Trên hành trình trưởng thành, mỗi cá nhân trẻ tuổi đều mang những lo lắng riêng của mình, phải đối mặt với áp lực cá nhân và khó khăn trong việc chia sẻ cùng người khác. Đồng thời, nhiều bạn trẻ cảm thấy cô đơn, lạc lõng trong cuộc sống của mình vì không thể kết nối, hòa nhập với người khác.
Thông qua thực tế, một cuộc khảo sát quốc gia quy mô lớn của BBC (Tổng công ty Phát thanh Anh) đã kết luận rằng mỗi 10 người trẻ (từ 16-24 tuổi) có tới 4 người cảm thấy cô đơn, họ tỏ ra buồn bã, lạc lõng, và bị ảnh hưởng bởi hội chứng FOMO (sợ bị bỏ lỡ), không có ai để nói chuyện cùng.
Vậy tại sao những người trẻ lại phải chịu đựng những cảm xúc như vậy?
Áp lực từ xã hội xung quanh, từ những người xung quanh.
Công ty, trường học hoặc gia đình là nơi mà thanh thiếu niên tiếp xúc nhiều nhất. Ví dụ, hiện nay nhiều học sinh khi đến trường thường bị bạn bè chế nhạo, trêu ghẹo về ngoại hình hoặc gia đình của họ. Những người trẻ dần trở nên kín đáo, sợ xã hội, mất tự tin, hoang mang về bản thân. Họ cũng có thể mất kết nối với gia đình do thiếu sự chia sẻ từ cha mẹ, dẫn đến cảm giác cô lập, mất động lực. Ngoài ra, nhân viên văn phòng hàng ngày phải đối mặt với áp lực từ cấp trên, đồng nghiệp và công việc, làm cho họ mệt mỏi và lo lắng, dần dần trở nên cô lập, trầm cảm.
Áp lực từ bạn bè, trách nhiệm, và thay đổi khi rời xa vùng an toàn.
Trong thời đại phát triển, con người phải cố gắng tiến lên. Tuy nhiên, suy nghĩ rằng phải đạt được mọi thứ và so sánh với người khác khiến giới trẻ căng thẳng. Có quá nhiều công việc, hoạt động ngoại khóa, dự án và cuộc thi, khiến họ phải cảm thấy áp lực phải thành công và kiếm tiền khi còn trẻ, đồng thời nghi ngờ bản thân và mất tinh thần. Điều này cũng khiến họ tự ti và tránh xa người khác.
Một lý do khác là thách thức khi sống xa nhà, bắt đầu học đại học hoặc tìm việc làm mới. Trong môi trường mới, họ có thể cảm thấy cô đơn và khó kết nối với người khác, gặp khó khăn khi thích nghi với cuộc sống mới, khiến họ cảm thấy lạc lõng và buồn.
Mạng xã hội.
Bạn có bao giờ khi ở nhà lướt mạng xã hội và cảm thấy cô đơn khi nhìn thấy bạn bè đăng hình đi chơi chưa? Bạn có bao giờ theo trend mua quần áo trên mạng dù đã có nhiều đồ chưa mặc và không cần nó chưa? Và bạn có từng tự hỏi tại sao cuộc sống của mình nhạt nhẽo trong khi cuộc sống của người khác trên mạng xã hội lại thú vị đến vậy chưa (vì họ đi chơi ở nhiều nơi, tham gia nhiều bữa tiệc và gặp nhiều người) như những gì họ đăng trên mạng xã hội chưa?
Nếu bạn từng cảm thấy như vậy, bạn nên tìm hiểu về hội chứng FOMO. “FOMO (Fear Of Missing Out) là một hiện tượng tâm lý biểu hiện bằng sự lo sợ bỏ lỡ. Người bị hội chứng này thường căng thẳng, lo lắng về việc lỡ mất điều gì đó.” Họ thường lo sợ rằng mình bỏ lỡ những điều vui mà người khác có được, tự ti và nghĩ rằng mình không bằng người khác. Hội chứng này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tinh thần, làm mất ngủ…
Thời gian dài trên mạng xã hội có thể dẫn đến hội chứng FOMO, vì vậy chúng ta cần kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội của mình một cách hợp lý.
Một nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania được công bố trong tạp chí Journal of Social and Clinical Psychology vào tháng 12 năm 2018 cho thấy việc hạn chế sử dụng mạng xã hội xuống 30 phút mỗi ngày “có thể giúp cải thiện đáng kể sức khỏe”. Nghiên cứu với 143 sinh viên chưa tốt nghiệp cho thấy việc giảm thời gian sử dụng Facebook, Instagram và Snapchat xuống 30 phút mỗi ngày trong ba tuần đã giảm đáng kể cảm giác cô đơn và trầm cảm so với nhóm không thay đổi thời gian trên mạng xã hội.
Làm thế nào để giảm thiểu cảm giác cô đơn ở người trẻ?
Viết nhật ký hàng ngày.
Nhật ký là không gian để giải tỏa mọi cảm xúc, mỗi ngày bạn có thể ghi lại những điều đáng biết, suy nghĩ của bản thân về những sự kiện xảy ra. Viết nhật ký giúp bạn kiểm soát cảm xúc một cách khoa học, nâng cao nhận thức và sống tích cực hơn.
Thực hiện thiền định.
Thiền mang lại lợi ích lớn trong việc tăng cường sự tập trung, giúp bạn duy trì sự yên tĩnh và tránh xa sự bận rộn của cuộc sống. Đồng thời, thiền còn cải thiện trí nhớ và hệ thống miễn dịch. Theo Th.S Võ Thị Minh Huệ, “Thiền không phải để làm đầu óc trống rỗng, mà là để tập trung vào những suy nghĩ tích cực.” Hãy dành 10 phút mỗi ngày cho thiền định để đạt được hiệu quả tốt nhất.
Tin tưởng vào bản thân.
Mỗi người đều có thể đạt được thành công và hạnh phúc, miễn là họ có đủ ý chí và tin tưởng vào bản thân. Vì vậy, hãy luôn tự tin và khám phá những điểm mạnh riêng của mình để tỏa sáng theo cách độc đáo của mình. Chỉ khi chấp nhận bản thân mình và không so sánh với người khác, mới khiến chúng ta thực sự hạnh phúc. Tôi tin rằng chúng ta đều có thể cảm thấy trọn vẹn vào một ngày nào đó.
Hạn chế thời gian sử dụng mạng xã hội.
Giảm bớt thời gian sử dụng mạng xã hội sẽ giúp cải thiện tinh thần và tâm trạng của bạn. Sử dụng ít mạng xã hội cũng đồng nghĩa với việc bạn ít quan tâm đến cuộc sống của người khác và tập trung hơn vào cuộc sống của chính mình. Việc giảm thiểu thời gian trên mạng cũng tạo ra cơ hội để bạn phát triển và hoàn thiện bản thân.
Học cách sử dụng mạng xã hội một cách hợp lý và có mục tiêu đúng đắn cũng rất quan trọng. Hãy kiểm soát những gì bạn tiêu thụ trên mạng và học từ những thông tin tích cực, bỏ qua những thông tin tiêu cực ngay lập tức.
Không phải cô đơn, chỉ là một mình thôi.
Biến thời gian một mình thành nguồn niềm vui, lẻ mình không có nghĩa là phải theo đuổi câu chuyện của người khác. Bạn có thể tạo niềm vui cho bản thân mình mà không cần phụ thuộc vào cảm xúc và khuôn mặt của người khác. Họ không thể cô lập bạn khi bạn không cần họ. Hãy học cách không quan tâm đến ý kiến của người khác và làm cho niềm vui của mình không phụ thuộc vào họ. Điều này không dễ dàng, nhưng với thời gian, mọi thứ sẽ ổn thôi. Mưa nào mà không dừng lại?
Tác Giả: Mine