Chùa Sà Lôn Wath Sro Loun វត្តស្រឡូង | |
---|---|
Chánh điện chùa Sà Lôn | |
Tên tự | Chùa Chén Kiểu |
Vị trí | |
Quốc gia | Việt Nam |
Địa chỉ | Quốc lộ 1, xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng |
Thông tin | |
Tôn giáo | Phật giáo |
Tông phái | Phật giáo Nam tông Khmer |
Tôn kính | Phật Thích Ca |
Khởi lập | 1815 |
Người sáng lập | Sư cả Tăng Đuch |
Di tích cấp tỉnh | |
Phân loại | Di tích lịch sử – văn hoá |
Ngày công nhận | 20 tháng 11 năm 2012 |
Cổng thông tin Phật giáo | |
Chùa Sà Lôn (tiếng Khmer: វត្តស្រឡូង, còn gọi là Wath Chro Luông, hay chùa Chén Kiểu) là một ngôi chùa cổ của hệ Phật giáo Nam tông Khmer.
Địa điểm
Chùa Sà Lôn nằm trên Quốc lộ 1, cách trung tâm thành phố Sóc Trăng khoảng 12 km về hướng tỉnh Bạc Liêu, hiện thuộc xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam.
Những mốc thời gian
Tên gọi
Chùa được gọi bằng tên Khmer là 'Wath Sro Loun', với 'Sro Loun' được chuyển thành 'Sà Lôn' để dễ đọc. Tên 'Sro Loun' bắt nguồn từ 'Chro Luong', tên của một con rạch gần chùa trước đây. Chùa còn được biết đến với tên 'chùa Chén Kiểu' vì các mảnh chén đĩa sứ được dùng để trang trí tường.
Nguồn gốc
Chùa Sà Lôn được dựng bằng cây lá vào năm 1815 và đã trải qua nhiều lần trùng tu. Trong chiến tranh, ngôi chánh điện bị phá hủy. Đến năm 1969, sư cả Tăng Đuch (trụ trì đời thứ 9) đã xây dựng lại chùa với các công trình kiên cố như chánh điện, sala, nhà Tăng, và khu tháp. Đến năm 1980, công trình cơ bản hoàn thành. Vì thiếu kinh phí, chùa đã dùng chén đĩa kiểu để trang trí, từ đó có tên 'chùa Chén Kiểu'.
Ngày 20 tháng 11 năm 2012, chùa được công nhận là di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh.
Kiến trúc
Chùa nằm trong một khuôn viên rộng lớn với nhiều cây xanh bao quanh. Hai bên cổng có hai con sư tử đá đứng trên bệ cao, hướng ra đường. Cổng chùa được trang trí bằng ba tháp theo phong cách truyền thống của người Khmer Nam Bộ. Tháp chính giữa màu vàng, có lồng kính bên trong tôn trí một pho tượng Phật uy nghi. Trên cổng có tên chùa bằng chữ Khmer và chữ Việt (chùa Sà Lôn).
Chánh điện là một tòa nhà vững chãi và rộng lớn. Nền được lát gạch bông, trong khi các mảng tường chủ yếu được ốp gạch men hiện đại với đủ màu sắc và kích cỡ.
Mái chánh điện của chùa Sà Lôn được xây dựng theo kiểu tam cấp, gồm ba nếp, với nếp dưới cùng lớn nhất và các nếp trên nhỏ dần. Nếp trên cùng có hình tam giác với hai đầu đao cong lên và đỉnh nhọn. Mái được trang trí với nhiều họa tiết màu sắc đẹp mắt. Mặt sau của chính điện có mảng tường trang trí bằng các mảnh chén kiểu vỡ rất tinh xảo.
Chánh điện có một bàn thờ duy nhất dành để thờ Phật Thích Ca. Trong điện có khoảng 20 tượng Phật, lớn nhỏ, đứng ngồi ở nhiều tư thế khác nhau, tất cả đều hướng về phía Đông để ban phúc.
Về mặt kiến trúc, chánh điện có 16 hàng cột lớn chống đỡ mái, được dán gạch men. Trần nhà được trang trí bằng họa tiết nhiều màu sắc sặc sỡ, và hai bên tường có các bức tranh mô tả cuộc đời của Phật Thích Ca.
Giữa sân chùa Sà Lôn có một cột cờ với hình tượng rắn thần Nagar xòe 5 đầu, gợi nhớ đến tích xưa rắn xòe đầu để che mưa cho Phật Thích Ca khi người thiền định. Khu vực xung quanh cột cờ được bao quanh bởi các dãy nhà phục vụ việc tu học của các sư sãi.
Phía sau chùa là Khu vườn Phật Thích Ca, một quần thể kiến trúc với nhiều tượng Phật lớn nhỏ, tái hiện sinh động quá trình từ khi đức Phật ra đời, tìm kiếm chân lý, đạt giác ngộ cho đến khi nhập Niết-bàn.
Như nhiều ngôi chùa Khmer khác, chùa Sà Lôn cũng được trang trí bằng các tượng như tiên nữ, Krud (hay Garuda), và sư tử thần.
Ngoài các tín đồ Phật tử người Khmer, chùa Sà Lôn còn thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến để hành hương và tham quan.
Hiện vật quý
Chùa hiện đang bảo quản một số đồ gỗ quý, được mua từ gia sản của 'Công tử Bạc Liêu' (Trần Trinh Huy) vào năm 1947 với giá cao. Bao gồm một chiếc tủ cẩn xà cừ, bộ trường kỷ, và hai chiếc giường ngủ cho mùa đông và mùa hè, tất cả đều được chạm khắc và khảm rất tinh xảo. Ngoài ra, chùa cũng lưu giữ một bộ điêu khắc gỗ tinh tế.
Hình ảnh
Chùa Khmer nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam | ||
---|---|---|
TPHCM: chùa Changtarangsay • chùa Pothiwong • Tây Ninh: chùa Botum Kirirangsay • Bình Phước: chùa Sereyodom • chùa Sóc Lớn • Sóc Trăng: chùa Dơi • chùa Sà Lôn • chùa Kh'leang • chùa Bốn Mặt • chùa Chrôi Tưm Chắs • Bạc Liêu: chùa Xiêm Cán • chùa Buppharam • Trà Vinh: chùa Pisesaram • chùa Âng • chùa Vàm Ray • chùa Cò • An Giang: chùa Tà Pạ • chùa Mới • chùa Xà Tón • Kiên Giang: chùa Sóc Xoài • chùa Rạch Sỏi • chùa Phật Lớn • Vĩnh Long: chùa Kỳ Son • chùa Phù Ly • Cần Thơ: chùa Pothisomron • chùa Pitu Khosa Ramgsay • chùa Munirensay • Cà Mau: chùa Monivongsa Bopharam • |