Chắc chắn bạn đã từng nghe ai đó cảnh báo rằng 'đừng để nam châm gần laptop, nó sẽ làm hỏng ổ cứng'. Lời khuyên này bắt nguồn từ một 'truyền thuyết công nghệ' phổ biến cho rằng nam châm có thể gây nhiễu dữ liệu lưu trữ trên ổ cứng.
Theo đó, nếu bạn đặt một cục nam châm gần ổ cứng cơ, nó có thể xóa sạch dữ liệu trên chiếc ổ cứng đó. Nguyên nhân là bởi các ổ cứng cơ có các linh kiện chuyển động bên trong làm bằng sắt từ và lưu trữ dữ liệu bằng các trường từ có thể bị tác động bởi nam châm, giống như các đĩa mềm thời xa xưa.
Ổ cứng thể rắn (SSD) thì không bị ảnh hưởng bởi nam châm, vì chúng không có bất kỳ bộ phận di chuyển nào và cũng không dựa vào trường từ để lưu trữ dữ liệu.
Thực tế, Giám đốc CompactFlash Bill Frank từng phát biểu vào năm 2004 rằng năng lượng cần thiết để xóa các electron trong một bộ nhớ flash cần mạnh đến mức có thể...rút sắt ra khỏi các tế bào máu của con người!
Mặc dù các ổ cứng cơ có khả năng chống lại nhiễu từ kém hơn, nhưng điều này không có nghĩa là chúng có thể dễ dàng bị xóa sạch bằng một cục nam châm.
K&J Magnetics đã thử nghiệm lý thuyết này bằng cách đặt một ổ cứng đang hoạt động giữa hai nam châm neodymium hình vòng cung cực lớn, và kết quả cho thấy không có ảnh hưởng có hại nào xảy ra với ổ cứng.
Thử nghiệm
Mặc dù hầu như có thể chắc chắn rằng ổ cứng laptop sẽ vẫn hoạt động bình thường dù gần nam châm, nhưng các thành viên của K&J Magnetics vẫn quyết định không dùng laptop cao cấp của họ để thử nghiệm. Thay vào đó, họ chọn một chiếc laptop cũ trong văn phòng... để làm cho bình tâm.
Họ sử dụng một cục nam châm từ tủ lạnh, một số cục nam châm hình lập phương mạnh mẽ hơn, và một nam châm neodymium lấy từ một ổ cứng cơ 2.5-inch.
Các nam châm này được đặt lên một ổ đĩa flash, một ổ cứng trong laptop và một ổ cứng gắn ngoài.
Kết quả nhận được
Các nam châm được đặt lên khung sườn laptop và di chuyển qua lại. Kết quả cho thấy không có mất mát dữ liệu và không có thay đổi đáng kể nào đối với chức năng của laptop sau khi thử nghiệm với cả 3 loại nam châm như đã nêu trên.
Ổ cứng gắn ngoài được bảo vệ bằng một khung nhựa mỏng, và các nam châm cũng được đặt lên bề mặt này và di chuyển qua lại. Sau khi kết nối ổ cứng này vào máy tính, kết quả cho thấy mọi dữ liệu vẫn còn nguyên.
Cuối cùng là ổ đĩa flash: không có gì đáng ngạc nhiên khi không có dữ liệu bị hỏng.
Vậy từ giờ các bạn có thể yên tâm rồi nhé!
Tham khảo: MyBroadband