Theo anh Tuấn, việc sử dụng pin mặt trời để sạc xe điện VinFast giúp tiết kiệm khá nhiều chi phí, dễ dàng thu hồi vốn đầu tư ban đầu, phù hợp với những nơi có nhiều ánh nắng và ít tòa nhà.
Anh Trần Văn Tuấn (TP. HCM) là một 'fan ruột' của xe điện khi sở hữu cả xe máy điện và ô tô điện VinFast, đồng thời tự thiết kế cả một hệ thống điện mặt trời tại nhà để sạc cho những chiếc xe này. Đây là giải pháp để tận dụng nguồn năng lượng từ tự nhiên và trên lý thuyết cũng giúp tiết kiệm chi phí sử dụng điện gia đình.
Hiện tại, phương tiện chính mà anh Tuấn sử dụng là chiếc VinFast VF 8. Trước đó, anh Tuấn từng sở hữu một chiếc VF e34. Cả 2 chiếc đều được anh sạc bằng pin mặt trời.
Chiếc VinFast VF 8 mà anh Tuấn sở hữu
Hệ thống pin mặt trời được anh Tuấn lắp đặt trên mái nhà với tổng cộng 10 tấm pin 450 W. Lượng điện mỗi ngày mà hệ thống pin này thu được từ năng lượng mặt trời là khoảng 18 kW đến 24 kW, đáp ứng được cả nhu cầu sạc pin xe điện và sử dụng một số thiết bị điện gia đình.
Những tấm pin mặt trời mà anh Tuấn sử dụng
Lắp đặt điện mặt trời ở đâu là lựa chọn tốt nhất?
Điện mặt trời sẽ phù hợp nhất với các khu vực có nắng nhiều, không có rặng cây lớn và không có các tòa nhà cao tầng xung quanh.
Anh Tuấn sinh sống tại khu vực Nhà Bè (TP. HCM). Ở đây, có nhiều ánh nắng và không có tòa nhà cao tầng che chắn, vì vậy tấm pin mặt trời của anh nhận được ánh sáng mặt trời suốt cả ngày.
Những tấm pin mặt trời khi được đặt trên mái và mái hiên nhà
Chi phí lắp đặt điện mặt trời như thế nào?
Theo anh Tuấn, có 2 loại thiết bị điện mặt trời: một loại có hệ thống lưu trữ và một loại không có hệ thống lưu trữ.
Ưu điểm của loại không có hệ thống lưu trữ là chi phí lắp đặt thấp hơn, thời gian hoàn vốn nhanh, chỉ trong khoảng 2-3 năm. Tuổi thọ của pin mặt trời lên đến 20-30 năm. Tuy nhiên, loại này đòi hỏi phải sạc xe điện vào ban ngày.
Loại có hệ thống lưu trữ có chi phí cao hơn. Bộ lưu trữ điện chiếm khoảng 3/4 chi phí cho pin mặt trời. Thời gian hoàn vốn lâu hơn, khoảng 5 năm. Tuổi thọ của bộ lưu trữ chỉ khoảng 10 năm, ngắn hơn so với pin mặt trời là 20-30 năm. Ưu điểm của loại này là có thể sạc xe vào ban đêm và tận dụng điện từ tấm pin mặt trời một cách tối đa.
Anh Tuấn đang lắp đặt hệ thống điện mặt trời không có hệ thống lưu trữ. Khi sử dụng chiếc VF e34, anh đã lắp dàn pin 4,4 kWp, chi phí lắp đặt khoảng 25 triệu đồng. Sau khi chuyển sang chiếc VF 8, anh nâng cấp lên dàn pin 8 kWp, thêm 18 triệu đồng nữa.
Chiếc VF e34 của anh Tuấn được sạc bằng năng lượng mặt trời
Sử dụng điện mặt trời để sạc xe điện có hiệu quả không?
Hàng ngày, anh Tuấn di chuyển khoảng 30-40 km. Mỗi tháng, anh đi được khoảng 1.200 km.
Anh Tuấn chia sẻ rằng khi sử dụng chiếc VF e34, tổng lượng điện tiêu thụ mỗi tháng là 700 đến 800 kW, tương đương từ 1,9 triệu đến 2,3 triệu đồng. Sau khi lắp đặt điện mặt trời, số điện lấy từ lưới điện của EVN chỉ còn 360 kW, tương đương khoảng 880.000 đồng tiền điện. Tiền điện tiết kiệm được hàng tháng là khoảng 1,3 triệu đồng.
Khi chuyển sang sử dụng chiếc VF 8, lượng điện sử dụng hàng tháng tăng lên khoảng 1.000 kW, tương đương khoảng 3 triệu đồng tiền điện. Sau khi lắp đặt điện mặt trời, số điện lấy từ lưới điện của EVN giảm còn 480 kW, tương đương khoảng 1,2 triệu đồng. Do đó, anh Tuấn đã tiết kiệm được khoảng 1,8 triệu đồng mỗi tháng.
Sạc xe điện bằng điện mặt trời tại nhà tiết kiệm chi phí hơn so với sạc bên ngoài
Những điều cần lưu ý khi sạc xe điện bằng điện mặt trời?
Như đã đề cập ở trên, loại điện mặt trời không lưu trữ yêu cầu xe phải ở nhà ít nhất 4 tiếng trong ngày để sạc, do đó không phù hợp với những người sử dụng xe đi làm theo giờ hành chính. Một giải pháp là sử dụng điện mặt trời có hệ thống lưu trữ với chi phí đầu tư cao hơn.
Đối với trường hợp của anh Tuấn, việc sử dụng điện mặt trời để sạc xe điện là hiệu quả với chi phí sử dụng giảm đáng kể, chỉ cần bộ bám tải và không cần đến bộ lưu trữ.