Em hiểu thế nào về câu 'Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy'? Hành động bỏ mũ khi chào thầy giáo cũ của cha bạn nói lên điều gì? Những cử chỉ, lời nói, việc làm nào của thầy giáo già khiến cho cha bạn nói xúc động. Tại sao cha bạn rơi nước mắt khi nhận lại bài chính tả cũ của mình? Nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Bắt đầu
Em hiểu thế nào về câu 'Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy'?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ câu thành ngữ, giải nghĩa các cụm từ, suy nghĩ và trả lời.
Lời giải chi tiết:
Hiểu về câu “Công cha, nghĩa mẹ, ơn thầy' là một trong những thành ngữ nhắc nhở đạo hiếu với ba người có công sinh dưỡng, dạy dỗ. Ai cũng nhớ đến “công cha”, người lao động cực khổ, nuôi ta lớn. Cũng ghi nhớ “nghĩa mẹ”, người sinh dưỡng ta nên người. “Ơn thầy” không thể nào quên, thầy dạy dỗ, cho ta tri thức để phát triển.
Đọc Bài
NGƯỜI THẦY ĐẦU TIÊN CỦA BỐ TÔI
Hôm qua, bố mời tôi đi tàu thăm người thầy đầu tiên của bố, thầy Cơ-rô-xét-ti, nay đã tám mươi tuổi.
Xuống tàu, chúng tôi hỏi đường đến nhà thầy, một ngôi nhà nhỏ cuối làng. Bố nhẹ nhàng gõ cửa. Ra mở cửa là một cụ già râu tóc đã bạc.
– Con chào thầy ạ! – Bố nói vừa bỏ mũ ra.
– Chào anh. Xin lỗi, anh là...
– Con là An-béc-tô, học trò cũ của thầy. Con đến thăm thầy ạ.
– Thật hân hạnh quá! Nhưng... anh học với tôi hồi nào nhỉ?
Bố nói tên lớp và ngày bố vào trường. Cụ cúi đầu suy nghĩ rồi bỗng ngẩng lên:
– An-béc-tô Bốt-ti-ni?
– Đúng ạ! – Bố đưa cả hai tay về phía cụ.
Cụ bước tới ôm hôn bố và nói:
– Xin mời vào nhà.
Chúng tôi vào nhà và ngồi xuống ghế yên lặng. Cụ nhìn bố tôi một lần nữa rồi nói to:
– An-béc-tô, tôi nhớ chứ! Lớp Một anh ngồi bên trái cạnh cửa sổ. Hồi đó, anh rất hiếu động. Đến lớp Hai, anh bị ốm phải nghỉ một tuần, phải không nào? Anh còn nhớ đến người thầy giáo già của mình, thật quý hoá...
Cụ trò chuyện cùng bố tôi như chưa hề xa cách. Bỗng cụ đứng dậy:
– Tôi dành cho anh một bất ngờ đây.
Nói rồi cụ lục tìm trên giá sách, rút ra một tờ giấy đã ngả vàng đưa cho bố. Bố nhận ra bài chính tả của mình, nét chữ to cồ cộ. Bố vừa đọc vừa mìm cười. Rồi bố cúi xuống hôn vào trang giấy, mắt rung rung.
– Thưa thầy kính yêu, con xin cảm ơn thầy! – Bố đưa tay lên gạt nước mắt rồi ôm lấy người thầy của mình.
(Theo A-mi-xi)
Câu 1
1. Hành động bỏ mũ khi chào thầy giáo cũ của bố bạn nhỏ nói lên điều gì?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Hành động bỏ mũ khi chào thầy giáo cũ của bố bạn nhỏ nói lên sự lịch sự và tôn trọng đối với người thầy giáo của mình.
Câu 2
2. Những cử chỉ, lời nói, việc làm nào của thầy giáo già làm cho bố bạn nhỏ xúc động?
Phương pháp giải:
Đọc kỹ bài đọc để tìm những cử chỉ, lời nói, việc làm nào của thầy giáo già làm cho bố bạn nhỏ xúc động.
Lời giải chi tiết:
- Những cử chỉ:
+ Cụ bước tới ôm hôn bố.
+ Cụ trò chuyện cùng bố tôi như chưa hề xa cách.
- Lời nói:
+ An-béc-tô Bốt-ti-ni?
+ An-béc-tô, tôi nhớ chứ! Lớp Một anh ngồi bên trái cạnh cửa sổ. Hồi đó, anh rất hiếu động. Đến lớp Hai, anh bị ốm phải nghỉ một tuần, phải không nào? Anh còn nhớ đến người thầy giáo già của mình, thật quý hoá...
- Hành động: Cụ lục tìm trên giá sách, rút ra một tờ giấy đã ngả vàng đưa cho bố
Câu 3
3. Vì sao bố bạn nhỏ rưng rưng nước mắt khi nhận lại bài chính tả cũ của mình?
Phương pháp giải:
Đọc kĩ đoạn cuối của bài đọc, suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Bố bạn nhỏ rưng rưng nước mắt khi nhận lại bài chính tả cũ của mình vì sự xúc động khi người thầy vẫn còn nhớ và giữ bài chính tả của mình. Đồng thời là vì người bố nhìn thấy kí ức tuổi thơ tưởng như đã đi vào dĩ vãng.
Câu 4
4. Theo em, bạn nhỏ có cảm nghĩ gì khi được tới thăm người thầy đầu tiên của bố?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và trả lời câu hỏi.
Lời giải chi tiết:
Ban đầu, bạn nhỏ sẽ thấy tò mò, hào hứng vì được tới thăm người thầy của bố. Sau đó, cậu rất xúc động, biết ơn và rút ra cho mình một bài học về lòng biết ơn.
Câu 5
5. Nêu ý nghĩa của câu chuyện.
Phương pháp giải:
Đọc kĩ nội dung câu chuyện và rút ra ý nghĩa.
Lời giải chi tiết:
Câu chuyện nói về truyền thống tôn sư trọng đạo. Qua câu chuyện có thể thấy được tình cảm thầy trò là tình cảm rất thiêng liêng, cao quý và cần được giữ gìn. Từ đó, nhắc nhở bạn đọc về lòng biết ơn đối với thầy cô của mình.