Một quốc gia tại Nam Mỹ hiện đang là nơi duy nhất không cho phép bán các thiết bị 5G như iPhone của Apple do có liên quan đến một vụ kiện vi phạm bằng sáng chế với hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson.
Theo một thông cáo báo chí gần đây, Apple sẽ phát hành iPhone 14 Plus tại Colombia vào cuối tháng này. Đáng chú ý, iPhone 14 đã bị cấm bán ở Colombia kể từ khi ra mắt, do có liên quan đến vụ kiện tụng giữa Apple và hãng viễn thông Thụy Điển Ericsson về công nghệ mạng 5G.
Carlos Olarte, luật sư của Ericsson tại Colombia, không biết về thông tin này cho đến khi được trang Rest of World liên hệ. Ông cho biết: “Tôi nghi ngờ đó là một sự nhầm lẫn”. Ông cũng nhấn mạnh rằng hành động này sẽ trực tiếp vi phạm lệnh cấm.
Vào tháng 7, một thẩm phán đã ra phán quyết cấm nhập khẩu bất kỳ thiết bị 5G nào của Apple, sau khi Ericsson kiện vi phạm bằng sáng chế tại Colombia và nhiều quốc gia khác. Ericsson yêu cầu Apple trả tiền sử dụng công nghệ 5G của họ, mặc dù mạng 5G chưa được triển khai tại Colombia.
Mức phí được đề xuất là 5 USD cho mỗi chiếc iPhone, nhưng Apple đã từ chối thanh toán. Hiện tại, Colombia là quốc gia duy nhất cấm thiết bị 5G của Apple như biện pháp phòng ngừa, cho đến khi có một phán quyết cuối cùng.
Rest of World đã liên hệ với Apple nhưng công ty này từ chối phản hồi. Sau đó, Apple tự ý xóa thông báo về việc phát hành iPhone 14 Plus tại Colombia vào ngày 28/10 trong thông cáo báo chí.
Một cuộc tranh chấp giữa hai công ty đã khiến Colombia bị cấm bán iPhone 14.
Trong vụ kiện với Apple, Ericsson cho biết Colombia chỉ chiếm khoảng 0,2% doanh số bán hàng toàn cầu của hãng. Tuy nhiên, gã khổng lồ viễn thông Thụy Điển cam kết sẽ kiện ở Colombia nhằm tạo ra một biện pháp phòng ngừa quan trọng trong các cuộc đàm phán pháp lý. Olarte nói: “Nếu ta làm một phép toán, con số đó là khổng lồ.”
Khi iPhone mới nhất được ra mắt toàn cầu vào tháng 9, người dân Colombia không thể mua tại bất kỳ cửa hàng ủy quyền, nhà bán lẻ lớn hoặc nhà mạng nào. Tùy chọn duy nhất là mua iPhone qua thị trường đen, nghĩa là hàng xách tay nhập lậu.
Nhiều người bán và mua tiết lộ, có nhiều cửa hàng cố gắng đưa sản phẩm vào Colombia bằng cách buôn lậu. Một số nhà cung cấp trả cho người dân Colombia ở Mỹ một khoản phí buôn lậu lên đến 300 USD cho mỗi chiếc, sau đó họ mang theo trong hành lý để mang về quốc gia.
Các cửa hàng khẳng định mức giá cao hơn là chi phí rủi ro mà họ phải đảm nhận, chi phí đó cuối cùng chuyển sang khách hàng, làm cho họ phải trả nhiều hơn. Tuy nhiên, một số lo lắng rằng các iPhone mới có thể không hoạt động trên mạng viễn thông trong nước.
Một nhân viên từ Thania Cel, một cửa hàng điện thoại nhỏ ở Bogotá, tiết lộ: “Mọi người sẽ đến Mỹ và yêu cầu chủ của tôi mang điện thoại về.”
Một nhân viên từ một cửa hàng điện thoại khác ở Bogotá tiết lộ rằng một số kẻ buôn lậu đã bị hải quan tại sân bay hỏi thăm, nếu họ mang theo một chiếc iPhone 14 trong quá trình kiểm tra thông thường. Tuy nhiên, người bán cho biết chính quyền không tịch thu điện thoại của những kẻ buôn lậu này.
Phiên bản iPhone 14 tiêu chuẩn ban đầu có giá 799 USD trên trang web của Apple, nhưng tại một cửa hàng ở Colombia, giá lại cao hơn tới 36%, lên đến gần 5 triệu peso (khoảng 1.084 USD). Không chỉ vậy, thị trường ở đây còn chứng kiến cảnh giá đắt đỏ. Một cửa hàng khác có thể bán với giá cao hơn tới 600.000 peso (khoảng 130 USD) cho cùng một mẫu.
Người dân phải mua hàng nhập lậu với giá đắt hơn 36%, và còn phải đối mặt với tình trạng loạn giá tại các cửa hàng.
Trong khi đó, Apple đã kháng cáo quyết định này và hy vọng sẽ có một phán quyết khác để có thể tiếp tục kinh doanh iPhone 14 và được chấp thuận từ cơ quan quản lý viễn thông Colombia.
Người dân vẫn tiếp tục mua bán iPhone trên khắp Colombia. Tuy nhiên, ngay cả khi rủi ro kinh tế của việc buôn lậu gần như thuộc về nhà cung cấp, người mua vẫn phải đối mặt với nỗi lo chiếc iPhone mắc tiền không hoạt động, hoặc không được bảo hành nếu gặp sự cố.
Một kỹ thuật viên giấu tên từ một cửa hàng sửa chữa ủy quyền cho biết: “Lệnh cấm cũng có nghĩa là chúng tôi không thể nhập khẩu linh kiện để thay thế.”
Khi được hỏi về cách sửa chữa một chiếc điện thoại Apple mới ở Colombia, một nhà cung cấp đã chọn đưa ra câu trả lời mơ hồ: “Nếu có vấn đề với iPhone 14, hãy mang đến cho tôi. Tôi sẽ giải quyết.” Có lẽ họ sẽ gửi sang Mỹ để sửa chữa, và bạn sẽ phải chờ đợi khá lâu để nhận lại máy.
Tham khảo: Rest of world