Chữ Hán | ||||||||||
---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|---|
Chữ viết | ||||||||||
|
||||||||||
Thuộc tính | ||||||||||
|
||||||||||
Biến thể | ||||||||||
|
||||||||||
Cải cách | ||||||||||
|
||||||||||
Đồng tự khác nghĩa | ||||||||||
|
||||||||||
Sử dụng trong các chữ viết cụ thể | ||||||||||
|
||||||||||
Chữ giáp cốt (tiếng Trung: 甲骨文) hay chữ giáp cốt là một loại hệ thống chữ viết cổ xưa của Trung Quốc, thuộc thời kỳ nhà Thương. Nó còn được biết đến với tên gọi khác là chữ tượng hình cổ của Trung Hoa.
Tổng quan
Chữ giáp cốt là hệ thống chữ viết tương đối hoàn chỉnh, phát triển và sử dụng vào cuối triều đại Thương (thế kỷ 14-11 TCN), dùng để ghi chép các nội dung chiêm bốc của Hoàng thất lên trên yếm rùa hoặc xương thú. Sau khi triều đại Thương bị lật đổ, nhà Chu tiếp tục sử dụng hệ chữ này. Đến nay, đây được coi là loại chữ viết cổ xưa nhất và là nguồn gốc hình thành chữ Hán hiện đại.
Chữ giáp cốt có nghĩa là văn bản (văn) được khắc lên yếm rùa (giáp) và xương thú (cốt). Nó được phát hiện tại làng Tiểu Đốn, huyện An Dương, tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, có niên đại khoảng 3000 năm trước. Nó được chia thành hai loại: giáp văn, khắc trên yếm rùa và cốt văn, khắc trên xương trâu.
Vào năm 1898, trong triều đại Quang Tự của nhà Thanh (năm thứ 24), một số nông dân đã phát hiện những mảnh xương thú có khắc chữ và tưởng rằng đó là 'long cốt' có thể chữa bệnh, nên đã bán chúng cho các hiệu thuốc. Nhà kim thạch học Vương Ý Vinh (王懿荣) và học trò của ông, Triệu Quân (赵军), đã tình cờ nhận ra đây là một loại văn tự cổ. Qua nghiên cứu, họ xác định rằng những 'Long cốt' này đến từ kinh đô cũ của nhà Ân, tức Ân Khư (殷墟). Ban đầu, các học giả không hề biết điều này, do các thương nhân cố tình nói dối về nguồn gốc của 'Long cốt'.
Hiện nay, đã khai quật được khoảng hơn 150.000 mảnh xương như vậy, chứa hơn 5.000 chữ, trong đó đã giải mã được khoảng 1.500 chữ. Trung Quốc đã treo thưởng 15.000 USD cho mỗi chữ được giải nghĩa (ví dụ, nếu ai giải nghĩa được 10 chữ thì sẽ nhận thưởng 150.000 USD).
Chữ giáp cốt được tạo thành bằng các phương pháp tượng hình, chỉ sự và hội ý. Về mặt pháp dụng chữ, cũng có thể thấy phương pháp giả tá. Nội dung của giáp cốt văn chủ yếu liên quan đến thiên văn, khí tượng, địa lý và tôn giáo, phục vụ nhu cầu tâm linh của vua chúa và quý tộc. Vì vậy, giáp cốt văn còn được gọi là chiêm bốc văn tự, với chiêm bốc có nghĩa là bói toán.
Danh xưng
Bên cạnh tên gọi phổ biến là 'Giáp cốt văn', nó còn có nhiều tên gọi khác:
- 'Khế văn' (契文) và 'Ân khế' (殷契) có nguồn gốc từ việc khắc chữ bằng dao.
- 'Giáp cốt bốc tự' (甲骨卜辞) và 'Trinh bốc văn tự' (贞卜文字) được đặt tên dựa trên nội dung chiêm bốc được ghi chép.
- 'Quy giáp thú cốt văn' (龟甲兽骨文), 'Quy giáp văn tự' (龟甲文字), và 'Quy bản văn' (龟版文) xuất phát từ việc ghi chép trên yếm rùa và xương thú.
Vào ngày 25-12-1921, nhà sử học Trung Quốc Lục Mậu Đức (陆懋德) tại Bắc Kinh đã lần đầu tiên sử dụng thuật ngữ Giáp cốt văn trong bài viết 'Sự phát hiện và giá trị của Giáp cốt văn' đăng trên 'Thần Báo Phụ Khan'. Từ đó, tên gọi Giáp cốt văn được nhiều nhà nghiên cứu và công chúng chấp nhận và phổ biến.
Các đặc điểm của Giáp cốt văn
Giáp cốt văn, xét về số lượng và cấu trúc, đã phát triển thành một hệ thống chữ viết khá hoàn chỉnh, phản ánh cách cấu tạo chữ theo phương pháp 'lục thư' của chữ Hán, dù vậy, chữ vẫn giữ được nhiều yếu tố hình vẽ nguyên thủy.
Về cấu tạo, một số chữ mang tính tượng hình đặc trưng của vật thể, chưa có sự thống nhất về số nét, cách viết và bố cục chữ.
Chữ tượng ý trong giáp cốt văn chỉ yêu cầu kết hợp các thành phần để truyền đạt ý nghĩa của chữ, mà không chú trọng đến sự sắp xếp. Vì vậy, có rất nhiều biến thể của chữ giáp cốt, với một số chữ có hơn 10 cách viết khác nhau.
Do giáp cốt văn tập trung vào việc mô tả vật thật, kích thước chữ không đồng đều. Có chữ dài ngắn khác nhau, một số chữ có kích thước lớn hơn so với các chữ khác.
Phương pháp tạo chữ bao gồm tượng hình, tượng sự, hội ý, hình thanh, chuyển chú và giả tá, phản ánh các phương pháp của 'lục thư' trong chữ Hán. Điều này cho thấy sự thành thạo và sự phát triển cao của loại chữ viết này. Mặc dù chưa có sự thống nhất trong cách khắc chữ, nhưng có một số quy tắc nhất định. Chữ có thể được khắc từ trên xuống dưới, từ dưới lên trên, từ trái sang phải hoặc từ phải sang trái, thường nét ngang trước nét dọc. Vì được khắc bằng dao, các nét thường mảnh và thẳng. Do vật liệu (xương cứng, mềm) và dụng cụ (dao cùn, bén), nét chữ có thể thô hoặc mảnh không đồng nhất. Độ dài và độ cong của nét chữ cũng không đồng đều. Một số chữ có thể ngoằn ngoèo, chéo hoặc phân bố tầng lớp trang trọng, thể hiện sự sáng tạo phong phú và thẩm mỹ của người xưa.
Dù vậy, giáp cốt văn vẫn giữ được sự đối xứng và bố cục tương đối ổn định. Một số người cho rằng thư pháp Trung Quốc bắt đầu từ chữ giáp cốt vì nó đã mang 3 đặc điểm của thư pháp: cách sử dụng bút, cấu trúc chữ và bố cục.
Quá trình khai thác
Vào năm Quang Tự thứ 25 (1899), các nhà kim thạch học bắt đầu lưu trữ văn cốt giáp. Từ năm 1928 đến 1937, Sở nghiên cứu lịch sử và ngôn ngữ thuộc viện Nghiên cứu Trung ương Trung Quốc đã phát hiện khoảng 25.000 mảnh xương tại Ân Khư. Đến năm 1937, ở An Dương, Hà Nam, Trung Quốc đã khai quật được hơn 4.000 mảnh xương. Kể từ năm 1954, viện Nghiên cứu Trung ương cũng tìm thấy khoảng 300 mảnh xương ở Sơn Tây, Bắc Kinh, di chỉ Chu Nguyên.
Trạng thái bảo tồn
Đến nay, đã khai quật được khoảng 154.000 mảnh xương, trong đó Trung Quốc đại lục lưu giữ hơn 100.000, Đài Loan hơn 30.000, Hồng Kông hơn 100, và 12 quốc gia khác như Nhật Bản, Anh, Thụy Điển... giữ khoảng 27.000 mảnh nữa.