Mở đầu
Key takeaways: |
---|
Tiêu chí chấm điểm trong IELTS Writing Task 2 Các vấn đề của người học mắc phải ở từ vựng và ngữ pháp
Kế hoạch học tập để cải thiện Lexical Resource và Grammatical Range and Accuracy trong IELTS Writing Task 2
|
Tiêu chuẩn chấm điểm trong IELTS Writing Task 2
Có bốn tiêu chí chấm điểm trong IELTS Writing Task 2:
Task Response: Tiêu chí đánh giá mức độ trả lời đúng trọng tâm yêu cầu đề bài của thí sinh.
Coherence and Cohesion: Tiêu chí chấm khả năng liên kết ý tưởng chặt chẽ và triển khai các ý rõ ràng trong bài viết của thí sinh.
Lexical Resource: Tiêu chí kiểm tra mức độ vận dụng vốn từ vựng để đáp ứng yêu cầu đề bài của thí sinh. Để đáp ứng yêu cầu này, thí sinh cần thể hiện độ đa dạng của từ vựng khi tránh lỗi lặp từ, sự linh hoạt và chính xác khi áp dụng từ vựng trong ngữ cảnh khác nhau, khả năng sử dụng những cụm từ ít phổ biến và văn phong phù hợp với văn viết mang tính trang trọng.
Grammatical Range and Accuracy: Tiêu chí xem xét trình độ ngữ pháp của thí sinh bao gồm mức độ đa dạng và chính xác trong cách vận dụng. Để đạt số điểm tốt ở tiêu chí này, thí sinh cần dùng đúng các cấu trúc ngữ pháp, biết liên hệ đến các ngữ pháp phức tạp, có sự kết hợp giữa câu đơn và câu ghép và viết đúng dấu câu.
Những vấn đề người học gặp phải về từ vựng và ngữ pháp
Sử dụng từ vựng không trang trọng
Ngôn ngữ trang trọng (Formal language) thường là các từ vựng được sử dụng trong bối cảnh học thuật (như viết luận văn hay nghiên cứu khoa học) hoặc trong công việc (như thư tín và hợp đồng) nhằm thể hiện sự nghiêm túc và chuyên nghiệp của mỗi cá nhân hay tổ chức. Do đó, ngôn ngữ trang trọng thường xuất hiện trong văn viết.
Ngược lại, ngôn ngữ không trang trọng (Informal language) được sử dụng nhiều hơn cho các bối cảnh trao đổi thông tin trong ngữ cảnh giao tiếp xã hội hằng ngày. Đặc biệt, người sử dụng ngôn ngữ không trang trọng khi có cảm giác thân thiết và gần gũi với đối tượng được truyền tải thông tin. Do vậy, nếu lựa chọn loại ngôn ngữ trình bày khác nhau, tính nghiêm túc và trang trọng của nội dung có thể tăng lên hay giảm đi.
Vì thế, nếu người học sử dụng quá nhiều ngôn ngữ không trang trọng trong bài thi IELTS Writing Task 2, một bài thi thiên về tính học thuật, thí sinh có thể sẽ khó đạt được điểm như kỳ vọng theo tiêu chí Lexical Resource.
Ví dụ câu văn mang ngôn ngữ không trang trọng:
“I reckon the government should totally fix the traffic problem by building more roads and stuff”.
Trong câu trên, người học đã sử dụng các từ vựng ít trang trọng và thường dùng trong văn nói như “I reckon”, “totally fix”, “building more roads and stuff”. Nhìn chung, câu văn chưa diễn đạt rõ và có văn phong như cuộc trò chuyện đời thường.
Người học có thể sửa lại như sau:
“I believe the government should address the traffic issue by investing in comprehensive infrastructure development, including the construction of additional roads and related facilities.”
Thiếu vốn từ vựng
Một trong những khó khăn mà người học có thể gặp phải khi viết là thiếu vốn từ vựng phong phú và phù hợp với bối cảnh. Điều này khiến cho việc triển khai ý tưởng trở nên khó khăn và người học có thể cảm thấy bị cản trở khi không có đủ từ vựng để diễn đạt ý kiến của mình một cách chính xác. Thêm vào đó, nguy cơ lặp lại các từ thông dụng, nhầm lẫn giữa các từ hoặc sử dụng sai từ cũng là một vấn đề phổ biến, làm mất đi sự chuyên nghiệp và sự thuyết phục của bài viết. Tất cả những vấn đề này đều góp phần làm giảm khả năng đạt được band điểm cao trong kỳ thi IELTS.
Một trong những nguyên nhân sâu xa có thể là do người học chưa biết cách hệ thống hóa từ vựng một cách hiệu quả. Phương pháp học truyền thống thường tập trung vào việc ghi nhớ từ vựng một cách cơ bản, mà không có sự liên kết hoặc hệ thống hóa theo chủ đề cụ thể. Điều này dẫn đến việc học từ vựng trở nên nhàm chán và thiếu tính ứng dụng cao trong việc sử dụng trong bài viết.
Để vượt qua những khó khăn này, người học cần tìm kiếm các phương pháp học tập mới mẻ và thú vị hơn. Một cách tiếp cận hiệu quả là áp dụng các phương pháp tăng tính chủ động, trong đó có giai đoạn tìm kiếm từ vựng đến thời gian ôn tập. Các phương pháp như Contextual Learning, tức là học từ vựng trong ngữ cảnh cụ thể, chia từ vựng theo chủ đề, sử dụng từ đồng nghĩa và trái nghĩa để tăng cường khả năng nhớ từ vựng, cũng như sử dụng hệ thống từ vựng bằng mind map là những cách tiếp cận có thể giúp người học hệ thống hóa và ghi nhớ từ vựng một cách hiệu quả và thú vị hơn.
Lỗi chính tả và dấu câu
Sai chính tả sẽ gây ảnh hưởng đến tiêu chí Lexical Resource và đặt sai dấu câu sẽ khiến thí sinh bị trừ điểm ở tiêu chí Grammatical Range and Accuracy.
Người học thường tập trung trong việc học dồn từ vựng mới nhưng lại thiếu luyện tập viết lại chúng, nên dẫn đến việc người học viết sai chính tả như thiếu chữ hoặc nhầm lẫn mặt chữ, đặc biệt với các từ vựng đồng âm. Ngoài ra, trong quá trình viết, với áp lực thời gian, thí sinh có thể đặt nhiều tập trung vào nội dung ý và quên đi việc kiểm tra chính tả. Đôi khi, thí sinh cũng gặp phải lỗi đánh máy (typing). Điều này thường xảy ra khi thí sinh cố gắng hoàn thành bài viết trong khoảng thời gian giới hạn, như trong kỳ thi IELTS.
Ví dụ câu văn viết sai chính tả:
"On one hand, there are those who believe that free educaton is a basic right that should be provided by the goverment."
Sửa lỗi chính tả:
"On one hand, there are those who believe that free education is a basic right that should be provided by the government."
Ngoài ra, việc sử dụng dấu câu đúng đắn là quan trọng để giúp thí sinh đảm bảo tiêu chí rõ ràng và chính xác khi diễn đạt ý. Việc viết sai dấu câu có thể ảnh hưởng đến khả năng hiểu đúng ý của người đọc và gây mất điểm trong mục chấm điểm về ngữ pháp và cấu trúc câu.
Ví dụ câu văn viết sai dấu câu:
"While technology has undeniably revolutionized the way we learn it also has some downsides For instance, students may get distracted during lessons, and as a result, their academic performance may suffer."
Sửa lỗi dấu câu: "While technology has undeniably revolutionized the way we learn, it also has some downsides. For instance, students may get distracted during lessons. As a result, their academic performance may suffer."
Việc viết sai dấu câu có thể đến từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong nhiều trường hợp, người học có thể không có thói quen đọc nhiều nên không chú ý đến cách dấu câu được sử dụng trong văn bản. Thêm vào đó, nhiều người học không có kiến thức đầy đủ về ngữ pháp và cấu trúc câu, nên việc viết sai dấu câu là không tránh khỏi.
Để tránh những vấn đề này, người học cần thực hiện việc luyện tập viết lại các từ vựng mới một cách đều đặn và kỹ lưỡng, đồng thời cũng cần tập trung vào việc sửa lỗi chính tả trong quá trình viết. Việc này có thể bao gồm việc sử dụng các công cụ kiểm tra chính tả trực tuyến và thực hành viết lại các câu hoặc đoạn văn có chứa các từ vựng mới. Hơn nữa, thí sinh cũng nên tập trung vào việc quản lý thời gian một cách hiệu quả để có đủ thời gian kiểm tra và sửa chữa các lỗi trước khi nộp bài.
Lỗi cấu trúc ngữ pháp
Những lỗi ngữ pháp thường xuất hiện trong bài thi IELTS Writing Task 2 gồm:
Chọn sai thì
Sai cấu trúc so sánh
Lỗi về câu điều kiện
Lỗi về đại từ và danh từ
Lỗi hòa hợp giữa chủ ngữ và động từ
Sử dụng mệnh đề phụ trong câu ghép không chính xác
Không sử dụng mệnh đề quan hệ một cách chính xác
Ví dụ lỗi sai cấu trúc so sánh:
"The quality of life in rural areas is more better than in urban areas."
Sửa lại:
"The quality of life in rural areas is better than in urban areas."
Ví dụ lỗi sai sử dụng mệnh đề phụ trong câu ghép không chính xác:
"While they are rich, but they are not happy."
Sửa lại:
"While they are rich, they are not happy."
Để khắc phục những vấn đề trên, quan trọng nhất là người học cần có kế hoạch học từng chủ điểm ngữ pháp cụ thể, thường xuyên thực hành, đọc nhiều để làm quen với cấu trúc ngữ pháp, và đặc biệt, người học nên chú ý đến các lỗi trong bài viết của mình khi giáo viên đã chỉ ra.
Tham khảo thêm:
Mô hình Tự điều chỉnh trong học tập (Self-regulated learning)
Để việc lập kế hoạch học tập trở nên khách quan và hiệu quả hơn, người học có thể tham khảo thêm một số chiến lược học tập được phát triển từ mô hình SRL bởi Effenly, Caroll và Barr vào năm 2013. Bài viết này sẽ xây dựng kế hoạch học tập cho người học với các chiến lược sau:
Thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch (Goal setting and planning)
Tìm kiếm thông tin (Seeking information)
Keeping records and monitoring (Lưu giữ và giám sát)
Seeking social assistance (Tìm kiếm sự hỗ trợ)
Reviewing records (Xem lại các ghi chú của mình)
Tự đánh giá (Self-evaluation)
Ghi nhớ kiến thức (Rehearsing and memorizing)
Ôn tập (Reviewing).
Chiến lược học tập để cải thiện Lexical Resource và Grammatical Range and Accuracy trong IELTS Writing Task 2
Tuần 1: Tự đánh giá
Trong Tuần 1, việc tổng quan về mục tiêu, thời gian học tập và chiến lược học tập là rất quan trọng. Để thực hiện điều này một cách hiệu quả, học viên nên xem xét và áp dụng hai yếu tố quan trọng trong mô hình Self-regulated learning: Thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch (Goal setting and planning) cùng Hoạt động đánh giá bản thân (Self-evaluation). Những yếu tố này giúp xây dựng một chiến lược rõ ràng trước khi bắt đầu quá trình ôn luyện, đồng thời hỗ trợ việc đánh giá về vốn từ vựng và kiến thức ngữ pháp. Nhờ vào đó, người học có thể nhận biết những điểm mạnh và yếu của mình, tạo nên một nền tảng vững chắc cho quá trình học tập tiếp theo.
Mục tiêu: Xác định mục tiêu điểm số cho phần thi Ielts Writing Task 2 và hiểu rõ điểm mạnh - yếu của bản thân để lên kế hoạch học tập
Thời gian: 30 phút đến 1 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ngày 1:
Xác định mục tiêu điểm thi viết.
Xác định phương thức học và thời gian ôn luyện tổng quát.
Ngày 2:
Đánh giá về vốn từ vựng bằng cách tìm và sử dụng danh sách từ vựng mẫu theo chủ đề hoặc các nguồn tài liệu IELTS uy tín để kiểm tra vốn từ vựng hiện tại
Kiểm tra và đánh giá những bài viết của mình về độ rộng của từ vựng
Liệt kê các lỗi liên quan đến từ vựng (sai chính tả, chọn từ không phù hợp với ngữ cảnh…)
Ngày 3:
Lập danh sách về các chủ điểm ngữ pháp thường gặp trong IELTS Writing Task 2
Làm một số bài tập hoặc xem lại các bài viết của mình để đánh giá về vốn kiến thức và khả năng áp dụng các kiến thức ngữ pháp đó
Ngày 4:
Dựa vào IELTS Writing Task 2 Band Descriptors theo từng thang điểm, người học xác định bản thân đang ở mức điểm nào so với mục tiêu đề ra.
Chi tiết thời gian và kế hoạch ôn luyện
Tuần 2: Xây dựng cơ sở ngữ pháp
Bắt đầu từ Tuần 2, người học có thể áp dụng phương pháp Tổ chức và chuyển đổi (Organizing and Forming) để nghiên cứu lý thuyết và thực hành ngữ pháp cơ bản. Việc sắp xếp thông tin về lý thuyết, như mệnh đề, cấu trúc câu và các thành phần ngữ pháp khác sẽ giúp họ có cái nhìn tổng quan và dễ hiểu hơn trong quá trình học tập.
Sau đó, kết hợp giữa Thiết lập mục tiêu và lên kế hoạch (Goal setting and planning) từng bước sẽ hỗ trợ người học tiếp cận mỗi khía cạnh ngữ pháp một cách có tổ chức. Đồng thời, người học có thể Ghi nhớ kiến thức (Rehearsing and memorizing) thông qua việc thực hành viết các câu đơn và làm bài tập ngữ pháp liên quan. Việc lặp lại này không chỉ giúp củng cố kiến thức mà còn đóng vai trò quan trọng trong quá trình tự học.
Mục tiêu: Tìm hiểu lại và nắm vững các từ vựng cũng như cấu trúc ngữ pháp cơ bản.
Thời gian: 1-2 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ngày 1:
Tìm hiểu lý thuyết về mệnh đề và cấu trúc câu đơn
Làm bài tập và thực hành viết các câu đơn đơn giản.
Ngày 2:
Tìm hiểu về chủ ngữ và cụm danh từ
Đại từ và chủ ngữ đặc biệt
Làm bài tập liên quan
Ngày 3:
Tổng hợp về các thì (tenses) thường dùng trong IELTS Writing Task 2
Làm bài tập liên quan
Ứng dụng viết các câu có các thì khác nhau
Ngày 4:
Tìm hiểu về tính từ và trạng từ
Làm bài tập liên quan
Ngày 5-6:
Tìm hiểu về động từ và cụm động từ
Tổng hợp danh sách các động từ có bổ ngữ là to Vo và Ving
Làm các bài tập luyện ngữ pháp để củng cố kiến thức
Ngày 7:
Ôn tập ngữ pháp đã học trong tuần
Làm các bài tập luyện ngữ pháp để củng cố kiến thức
Tuần 3: Mở rộng nền tảng ngữ pháp
Qua Tuần 3 và Tuần 4, khi đã chắc chắn với kiến thức ngữ pháp cơ bản, người học có thể tìm hiểu thêm về các kiến thức ngữ pháp nâng cao. Trong giai đoạn này, người học nên kết hợp chặt chẽ giữa việc "Tìm kiếm thông tin (Seeking information)" và Ôn tập (Reviewing) để củng cố thêm kiến thức.
Khi chủ động tìm kiếm thông tin, quá trình tiếp thu kiến thức mới sẽ được đẩy mạnh. Việc này không chỉ giúp người học mở rộng phạm vi hiểu biết về ngữ pháp mà còn tạo ra môi trường học tập chủ động. Do đó, người học nên chắt lọc và sử dụng tài liệu, sách giáo trình hay nguồn thông tin trực tuyến uy tín để đảm bảo sự chính xác và đầy đủ thông tin kiến thức trong quá trình thu thập.
Hơn nữa, hoạt động Ôn tập (Reviewing) càng trở nên quan trọng nhằm trau dồi những kiến thức đã học. Việc lặp lại và kiểm tra lại kiến thức thường xuyên sẽ đảm bảo người học hiểu sâu về kiến thức, đồng thời tăng khả năng ghi nhớ cho người học. Kỹ thuật Space Repetition (Lặp lại ngắt quãng) có thể được áp dụng trong quá trình này để nâng cao khả năng ghi nhớ.
Mục tiêu: Tập trung ôn tập cấu trúc ngữ pháp nâng cao hơn và tập viết các câu ngắn.
Thời gian: 2-3 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ngày 1-2:
Tìm hiểu lý thuyết về các cấu trúc so sánh trong IELTS Writing
Từ nối chỉ so sánh (tương đồng, tương phản)
Các collocation diễn tả sự so sánh
Làm bài tập thực hành
Ngày 3-4:
Xem kiến thức về câu ghép (tập trung kiến thức về: Not only… but also, neither…nor, either…or, both)
Làm bài tập thực hành
Ngày 5:
Xem kiến thức về câu phức
Tập trung mệnh đề chỉ thời gian (before, after…) và mệnh đề mục đích (so that)
Làm bài tập thực hành
Ngày 6:
Tiếp tục học về câu phức
Tập trung mệnh đề nguyên nhân (because, because of, due to…) và mệnh đề nhượng bộ (although, despite…)
Làm bài tập thực hành
Ngày 7:
Ôn tập ngữ pháp đã học trong tuần
Làm các bài tập luyện ngữ pháp để củng cố kiến thức
Tuần 4: Thành thạo ngữ pháp nâng cao
Mục tiêu: Tổng ôn về câu điều kiện, mệnh đề quan hệ và phương pháp paraphrasing
Thời gian: 2-3 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ngày 1-2:
Tìm hiểu lý thuyết về câu điều kiện
Làm bài tập thực hành
Ngày 3:
Xem kiến thức về mệnh đề quan hệ
Làm bài tập thực hành
Ngày 4:
Hiểu về các phương pháp rút gọn mệnh đề quan hệ
Làm bài tập thực hành
Ngày 5-6:
Tìm hiểu các phương pháp paraphrasing
Nắm kiến thức về danh từ hóa và đổi cấu trúc câu
Ngày 7:
Ôn tập ngữ pháp đã học trong tuần
Làm các bài tập luyện ngữ pháp để củng cố kiến thức
Tuần 5-6-7-8-9: Củng cố từ vựng theo chủ đề
Người học cũng nên dành thời gian để kiểm tra lại từ vựng, bao gồm nghĩa, từ loại và cách sử dụng từ trong những bối cảnh khác nhau. Ngoài ra, để quá trình học từ vựng trở nên thú vị hơn, người học có thể áp dụng phương pháp Visual Learning, bao gồm sử dụng sơ đồ tư duy hoặc hình ảnh minh họa để hệ thống lại từ vựng.
Mục tiêu: Mỗi tuần học từ vựng theo 2 chủ đề trong IELTS Writing Task 2. Thực hành triển khai ý tưởng và viết hai đoạn thân bài.
Thời gian: 2-3 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ngày 1-2:
Tìm và học từ vựng theo chủ đề Work and Education
Tìm các synonyms thông dụng trong chủ đề Work and Education
Đọc bài viết mẫu và ghi chú các từ vựng hay có liên quan đến chủ đề
Ngày 3-4:
Chắt lọc danh sách từ vựng
Kiểm tra cách ứng dụng từ vựng để đảm bảo dùng đúng ngữ cảnh
Ngày 5:
Học từ vựng
Chọn 1 đề Writing task 2 về Work
Lên ý tưởng (có thể áp dụng sơ đồ tư duy và cố gắng vận dụng các từ vựng đã học)
Tập viết 1-2 đoạn thân bài
Chỉnh sửa và rút kinh nghiệm
Ngày 6:
Chọn 1 đề Writing task 2 về Education
Lên ý tưởng (có thể áp dụng sơ đồ tư duy và cố gắng vận dụng các từ vựng đã học)
Tập viết 1-2 đoạn thân bài
Chỉnh sửa và rút kinh nghiệm
Ngày 7:
Tổng ôn lại từ vựng đã được học
Ngoài hai chủ đề là Work và Education, người học có thể linh hoạt học từ vựng theo những chủ đề khác. Dưới đây là tám chủ đề thường gặp trong kì thi IELTS Writing Task 2:
Science and Technology
Family and Consumerism
Environment
Society and Culture
Crime
Transportation
Media and Communication
Health
Tuần 10 trở đi: Hoàn thành bài viết nghiêm túc
Ngoài việc tự đánh giá, người học cũng có thể thực hiện việc "Tự thưởng (Self-consequating)" để tạo động lực bản thân. Điều này bao gồm việc đặt ra những mục tiêu nhỏ và thưởng cho bản thân mỗi khi tiến bộ. Hơn nữa, giai đoạn này cũng thích hợp để người học xem xét và xác định lại về mục tiêu của mình, từ đó tạo động lực bền vững cho hành trình cải thiện kỹ năng viết IELTS Writing Task 2.
Mục tiêu: Tổng ôn các kiến thức đã học và mô phỏng kỳ thi IELTS Writing Task 2.
Thời gian: 2-3 giờ mỗi ngày.
Hoạt động:
Ôn tập lại các kiến thức đã học, bổ sung các kiến thức còn thiếu hụt
Chọn 1 đề thi thật trong năm, lên ý tưởng và thực hành viết dưới áp lực thời gian
Nhờ sự trợ giúp từ giáo viên, phần mềm AI, bạn bè… chấm bài viết và góp ý
Tổng kết lại các lỗi thường gặp, rút kinh nghiệm và luyện tập thường xuyên
Kết luận
Bài viết này đã cung cấp thông tin về các tiêu chí chấm điểm, các vấn đề thường gặp và kế hoạch học tập để cải thiện hai tiêu chí (Lexical Resource và Grammatical Range and Accuracy) trong IELTS Writing Task 2. Tuy nhiên, để có một kế hoạch học tập hiệu quả, người học nên linh hoạt điều chỉnh thời gian và lượng kiến thức phù hợp với mục tiêu cũng như lịch trình cá nhân. Việc áp dụng các thành phần trong mô hình Self-regulated learning sẽ giúp kế hoạch học tập được khách quan và hoàn thiện hơn.
Ngoài ra, người học cần duy trì cam kết cao với bản thân để thực hiện các bước theo đúng kế hoạch đã đề ra nhằm đạt kết quả tốt nhất. Hy vọng qua bài viết này, người học sẽ tự tin hơn trong việc xây dựng chiến lược và kế hoạch học tập để cải thiện từ vựng và ngữ pháp của mình.
Tham khảo
Ryan, Lar. “Grammar for IELTS Writing Task 2 (Complete Guide).” Complete Test Success, 27 Nov. 2022, completetestsuccess.com/grammar-for-ielts-writing-task-2.