Chính sách giảm 50% phí trước bạ chỉ còn hiệu lực trong hơn 1 tháng nữa
Chính sách ưu đãi giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước chỉ còn hiệu lực trong vòng hơn 01 tháng trước khi quay trở lại mức thu được quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP từ ngày 01/01/2024.
Ngày 28/06/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2023/NĐ-CP quy định mức thu phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước. Theo đó, kể từ ngày 01/07/2023 đến hết ngày 31/12/2023, mức thu phí trước bạ bằng 50% mức thu quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ quy định về phí trước bạ.
Theo nhiều chuyên gia, việc giảm 50% mức thu phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước sẽ đem lại nhiều lợi ích cho thị trường, kích thích người tiêu dùng mua sắm. Chính sách này được kỳ vọng sẽ giúp giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước do tác động tiêu cực của suy thoái kinh tế trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch, từ đó, cũng góp phần làm tăng nguồn thu ngân sách cho Nhà nước.
Tuy nhiên, việc thực hiện chính sách ưu đãi giảm 50% phí trước bạ đối với ô tô lắp ráp, sản xuất trong nước lần này đã gây ra một số ảnh hưởng đến việc tăng sức mua, nhưng vẫn chưa đạt được khối lượng tiêu thụ và doanh số bán hàng như mong đợi.
Cụ thể, trong 04 tháng thực hiện chính sách giảm 50% mức thu phí trước bạ (tính từ tháng 7 đến hết tháng 10/2023), doanh số bán hàng của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã giảm 31% so với 04 tháng trước đó (04 tháng không áp dụng chính sách ưu đãi mức thu phí trước bạ) và giảm 16% so với cùng kỳ 4 tháng năm trước (từ tháng 07 đến tháng 10/2022).
Việc doanh số tiếp tục giảm mạnh ngay cả khi đang áp dụng chính sách giảm 50% mức thu phí trước bạ cho thấy suy thoái kinh tế sau dịch bệnh vẫn đang tiếp tục, kết hợp với các biến động không ổn định của Kinh tế - Chính trị - Xã hội toàn cầu gần đây đã gây ra khó khăn cho cả doanh nghiệp và người tiêu dùng. Điều này cũng dẫn đến việc hàng tồn kho của các hãng sẽ ảnh hưởng đến dòng tiền, đọng vốn, chi phí lãi suất ngân hàng tăng, và ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất – vận hành của nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp,…
Từ ngày 01/01/2024 trở đi, mức thu phí trước bạ sẽ tiếp tục thực hiện theo quy định tại Nghị định số 10/2022/NĐ-CP ngày 15/01/2022 của Chính phủ và không còn áp dụng ưu đãi giảm 50%. Để tạo thêm động lực cho thị trường trong những tháng cuối hiệu lực của Nghị định số 41/2023/NĐ-CP, các thành viên của Hiệp hội các Nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA) đã cam kết tiếp tục thúc đẩy, triển khai các chương trình khuyến mãi như tặng thêm 50% phí trước bạ còn lại cho khách hàng, giảm giá hấp dẫn thậm chí giảm giá sâu chưa từng có, tổ chức quay số trúng thưởng, hỗ trợ lãi suất vay, tặng bảo hiểm, tặng phụ kiện đi kèm,…
Do đó, nếu quý khách hàng quyết định mua hàng vào thời điểm này của năm sẽ được hưởng các ưu đãi kép, ưu đãi đa lớp, thậm chí là các gói ưu đãi chưa từng có từ các nhà sản xuất, lắp ráp và kinh doanh ô tô. Kết hợp với sự giảm của lãi suất vay ngân hàng, nhu cầu mua sắm cuối năm đang tăng cao, với các chương trình khuyến mãi hấp dẫn và việc áp dụng mức thu lệ phí trước bạ vẫn còn trong thời gian ưu đãi, tháng 11 và 12/2023 sẽ là thời điểm lý tưởng để nhiều khách hàng có dự định mua xe thực hiện ước muốn của mình.