Nói với con thể hiện tình cảm của người cha đối với con, nhưng qua đó, nhà thơ cũng muốn nhắc đến những đối tượng khác?
Nội dung chính
Bài thơ thể hiện tình cảm gia đình ấm cúng, ca ngợi truyền thống, niềm tự hào về quê hương, dân tộc mình. Bài thơ giúp ta hiểu thêm về sức sống và vẻ đẹp tâm hồn của một dân tộc miền núi, gợi nhắc đến tình cảm đẹp đẽ với quê hương và ý chí vươn lên trong cuộc sống |
Câu 1
Câu 1 (trang 66, SGK Ngữ văn tập 2)
Nói với con thể hiện tình cảm của người cha đối với con, nhưng qua đó, nhà thơ cũng muốn nhắc đến những đối tượng khác?
Phương pháp giải:
Em đọc toàn bài thơ để nhận biết được tình cảm của người cha và ý định của nhà thơ.
Lời giải chi tiết:
Thông qua những lời của người cha dành cho con, ta cảm nhận được tình cảm sâu lắng, trìu mến và niềm tin của người cha. Người cha muốn truyền đạt tới con niềm tự hào về quê hương, niềm tin vào sức sống mạnh mẽ của quê hương, và những lời khuyên hướng dẫn con trên đường đời. Điều quan trọng là người cha không chỉ dành những lời đó cho con mà còn muốn truyền tải thông điệp ấy tới mọi người đọc, những ai có thể đồng cảm với tình cảm trân trọng đó về quê hương và sự sống mạnh mẽ.
Câu 2
Câu 2 (trang 66, SGK Ngữ văn tập 2)
Qua những lời tâm tình, căn dặn, người cha muốn nói với con về những điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc toàn bài thơ để hiểu những điều người cha muốn truyền đạt cho con.
Lời giải chi tiết:
Qua lời dạy dỗ, tâm tình, người cha muốn con ghi nhớ:
- Luôn nhớ về tình cảm của cha mẹ, gia đình
- Luôn yêu mến, tự hào về quê hương, đất nước
- Luôn ý thức được những phẩm chất cao quý của “người đồng mình” (những người cùng quê hương)
- Sống có cốt cách để xứng đáng là người con của quê hương
Câu 3
Câu 3 (trang 66, SGK Ngữ văn tập 2)
Người cha đã nhìn nhận như thế nào về mối quan hệ giữa “con” với gia đình, quê hương, sứ xở? Những mối quan hệ ấy có ý nghĩa gì đối với sự trưởng thành của “con”?
Phương pháp giải:
Em đọc toàn bài để trả lời câu hỏi này
Lời giải chi tiết:
- Mối quan hệ giữa “con” với gia đình là một mối quan hệ tự nhiên và sâu sắc. Con được cha mẹ sinh ra, nuôi dưỡng, bảo vệ. Trên mỗi bước trưởng thành, tiếng nói đầu đời của con mang lại niềm vui, hạnh phúc cho cha mẹ. Trên mỗi bước trưởng thành, con nhận được sự quan tâm và niềm tin của cha mẹ.
- Mối quan hệ giữa “con” và quê hương: Quê hương không chỉ là nơi con được sinh ra, lớn lên, mà còn là nơi hình thành và nuôi dưỡng những phẩm chất của con. Đặc biệt, quê hương còn là nơi hình thành nhân cách và tư duy của con. Nói về quê hương là nói về những con người xứng đáng là mẫu mực cho con noi theo, giúp con trưởng thành.
Câu 4
Câu 4 (trang 66, SGK Ngữ văn tập 2)
Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của “người đồng mình” được thể hiện ra sao trong bài thơ? Nói về “người đồng mình”, người cha muốn gửi con điều gì?
Phương pháp giải:
Em đọc nội dung của toàn bài để trả lời câu hỏi
Lời giải chi tiết:
- Vẻ đẹp tâm hồn và sức sống mạnh mẽ, bền bỉ của “người đồng mình” được thể hiện:
+ Người đồng mình yêu nồng nàn, có đời sống tâm hồn phong phú:
“Người đồng mình yêu lắm con ơi
Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát'.
+ Người đồng mình biết lo toan và giàu mơ ước, có ý chí, nghị lực sống mạnh mẽ:
'Người đồng mình thương lắm con ơi!
Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn'.
+ Người đồng mình dù sống trong nghèo khổ, gian nan vẫn trung thành với quê hương, cội nguồn:
“Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
Sống như sông như suối
Lên thác xuống ghềnh
Không lo cực nhọc”.
+ Người đồng mình có ý thức tự lập, tự cường và tinh thần tự tôn dân tộc; chân chất, giản dị như có cốt cách cao quý:
“Người đồng mình thô sơ da thịt
Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con”
- Người cha muốn con thấu hiểu, yêu thương và tự hào về “người đồng mình”, sống có cột cách cao đẹp, xứng đáng là người con của quê hương, xứ sở.
Câu 5
Câu 5 (trang 66, SGK Ngữ văn tập 2)
Nêu cảm nhận của em về nghệ thuật của bài thơ
Phương pháp giải:
Em đọc bài và nhận xét về giọng thơ, hình ảnh thơ,....
Lời giải chi tiết:
- Sử dụng các loại câu có cấu trúc giống nhau:
+ Chân phải bước tới cha
Chân trái bước tới mẹ
+ Người đồng mình yêu lắm con ơi
Người đồng mình thương lắm con ơi
+ Cao đo nỗi buồn
Xa nuôi chí lớn
+ Sống trên đá không chê đá gập ghềnh
Sống trong thung không chê thung nghèo đói
=> Giá trị: tạo nên lối nói riêng, nhấn mạnh cảm xúc của chủ thể trữ tình và đặc điểm của đối tượng được tái hiện
- Cách nói cụ thể, hình tượng:
+ Một bước chạm tiếng nói
Hai bước tới tiếng cười
+ Đan lờ cài nan hoa
Vách nhà ken câu hát
+ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
=> Giá trị: thể hiện những cảm xúc, suy nghĩ sinh động, cụ thể, giàu tính trực quan
- Ngôn ngữ mộc mạc, giản dị:
+ Dẫu làm sao thì cha vẫn muốn
+ Người đồng mình thô sơ da thịt
+ Con ơi tuy thô sơ da thịt
=> Giá trị: thể hiện tình cảm chất phác, chân thực