Sau gần 1 năm chuẩn bị, cô gái trẻ đã bắt đầu chuyến đi để đời của mình. Với cô, khó khăn chỉ là thử thách cần phải vượt qua, tất cả đều là trải nghiệm. Khi vượt qua nỗi sợ, cô cảm thấy sung sướng hơn, tự hào hơn vì đã làm được.
Kế hoạch xuyên Việt trước khi bước sang tuổi 25
Trước khi bước sang tuổi 25, Nguyễn Thị Yến (sinh năm 1999, quê ở Bắc Giang) quyết định thực hiện một chuyến xuyên Việt bằng xe máy kéo dài 10 tháng vào năm 2023. Ý tưởng thực hiện chuyến đi xuyên Việt của Yến được truyền cảm hứng từ một chuyến đi An Giang vào tháng 3/2020. Lúc nghỉ tại một homestay, Yến nghe câu chuyện về chuyến đi xuyên Việt 5 tháng bằng xe máy của chủ nhà và con gái từ năm 2018. Những bức ảnh dán trên tường theo bản đồ Việt Nam hình chữ S và những câu chuyện cô kể đã khiến Yến bị cuốn vào hành trình đó lúc nào không hay.
Cô gái trẻ đã dành gần một năm 2022 để chuẩn bị cho hành trình xuyên Việt kéo dài 10 tháng:
- Xe máy: mua xe trước 4 tháng để tập lái, chạy thử vài cung như Ba Vì, Mộc Châu, Bắc Giang. Kiểm tra các lỗi hỏng vặt của xe và bảo dưỡng trước khi đi. Yến chuẩn bị cả dầu nhớt, sạc và dụng cụ sửa xe cơ bản. 'Dù không biết sửa nhưng mang đi cho chắc vì nhiều nơi không có đồ cho xe của mình', cô chia sẻ
- Đồ dùng cá nhân và quần áo: Vì thời tiết lạnh vào mùa đông - xuân, cô mang theo nhiều đồ dày và cồng kềnh: 1 túi để quần áo, 1 túi để chăn mỏng, dụng cụ sửa xe, dầu nhớt. Bên cạnh đó, có thêm 1 túi nhỏ để áo mưa và dép
- Trang bị máy ảnh và thiết bị quay chụp: Bao gồm máy ảnh, điện thoại, flycam, sạc pin, sạc dự phòng, thẻ nhớ, chân máy...
- Lập kế hoạch chi tiết về lịch trình và liên lạc với bạn bè ở các tỉnh thành
'60 ngày một mình khám phá Đông - Tây Bắc' là một phần của hành trình đáng nhớ của cô gái trẻ. Dù đã đi qua nhiều địa điểm ở Đông - Tây Bắc trước đó, cô gái 24 tuổi vẫn quyết định đi lại một vòng để khám phá những nơi chưa đến, cũng như để gặp gỡ những người quen cũ.
Trước khi đi, Yến đã chuẩn bị hơn 20 triệu đồng trong tài khoản. Cô quyết định vừa đi vừa làm việc để có kinh phí cho hành trình 'để đời' của mình. Dù làm việc như một travel blogger, Yến nhận được sự hỗ trợ từ nhiều bạn bè và homestay trên đường đi, giúp cô tiết kiệm chi phí.
Trước khi đi một tháng, trong bữa cơm gia đình, Yến chia sẻ về kế hoạch đi xuyên Việt với gia đình. Ban đầu mẹ và chị gái cũng lo lắng hỏi chi tiết về kế hoạch đi, chuẩn bị như thế nào vì con gái đi một mình dài ngày sẽ tiềm ẩn nhiều nguy hiểm và vấn đề. Sau khi trả lời hết các câu hỏi, mọi người có vẻ an tâm hơn và ủng hộ cho hành trình của Yến. Còn bố Yến thì chỉ bảo một câu là: 'Còn trẻ, khoẻ thì cứ đi, cho biết đây biết đó'.
Thật ra trước đó Yến đã đi khá nhiều nơi và quay clip đăng lên mạng xã hội. Ở nhà, cả gia đình thường xem những ảnh, video mà Yến chụp lại. Bố mẹ thấy niềm đam mê du lịch của con gái, nhận thấy Yến trưởng thành hơn nên đã ủng hộ trong lòng từ lâu.
Dù là cô gái, nhưng Yến tự nhận mình có tính cách mạnh mẽ. Cô rất thích lái xe máy trên đường vì khi đó cảm nhận được sự tự do, được là chính mình, tự lái xe đi theo con đường mình chọn, tự làm chủ bản thân mà không phụ thuộc vào ai khác. Cô nói rằng cảm giác đó là 'Độc lập - Tự do - Hạnh phúc'.
Hành trình khám phá Đông - Tây Bắc trong 60 ngày
Chuyến đi của Yến bắt đầu từ quê nhà Bắc Giang và kết thúc tại thành phố Thái Nguyên. Mỗi ngày cô dừng chân ở một homestay khác nhau để khám phá các địa danh nổi tiếng.
Trong suốt chuyến đi khám phá Đông - Tây Bắc, Yến trải qua rất nhiều trải nghiệm thú vị và đáng nhớ. Cô được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hùng vĩ của núi non ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, biển mây ở Tà Xùa… Thưởng thức các món ăn ngon đặc sản của địa phương, hòa mình vào đời sống của các dân tộc Mông, Tày, Thái, Lô Lô… Trải nghiệm leo núi, đi rừng, chèo kayak, trượt thác… Nghe những câu chuyện đa dạng từ nhiều người, từ nhiều hoàn cảnh khác nhau.
Chinh phục đỉnh Lảo Thẩn thành công
'Những cảm giác của lần đầu tiên đi một mình đến nơi xa lạ, ánh mắt chằm chằm của những đứa trẻ và người đi đường, không biết mình là nam hay nữ, từ đâu đến mà đi một mình trên chiếc xe tay côn. Thật khó có thể kể hết!', Yến tâm sự.
Đèo Khâu Cốc Chà 14 tầng
'Mình có 2 điều lo lắng nhất khi đi là xe bị hỏng và bị cướp. Với mình, khó khăn chỉ là thử thách cần vượt qua, tất cả đều là trải nghiệm. Khi vượt qua nỗi sợ, mình cảm thấy sung sướng hơn, tự hào hơn vì đã làm được. Mình luôn mang tinh thần lạc quan đó để chuyến đi trở nên 'dễ dàng' hơn. Nhiều người nhìn thấy mình gian nan quá! Mình chỉ biết cười thôi!', cô gái trẻ chia sẻ về hành trình của mình.
Hành trình 60 ngày khám phá Đông - Tây Bắc là một phần của chuyến đi xuyên Việt kéo dài 10 tháng của Yến. Với cô, đây là một chuyến đi để đời có ý nghĩa rất lớn.
Yến trong trang phục truyền thông của người dân tộc Lô Lô Hoa
'Thứ nhất, mình đã thực hiện được một phần kế hoạch ghé thăm tất cả 63 tỉnh thành của Việt Nam, điều mà những người yêu thích du lịch mong muốn đạt được.', cô chia sẻ.
Thứ hai, Yến đã tự chứng tỏ và khẳng định bản thân với chính mình và gia đình là mình có thể làm được! Cô mong muốn rằng chuyến đi của mình có thể lan tỏa những điều tích cực tới những người khác: 'Dám ước mơ, dám thực hiện, sống một tuổi trẻ đáng sống'.
Những bài học sâu sắc
Trong hành trình 60 ngày, Yến nhớ mãi không quên cung đường chạy xe từ TP Điện Biên qua Bắc Yên, Sơn La. Quãng đường 250km, theo Google map sẽ mất hơn 6 tiếng chạy liên tục. Sau khi ăn trưa ở Điện Biên, cô xuất phát lúc 11 giờ, ước tính khoảng 19-20 giờ tối đến nơi.
Tuy nhiên, vì mải mê chụp ảnh dọc đường và lướt mạng xã hội nên đến 17h cô mới đến TP Sơn La, khi trời đã bắt đầu tối. 'Đường từ ngã 3 Cò Nòi đi Bắc Yên dốc và vắng vẻ, chỉ có vài nhà dân rải rác. Mình vừa chạy xe vừa lo lắng. Khi cách Bắc Yên khoảng 5km, đang lên dốc thì bánh xe của mình bị đảo lộn.
Nghi ngờ bị thủng săm, cô dừng xe lại và nảy sinh các phương án giải quyết: gọi cứu hộ vì có người quen ở Bắc Yên, hoặc quay xe xuống dốc để tìm nhà dân xin ngủ nhờ… Khi bật đèn flash điện thoại lên, cô thấy bánh xe không vấn đề gì, chỉ thấy dấu vết của bánh xe ô tô màu xe.
Hóa ra cô đã đi vào vệt dầu của xe ô tô nên bị trơn bánh, đảo xe. Lúc đó mới cảm thấy nhẹ nhõm để tiếp tục đến Bắc Yên', Yến chia sẻ.
Sau những trải nghiệm quan trọng đó, Yến rút ra bài học cần dành thêm thời gian cho việc di chuyển, nghỉ ngơi dọc đường và dự trữ phòng trường hợp gặp sự cố để không phải di chuyển vào buổi tối, tìm nơi ở an toàn trước 17 giờ. An toàn luôn là ưu tiên hàng đầu!
Bắt đầu phượt từ năm 2018, dưới đây là những kỹ năng mà cô gái trẻ đã trang bị để chuẩn bị cho những chuyến đi của mình:
Thứ nhất là kỹ năng sống: định hướng và sử dụng bản đồ; quan sát và phản ứng nhanh với các tình huống di chuyển; lái xe máy và điều khiển tốc độ, thích ứng với môi trường mới (dễ dàng ăn uống và ngủ nghỉ, có sức khỏe)...
Thứ hai là kỹ năng giao tiếp: Có khả năng tương tác và trò chuyện với người lạ, bao gồm cả trẻ em và người già, phụ nữ và đàn ông. Khắp nơi đều là cơ hội để kết bạn mới, tuy nhiên có sự lựa chọn. Chỉ kết bạn với những người mình thực sự cảm thấy hợp.
Thứ ba là kỹ năng quản lý: Thời gian và tài chính. Trong năm 2023, mình đã lên kế hoạch chuyến đi (bắt đầu từ đâu, lộ trình như thế nào, thăm quan từng tỉnh như thế nào, ở đâu và bao lâu) và ước tính kinh phí (chi phí xăng xe, ăn uống, nơi ở, chi phí khác và chi phí dự phòng).
Bên cạnh đó, mình đã tạo hồ sơ chuyến đi để mời các doanh nghiệp du lịch và các lĩnh vực liên quan khác hợp tác truyền thông và tài trợ để giảm thiểu chi phí. Trong suốt chuyến đi, mình luôn lập kế hoạch công việc cho mỗi 2 tuần (tạo ra ý tưởng nội dung tại các địa điểm tiếp theo, đăng bài trên TikTok, Facebook, Instagram và Youtube).