Mỗi ngày sống, có lúc ta tự hỏi: “Hôm nay, tôi làm điều này vì ai? Tôi có đang sống vì chính mình không?”
Câu trả lời cho việc sống vì bản thân hay vì người khác thực ra là 50/50, tùy vào quan điểm của mỗi người. Đôi khi, bạn làm điều gì đó cho chính mình, nhưng trong những trường hợp khác, làm vì người khác cũng rất ý nghĩa.
1. Sống vì bản thân có được không?
Tôi đã nghe một câu nói rằng: “Cuộc sống này là của bạn, con đường bạn đi là do bạn chọn.” Đúng vậy, cuộc đời ngắn lắm, thời gian trôi nhanh, bạn chỉ có thể lo cho chính mình mà thôi.
Tôi chơi với một người chị đam mê điện ảnh từ những năm cấp Ba. Nhưng vì truyền thống gia đình, cha mẹ mong chị trở thành bác sĩ hoặc y tá với mức lương ổn định và danh tiếng. Thế là chị thi đậu vào Đại học Y danh tiếng nhất Việt Nam, từ bỏ giấc mơ lớn và lao đầu vào học, kiệt sức với kiến thức chuyên ngành. Gặp lại chị, tôi bất ngờ: từ một cô gái duyên dáng, chị trở nên hốc hác, xanh xao vì những đêm thức trắng, gồng mình dưới áp lực gia đình và kỳ vọng của mọi người xung quanh.
Không biết khuyên chị điều gì, tôi chỉ dám hỏi nhỏ:
- Hay chị thử đổi hướng xem sao... Chị nghĩ sao?
- Ừ, để chị nghĩ. Mệt thật, kiểu gì cũng kiệt sức. Gia đình suốt ngày hỏi han việc học, thật sự khổ - Chị thở dài
Nhìn chị, tôi chỉ muốn ôm chặt chị mà nghẹn ngào. Chị là người tôi ngưỡng mộ nhất thời còn học sinh vì chị nhanh nhẹn, tháo vát, thích gì làm nấy. Trước khi tốt nghiệp, chị còn rủ chúng tôi góp mặt vào một phim ngắn về những ngày cuối cấp. Video đó được đăng trên trang chủ của trường, tạo dấu ấn đặc biệt cho cả khóa.
Giờ đây, cô gái ngồi trước mặt tôi đang cố gắng gượng sống những ngày đầy mệt mỏi vì “mong cầu của gia đình” – điều không thuộc về chị. Đam mê điện ảnh đã bơi trong tiềm thức của chị từ lâu, việc học trái ngành khiến chị mau chóng mất tinh thần, luôn cảm thấy không thỏa mãn với chính mình. Ngọn lửa đam mê của chị từng bùng cháy nhưng đã bị dập tắt bởi những áp lực bên ngoài.
Giả sử, nhiều năm trước, chị có đủ can đảm và quyết tâm chọn con đường của mình, có lẽ giờ đây, thay vì nước mắt đắng lòng, tôi sẽ thấy nụ cười tươi rói của chị khi bước vào ngành công nghiệp điện ảnh.
Bạn thấy đó, có những lựa chọn buộc chúng ta phải dứt khoát và kiên quyết. Đó không chỉ vì lợi ích trước mắt mà còn là niềm hạnh phúc lâu dài khi theo đuổi sứ mệnh của mình. Thay vì chạy theo sự chỉ dẫn của người khác và rơi vào hố sâu tăm tối, bạn có dám chọn con đường riêng của mình, vì bản thân không?
Thế nào là sống vì người khác? Thế nào là sống cho người khác?
Về cơ bản, hai cụm từ trên không khác nhau là mấy.
Sống vì người khác nghĩa là ta học cách thay đổi, hoàn thiện bản thân và biết trân quý sự sống vì nhận ra tầm quan trọng của những người thân yêu. Nói đơn giản, sống vì người khác là tạo ra giá trị, đối mặt với khó khăn để mang lại niềm vui cho mọi người xung quanh.
Còn sống cho người khác chỉ là tồn tại, chạy theo lời nói để làm hài lòng ai đó.
Phim hoạt hình “Turning Red” của Disney kể về Mei Lee, cô bé 13 tuổi luôn cố gắng làm hài lòng mẹ và gây ấn tượng với mọi người dù thực tế Mei là cô bé thích nhạc pop và giàu trí tưởng tượng. Cô bé luôn kìm nén cảm xúc, tỏ ra ngoan ngoãn trước bố mẹ dù trong lòng đầy sóng gió.
Xem phim, tôi nhiều lần rơi nước mắt trước sự trưởng thành của Mei. Cô bé quyết định giữ khả năng biến thành gấu trúc đỏ khi nhận ra rằng dù ở hình dạng nào, bạn bè vẫn luôn bên cạnh. Mei hiểu rằng kìm nén cảm xúc sẽ dẫn đến ức chế và kỳ vọng không tự bản thân tạo ra sẽ trở thành thất vọng. Cô cũng nhận ra rằng, bấy lâu nay mình chỉ sống “cho” mẹ chứ chưa bao giờ thực sự “vì” mẹ – người luôn lo lắng thái quá vì trải nghiệm tuổi trẻ.
Đây là bộ phim về đối mặt với định kiến và dám nói lên tiếng nói của bản thân. Sòng phẳng trong mọi mối quan hệ sẽ giúp đôi bên hiểu nhau và biết thế nào là những mối quan hệ đáng để sống vì chúng.
3. Cần có sự cân bằng đủ
Đừng quá ích kỷ
Chúng ta sống vì mình, nhưng đừng quá ích kỷ.
Cái tôi, trong tiếng Anh là 'ego' và với mình, đây là từ viết tắt cho:
- Enough: đủ
- Gorgeous: rực rỡ, đẹp đẽ
- Open: rộng mở
Cái tôi luôn cần phóng khoáng, hướng tới điều tốt đẹp nhất vì đây là phần đẹp đẽ và thanh cao nhất của con người. Tuy nhiên, hãy giữ cái tôi ở mức vừa đủ, trao đi tình thương để nhận lại những gì xứng đáng. Hãy 'sống như đóa hoa, tỏa ngát hương thơm cho đời' để sau này không hối hận vì đã không làm hết khả năng của mình.
Dùng bộ lọc để phân biệt cái đẹp và cái xấu
Giống như việc chỉnh ảnh, chúng ta thường che đi những khuyết điểm bằng cách dùng bộ lọc. Để cuộc đời đẹp hơn, chúng ta cũng nên tạo cho mình một bộ lọc để giữ lại những gì quý giá nhất.
Sẵn sàng loại bỏ những mối quan hệ toxic như tình yêu, tình bạn… nếu thấy không được tôn trọng và yêu thương.
Dành thời gian trống bằng cách nghe nhạc, xem phim, đọc sách (những điều bạn thích làm hàng ngày) hoặc tạo thói quen mới như viết journal thay vì khóc lóc, lo âu, lướt mạng suốt cả ngày chỉ vì một người ở đâu đó.
Biết ơn và nói lời cảm ơn tới những người đối xử tốt với mình, giúp đỡ mình, hoặc ít nhất, nói những lời khiến mình không cảm thấy bị tổn thương, đau khổ.
Cảm kích từng giây phút trôi qua vì mình còn thở, còn sống, được cảm nhận tình thương của gia đình, bè bạn – những người dấu yêu nhất trên cuộc đời này vì họ đã trải qua mọi thăng trầm, khó khăn cùng bạn.
Suy nghĩ thật kỹ càng
Không nên quá tải gánh nặng cho bản thân. Hãy làm tốt công việc hiện tại, đặt ra những mục tiêu dài hạn, ngắn hạn phù hợp để nhận ra đam mê và cố gắng vì điều đó.
Ta không phải làm được mọi việc, nhưng cần suy nghĩ sâu sắc, học hỏi để độc lập và vững bước. Hãy suy nghĩ về nhiều khía cạnh của cuộc sống và tìm con đường chính xác cho mình.
Việc sống cho bản thân hay cho người khác phụ thuộc vào hoàn cảnh. Có thể phải nghĩ cho bản thân, có khi phải vì người khác, hoặc có thể là cả hai, miễn là cảm thấy hài lòng và có giá trị.