Kết hôn và sinh con trước tuổi 30, trải qua nhiều trải nghiệm trong độ tuổi 20, có công việc ổn định và sở hữu nhà xe trước khi đến tuổi 40, và khi đến tuổi 50 - 60, con cái phải đạt được thành công, và phải xây dựng gia đình cho con trước khi đến tuổi về hưu.
Đó là những thời hạn mà nhiều người thường đặt ra và coi như là một tiêu chuẩn để đánh giá sự thành công của người khác hoặc là một nghĩa vụ mà người khác phải thực hiện để phù hợp với 'người ta'. Những tiêu chuẩn như vậy tồn tại ở nhiều nơi, thậm chí ở những nước phát triển, đặc biệt là ở các nước châu Á. Khi ở Việt Nam, tôi đã nghĩ rằng những tiêu chuẩn đó là điều hiển nhiên và tất cả mọi người đều phải tuân theo để trở nên bình thường. Nhưng khi viết đến đoạn này, tôi cảm thấy thực sự xấu hổ về sự bảo thủ và thiếu hiểu biết của bản thân. Tôi đã giữ những định kiến sai lầm đó cho đến khi tôi đến một môi trường hoàn toàn mới - một quốc gia khác.
Sẽ ra sao nếu tất cả mọi người đều giống nhau?
Tôi đã đến Hàn Quốc vào cuối năm 2015 và ở đó đã được 7 năm. Sau thời gian đó, tôi bắt đầu nhận ra sự hại của việc đặt ra những hạn chót vô lý cho cuộc sống và ảnh hưởng của chúng lên xã hội khi mọi người tin và tuân theo những hạn chót đó. Trong một xã hội mà hầu hết mọi người đều tuân thủ một tiêu chuẩn nào đó, vào tuổi 18 bạn phải đậu vào một ngành học hot ở một trường đại học danh tiếng, bạn phải dành thời gian nghỉ sau khi học đại học để đi học ngoại ngữ ở nước ngoài, bạn phải du lịch đến nhiều quốc gia để được coi là có hiểu biết, trong những năm 20 của bạn, bạn phải yêu và sống hòa mình trong tình yêu, trước khi đến tuổi 30 bạn phải làm việc cho một tập đoàn lớn hoặc một doanh nghiệp nhà nước, sau đó bạn phải kết hôn, mua nhà và sinh con. Và sau khi con bạn lớn lên, con bạn sẽ lặp lại chuỗi sự kiện giống bạn, sau khi bạn đã dựng nên một tổ ấm cho con bạn, bạn sẽ sống cuộc sống còn lại của mình trong cô đơn (có một số vấn đề khác về việc con cái nuôi dưỡng cha mẹ ở Hàn Quốc, nhưng tôi sẽ không đề cập đến ở đây). Và đó là một cuộc sống vô cùng nhàm chán. Vấn đề là rất nhiều thế hệ sống theo con đường giống nhau này, và nếu bạn không đi theo dòng chảy chung, bạn sẽ bị coi là người lạc loài, kỳ lạ.
Đó là sự thực mà tôi nhận thấy khi sống ở đất nước này và nó khiến tôi đau đầu nhiều về những hạn chót mà tôi tự đặt ra cho cuộc đời mình. Tôi tự hỏi:
“Liệu có cần phải có nhiều hạn chót như vậy để sống một cuộc sống giống như việc sản xuất hàng loạt như một con gà công nghiệp không?”
Chúng ta không cần những hạn chót của người khác cho cuộc đời mình
Tôi từng rất sợ vì tôi bị chậm so với bạn bè rất nhiều khi tôi bắt đầu học đại học muộn hơn các bạn cùng tuổi tận 3 năm. Lúc 21 tuổi, tôi mới là sinh viên năm nhất trong khi mọi người đã chuẩn bị đi thực tập hoặc chuẩn bị tốt nghiệp. Khi tới 24 tuổi, các bạn đã đi làm vài năm, trong khi tôi mới có việc làm đầu tiên, trong khi mọi người đã từng yêu ít nhất là một lần, tôi vẫn là một mình. Tôi sợ rằng mình đang thua kém bạn bè, sợ rằng mình bị bỏ lại phía sau. Sau nhiều nỗ lực để tốt nghiệp sớm, tìm kiếm việc làm, tìm kiếm mối quan hệ... để hoàn thành những hạn chót của cuộc đời, để theo kịp mọi người, tôi đột nhiên nhận ra rằng chúng tôi không đi trên cùng một con đường, hoặc thậm chí đang đi ngược hướng với nhau.
Tôi nhận ra rằng việc chạy theo những hạn chót của cuộc đời một cách cực đoan chỉ làm tôi lãng phí thời gian, lãng phí hiện tại và lãng phí sự sống của bản thân, khi tôi không thể nhớ những khoảnh khắc vui vẻ trong vài năm vừa qua. Những lần thực sự dành thời gian cho bản thân và gia đình của tôi có thể đếm trên đầu ngón tay. Tôi không biết liệu tôi đang sống hay chỉ đơn giản là tồn tại. Trong suốt thời gian đó, tôi không kỳ vọng vào tương lai nữa, cũng không thấy cuộc sống thú vị chút nào.
Khoảng thời gian gần đây đã dạy tôi một bài học quý báu mà có lẽ sẽ trở thành một trong những nguyên tắc sống của tôi từ bây giờ cho đến khi tôi không còn sống nữa, “đừng theo đuổi những hạn chót của người khác mà hãy sống cuộc đời theo cách của mình”. Tôi có thể vào đại học ở tuổi 21, tôi có thể đạt được ước mơ vào tuổi 30, tôi có thể không sở hữu nhà cửa hay xe hơi nhưng tôi có thể du lịch khắp thế giới, tôi có thể thay đổi nghề nghiệp ở tuổi 40, và tôi vẫn có thể theo đuổi ước mơ vào tuổi 50, 60... Chỉ nghĩ đến thôi đã cảm thấy hứng khởi rồi. Tôi có thể sống một cuộc đời đầy thú vị như thế, một cuộc đời không hối tiếc để tôi không phải lẩm bẩm hai từ “nếu như”.
Tuy nói như vậy nhưng không có nghĩa là tôi không cần những hạn chót cho cuộc đời của mình. Tôi cũng cần những hạn chót mà tôi tự đặt ra và phù hợp với hoàn cảnh và khả năng của bản thân. Hạn chót là một thứ mà ai cũng sợ nhưng cũng nhờ có hạn chót mà ta có thể hoàn thành được những mục tiêu đã đặt ra. Hạn chót mang lại áp lực nhưng cũng là động lực.
Xác định mục tiêu mà không cố định con đường
Việc đầu tiên chúng ta cần làm là dừng việc so sánh bản thân với người khác và sống cuộc đời của mình một cách bình tĩnh. So sánh đôi khi có thể khiến bạn tiến xa hơn, nhanh hơn so với những gì bạn mong đợi nhưng cũng làm bạn đi sai hướng. So sánh với người khác chỉ khiến bạn mong muốn vượt qua họ, và để làm điều đó, bạn chỉ còn cách là đi theo con đường họ đang đi, ngay cả khi nó không phù hợp với bạn. Càng đi xa, con đường quay trở lại càng khó khăn, kết quả là bạn có thể bị lạc đường, thậm chí là mất luôn cả bản thân mình. Hãy ngừng so sánh với người khác và tự hỏi bản thân về con đường bạn muốn đi, cuộc đời bạn muốn sống. Chúng ta phải xác định đúng hướng trước khi bắt đầu để đến được đích đúng.
Sau khi biết mình muốn điều gì và cần gì, bạn có thể đặt ra mục tiêu và lập kế hoạch để đạt được những điều bạn muốn. Hãy lập kế hoạch một cách thực tế, không quá khó để bạn có thể đạt được nhưng cũng không quá dễ để nâng cao khả năng và giới hạn của bản thân. Khi đã đến bước này, nếu bạn muốn an toàn, hãy tuân theo kế hoạch của mình và tiến lên. Nhưng nếu bạn muốn thách thức và thích mạo hiểm một chút, hãy tuân theo kế hoạch nhưng nếu có cơ hội không nằm trong kế hoạch, hãy nắm bắt. Những cơ hội bất ngờ trên con đường có thể dẫn bạn đến những hành trình không tưởng, và bạn sẽ không biết bạn sẽ thu hoạch được gì trên đó. Và chắc chắn rằng những hành trình đó sẽ rất thú vị.
Sau bao lần thử - sai, tôi bỗng nhận ra kế hoạch chỉ là một thứ tương đối để biết bản thân đang làm gì và sắp làm gì thôi. Kế hoạch được tạo ra là để phá vỡ, ít nhất với tôi là như vậy. Chưa lần nào tôi theo đúng kế hoạch nhưng lần nào tôi cũng đến đúng nơi mình cần. Dù có chút lòng vòng, mất thêm chút thời gian nhưng bù lại tôi có những “chuyến đi rất thú vị”, học được những bài học mà tôi tin sẽ giúp tôi trở thành một bản thân tốt hơn. Nhiều khi tôi cảm thấy may mắn khi đi “lòng vòng” hay “lạc đường” một chút vì nếu như cứ đi theo đúng kế hoạch đã định thì đời tôi chắc là nhàm chán lắm và tôi sẽ chỉ ngồi trong “cái giếng” của mình mà nhìn đời.