Có nên cho bé bú sữa khi đang ngủ?
Một số bậc phụ huynh lựa chọn cách cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình khi đang ngủ để giữ cho giấc ngủ của bé không bị ảnh hưởng vào ban đêm hoặc vì đó là cách duy nhất để bé bú mà không làm bé quấy khóc. Nếu bạn đang phân vân “có nên cho trẻ uống sữa khi đang ngủ hay không,” hãy đọc bài viết này để giúp bạn đưa ra quyết định đúng đắn.
1. Phương pháp cho bé bú khi ngủ là gì?
Cho trẻ bú khi ngủ là phương pháp cho trẻ bú khi đang buồn ngủ hoặc đang ngủ. Bé có thể thức lúc đầu, sau đó ngủ thiếp đi trong khi bú và tiếp tục bú sau đó hoặc khi trẻ bắt đầu ngủ dậy. Cho bé bú khi ngủ có thể là phương pháp do bé hoặc cha mẹ dẫn dắt, tập trung giải quyết vấn đề liên quan đến giấc ngủ hoặc bữa ăn của trẻ.
2. Có nên cho trẻ uống sữa khi đang ngủ?
Cho trẻ ăn trong tình trạng buồn ngủ có thể không đơn giản là việc bạn chọn làm, thay vào đó có thể là việc bạn cảm thấy bắt buộc phải làm nếu trẻ từ chối bú khi thức hoặc vì trẻ chỉ tỏ ra hợp tác khi được cho ăn trong trạng thái buồn ngủ.
Em bé của bạn có thể bú một phần khi ngủ. Có lẽ trẻ sẽ uống một ít sữa, sau đó ngủ thiếp đi trong khi bú và hoàn thành nốt phần còn lại. Ngoài ra, con bạn có thể bú hoàn toàn trong khi ngủ. Một số lý do khiến trẻ sơ sinh thích phương pháp cho bú khi ngủ bao gồm:
- Trẻ sơ sinh thường xuyên cảm thấy buồn ngủ: Bố mẹ thường tiêu tốn nhiều thời gian và nỗ lực để cho những đứa trẻ sơ sinh bú. Trẻ sơ sinh thường bắt đầu bú trong trạng thái tỉnh táo, buồn ngủ sau khi cơn đói ban đầu được thỏa mãn nhưng vẫn tiếp tục bú khi ngủ. Trẻ chỉ dừng bú khi đã ngủ sâu hoặc khi bú hết bình.
- Mối liên kết giữa ăn và ngủ: Khi trẻ ngủ liên tục trong khi bú, việc bú có thể trở thành một dấu hiệu giúp trẻ nhận biết giấc ngủ đang đến gần. Sự liên kết giữa bú và ngủ được biểu hiện khi trẻ sẽ tìm cách bú (bằng cách rướn người, mút tay hoặc quấy khóc) bất cứ khi nào trẻ mệt và sẵn sàng ngủ, bất kể lúc đó chúng có đói hay không. Nếu được cho bú, trẻ sẽ nhanh chóng chìm vào giấc ngủ. Ngoài ra khi được cho ăn theo nhu cầu, một em bé đã hình thành mối liên kết giữa việc bú và ngủ sẽ dễ bị gián đoạn giấc ngủ và muốn bú thường xuyên hơn, thậm chí chỉ bú trong trạng thái buồn ngủ theo thói quen.
- Tâm lý phản đối việc ăn: Áp lực khi ép bé bú hoặc tiếp tục bú khi bé không muốn có thể tạo ra trải nghiệm không thoải mái, căng thẳng cho bé và bố mẹ. Khi lặp đi lặp lại, áp lực này có thể khiến bé phát triển thói quen không muốn bú. Khi bé không muốn bú, bé trở nên quấy khóc và từ chối bú khi nhận ra sắp được ăn. Tuy nhiên, khi buồn ngủ hoặc ngủ gật, bé sẽ mất cảnh giác, bản năng bắt đầu hoạt động và việc bú trở nên tốt hơn. Theo thời gian, sự cân bằng giữa việc bú khi thức và khi ngủ có thể thay đổi theo hướng bé chỉ bú khi buồn ngủ hoặc khi đang ngủ.
- Các vấn đề có thể xuất hiện cùng nhau: Ba vấn đề mà chúng ta vừa mô tả có thể xảy ra độc lập hoặc liên quan đến nhau. Bé có thể phát triển thói quen bú chỉ khi buồn ngủ nếu bố mẹ không thực hiện những bước tích cực để ngăn chặn điều này xảy ra. Thói quen này có thể dẫn đến việc bé từ chối bú khi thức, khiến bố mẹ phải cố gắng ép bé bú. Điều này có thể khiến bé phát sinh ác cảm với việc ăn, tăng thêm vấn đề cho tình trạng này. Tình trạng này có thể xảy ra với cả trẻ bú mẹ và trẻ bú bình.
3. Có nên để bé bú khi ngủ nếu bé bị trào ngược axit?
Nhiều người nghĩ rằng bé bị trào ngược axit thích bú khi ngủ hơn, nhưng điều này không chính xác.
Khi bé cảm thấy khó chịu khi bú, có thể bé đang gặp vấn đề liên quan đến trào ngược axit. Giấc ngủ không giúp bé cảm thấy thoải mái vì trào ngược. Nếu đau là nguyên nhân khiến bé khó chịu khi bú khi thức, đau vẫn sẽ làm bé thức giấc và khó chịu khi bú khi ngủ. Đau liên quan đến tác động nóng rát từ trào ngược axit không chỉ xảy ra khi bé bú khi thức. Bé có thể ghét việc ăn do nó tạo ra cảm giác không thoải mái khi bú khi thức nhưng lại bú tốt khi ngủ.
4. Những vấn đề liên quan khi cho bé bú khi ngủ
Hầu hết các bé sơ sinh đều bú khi ngủ mà không có vấn đề rõ ràng nào. Tuy nhiên, vẫn có những vấn đề tiềm ẩn liên quan khi cho bé bú khi ngủ như:
- Thiếu ngủ: Mối quan hệ giữa bú và ngủ có thể dẫn đến giấc ngủ bị gián đoạn, từ đó khiến bé sơ sinh căng thẳng do thiếu ngủ.
- Bú không đủ: Bé có thể ngủ quá trước khi hoàn thành bữa bú. Lịch trình bữa ăn cứng nhắc trong trường hợp này có thể dẫn đến việc bé ăn thiếu chất.
- Bú quá mức: Bé dễ bú quá mức vì bé có phản xạ bú chủ động. Bú không theo nhu cầu có thể tạo ra vấn đề ăn quá mức. Triệu chứng tiêu hóa liên quan đến ăn quá nhiều thường bị nhầm lẫn với trào ngược, dị ứng sữa hoặc không dung nạp.
- Răng sâu: Số lần nuốt giảm khi ngủ so với khi thức. Sữa có thể đọng lại trong miệng bé, tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn gây sâu răng phát triển.
- Hô hấp: Bé bú khi buồn ngủ tăng nguy cơ bé bị sặc hoặc hít sữa vào phổi.
- Nhiễm trùng đường hô hấp: Các nghiên cứu chỉ ra rằng bé sơ sinh bú khi ngủ có nguy cơ bị nhiễm trùng đường hô hấp cao hơn.
- Áp lực tài chính: Việc tìm giải pháp khuyến khích bé bú khi thức có thể tốn kém. Bố mẹ thường chuyển sang sữa công thức sau khi thử nghiệm nhiều loại núm và bình sữa. Nếu không thành công, họ tìm kiếm lời khuyên y tế. Thường, bé bị áp lực về việc bú khi thức được chẩn đoán là bị trào ngược axit, nhưng điều này thường xảy ra khi bác sĩ không quen với mối quan hệ giữa việc bú và ngủ, chán ăn, ăn quá mức và vấn đề hành vi khác có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của bé sơ sinh. Do đó, bé có thể được kê đơn thuốc, thậm chí nhiều loại thuốc, và có thể cần tái khám nhiều lần. Nếu thuốc không hiệu quả, bé có thể được nghi ngờ dị ứng hoặc không dung nạp sữa và chuyển sang sữa công thức ít gây dị ứng. Nếu vẫn không hữu ích, bé có thể được giới thiệu đến nhiều chuyên gia y tế, chuyên gia dinh dưỡng, chuyên gia trị liệu ngôn ngữ và phải trải qua nhiều xét nghiệm chẩn đoán.
- Căng thẳng của bố mẹ: Khi bé chỉ bú khi buồn ngủ, việc đảm bảo bé ăn đủ có thể chi phối cuộc sống gia đình. Việc cho ăn cần được hẹn giờ chính xác khi bé vừa ngủ hoặc khi bé thức giấc. Do bé sơ sinh có thể ngủ thiếp đi trong khoảng thời gian ngắn, lượng sữa mỗi lần bú có thể ít, nghĩa là bé đòi bú nhiều lần hơn mức trung bình so với độ tuổi. Căng thẳng xuất hiện khi bố mẹ luôn cố gắng đảm bảo bé bú đủ.
5. Làm thế nào để cho bé bú khi ngủ một cách an toàn?
Bố mẹ có thể cho con bú trước khi đi ngủ. Hãy thử cho bé bú từ 10 giờ tối đến 11 giờ tối, nhưng cần ít nhất là 2,5 đến 4 giờ kể từ lần bú cuối cùng của bé. Trong khi đó, cha mẹ cần:
- Giảm ánh sáng trong phòng;
- Tránh nói chuyện hoặc tiếng ồn lớn;
- Nếu cho bé bú, hãy nhẹ nhàng ôm bé đang ngủ vào lòng. Có thể đặt bé trên một chiếc gối để bú ở tư thế nửa ngả. Hãy tháo gối và đặt bé nằm phẳng sau khi bé bú xong;
- Không bao giờ để bé bú hoặc để một chiếc gối trong nôi mà không có người giám sát;
- Vỗ ợ hơi thường không cần thiết vì bé sơ sinh thường nuốt rất ít không khí khi đang ngủ. Nếu cảm thấy bé cần ợ hơi, hãy thử cho bé ngồi ở tư thế thẳng và xoa lưng bé;
- Hãy đưa bé trở lại giường trong khi bé vẫn đang ngủ sau khi bú xong;
- Chỉ thay tã cho bé nếu tã ướt hoặc bẩn nhiều.
Trong tình trạng bé buồn ngủ, việc cho bé ăn có thể là lựa chọn tốt nhất nếu bé từ chối bú khi thức hoặc chỉ hợp tác khi được ăn trong trạng thái buồn ngủ. Nếu phải cho bé ăn khi bé buồn ngủ, cha mẹ cần chú ý hơn để tránh những vấn đề như sặc sữa, trào ngược,...