Cột mốc lịch sử và ưu điểm của C919
Vào ngày 28 tháng 5, chiếc máy bay C919 mang số đăng ký B-919A của hãng China Eastern Airlines đã thực hiện chuyến bay MU9191 từ sân bay quốc tế Hồng Kiều Thượng Hải (SHA) đến sân bay quốc tế Bắc Kinh (PEK). Chuyến bay kéo dài 3 giờ, với 130 hành khách trên khoang. China Eastern Airlines thông báo rằng máy bay này sẽ hoạt động trên tuyến bay từ Thượng Hải đến sân bay quốc tế Thiên Phủ Thành Đô (TFU) kể từ ngày 29 tháng 5. Hãng cũng tiết lộ đã đặt mua 5 máy bay C919, trong đó chiếc thứ hai sẽ được giao vào tháng 6 này và đội máy bay C919 sẽ hoạt động trên các tuyến bay phổ biến nối giữa các thành phố lớn như Thượng Hải, Bắc Kinh, Tây An, Côn Minh, Quảng Châu, Thành Đô và Thâm Quyến.

Có thực sự 'Made in China'?
Mặc dù C919 đã cất cánh và bắt đầu hoạt động thương mại, nhưng thực tế, khó có thể thay thế được các dòng máy bay cùng phân khúc của Airbus, Boeing hay Embraer trong thời gian ngắn, đặc biệt khi C919 không thật sự là sản phẩm của Trung Quốc.

Trung Quốc chịu trách nhiệm về việc thiết kế các phần chính như khung thân, vỏ, cánh và các bề mặt chuyển động trên cánh cho C919. Tuy nhiên, động cơ của máy bay vẫn được cung cấp bởi CFM International, đặc biệt là phiên bản LEAP-1C. Động cơ CJ-1000 của Trung Quốc đang được phát triển nhưng dự kiến sẽ được sử dụng vào năm 2030. Ngoài ra, nhiều hệ thống cốt lõi của C919 cũng được cung cấp bởi các công ty nước ngoài hoặc liên doanh, bao gồm các hệ thống từ Mỹ, Đức, Pháp và nhiều quốc gia khác.
Mặc dù có những lời chỉ trích, nhưng cũng có người cho rằng nên mừng cho Trung Quốc vì ngày nay không có quốc gia nào có thể tự chế tạo máy bay hoàn toàn từ các bộ phận sản xuất trong nước. Sự hợp tác với các công ty nước ngoài không phải là điều quá đáng trách, quan trọng là Trung Quốc đã đầu tư không ít vào các quy trình công nghệ cao và thiết kế phức tạp của máy bay. Thực tế, các bộ phận được cung cấp cho C919 đã được tùy chỉnh dựa trên yêu cầu kỹ thuật của máy bay này.
Sản xuất hàng loạt C919

Đến tháng 6 năm 2023, COMAC đã công bố đã nhận được hơn 1200 đơn đặt hàng cho máy bay C919. Mặc dù chưa rõ số lượng đơn đặt hàng đã được xác nhận, nhưng đã có thông tin rằng Hainan Airlines đặt mua 100 chiếc, trong đó có 60 chiếc C919 và 40 chiếc ARJ21 - sản phẩm khác cũng do COMAC sản xuất. Ngoài ra, tại triển lãm hàng không Chu Hải cuối năm trước, có tin đồn rằng 7 công ty thuê máy bay thuộc sở hữu nhà nước đã đặt mua 300 chiếc C919.
COMAC cũng đang tiến hành đệ trình chứng nhận kiểu loại của C919 tới Cơ quan an toàn hàng không châu Âu (EASA) - bước đầu tiên để bước vào thị trường này. Tuy nhiên, để có thể hoạt động và cạnh tranh trên thị trường quốc tế, C919 cần phải chứng minh độ tin cậy, an toàn và hiệu quả kinh tế. Số lượng sản xuất của C919 cũng sẽ quyết định đến thành công của chương trình này, và COMAC dự kiến có thể đạt được sản lượng 150 chiếc mỗi năm trong 5 năm tới. Nếu mục tiêu này được đạt được, từ năm 2025, COMAC sẽ có thể chiếm được 50% thị phần trong việc cung cấp máy bay phản lực cho các hãng hàng không trong nước. Hiện nay, các hãng hàng không Trung Quốc mỗi năm cần khoảng 200 chiếc máy bay phản lực thân hẹp từ Boeing và Airbus.