1. Cholesterol là gì?
Cholesterol là một loại chất béo steroid ở dạng sáp, được tổng hợp chủ yếu từ Acetyl CoA, có màu vàng nhạt. Đây là chất không thể thiếu đối với mọi cơ thể mặc dù luôn bị xem là “xấu”. Chúng có mặt trong lipid máu và tất cả các tế bào của cơ thể, là hợp chất không thể thay thế, tham gia vào cấu trúc màng của tất cả các tế bào.
Cholesterol vừa là người bạn vừa là kẻ thù của cơ thể
75% lượng chất béo steroid này được sản xuất hàng ngày tại gan (1 - 2g), cùng với một số vị trí khác có sản lượng cao hơn như ruột, tuyến thượng thận và cơ quan sinh sản. Phần còn lại có nguồn gốc từ thực phẩm và một số quá trình chuyển hóa khác. Ở một người bình thường nặng 68kg có thể sản xuất khoảng 35g (35000mg), trong đó có khoảng 1000 mg nội sinh và từ 200 - 300g từ thực phẩm.
Mặc dù là chất béo cần thiết đối với cơ thể, nhưng đôi khi loại chất béo này lại được gọi là kẻ thù vì nó có 2 dạng:
LDL - Cholesterol - “kẻ thù”
Được biết đến là “người vận chuyển” của Cholesterol từ gan vào máu. Khi nồng độ của hợp chất này tăng cao trong máu, nó có thể dẫn đến nguy cơ mỡ máu tích tụ và lắng đọng trong thành mạch. Đây là nguyên nhân chính gây bệnh xơ vữa động mạch. Những cục máu xơ vữa ngày càng lớn có thể làm hẹp hoặc tắc nghẽn các mạch máu, thậm chí gây vỡ mạch. Trong các trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể dẫn đến bệnh tim như nhồi máu cơ tim hoặc tai biến mạch máu não. Chính vì những nguy hiểm này mà hợp chất này được gọi là “kẻ thù” của cơ thể.
HDL - Cholesterol - “bạn”
Chúng chiếm khoảng 20 - 30% lượng mỡ trong máu, có vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các lipid steroid từ máu trở lại gan và loại bỏ các cục máu xơ vữa khỏi mạch máu. Điều này giúp máu lưu thông dễ dàng hơn và giảm nguy cơ các biến chứng nguy hiểm. Vì vậy chúng được coi là những “người bạn” mà con người luôn cố gắng duy trì nhiều nhất có thể.
Các thói quen xấu như hút thuốc lá, ít vận động, thiếu tập thể dục, chế độ ăn uống không khoa học dẫn đến tăng mỡ máu và giảm số lượng các “người bạn tốt” trong cơ thể.
Mỡ máu cao có thể dẫn đến các bệnh mạch vành
2. Vai trò của Cholesterol đối với cơ thể
Mặc dù có thể gây ra nhiều bệnh nguy hiểm nhưng Cholesterol lại là chất béo không thể thiếu với vai trò cực kỳ quan trọng:
Sản sinh hormone steroid
Hormone steroid là rất cần thiết đối với sự phát triển và duy trì các hoạt động bình thường của cơ thể. Loại hormone này bao gồm estrogen và progesterone ở nữ giới, testosterone ở nam giới. Các hormone này là yếu tố tạo nên các đặc điểm đặc trưng ở nam và nữ khi trưởng thành cũng như thực hiện chức năng sinh sản. Và nguồn sản xuất các hormone này là Cholesterol.
Bên cạnh đó, chất này còn sản sinh cortisol tham gia vào quá trình điều tiết hàm lượng đường trong máu, bảo vệ cơ thể trước các tác nhân gây nhiễm trùng. Ngoài ra, hormone aldosterone đảm bảo vai trò giữ nước và muối cho cơ thể, cũng được sản xuất từ chất béo steroid này.
Đảm bảo các chức năng của hệ miễn dịch
Hệ miễn dịch của cơ thể hoạt động đúng chức năng nhờ vào Cholesterol. Các tế bào miễn dịch có khả năng chống nhiễm trùng và tự phục hồi sau khi chống lại các tác nhân gây hại cho cơ thể. LDL - Cholesterol gắn kết trực tiếp với các vi khuẩn, virus nguy hiểm, làm cho chúng trở thành bất hoạt, ngăn ngừa khả năng gây hại cho cơ thể.
Trong trường hợp cơ thể bị tổn thương, Cholesterol được sản xuất nhanh chóng và vận chuyển đến nơi cần thiết để chữa lành vết thương và ngăn ngừa quá trình nhiễm trùng có thể xảy ra.
Virus, vi khuẩn không thể tấn công nhờ vào chức năng miễn dịch tế bào được tăng cường
Xây dựng màng tế bào
Cholesterol được xem như là những viên gạch xây dựng nên tất cả các tế bào trong cơ thể. Những chất béo steroid này cùng với các lipid phân cực, tham gia vào cấu trúc màng của mọi tế bào, tạo thành một hàng rào bảo vệ vững chắc. Bất kể chất này tăng hay giảm đều có thể ảnh hưởng đến tế bào, gây rối loạn trong quá trình chuyển hóa và sản xuất năng lượng, cuối cùng gây ảnh hưởng tới các hoạt động khác như tiêu hóa, hấp thu.
Bên cạnh đó, đối với tế bào thần kinh, chất này còn có vai trò quan trọng trong việc hình thành lớp vỏ Myelin, giúp cách ly các dây thần kinh.
Hỗ trợ quá trình sản xuất mật
Ngoài các chức năng quan trọng đã đề cập, hợp chất này còn tham gia vào quá trình sản xuất mật ở gan. Mật là một loại chất lỏng màu xanh, được gan tiết ra và lưu trữ trong túi mật, tham gia vào quá trình tiêu hóa các thức ăn chứa lipid. Sau khi tiêu hóa chất béo, mật giúp cơ thể hấp thu và cũng hỗ trợ cơ thể hấp thu các vitamin như A, D, E và K từ thực phẩm hoặc các chế phẩm khác.
Chống oxy hóa
Đây là một chất chống oxy hóa quan trọng của cơ thể, giúp làm lành vết thương nhanh chóng nhờ vào các gốc tự do có trong lipid. Khi có vết thương, các tế bào miễn dịch sử dụng các phân tử có hoạt tính cao gồm nhiều gốc tự do, tiêu diệt vi khuẩn và độc tố của chúng. Những gốc tự do dư thừa sẽ nhanh chóng được Cholesterol xử lý gọn gàng.
Đặc biệt, sau phẫu thuật, có nhiều động mạch, tĩnh mạch, mô hay tế bào bị cắt. Lúc này, gan sẽ nhanh chóng sản xuất chất béo quan trọng này để phân phối khắp cơ thể, dọn sạch và chữa lành các tổn thương. Nhờ đó mà quá trình hồi phục sau phẫu thuật diễn ra nhanh chóng.
Chính vì vậy khi hàm lượng của hợp chất này trong máu thấp, đặc biệt là sau phẫu thuật, các tổn thương sẽ lâu lành và dễ bị nhiễm trùng, thậm chí có thể gây tử vong do nhiễm trùng nặng.
Cholesterol giúp cho vết thương nhanh lành và ngăn ngừa nhiễm trùng