại ngày càng giảm xuống.)