Chợ Rồng Ninh Bình | |
Địa điểm | Việt Nam |
---|---|
Tọa độ | |
Địa chỉ | Số 71, phường Vân Giang, thành phố thành phố Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình |
Ngày khai trương | Những năm 90 của thế kỷ 20 |
Chủ công trình | Phạm Đức Dũng |
Quản lý | Ban quản lý chợ Rồng |
Chủ sở hữu | Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình |
Hàng hóa bán | Đồ gia dụng, quần áo, may mặc, nhu yếu phẩm, đồ si, lương thực, thực phẩm,... |
Ngày mở cửa thông thường | Hoạt động không nghỉ |
Tổng diện tích sàn bán lẻ | 16.000 mét vuông (4,0 mẫu Anh) |
Chợ Rồng tại Ninh Bình là một trung tâm thương mại lớn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình và vùng lân cận. Là chợ cấp I, nằm cạnh quốc lộ 10 ngay tại trung tâm thành phố Ninh Bình. Trong những năm qua, chợ đã được nâng cấp và mở rộng, phục vụ tốt nhu cầu trao đổi hàng hóa và giao thương kinh tế. Chợ Rồng chiếm diện tích 16.000 m², là chợ có diện tích lớn nhất trong bán kính 100 km, vượt trội so với các chợ tỉnh lân cận như Hà Nam, Hưng Yên, Hòa Bình và Nam Định, với diện tích không quá 10.000 m².
Vị trí
Khu chợ Rồng tọa lạc gần ngã ba sông Vân và sông Đáy, tiếp giáp các tuyến đường Dương Vân Nga, Vân Giang và Lê Đại Hành (qua sông Vân) thuộc phường Vân Giang, thành phố Ninh Bình. Chợ cách nút giao quốc lộ 1 và quốc lộ 10 (bến xe và ga Ninh Bình) khoảng 800m.
Hội nhập
Trước đây, thành phố Ninh Bình từng là lỵ sở Vân Sàng của trấn Sơn Nam, với trung tâm là làng Đại Đăng và thuộc khu đất cũ của triều đại nhà Lê. Theo tài liệu lịch sử, dưới triều Gia Long vào năm 1814, thành Ninh Bình được xây dựng bằng gạch kiên cố. Sau khi thực dân Pháp kiểm soát Việt Nam, họ đã mở rộng tỉnh Ninh Bình thành đô thị sầm uất, với các công trình như dinh quan công, dinh quan tuần phủ, trại lính, nhà thương, nhà học, nhà thờ, ga xe lửa, cầu đò, bến bãi, cầu Trà Là và chợ Rồng. Nhiều khu phố mới như phố Pesit, phố Cha Sáu, phố nhà Thờ, phố cầu Lim, phố Cô Đầu, phố Giá Nứa... cũng được hình thành. Tuy nhiên, trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, thành phố đã bị phá bỏ để phục vụ chiến đấu với khẩu hiệu 'Vườn không nhà trống', dẫn đến việc chợ Rồng bị hủy bỏ, nhưng sau này, nó đã được khôi phục thành điểm buôn bán quan trọng nhất của thành phố.
Chợ Rồng Ninh Bình cũng xuất hiện trong thơ ca:
- Cầu Trà Là tuy nhỏ nhưng hẹp
- Gái chợ Rồng tuy không đẹp nhưng rất yêu
- Ninh Bình có núi Cánh Diều
- Có chùa Non Nước và nhiều bến xưa!
Thiết kế
Chợ Rồng thuộc loại 1 và có thể được phân chia thành các khu chức năng như sau:
- Khu A bao gồm chợ chính, khu đỗ xe, chợ thực phẩm, khu ẩm thực và khu hạ tầng kỹ thuật.
- Khu B chứa chợ rau quả và khu buôn bán ngoài trời.
- Khu kinh doanh nằm dọc theo tuyến đường Dương Vân Nga, bao gồm lòng đường và vỉa hè.
Chợ chính là khu nhà 3 tầng, mái bằng, xây dựng bằng bê tông cốt thép với 2 giếng trời và 4 cầu thang. Mái chợ có 2 chóp tôn giúp chống nóng và tạo hình cho công trình. Bên trong chợ bày bán các mặt hàng gia dụng như thiết bị điện nước, điện máy, vải, chăn gối và đồ dùng gia đình.
Khu chợ thực phẩm tươi sống được bố trí trong một căn nhà 1 tầng, mái thép tôn. Đây là nơi chuyên buôn bán thịt và thực phẩm tươi sống.
Khu ẩm thực nằm dọc theo lối đi ven sông Vân, phục vụ đa dạng các món ăn nhanh cho khách tham quan chợ.
Khu chợ rau quả tươi được thiết kế trong một khu đình chợ 1 tầng, kết nối trực tiếp với khu vực kinh doanh ngoài trời.
Khu kinh doanh tự do là khu vực nơi các hộ buôn bán tạm thời trao đổi hàng hóa mà không cần thiết lập cửa hàng cố định. Khu này nằm trong công viên sông Vân và không phải chịu thuế, nhưng chịu ảnh hưởng bởi thời tiết như mưa và nắng.
Trên tuyến đường Dương Vân Nga và một phần đường Vân Giang, các hộ dân buôn bán tại mặt đường, lòng đường và vỉa hè tạo nên mối liên kết giữa các công trình chợ, với sự hiện diện của cả hộ kinh doanh cố định và di động.
Nhà để xe được bố trí ở hai bên chợ chính. Tại chân cầu Trà Là, có các công trình phụ trợ như khu WC, khu cung cấp nước, trạm điện và cứu hỏa.
Chợ Rồng được quản lý bởi Ban quản lý chợ Rồng, có trụ sở tại tầng 1, phía sau chợ chính.
Các mặt hàng thiết yếu như rau quả, thực phẩm tươi sống và thiết bị điện nước được bố trí ở những khu vực dễ tiếp cận. Trong khi đó, các mặt hàng phục vụ khách lưu lại lâu hơn như vải, quần áo, chăn ga gối đệm được sắp xếp ở các tầng trên hoặc góc khuất. Nhờ vào công tác quản lý đổi mới, số lượng khách đến chợ và số hộ buôn bán tăng nhanh, với 1.350 hộ vào năm 2010. Hàng hóa ngày càng đa dạng và phong phú.
Chợ Rồng tại Ninh Bình không chỉ là trung tâm giao lưu kinh tế mà còn là điểm đến hấp dẫn cho du khách cả trong và ngoài nước khi đến thăm Ninh Bình, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế và xã hội của địa phương.
Văn hóa
Đặc sản chợ Rồng
Tên gọi Chợ Rồng trước đây gắn liền với việc buôn bán tôm, cá và hải sản tại ngã ba sông, khác với Chợ Xanh, nơi chuyên bán rau quả và thường nằm ở đầu làng. Mỗi chợ, dù lớn hay nhỏ, đều góp phần vào văn hóa và thói quen hàng ngày của cộng đồng. Chợ không chỉ phản ánh tập quán và phong thái ứng xử mà còn là chủ đề nghiên cứu về kinh tế, thương mại, văn hóa và dân tộc. Người xưa thường tin rằng lựa chọn nơi lập nghiệp gắn liền với chợ.
- 'Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ'
Người Việt thường ưu tiên sống gần chợ, tiếp theo là gần sông nước để thuận tiện cho sinh hoạt, và cuối cùng là gần đường để dễ dàng di chuyển. Chợ Rồng, với vị trí thuận lợi bên sông và gần các quốc lộ 10 và 1, đã trở thành một điểm đến quan trọng trong đời sống người dân. Mỗi ngày, người dân đến chợ để mua sắm hoặc chỉ để dạo chơi, thưởng thức không khí nhộn nhịp. Các đặc sản nổi bật của chợ Rồng bao gồm thịt dê núi, lợn mường, lươn, nhệch, tép Vân Long, rượu Kim Sơn, cơm cháy Ninh Bình, cùng các đặc sản theo mùa như dứa Đồng Giao và cá rô Tổng Trường, cũng như các sản phẩm truyền thống từ làng nghề như cói Kim Sơn, mộc Phúc Lộc và hoa Ninh Phúc.
Chợ Rồng Ninh Bình đại diện cho đặc trưng sinh hoạt cộng đồng của cư dân vùng đất cố đô Hoa Lư xưa, và là nơi lý tưởng để khám phá đời sống và văn hóa xã hội của khu vực này.
Hình ảnh
Ghi chú
Du lịch Ninh Bình | ||
---|---|---|
Vùng du lịch phía Bắc: Gia Viễn – Nho Quan |
| |
Quần thể danh thắng Tràng An |
| |
Du lịch trung tâm đô thị Thành phố Ninh Bình |
| |
Vùng du lịch phía Nam: Tam Điệp – Kim Sơn |
| |
Lễ hội, làng nghề Đặc sản ẩm thực |
| |
Du lịch Việt Nam 7 khu du lịch quốc gia • An Giang • Bà Rịa – Vũng Tàu • Bạc Liêu • Bắc Giang • Bắc Kạn • Bắc Ninh • Bến Tre • Bình Dương • Bình Định • Bình Phước • Bình Thuận • Cà Mau • Cần Thơ • Cao Bằng • Đà Nẵng • Đắk Lắk • Đắk Nông • Điện Biên • Đồng Nai • Đồng Tháp • Gia Lai • Hà Giang • Hà Nam • Hà Nội • Hà Tĩnh • Hải Dương • Hải Phòng • Hậu Giang • Hòa Bình • Thành phố Hồ Chí Minh • Hưng Yên • Khánh Hòa • Kiên Giang • Kon Tum • Lai Châu • Lạng Sơn • Lào Cai • Lâm Đồng • Long An • Nam Định • Nghệ An • Ninh Bình • Ninh Thuận • Phú Thọ • Phú Yên • Quảng Bình • Quảng Nam • Quảng Ngãi • Quảng Ninh • Quảng Trị • Sóc Trăng • Sơn La • Tây Ninh • Thái Bình • Thái Nguyên • Thanh Hóa • Thừa Thiên Huế • Tiền Giang • Trà Vinh • Tuyên Quang • Vĩnh Long • Vĩnh Phúc • Yên Bái |