Một nghiên cứu mới đây được công bố trên tạp chí Scientific Reports cho biết, các nhà khảo cổ đã khôi phục lại một loại mỹ phẩm từ thời kỳ đồ đồng tại Jiroft, một thành phố ở phía đông nam Iran, sau khi sông Halil lụt và cuốn trôi một số nghĩa trang từ thiên niên kỷ thứ ba trước Công nguyên.
Ảnh của chiếc lọ từ thời kỳ đồ đồng (bên trái) và hình ảnh kỹ thuật vi mô về thành phần của sắc tố, được tăng cường màu sắc để phân biệt từng khoáng chất. (Nguồn: Massimo Vidale qua Báo cáo khoa học; CC BY 4.0 DEED)
Chất màu đỏ tươi bên trong chiếc lọ đá nhỏ có thể là một loại son môi cổ xưa nhất trên thế giới.
Theo các nhà nghiên cứu, dòng nước lụt đã đẩy chiếc lọ chứa son môi cổ điều khắc tinh xảo lên bề mặt cùng với nhiều hiện vật khác, một số đã bị người dân địa phương thu thập. Những hiện vật này, bao gồm cả thỏi son môi, hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Khảo cổ Jiroft.
Thỏi son môi cổ xưa nhất
Để hiểu sâu hơn về loại son môi cổ, các nhà nghiên cứu đã phân tích chất màu đỏ bằng phương pháp xác định tuổi bằng carbon-14 và kết luận rằng nó có tuổi đến 4.000 năm và được sử dụng từ khoảng năm 1936 TCN đến năm 1687 TCN.
Nhóm nghiên cứu phát hiện ra rằng, màu sắc chính của sơn môi được tạo thành từ hematit nghiền nát, một loại khoáng chất oxit, tạo ra màu đỏ rực rỡ, kết hợp với manganite và braunite. Hạt thạch anh cũng được thêm vào để làm màu dịu hoặc tăng ánh sáng.
Sơn môi cổ cũng có chứa dấu vết của sợi thực vật, có thể được thêm vào để tạo mùi thơm. Các nhà nghiên cứu ghi nhận sự tương đồng đáng ngạc nhiên của nó so với sơn môi hiện đại.
Mặc dù không chắc chắn ai là chủ sở hữu của sản phẩm trang điểm này, nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng, phụ nữ Iran thời đó thường sử dụng các sản phẩm làm đẹp này.
Theo The Circle of Ancient Iran Studies, một chương trình giáo dục phi lợi nhuận, các sản phẩm trang điểm khác cũng phổ biến như sormeh, một loại bột màu đen dùng làm bút kẻ mắt, và henna, dùng để nhuộm tóc và da.
Nhà nghiên cứu chính của dự án, Vidale, cho biết: “Đây có thể là loại sơn môi cổ nhất mà chúng tôi biết hiện nay. Tuy nhiên, tôi hy vọng sẽ có những bằng chứng còn lâu hơn được xác định bởi các nhà nghiên cứu khác”.